Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ
Hội thảo "Công nghệ Nhật Bản trong vận hành hồ chứa và kiểm soát lũ" |
Tại hội thảo, Tập đoàn Điện lực Kyushu đã giới thiệu Chương trình điều khiển dòng chảy HNT, với chức năng hiển thị và tính toán dòng chảy theo thời gian thực, mô phỏng vận hành nhà máy, mô phỏng lũ, tính toán lưu lượng tích nước, lưu lượng xả…
Chương trình này được nhiều chuyên gia đánh giá là có thể giúp Việt Nam vận hành các hồ chứa với chi phí thấp hơn, tăng thu nhập bán điện do quá trình vận hành hiệu quả và đặc biệt, có thể kiểm soát xả lũ an toàn…
Tại hội thảo, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - cho biết: Công nghệ này là ứng dụng để bảo đảm vận hành hồ chứa một cách tối ưu nhất, về mùa mưa thì điều tiết lũ, xả lũ hợp lý, về mùa khô thì điều tiết nước phục vụ nông nghiệp.
Ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam |
Bên cạnh đó, công cụ nghệ có thể bảo đảm dự báo được chính xác về lượng mưa và lượng nước về cũng như lượng nước dự trữ trong hồ từng mức, từng cấp, để điều chỉnh cửa van, dòng chảy ra vào, không lãng phí nước. Công nghệ này hiện Việt Nam chưa làm được.
Ông Ngãi cũng cho biết thêm, nếu tính tất cả tổng công suất thủy điện tại Việt Nam có 21.000MW, phát ra khoảng 70 tỷ kWh điện. Trong trường hợp vận hành không đúng quy trình, để thất thoát nước, nếu giảm mất 1/3 của 70 tỷ kWh sẽ tương đương hàng nghìn tỷ đồng. Công nghệ này giúp nhiều nhà máy thủy điện tính toán giữ nước, kiểm soát lũ. Có dự báo ngắn hạn, dài hạn, lưu lượng nước về, lượng trong hồ để có thể điều tiết hợp lý. Vừa qua, công nghệ này đã được thí điểm tại một nhà máy thủy điện Hà Giang, nhờ đó tiết kiệm nước tối đa khoảng 150.000 m3 nước, mang lại hiệu quả kinh tế khoảng 100 tỷ đồng".
Ông Hà Ngọc Tuấn - Kỹ sư trưởng Tập đoàn Điện lực Kyushu thuyết trình tại hội thảo |
Kỹ sư trưởng Tập đoàn Điện lực Kyushu - ông Hà Ngọc Tuấn - cho biết, kỹ thuật cơ bản này là nhìn được khía cạnh của dòng chảy, mực nước trong hồ và lưu lượng vào hồ. Về mực nước thì Việt Nam có thể đo được, nhưng dòng chảy thì hầu như tại các nhà máy thủy điện Việt Nam chưa nhìn được. Chương trình này được phát triển dựa trên công nghệ và kinh nghiệm vận hành của Nhật Bản, với sự đơn giản, gọn nhẹ và thân thiện với người dùng.
"Với công nghệ này, khi có dự báo, chúng tôi sẽ lấy số liệu dự báo đó, tính toán mô phỏng hình dáng của cơn lũ giúp chúng ta có thể xử lý được dễ dàng hơn" - ông Hà Ngọc Tuấn nói.
Diệu Thuần
-
EVN đề xuất triển khai thí điểm giá điện hai thành phần
-
Luật Điện lực mới và vấn đề cấp bách triển khai thực hiện cải cách thị trường điện
-
Gỡ vướng mắc các dự án truyền tải điện trên địa bàn tỉnh Lai Châu
-
Mô hình tối ưu hóa thị trường điện Bắc Âu
-
Đóng điện Trạm biến áp 220kV Duyên Hải và đấu nối: Đáp ứng nhu cầu điện cho tỉnh Trà Vinh