Cuộc đọ sức trên mặt trận quân báo
Kế hoạch của CIA và Lê Quang Tung
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, biên giới Lào trở thành điểm quan trọng cho các cuộc vận chuyển binh lực bộ đội Việt Nam. Quân báo Mỹ lẫn tình báo VNCH biết rõ điều này. Chính quyền Ngô Đình Diệm từng thương lượng với Chính phủ Hoàng gia Lào cho quân VNCH trà trộn vào vùng và cải trang làm lính Hoàng gia Lào. Đến cuối năm 1959, một đồn lính VNCH đã được lập tại làng Ban Houei Sane (Lào). Với loạt chiến dịch thành công của bộ đội Việt Nam tại khu vực giáp giới cũng như vùng Tây Nguyên, quân đội VNCH thúc giục Diệm hỗ trợ lính Hoàng gia Lào tái chiếm Tchepone.
Tuy nhiên, Diệm từ chối và thay vào đó yêu cầu ủng hộ Tiểu đoàn tình nguyện 33 (BV 33). Nhóm đặc nhiệm thuộc Sư đoàn 1 Bộ binh VNCH - cùng hỗ trợ của Nhóm quan sát thứ nhất (OG I) - bắt đầu lẻn vào Lào. OG I không phải là thành phần “quan sát viên quốc tế” mà chính là phân nhánh của Văn phòng Liên lạc Tổng thống (Presidential Liaison Office - PLO), có nhiệm vụ giám sát và báo cáo tình hình Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Dương nói chung cho riêng John F. Kennedy.
Đầu tiên được biết đến với tên “Phân khu 6” thời chiến tranh Đông Dương, PLO hình thành như một văn phòng phản gián của Mỹ tại khu vực. Sau khi được giao lại cho VNCH, PLO nằm dưới sự chỉ huy của Trung tướng VNCH Lê Quang Tung. Hè năm 1957, 54 lính PLO trải qua khóa huấn luyện 4 tháng tại Nha Trang với hướng dẫn của một toán đặc nhiệm bộ binh Mỹ (U.S. Army Special Forces).
Sĩ quan VNCH Lê Quang Tung (bên phải)
Ngày 6/5/1961, Nội các John F. Kennedy chính thức chuẩn y chương trình tuyệt mật đánh phá biên giới Lào (đường mòn Hồ Chí Minh). Chiến dịch được trợ giúp của Phân đoàn nghiên cứu hỗn hợp (CSD - gồm một nhóm CIA nằm trá hình trong Sứ quán Mỹ tại Sài Gòn, với Chỉ huy trưởng là Đại tá Gilbert Layton).
Cùng Thiếu tá VNCH Trần Khắc Kinh (Chỉ huy phó PLO), Layton lập kịch bản “Thunder Shower” (Lôi Vũ) mà sau này được biết đến với cái tên “Typhoon” (Bão dữ). Để đảm bảo kế hoạch vẹn toàn, Kinh còn tuyển một số lính từ Sư đoàn 22 bộ binh (đóng ở Kon Tum), gồm chủ yếu người Tày. 160 lính Tày được đưa về Trường sĩ quan Thủ Đức để trải qua khóa huấn luyện cận chiến. Sau khi tốt nghiệp, nhóm này được đặt tên là Đại đội 1 không kỵ Ranger, nằm dưới sự chỉ huy của Đại úy người Tày Lương Văn Hối (từng có mặt trong lực lượng Pháp thời chiến tranh Đông Dương).
Tiếp đó, Trần Khắc Kinh thành lập Đại đội 2 không kỵ Ranger, gồm người Nùng, với chỉ huy của Voong Chay Menh. Cùng hai đại đội này, Kinh tung lực lượng tình báo đến đường mòn Hồ Chí Minh vào tháng 8/1961. Từ máy bay Douglas C-47, nhóm quân báo nhảy dù xuống Lào. Sau gần 3 tháng, các toán quân báo VNCH tái hợp và cùng bí mật tản đến khu vực giáp giới. Tháng 11/1961, khi mò về sân bay Attopeu để lấy lương thực, một nhóm quân báo VNCH bị bộ đội Việt Nam phát hiện và tấn công. Kinh liên lạc quân đội Hoàng gia Lào, xin cứu viện.
