Cơ hội từ M&A
Góc nhìn VietinBank
Năm 2012 là một năm đầy khó khăn của hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Nợ xấu tăng cao khiến dòng vốn lưu thông tắc nghẽn dẫn đến hệ lụy là hàng chục ngàn doanh nghiệp đã buộc phải đóng cửa, ngừng hoạt động hoặc giải thể. Trong bối cảnh đó, câu hỏi làm sao để vượt khó khăn, làm sao để thoát ra khỏi những ám ảnh của cuộc khủng hoảng đã được nhiều doanh nghiệp đặt ra.
Với riêng lĩnh vực ngân hàng, câu hỏi này càng trở lên “nóng” hơn bao giờ hết khi một loạt con số đầy bi quan về nợ xấu cũng như những cảnh báo ở thì tương lai đã được đưa ra. Doanh nghiệp nói chung và hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng nói riêng buộc phải tái cơ cấu. Và thực tế, trong năm 2012, tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng cũng như tái cơ cấu các doanh nghiệp Nhà nước… đã trở thành mệnh lệnh “sống còn”.
VietinBank ghi dấu ấn bằng thương vụ hợp tác với Ngân hàng Nhật Bản Tokyo - Mitsuhishi UFJ
Năm 2012, trước yêu cầu của nền kinh tế, một loạt các đề án tái cơ cấu của từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp đã được Chính phủ phê duyệt để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Ngoài ra, giới chuyên gia còn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng phải tự xây dựng phương án tái cơ cấu cho chính mình, tránh đầu tư dàn trải… để nâng tính cạnh tranh cho doanh nghiệp chứ không nên trông chờ vào sự hỗ trợ giúp sức của Nhà nước. Và một trong số những giải pháp được giới chuyên gia kinh tế đề cập tới là M&A.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công Thương Việt Nam (VietinBank) có thể xem là ví dụ điển hình minh chứng cho nhận định trên. Cũng như các ngân hàng khác, VietinBank cũng phải đối diện với rất nhiều khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan. Trong lúc Chính phủ có chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, VietinBank đã trở thành ngân hàng tiên phong thực hiện M&A với một đối tác nước ngoài. Giá trị thương vụ này được xác định là 743 triệu USD và đối tác của VietinBank là Ngân hàng Nhật Tokyo - Mitsuhishi UFJ. Với việc bán 20% cổ phần thông qua phát hành cổ phiếu mới với giá 24.000 đồng/cổ phần, kết thúc giao dịch, vốn điều lệ của VietinBank đã lên tới 32.661 tỉ đồng, vốn tự có xấp xỉ 45.000 tỉ đồng và trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Cái được của VietinBank không chỉ dừng lại ở đó. Theo thông tin giới thiệu thì Mitsubishi UFJ hiện đang là nhà cho vay lớn nhất của Nhật Bản và Tokyo - Mitsubishi UFJ chính là bộ phận lớn nhất. Với vị thế là một trong bốn “ông lớn” trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, cuộc “hôn phối” này được đánh giá là sẽ giúp VietinBank không chỉ vượt qua khó khăn mà sẽ giúp ngân hàng này học được kinh nghiệm và phong cách làm việc chuyên nghiệp của đối tác Nhật Bản. Thông qua thương vụ này, VietinBank sẽ xây dựng được nền tảng phát triển vững chắc hơn, tăng cường cơ hội mở rộng thị trường hoạt động ra các nước.
Ở một góc độ khác, đối tác của VietinBank - Mitsubishi UFJ cũng nhìn nhận đây là một hoạt động tiêu biểu trong chiến lược phát triển của ngân hàng này tại châu Á. Với mạng lưới của VietinBank trên khắp cả nước, Ngân hàng Tokyo Mitsubishi UFJ không chỉ phục vụ cho nhu cầu tài chính của các doanh nghiệp Nhật Bản đang ồ ạt đầu tư tại Việt Nam, mà còn đáp ứng rất nhiều yêu cầu đa dạng của các khách hàng.
