Còn nhiều dư địa cho doanh nghiệp Việt Nam và Canada
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ tại Hội thảo trực tuyến về “Phát triển quan hệ đối tác kinh doanh Việt Nam - Canada”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải |
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam được đánh giá là một trong 10 nền kinh tế có độ mở lớn nhất thế giới, với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP năm 2019 đạt 197,4%, có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế.
Với việc ký kết một loạt các FTA lớn, quan trọng gần đây như CPTPP, EVFTA và RCEP... Việt Nam hy vọng là cầu nối kinh doanh hiệu quả của khu vực và thế giới, đặc biệt là trong quan hệ hợp tác kinh tế song phương giữa Việt Nam và Canada, trên nền tảng vững chắc là quan hệ đối tác toàn diện và lần đầu tiên hai nước có quan hệ FTA với nhau khi đều là thành viên của Hiệp định CPTPP.
Hiện nay Canada đang là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực châu Mỹ, và ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN.
Tuy nhiên, tổng giá trị trao đổi thương mại giữa hai nước lại mới chỉ chiếm khoảng 0,7% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Canada. Do đó, với cơ cấu hàng hóa bổ sung cho nhau và các điều kiện sẵn có như hiện nay, dư địa cho phát triển thương mại của doanh nghiệp hai nước vẫn còn rất lớn.
Thứ trưởng phụ trách Thương mại quốc tế Canada, ông John F.G Hannaford cũng ghi nhận nỗ lực to lớn của Việt Nam trong việc khống chế đại dịch và ổn định kinh tế trong nước, đồng thời giúp duy trì được dòng chẩy thương mại và chuỗi cung ứng giữa Canada với khu vực Đông Nam Á, phát triển chính sách đa dạng hóa thị trường hướng về Châu Á của mình.
“Canada cam kết sẽ tăng cường hợp tác với Việt Nam về thương mại và đầu tư trong thời gian tới trong bối cảnh quan hệ hai nước có một nền tảng vững chắc, cơ hội và tiềm năng còn rộng mở”, ông John F.G Hannaford nói.
Năm 2020, trao đổi thương mại song phương giữa Việt Nam - Canada vẫn đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,6%, bất chấp khó khăn của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới. |
Ông Hannaford cho biết, hai nước đã chứng kiến những tăng trưởng vượt bậc cả về thương mại và đầu tư sau 2 năm Hiệp định CPTPP có hiệu lực, đặc biệt trong bối cảnh các kinh tế thế giới suy giảm do đại dịch COVID-19.
Các doanh nghiệp Canada nhận thấy những cơ hội lớn trong các lĩnh vực như nông nghiệp, giáo dục, thông tin truyền thông, cơ sở hạ tầng, công nghệ, hàng không và năng lượng sạch…“Với chính sách kinh tế ổn định và cởi mở, Canada cũng mong muốn đón nhận nhiều hơn nữa nhà đầu tư Việt Nam vào đất nước của mình”, ông John F.G Hannaford bày tỏ.
Năm 2019, một năm sau khi Hiệp định CPTPP đi vào thực thi, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Canada ghi nhận những tăng trưởng vượt bậc, đạt 4,8 tỷ USD, tăng tới 23,3% so với năm 2018. Năm 2020, trao đổi thương mại song phương vẫn đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,6%, bất chấp khó khăn của đại dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế thế giới.
Dệt may, giày dép, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản, đồ gỗ là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Canada, trong khi máy móc, thiết bị, lúa mì, đậu tương, hóa chất là các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Canada.
Tính đến tháng 11/2020, Canada là nhà đầu tư lớn thứ 14 của Việt Nam, với 212 dự án, trị giá hơn 5,05 tỷ USD. Các dự án của nhà đầu tư Canada tại Việt Nam được đánh giá là có chất lượng cao trong các lĩnh vực đầu tư chủ chốt như dịch vụ khách sạn, bảo hiểm, năng lượng tái tạo…
Theo enternews.vn
-
[Infographic] Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng năm 2024
-
Tin nhanh chứng khoán ngày 6/11: VN Index tăng điểm mạnh mẽ giữa kỳ vọng kết quả bầu cử Mỹ
-
Giá vàng hôm nay (6/11): Thị trường thế giới tăng nhẹ
-
Người nông dân có cơ hội giảm chi phí sản xuất khi phân bón chịu thuế GTGT 5%
-
Giá vàng hôm nay (5/11): Giảm nhẹ