Tuy nhiên, chẳng ai dám mạo hiểm vào địa thế hiểm trở và thay vào đó, không quân Hoàng gia Lào dội bom xuống khu vực. Trong cơn hoảng loạn, 3 lính quân báo VNCH phóng vào rừng trốn. Nhận được tin, Chỉ huy trưởng Attopeu - Đại tá Khong Vongnarath - ra lệnh ngưng bỏ bom và phái hai đại đội tìm lính quân báo VNCH…
Cuộc đối đầu không khoan nhượng
Sau màn ra mắt đầu tiên thất bại, PLO tung ra Toán 5 dưới sự chỉ huy của Nguyễn Ngọc Giang vào khu vực. “Thiên bất dung gian”, chiếc máy bay tiên phong của Giang lạc tay lái va vào lùm cây to và Giang phải liều mình phóng xuống để tự cứu mạng. Hậu quả, Giang gãy cả hai chân. Một giờ sau, lính của Giang mới nhảy dù xuống và loay hoay cả tiếng đồng hồ mới tìm được sếp. Khi thấy đồng đội, Giang quát tháo nhặng xị và sau đó rút súng toan tự tử!
Đám lính tước súng Giang và điện về Sài Gòn xin giải cứu khẩn cấp. Một lần nữa, Kinh lại không tuân thủ quy định CIA, bí mật phái một trực thăng H-34 đến hiện trường, với hỗ trợ của hai chiến đấu cơ Douglas A-1. Đích thân Kinh chỉ huy chiến dịch từ chiếc C-47. Tuy nhiên, không lâu sau khi hai chiếc Douglas A-1 khởi hành từ Đà Nẵng, họ mất liên lạc với nhóm Giang. Không biết làm gì hơn được, chiến dịch giải cứu hủy bỏ (sau này mới biết rằng hai chiếc Douglas A-1 đã đâm vào núi). Tuyệt vọng, nhóm Giang lần mò trong rừng tìm đường về. Ngày 10/12/1961, họ bị bắt…
James T. Davis - sĩ quan quân báo Mỹ đầu tiên chết tại chiến trường Việt Nam |
Kế hoạch đánh phá đường mòn Hồ Chí Minh tiếp tục được CIA yêu cầu VNCH thực hiện (trước đó, tháng 7/1961, một sĩ quan OG I thân chinh ra trận cũng đã bị thộp sau khi máy bay bị bắn rơi).
Sau nhiều lần xôi hỏng bỏng không, lực lượng đặc nhiệm VNCH đổi tên thành Nhóm 77 (đặt theo sự kiện ngày 7/7/1954, khi Diệm chính thức lên ghế tổng thống); và chỉ huy Bùi Thế Minh được thay bằng Thiếu tá Phạm Văn Phú. Là tiểu đoàn phó không kỵ đầu tiên trong hàng ngũ quân VNCH thời Pháp, Phú từng nhảy dù xuống Điện Biên Phủ năm 1954 và bị bắt làm tù binh. Sợ rằng Phú bị “tẩy não” sau khi được Việt Minh thả, quân đội VNCH đã xếp Phú vào thành phần bị theo dõi chặt chẽ.
Tuy nhiên, với nhiều lần chứng minh lòng trung thành, Phú được giao ghế chỉ huy Nhóm 77. Theo yêu cầu của Phú, nhóm quân báo - đặc nhiệm VNCH được mở rộng, thêm Đại đội 3 và Đại đội 4 Ranger. Đại đội 4 gồm đa số thành phần Thiên Chúa giáo tình nguyện, được tuyển mộ từ sự giúp đỡ của linh mục Mai Ngọc Khuê. Đại đội trưởng Đại đội 4 Ranger là Trung úy Trần Khắc Khiêm (em ruột Kinh).
