Công nghệ mở: Giải pháp làm chủ công nghệ số
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Hiền Minh |
Đó là thông điệp mà Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đưa ra tại Diễn đàn công nghệ mở Việt Nam có chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia”, tổ chức ngày 18/11.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ, công nghệ thông tin, công nghệ số đã, đang và sẽ thâm nhập vào mọi ngõ ngách của đời sống xã hội, trở thành không khí thở của chúng ta. Vì thế, nó phải rẻ như không khí. Và cách để đạt được điều đó là công nghệ mở. Công nghệ mở ngày nay không còn chỉ là mã nguồn mở, mà còn là kiến trúc mở và chuẩn mở, và đi cùng công nghệ mở sẽ là văn hóa mở. Tất cả chúng ta cùng đóng góp phát triển công nghệ, cùng chia sẻ sử dụng công nghệ. Từ đó, giá công nghệ sẽ rất rẻ.
Công nghệ mở được hiểu là mọi người được tự do truy cập, sử dụng, phân phối, chia sẻ công nghệ nhằm làm chủ phát triển sản phẩm, giảm chi phí, huy động cộng đồng...
Hiện nay, nhiều quốc gia đã tuyên bố chỉ mua công nghệ mở, nhất là khi các công nghệ đó dùng để xây dựng các hạ tầng nền tảng quốc gia. Việt Nam cũng phát triển công nghệ 5G dựa trên chuẩn mở Open RAN.
Bộ trưởng Bộ TT&TT phân tích, không một công ty nào, một tập đoàn đa quốc gia nào, dù quy mô to đến đâu, có thể giải quyết mọi bài toán, đáp ứng mọi nhu cầu thay đổi. Không ai có thể hiểu bài toán, vấn đề của mình hơn chính mình và vì thế, chúng ta sẽ là người tốt nhất để giải bài toán của mình. Sự sáng tạo toàn dân chỉ có thể xảy ra khi công nghệ là mở. Công nghệ mở sẽ khai phóng năng lực sáng tạo của mỗi cá nhân. Mỗi người đứng trên vai những người khác để phát triển và từ đó tạo ra một mặt bằng cao hơn cho những người khác. Trong đại dịch COVID-19, rất nhiều ứng dụng số Việt Nam, trong đó có Bluezone, CoMeet, đã được mở mã nguồn hoặc phát triển rất nhanh trên nền nguồn mở, góp phần chống dịch và đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường.
Nghiên cứu sản xuất thiết bị dựa trên công nghệ mở cũng sẽ cho phép các doanh nghiệp công nghệ hợp tác, kết hợp sức mạnh của nhau để đi nhanh hơn, chuyên sâu hơn để công nghệ xuất sắc hơn.
“Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ thiết bị 5G, mặc dù xuất phát của Việt Nam là thấp, nhưng cả trong nước và nước ngoài tin rằng Việt Nam có thể làm được. Hai doanh nghiệp công nghệ lớn của đất nước là Viettel và Vin Group, sau một thời gian độc lập phát triển công nghệ 5G, dưới sự chỉ đạo của Bộ TT&TT đã thống nhất hợp tác phát triển 5G theo chuẩn mở Open RAN. Vin Group tập trung làm phần vô tuyến - phần cứng, Viettel tập trung làm phần xử lý tín hiệu - phần mềm, và tích hợp thành sản phẩm thương mại. Sự hợp tác này đã đẩy nhanh tiến độ làm chủ thiết bị, cũng như kết hợp thế mạnh công nghệ của nhau để có được thiết bị 5G cạnh tranh quốc tế”, Bộ trưởng lấy dẫn chứng.
Hiện, Bộ TT&TT đã ra mắt cổng quốc gia về mở dữ liệu data.gov.vn và hiện đã có trên 10.000 bộ dữ liệu.
Trên thế giới, phần mềm nguồn mở trên thế giới bắt đầu từ một trường đại học tại Mỹ từ năm 1983. Hiện nay, Mỹ là quốc gia đứng thứ nhất, Trung Quốc đứng thứ 2 về ứng dụng mã nguồn mở. Việt Nam thuộc top 20 thế giới về ứng dụng mã nguồn mở, Singapore đứng thứ 17, Malaysia đứng thứ 18. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đứng thứ 3 khu vực về ứng dụng mã nguồn mở.
Trên thế giới, top 10 địa bàn có phần mềm nguồn mở tăng trưởng nhanh nhất hiện nay là Hong Kong, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Với tầm quan trọng của công nghệ mở, tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kêu gọi mỗi cơ quan, doanh nghiệp hãy nhận lấy cho mình một sứ mệnh, một bài toán và cam kết hành động. Cơ quan nhà nước hãy hành động để xây dựng chính sách, chiến lược. Doanh nghiệp hãy hành động để phát triển các nền tảng. Các cơ sở đào tạo hãy hành động để nuôi dưỡng và phát triển cộng đồng.
Theo baochinhphu.vn
-
Bà Rịa - Vũng Tàu: Diễn tập thực chiến an ninh mạng 2024
-
Ngày 6/8 hằng năm là Ngày An ninh mạng Việt Nam
-
Tác động của thị trường bản sao số đến nhiều lĩnh vực công nghiệp
-
Giải pháp tối ưu hóa hệ thống lưu trữ và bảo mật cho tổ chức và doanh nghiệp
-
Phát triển kinh tế xanh bằng công nghệ số và tự động hóa
-
LPG Expo Châu Á - Thái Bình Dương 2024: Cơ hội hợp tác toàn cầu trong ngành công nghiệp LPG
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 3)
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 2)
-
IEAE 2024: Cầu nối mở rộng hợp tác cho doanh nghiệp điện tử và thiết bị thông minh
-
Tiến bộ công nghệ khoan dầu khí tiên tiến trên đất liền và ngoài khơi (Kỳ 1)