Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Có tiền diễn đâu cũng được?

09:04 | 23/11/2011

387 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét lại để đề ra một quy định đối với những chương trình nghệ thuật như thế nào thì biểu diễn ở đâu là phù hợp, là đúng “tầm” của nó.

Có lẽ Chế Linh là một trong những ca sĩ hải ngoại rất vinh dự khi được tổ chức liveshow tại một nơi không chỉ quy mô nhất nước mà còn là nơi diễn ra những sự kiện chính trị – xã hội quan trọng bậc nhất của quốc gia và quốc tế – Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Nhưng ngay sau khi chương trình biểu diễn kết thúc, người ta mới ớ ra: Liệu một nơi trang trọng như thế, có ý nghĩa chính trị, xã hội quan trọng như thế, sau khi tổ chức những hội nghị, diễn đàn “tầm cỡ” có nên là nơi dành để biểu diễn nghệ thuật, đặc biệt là chương trình của những ca sĩ từng có “vấn đề” trong lịch sử, từng quay lưng lại với nhân dân, đất nước và thuộc những dòng nhạc không được đánh giá cao?

Nhà hát lớn

Bước vào Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ngay lập tức một cảm giác choáng ngợp bởi quy mô của Trung tâm. Với khuôn viên bao quanh tạo ra không khí thoáng mát cùng thế “tựa núi nhìn sông” theo đúng phong thủy của người phương Đông và kiến trúc lấy nguồn cảm hứng từ cảnh quan Vịnh Hạ Long, Trung tâm Hội nghị Quốc gia gồm một hội trường lớn có sức chứa gần 4.000 người và 30 phòng họp lớn nhỏ dành cho từ 120 – 700 người. Bước vào sảnh chính ở tầng 1, đập ngay vào mắt là thênh thang một cầu thang dẫn lên hội trường chính được trải thảm đỏ sang trọng. Phía bên phải, những vách gỗ chạy dài ngút mắt. Bên trái, dấu ấn của những hội nghị, diễn đàn lớn của thế giới và khu vực Đông Nam Á từng diễn ra ở đây là ảnh chụp các nguyên thủ quốc gia tham dự APEC 2006 phóng đủ lớn để dán kín cả một bức tường.

Cạnh đó, một ảnh khác chụp nguyên thủ quốc gia của 10 nước tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN tổ chức tại Trung tâm năm 2010 cũng lớn tương tự. Có thể nói, ý nghĩa chính trị – xã hội càng thể hiện rõ hơn khi máy kiểm tra tự động cùng với nhân viên bảo vệ an ninh được bố trí ngay trước các cửa chính vào Trung tâm. Vậy mà, trong một không khí “chính trị” như vậy, điển hình cho quốc gia về sự phát triển kinh tế – xã hội như vậy, lại là nơi diễn ra cả những sự kiện không xứng tầm với nó, như chương trình biểu diễn nghệ thuật của Chế Linh cùng một số ca sĩ khác là ví dụ. Thử hình dung trong không gian quan trọng ấy, những ca khúc thưởng thức lại là những nhạc phẩm đã từng biểu diễn cho “khán giả” ở bên kia chiến tuyến, luôn “đối đầu” với sự độc lập, tự do, sự phát triển của đất nước để xây dựng nên chính Trung tâm này. Điều đó có mâu thuẫn? Chưa bàn đến nghệ thuật của âm nhạc ấy được “xếp hạng” ở vị trí nào.

Lý giải điều này, bà Dương Thị Thu Hương, Trưởng phòng Hành chính – Tổng hợp, Trung tâm Hội nghị Quốc gia cho biết: “Với chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng quy định: Bên cạnh tổ chức những sự kiện lớn phục vụ công tác chính trị – xã hội thì Trung tâm Hội nghị Quốc gia được phép tận dụng cơ sở vật chất, lao động để hoạt động kinh doanh dịch vụ; phục vụ ăn nghỉ cho khách trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và thực hiện các hoạt động dịch vụ có thu. Nghĩa là…”. Bà Hương nói tiếp: “…Tổ chức biểu diễn nghệ thuật ở đây không nằm ngoài giới hạn của chúng tôi”. Bà Hương còn khẳng định, chương trình nghệ thuật đó của ai, hay chất lượng nghệ thuật như thế nào, Trung tâm Hội nghị Quốc gia cũng không xét duyệt để quyết định có cho phép tổ chức tại Trung tâm hay không. Bởi chức năng này do ngành văn hóa thực hiện. Và khi ngành văn hóa đã kiểm duyệt để cấp phép thì đơn vị tổ chức biểu diễn nghệ thuật chỉ cần trình ra đầy đủ những thủ tục nhằm chứng minh chương trình nghệ thuật của họ hợp pháp thì Trung tâm sẽ ký hợp đồng dịch vụ ngay.