Đầu năm 1962, chiến dịch Typhoon “phiên bản cập nhật” được tiến hành. Tiến vào Lào từ Lao Bảo, Đại đội 1 Ranger lẻn đến Muong Nong. Dự kiến nằm phục tại đây 4 tuần chờ quân báo nhảy dù xuống hỗ trợ, Đại đội 1 Ranger bất ngờ bị tấn công và thiệt mạng 4 người. Không còn cách nào khác, họ thu binh trở về Lao Bảo. Giữa năm 1962, lực lượng Typhoon mở thêm vài chiến dịch thâm nhập nữa.
Tuy nhiên, tháng 10/1962, khi một hiệp định quốc tế có hiệu lực tại Lào (yêu cầu tất cả lực lượng quân đội nước ngoài rút khỏi nước này), chiến dịch Typhoon bị ách lại. Tổng cộng, quân báo VNCH đã thực hiện 41 đợt thâm nhập biên giới Lào cũng như dọc đường mòn Hồ Chí Minh trong thời gian đầu thập niên 60 và tất cả đều thất bại.
Cục An ninh Quân đội Hoa Kỳ vào cuộc
Trong phiên họp Hội đồng An ninh Quốc gia ngày 29/4/1961, Tổng thống John F. Kennedy đã chuẩn y việc Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA) hỗ trợ lực lượng quân báo VNCH. Thời điểm đó, sự chia sẻ thông tin tình báo với nước ngoài còn là điều bất thường đối với ngành an ninh - tình báo Mỹ. Phó đô đốc Lawrence H. Frost - Giám đốc NSA - đã ra lệnh Cục An ninh Quân đội (ASA) lập tức triển khai kế hoạch.
Vài tuần sau, Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA lên đường sang Nam Việt Nam. Ngày 13/5/1961, những đôi giày bóng lộn của 93 sĩ quan quân báo Mỹ đã bước ra khỏi chiếc C-130 đỗ tại phi trường Tân Sơn Nhất. Xác định vị trí tình nghi đóng quân của du kích Việt Nam là một trong những nhiệm vụ của Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA.
Một nhóm đặc nhiệm Mỹ - VNCH tại biên giới Việt - Lào
Ngoài ra, còn có chiến dịch White Birch gồm nghe lén; và chiến dịch thứ ba - Sabertooth - gồm huấn luyện quân báo VNCH kỹ thuật gián điệp hậu tuyến cũng như giải mã. Căn cứ Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA (còn gọi là Đơn vị nghiên cứu vô tuyến thứ ba) nằm trong một nhà chứa máy bay cũ tại Tân Sơn Nhất, nóng hầm hập và ngột ngạt (trong khi đó, sếp Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA được “bố trí” ở tại khách sạn Majestic).
Trong 7 tháng, lực lượng quân báo Mỹ tại Nam Việt Nam tăng hơn gấp đôi. Đến tháng 12/1961, lực lượng này đã lên đến 236 người, nằm rải rác tại 18 vị trí nghe lén, trong đó có điểm nghe lén và bắt tín hiệu quân báo Bắc Việt Nam đặt tại Phú Bài, gần khu vực phi quân sự (DMZ).
Công việc của quân báo Mỹ nguy hiểm không kém lính tác chiến, đặc biệt tại một chiến trường mà lính Mỹ “bị đột kích nhiều hơn mặt đối mặt kẻ thù” - như miêu tả của chính John F. Kennedy. Trong số sĩ quan quân báo thuộc Đơn vị chiến dịch đặc biệt ASA, có James T. Davis. Nhóm Davis được phân công truy tìm du kích tại vùng ven Sài Gòn.
Muốn như vậy, James T. Davis phải ra sát khu vực tình nghi để bắt sóng liên lạc du kích. Một hôm cùng toán lính VNCH, James T. Davis mang theo thiết bị PRC-10 để bắt tín hiệu sóng ngắn. Ba ngày trước Giáng sinh 1961, James T. Davis lại lên chiếc jeep cùng toán lính bảo vệ VNCH phóng về phía tây Sài Gòn.
