Cụ ông 74 tuổi hơn 30 năm "giữ hồn" đèn Trung thu truyền thống
Dịp Tết Trung thu đến, căn nhà 2 tầng của ông Trương Việt Dũng (74 tuổi) nằm trong con ngõ nhỏ trên phố Lý Tự Trọng (phường Bắc Hà, thành phố Hà Tĩnh) trở thành xưởng sản xuất đèn truyền thống cho thiếu nhi.
Ông Việt Dũng bắt đầu làm đèn Trung thu thủ công, truyền thống từ năm 1990.
"Tôi là một cựu binh, từng tham gia chiến đấu ở các chiến trường. Trở về quê hương, tôi làm nhiều nghề khác nhau. Mỗi mùa thu, ký ức những ngày Tết Trung thu thời còn gian khó nhưng đầy ý nghĩa với những chiếc đèn ông sao cha mẹ chuẩn bị cho con cháu lại ùa về với tôi. Điều đó thôi thúc tôi nghiên cứu, học hỏi và bắt tay vào sản xuất đèn để mong giữ nét truyền thống", cụ ông chia sẻ.
Cứ thế, hơn 30 năm qua, ông Dũng gắn bó với công việc làm đèn Trung thu truyền thống. Dịp này cũng vậy, ông tất bật chuẩn bị nguyên liệu như thanh tre, nứa, bìa cứng, giấy màu...
Sau đó, ông làm tiếp nhiều công đoạn chẻ, vót tre, dựng khung, trang trí. Tất cả đều được người thợ 74 tuổi triển khai tỉ mỉ, khéo léo để ra các sản phẩm đèn có hình dạng khác nhau như con thỏ, cá chép, con gà, cái kẹo và nhiều nhất là đèn ông sao.
"Đèn ông sao nhất định phải có hình Bác Hồ dán ở giữa mới ý nghĩa. Bác Hồ rất yêu thương thiếu niên nhi đồng, rất quan tâm đến ngày Tết Trung thu cũng như chăm lo cho các thế hệ sẽ là trụ cột, nền móng tương lai của đất nước. Vì thế, đèn ông sao tôi làm luôn có hình Bác Hồ với ý nghĩa vị lãnh tụ sẽ sống mãi trong lòng dân tộc và các cháu thiếu nhi", ông Dũng nói.
Những năm trước, khi làm xong đèn, ông Dũng cho sản phẩm lên xe máy chạy rong ruổi khắp tuyến phố và các huyện lân cận bán. Nay, tuổi đã cao nên ông căng băng rôn ghi chữ quảng bá và bán tại nhà. Sản phẩm của ông những năm qua trở nên nổi tiếng trong tỉnh, nhiều khách hàng tìm đến tận nhà ông đặt mua.
Mỗi vị khách đến, cụ ông 74 tuổi đều say sưa giới thiệu, thuyết minh về ý nghĩa của từng chiếc đèn truyền thống do mình làm ra, nhất là đèn ông sao 5 cánh có hình Bác Hồ ở giữa.
Theo ông Dũng, mỗi chiếc đèn Trung thu cỡ lớn dài 1,5m được ông bán với giá 300.000 - 350.000 đồng, loại dài 1,2m có giá 250.000 đồng, loại nhỏ cầm tay từ 50cm đến 1m có giá 100.000 đồng.
"Khách hàng của tôi là các cơ quan, ban, ngành, công ty, trường học, gia đình. Đầu mùa họ đã đặt làm đèn rồi, cứ cách Trung thu vài ba ngày là hết sạch sản phẩm. Doanh thu mỗi ngày bán đèn tôi được 1 - 2 triệu đồng, cá biệt cũng có ngày tới 3 - 4 triệu đồng.
Ngoài mang lại nguồn thu nhập, điều mà tôi cảm thấy vui nhất là công việc giúp các cháu sẽ được đón Tết Trung thu đúng nghĩa với đồ chơi truyền thống chứ không phải những chiếc đèn nhấp nháy hay đồ chơi bạo lực như dao kiếm, súng nhựa", ông Việt Dũng chia sẻ.
Vợ chồng người cựu binh 74 tuổi có 2 con (một trai, một gái) và 3 cháu nội, ngoại. Con cháu đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng. Những giờ phút thảnh thơi, ông bà cùng xem tivi, đi dạo, tập thể dục và thăm đồng đội cũ. Hết mùa Trung thu, ông Dũng sẽ làm đèn thủ công theo đơn đặt hàng hoặc phục vụ các đại lễ của Phật giáo hay lễ Giáng sinh của đạo Công giáo.
Theo Dân trí