Khi được hỏi với vai trò, trách nhiệm của người quản lý, Trung tâm Hội nghị Quốc gia có thể quyết định việc không hay có cung cấp dịch vụ cho một chương trình nghệ thuật mà Trung tâm tự cảm thấy không xứng với tầm vóc ở đây thì bà Hương vẫn nhấn mạnh: “Chúng tôi chỉ quan tâm tới giấy phép tổ chức biểu diễn nghệ thuật của chương trình. Còn chúng tôi không đánh giá nó như thế nào vì không nằm trong lĩnh vực, chuyên môn của chúng tôi”. Tuy nhiên, bà Hương cũng nhận định, nếu không cho tổ chức biểu diễn nghệ thuật, bất kể là chương trình nào thì với quy mô gồm 42 hệ thống, 72 hạng mục xây dựng, Trung tâm sẽ không đủ chi phí để duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Hơn nữa, nếu không cho hoạt động thường xuyên, các hệ thống kỹ thuật sẽ hỏng hóc, giảm “tuổi thọ”. Theo đó, Trung tâm sẽ xuống cấp nghiêm trọng. Cho nên nếu càng nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn nghệ thuật ở đây chi phí tái đầu tư cơ sở vật chất càng nhiều và ngân sách Nhà nước phải trả cho duy tu, bảo dưỡng Trung tâm càng giảm vì có khoản thu trên “đỡ”.

Như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Nhà hát Lớn Hà Nội – “ngôi đền thiêng” của nghệ thuật Việt Nam, công trình 100 năm tuổi mang dấu ấn kiến trúc của nhân loại, đồng thời là nơi chứng kiến những sự kiện lịch sử, trọng đại của đất nước cũng từng là sân khấu của một số chương trình nghệ thuật được đánh giá không xứng tầm với nó. Chẳng hạn như chương trình biểu diễn những nhạc phẩm của Phạm Duy, một nhạc sĩ cuối đời mới quay về cố hương. Còn trước đó ở hải ngoại và thuộc… đối tượng chống cách mạng khét tiếng nhất. Hay liveshow của Tuấn Vũ, một ca sĩ thuộc dòng nhạc “sến”. Giải thích điều này, ông Hoàng Xuân Nam, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho rằng, tiêu chí mà Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quy định đối với những chương trình được phép biểu diễn tại Nhà hát Lớn là chuyên nghiệp. Nếu không phải chương trình nghệ thuật của các nghệ sĩ chuyên nghiệp thì không được biểu diễn ở đây.

Bởi vậy, dựa trên quy định đó, không có lý gì mà Nhà hát Lớn không cho phép tổ chức những chương trình biểu diễn nghệ thuật của các ca sĩ, nghệ sĩ chuyên nghiệp, bất kể họ từ đâu đến. Và tất nhiên, chương trình đó phải hợp pháp, nghĩa là đã được cấp giấy phép hoạt động của cơ quan chức năng. Ông Nam còn khẳng định: “Là một chương trình được cấp giấy phép, lại của nghệ sĩ chuyên nghiệp, nếu không cho họ tổ chức biểu diễn ở đây là tôi “phạm luật”. Tôi không được phép làm như vậy”. Chi tiết hơn ông Nam còn chia sẻ: “Có chương trình biểu diễn của một vài nghệ sĩ được cấp phép, tôi cũng thấy gờn gợn. Nhưng đó không phải trách nhiệm, chuyên môn của tôi nên họ đủ điều kiện hợp pháp, họ được biểu diễn tại Nhà hát Lớn thôi”.

Có lẽ đã đến lúc các cơ quan chức năng cần xem xét lại để đề ra một quy định đối với những chương trình nghệ thuật như thế nào thì biểu diễn ở đâu là phù hợp, là đúng “tầm” của nó. Nếu không như hiện nay, việc tự chọn địa điểm biểu diễn của đơn vị tổ chức có thể coi là tùy tiện, “tiền đến đâu tổ chức đến đó”, dẫn đến một số chương trình không xứng tầm sẽ làm hình ảnh, uy tín không những của trung tâm, nhà hát nơi họ biểu diễn mà còn của quốc gia, dân tộc bị ảnh hưởng lớn.

Tú Anh