Khi cách căn cứ khoảng 15km, nhóm James T. Davis bị tấn công. Cầm khẩu carbine M-1, James T. Davis bóp cò. Tuy nhiên, họ đã bị vây kín. Sau vài phút, 9 tay súng VNCH bị thiệt mạng. Một viên AK-47 bắn trúng đầu Davis từ phía sau. Davis đổ gục, trở thành sĩ quan quân báo Mỹ đầu tiên chết tại chiến trường Việt Nam (hai tuần sau, Đơn vị nghiên cứu vô tuyến thứ ba đổi tên thành Trạm Davis và thậm chí một doanh trại NSA tại Mỹ cũng lấy tên này).
Tại Washington, Kennedy quyết định Mỹ hóa cuộc chiến Việt Nam, yêu cầu CIA tăng cường chiến dịch đột nhập phía bên kia DMZ. Một đêm tối, quân báo VNCH nhảy dù vào chiến tuyến thuộc kiểm soát Bắc Việt và được đón chào bằng loạt súng liên thanh. Cuối cùng, cho đến khi từ giã Nhà Trắng đột ngột bởi bị ám sát, John F. Kennedy vẫn không hài lòng kết quả cụ thể nào của quân báo Mỹ tại chiến trường Việt Nam…
Thất bại liên tiếp, tại sao?
Đầu năm 1964, số lính - sĩ quan quân báo Mỹ tại Việt Nam đã lên đến 1.747 người, trong đó 300 người đóng ở Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, còn có nhóm quân báo thủy quân lục chiến đóng ở Pleiku và quân báo không quân đóng ở Đà Nẵng. Một mạng kết nối các điểm nghe lén được thiết lập bí mật ở Nha Trang, Cần Thơ, Biên Hòa, Pleiku, Đà Nẵng và Ban Mê Thuột - tất cả đều được đấu liên lạc trực tiếp với tổng hành dinh NSA tại Mỹ qua một sợi cáp ngầm dưới biển kéo từ Nam Việt Nam đến Philippines. Mật danh Wetwash, sợi cáp này còn truyền về bộ chỉ huy NSA các thông điệp phức tạp vượt quá khả năng giải mã của quân báo Mỹ tại Sài Gòn…
Bộ Chỉ huy MACV II, số 606 đường Trần Hưng Đạo, Sài Gòn (1965)
Theo tác giả James Bamford trong Body of Secrets, quân báo Bắc Việt đã chơi nhiều vố khá đau cho quân báo Mỹ. Một báo cáo tuyệt mật NSA từng ghi: “Một bức tranh rõ ràng và thậm chí mang tính đe dọa về sự thành công của quân báo Việt Cộng chống lại kỹ thuật quân báo phe đồng minh (ở đây hiểu là Mỹ) đã dần xuất hiện”. Cuối thập niên 60, một số vị trí nghe lén của quân báo VNCH bị phát hiện.
“Đánh giá thiết bị tịch thu được đã cho thấy đơn vị quân báo kẻ thù có thể nghe hầu như tất cả liên lạc Morse của Mỹ và đồng minh. Tài liệu cho thấy đối phương đã rất am hiểu kỹ thuật quân báo…”. Tình báo Mỹ đánh giá rằng, Bắc Việt có khoảng 5.000 chuyên viên bắt tín hiệu và “kẻ thù đang thực hiện một chiến dịch quân báo cực kỳ phức tạp nhắm trực tiếp vào Mỹ và lực lượng đồng minh tại Nam Việt Nam”.
Hậu quả của lỗ hổng quân báo Mỹ và kỹ thuật quân báo Bắc Việt đã trở thành vấn đề nghiêm trọng. Tướng Charles R. Myers (sĩ quan quân báo từng làm việc tại Việt Nam) kể rằng: “Kẻ thù thường biến mất khỏi vị trí nào đó trước khi một kế hoạch chiến dịch oanh tạc định sẵn của Mỹ tiến hành” và “B-52 thường xuyên dội bom xuống các địa điểm không người mà trước đó quân báo Mỹ từng cung cấp thông tin về sự tập trung đông của Việt Cộng”. Trận đánh ngày 11/2/1965 là một điển hình, khi chiến hạm USS Hancock dội pháo xuống căn cứ Việt Cộng tại duyên hải miền Bắc. Không hiểu bằng cách nào, chiến dịch tuyệt mật tưởng thành công chắc chắn này đã không hề “bất thần” hạ được chiếc tàu hoặc căn cứ Việt Cộng nào trong khi oanh tạc cơ Mỹ lại được đón chào bằng loạt pháo cao xạ.