Nhìn vào thương vụ M&A của VietinBank và Mitsubishi UFJ có thể thấy: ViettinBank không chỉ đã nâng cao vốn điều lệ mà trong bối cảnh thị trường vốn trong nước gặp khó, ngân hàng này hoàn toàn có thể tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tại các nước mà đối tác Mitsubishi UFJ đã và đang hoạt động.
Coi chừng đổ vỡ
M&A đang được chờ đợi sẽ là giải pháp căn cơ giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định trong thư chúc mừng gửi Diễn đàn M&A Việt Nam 2013: “Việt Nam đang thực hiện chương trình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững. Trong quá trình đó, hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) không chỉ là kênh đầu tư thuần túy, mà trở thành giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư doanh nghiệp và hệ thống tài chính ngân hàng”.
Bộ trưởng cho biết: Trong 5 năm qua, giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam đã tăng 5 lần và đạt xấp xỉ 5 tỉ USD vào năm 2012. Năm 2013, cũng chứng kiến nhiều thương vụ mua bán sáp nhập quy mô lớn trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, từ sản xuất công nghiệp, bất động sản đến dịch vụ. Nói như vậy để thấy M&A ở Việt Nam có tiềm năng rất lớn và hứa hẹn sẽ là một công cụ để bản thân mỗi doanh nghiệp tái cấu trúc, tăng trưởng và phát triển bền vững.
Qua đó để thấy rằng, M&A đang rất được chờ đợi sẽ là một trong những giải pháp tạo đột biến trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế nói chung và bản thân mỗi doanh nghiệp nói riêng. Giáo sư Nigel Densombe - chuyên gia quản trị chiến lược quốc tế trong phần diễn thuyết của mình tại Diễn đàn M&A Việt Nam 2013 cũng nhấn mạnh rằng: M&A giờ đã trở thành giải pháp ưu tiên trong chiến lược xây dựng và phát triển doanh nghiệp của hầu hết các nền kinh tế. Việc thực hiện các thương vụ M&A thành công sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng và phát triển tối đa thế mạnh của mình cũng như của đối tác để tạo nên sự cộng hưởng cho sự lớn mạnh chung cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, M&A là cần thiết nhưng để thực hiện nó lại là điều hoàn toàn không dễ dàng. Trong một nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế, trong hàng trăm, hàng ngàn đối tác, doanh nghiệp sẽ chọn đối tác nào để mua bán và sáp nhập.
“Trả lời được câu hỏi này thì doanh nghiệp mới có thể mua bán, sáp nhập thành công. Chúng ta cứ thử hình dung thế này, M&A chẳng khác nào là một cuộc hôn nhân đưa 2 người về chung một mái nhà nhưng rõ ràng, không phải cuộc hôn nhân nào cũng hạnh phúc mà có cả đổ vỡ” - Giáo sư Nigel Densombe nhấn mạnh.
Năm 2007, Công ty Kinh Đô tiến hành M&A để sở hữu khoảng 30% cổ phần của Nutifood, nhưng với nhiều khoản đầu tư không hiệu quả cùng quản lý lỏng lẻo, ngay sau khi sáp nhập, Nutifood với sự hợp tác cùng Kinh Đô đã lỗ hơn 150 tỉ đồng. Sau 5 năm bắt tay, Kinh Đô đã buộc phải thoái vốn với khoản lỗ ước tính lên đến 100 tỉ đồng. |
Bảo Sơn - Thanh Ngọc
-
Sửa đổi Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp để đáp ứng yêu cầu phát triển mới của nền kinh tế
-
Luật sư Trương Anh Tú: Sửa Luật số 69, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp Nhà nước chủ động hơn
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
“Không có căn cứ để nói áp thuế GTGT 5% sẽ làm tăng giá phân bón”
-
Tin tức kinh tế ngày 23/11: Thương hiệu quốc gia Việt Nam đạt 507 tỷ USD
-
Cần tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp nhà nước phát triển
-
Những sự kiện nổi bật trên Thị trường Năng lượng Quốc tế tuần từ 18/11 - 23/11
-
Vì sao tập đoàn Saudi Aramco đi vay thêm nợ?
-
Giá dầu hôm nay (23/11): Dầu thô tăng trong phiên