Theo vài phân tích mật NSA thời điểm đó, một trong những nguyên nhân khiến quân báo Mỹ thất bại là sự rò rỉ từ quân báo VNCH. Đó là chưa kể việc quân báo Việt Cộng học được cách giải mã từ chính những thiết bị quân báo Mỹ mà họ tịch thu được, đặc biệt thiết bị TPHZ-3 - có thể nghe 30 line điện thoại cùng một lúc.
Năm 1967, từ thiết bị này, quân báo Mỹ đã nghe được 6.606.539 cuộc điện đàm vô tuyến và hơn 500.000 điện đàm điện thoại. Trong một lần, TPHZ-3 đã cứu được mạng tướng Creighton W. Abrams (phó tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam). Khi Abrams chuẩn bị lên trực thăng từ Sài Gòn ra Phú Bài, quân báo Việt Cộng đã lập tức truyền tín hiệu báo cáo trung tâm về lịch trình của Abrams. Tuy nhiên, lần này TPHZ-3 đã bắt được tín hiệu liên lạc trên; nếu không, Abrams đã thiệt mạng.
Quân báo Việt Cộng cũng thành công trong việc tung tin giả bằng cách ngụy tạo thông điệp và “sơ hở” gửi truyền; đồng thời dụ quân báo Mỹ truyền thông tin nhạy cảm để họ bắt được! NSA gọi đây là kỹ thuật “sự lừa phỉnh viễn thông mô phỏng” (ICD). Bằng ICD, Việt Cộng đã bắn hạ ít nhất 8 trực thăng Mỹ trong một chiến dịch. ICD cũng được thể hiện ở hình thức khác. Trong một vụ đánh ở căn cứ không quân Mỹ tại Đà Nẵng, du kích Việt Cộng đầu tiên giết chết lính canh Mỹ rồi dùng điện thoại “báo động” rằng, góc mé xa căn cứ “đang bị cộng quân tấn công”.
Toán lính canh Mỹ lập tức được điều động đến khu vực “đang giao tranh”. Hậu quả, an ninh căn cứ bị bỏ lỏng và căn cứ bị bộ đội tấn công bất ngờ. Lần đó, trị giá số máy bay Mỹ bị phá hỏng lên đến 15 triệu USD. Lần khác, Việt Cộng dùng tần số liên lạc trực thăng để giả giọng trung tâm chỉ huy, yêu cầu trực thăng chuyển hướng bay và cuối cùng nó bị bắn cháy.
Theo cùng cách, “có vô số lần mà máy bay Mỹ bị “hướng dẫn” dội bom vào chính đồng đội họ; và nhiều lần khác, du kích có thể ngăn được cuộc tấn công của Mỹ bằng cách tạo ra mệnh lệnh ngừng bắn giả” - tác giả James Bamford viết…
Cuộc chiến mật mã
Ngày 18/6/1965, trên đường băng căn cứ không quân Guam, 27 chiếc pháo đài bay B-52 đậu nối đuôi nhau như một cuộc tổng dượt cho ngày tận thế. Quang cảnh trông lạnh tóc gáy. Chúng chuẩn bị lên đường, cho chiến dịch mang mật danh Arc Light với loạt mục tiêu là căn cứ Việt Cộng…
Không lâu sau sự kiện vịnh Bắc Bộ (tháng 8-1964), một tàu đánh cá Liên Xô tên Izmeritel xuất hiện ngoài khơi Apra (cảng chính của Guam). Chẳng ngư dân nào trong vùng biết rằng Izmeritel được trang bị thiết bị bắt sóng, tại một vùng mà Guam đã trở thành một trong những trung tâm liên lạc chủ yếu của hải quân Mỹ ở Đông Nam Á và là bãi phóng của B-52 vào Việt Nam. Không lâu sau khi chiến dịch Arc Light tiến hành, Bộ Chỉ huy quân đội Mỹ tại Guam bắt đầu nhận ra rằng, nhiều đợt oanh tạc B-52 đã mất tính bất ngờ và phải mất hơn một năm họ mới hiểu tại sao. Hóa ra hầu hết thông tin liên quan Arc Light đã bị Izmeritel bắt được và thậm chí xác định số hiệu máy bay B-52 để cung cấp cho quân báo Bắc Việt.
USS Oxford là chiếc tàu quân báo đầu tiên của Mỹ đến chiến trường Việt Nam
Rõ ràng, quân báo Mỹ đã thất bại trong cuộc chiến mật mã, theo cùng cách như Đức - Nhật thất bại trong Thế chiến thứ hai. Với trợ giúp của tình báo Liên Xô, quân báo Bắc Việt đã đột nhập thành công vào hệ thống mã khóa an toàn nhất của Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ (NSA), “hốt” được vô số thông tin như trước kia NSA từng phá được bộ mã Enigma của Đức và Purple của Nhật trong Thế chiến thứ hai.
Ngay từ những ngày đầu cuộc chiến, tướng lĩnh Mỹ đều tin tưởng tuyệt đối về thế mạnh kỹ thuật quân sự mình. Họ tin rằng, lực lượng quân sự Bắc Việt và du kích “tầm vông vạt nhọn” không bao giờ có thể hiểu mô tê gì về hệ thống mật mã phức tạp của NSA…
Ngày 8/3/1965, hai tiểu đoàn thủy quân lục chiến đổ bộ vào Đà Nẵng - lực lượng quân bộ chính thức đầu tiên được đưa vào chiến trường Việt Nam (đến cuối năm, số lính Mỹ tại Việt Nam đã tăng lên gần 200.000). Sau thời gian ngắn im lặng, Việt Cộng lại tổ chức tấn công dữ dội khắp Nam Việt Nam từ ngày 11/5/1965. Hơn 1.000 bộ đội Việt Nam đã tràn vào Sông Bé từ ngả Campuchia. Để “khóa cửa” Campuchia, NSA quyết định đưa tàu USS Oxford sang Việt Nam, trở thành chiếc tàu quân báo đầu tiên bước vào chiến trường Việt Nam.
Sau khi nhận đủ quân số, USS Oxford khởi hành đến khu vực Phú Quốc và bắt đầu “làm việc”. Ít lâu sau, NSA phái thêm tàu quân báo USS Jamestown (còn được gọi là Jimmy-T), lảng vảng ở Biển Đông, gần châu thổ Cửu Long. Trang bị cho USS Oxford lẫn USS Jamestown là máy bắt sóng đa kênh KG-14 siêu mạnh cùng đội ngũ nhân viên NSA rành tiếng Thái, Miên, Tàu, Nga, Việt và thậm chí ngôn ngữ Tagalog (tiếng bản ngữ Philippines).
Một trong những sứ mạng quan trọng của USS Oxford là nghe lén Hội nghị Thượng đỉnh tổ chức tại Manila (gồm Australia, Nam Hàn, Philippines, New Zealand, VNCH, Thái Lan và Mỹ), diễn ra từ ngày 23 đến 27/10/1966, nhờ đó có thể nắm được động thủ các bên tham gia thương lượng và thậm chí biết được - theo lời kể John De Chene - về âm mưu ám sát Tổng thống Lyndon B. Johnson, Tổng thống Ferdinand Marcos và Nguyễn Cao Kỳ.
Cuối năm 1967, NSA đã đặt Việt Nam dưới ống kính hiển vi khổng lồ của mình. Các chuyên gia tình báo tín hiệu (SIGINT, viết tắt từ Signal Intelligence) của NSA thậm chí quét (scan) tất cả tờ báo ấn hành tại Bắc Việt Nam để hy vọng tìm vài bức ảnh chụp thiết bị truyền tin. Về lý thuyết, gần như không tín hiệu liên lạc nào của Bắc Việt có thể thoát khỏi hệ thống nghe lén của quân báo Mỹ, từ cột ăng-ten gắn trên chiếc xe jeep lội ruộng ở đồng bằng Cửu Long đến hệ thống bắt sóng nằm dưới bụng máy bay do thám Blackbird bay trên bầu trời Hà Nội ở độ cao 15 dặm với vận tốc gấp ba vận tốc âm thanh.
Dù vậy, tất cả tín hiệu bắt trộm đều vô dụng nếu không có phân tích xác đáng và tất cả phân tích đều vô dụng nếu tướng lĩnh không đánh giá xác đáng. Điều đó đã xảy ra trong bộ máy quân sự Mỹ tại Việt Nam.
Ngày 27/1/1973, tàu do thám USS Turner Joy rời khỏi Việt Nam
Theo nguyên tắc, khi bắt được tín hiệu liên lạc Bắc Việt, bộ phận giải mã NSA sẽ phá mã, dịch và phân tích thành dữ liệu. Trong khi Westmoreland không bao giờ tin quân số Bắc Việt vượt quá 298.000, thông tin NSA cho biết lực lượng Bắc Việt có thể lên đến 420.000-431.000. Sự khác biệt trong đánh giá thực lực đối phương khiến giám đốc CIA Richard Helms từng nổi cáu và phái phân tích viên CIA, NSA lẫn Cơ quan tình báo quốc phòng (DIA) sang Sài Gòn để làm việc với Westmoreland.
Trong cùng thời gian, NSA cũng nhận được thông tin về sự chuyển quân số lượng lớn của bộ đội Bắc Việt với khả năng tổ chức một cuộc tổng tấn công. Ngày 17/1/1968, NSA tung ra báo cáo về khả năng tấn công của Bắc Việt tại loạt thành phố lớn ở miền Trung và Đông Nam Bộ. Dù được thông báo có tảng băng to trước mặt nhưng Westmoreland vẫn cho tàu tiến tới, với niềm tin rằng con tàu khổng lồ của mình không thể bị đánh chìm. Hậu quả, “cộng quân” đã tiến vào Sài Gòn, trong chiến dịch Mậu Thân, làm thiệt mạng ít nhất 4.000 lính Mỹ. Cần nói thêm, ở thời điểm đó, lực lượng NSA tại Nam Việt Nam đã lên đến 95.000 người (!), gấp 5 lần cơ số CIA (chưa kể khoảng 10.000 nhân viên NSA khắp Đông Nam Á).
Đầu năm 1972, NSA tiến hành chiến dịch Explorer với hệ thống hầm ngầm tại sát khu vực phi quân sự (DMZ). Một trong những hầm ngầm như vậy, mật danh A-4, đặt tại vùng núi gần Cồn Tiên (Quảng Trị). A-4 là trạm nghe lén nằm sát khu vực kiểm soát Bắc Việt nhất của NSA. Boongke ngầm của nó chứa 7 nhân viên (5 người làm việc, 2 người ngủ; tiếp đó đổi ca). Tháng 3/1972, Quảng Trị trở thành chiến trường đỏ lửa. Trận mưa đạn cối 122 li của lính Bắc Việt liên tục dội xuống khu vực.
Một trong những quả pháo như vậy đã phóng trúng A-4, làm chết tức thì hai nhân viên NSA và boongke A-4 trở thành lò thiêu khi nó cháy liên tục trong nhiều ngày. Tất cả nhân viên NSA liên quan chiến dịch Explorer được lệnh tiêu hủy thiết bị, đặc biệt các đĩa nhiệt nhôm chứa dữ liệu (mà muốn hủy, phải dùng nhiệt điện nung cháy ở 19.400oC). Vài ngày sau sự kiện “Mậu Thân thứ hai” tại Quảng Trị, NSA đã xóa sạch dấu vết. 7h45 sáng 27/1/1973, 15 phút trước khi Hiệp định ngừng bắn có hiệu lực, tàu USS Turner Joy lặng lẽ rút khỏi Việt Nam...
Cao Minh