Chuyện về Kinh Koran
Kỳ 1: “Bảo bối” của chuyến đi
Ngày 11-9-2001, một sự kiện đã làm thay đổi thế giới đó là hai tòa tháp Trung tâm thương mại thế giới ở New York bị sụp đổ bởi một kế hoạch tấn công bằng máy bay dân dụng, được tổ chức rất chặt chẽ, hoàn hảo và chính xác.
Thủ lĩnh của Al-Qaeda là Bin Laden đã tổ chức cuộc tấn công này. Và dĩ nhiên, ngay sau đó nước Mỹ đã mở một cuộc tấn công tổng lực nhằm tiêu diệt chính quyền Taliban ở Afghanistan và truy lùng Bin Laden.
Cầu nguyện ở một thánh đường Islamabad |
Từ đầu tháng 10, cả khu vực Trung Á là Afghanistan, Pakistan như một lò thuốc súng sắp bùng nổ. Hàng ngàn nhà báo trên khắp thế giới đổ dồn về Pakistan, trong đó, dĩ nhiên là phải có những hãng thông tấn lớn nhất thế giới như: CNN, BBC; Reuteur, AFP... Tôi khi đó là Phó tổng biên tập Báo An ninh thế giới đã quyết định đi sang bên đó một chuyến.
Khổ một nỗi, tiếng Anh tôi không biết nửa chữ. Cho nên cần phải tìm người đồng hành và may mắn sao lại có được nhà văn Nguyễn Quang Thiều, người rất giỏi tiếng Anh đã hăng hái nhận lời.
Và thế là tôi cùng Quang Thiều đi sang Pakistan.
Cũng phải nói thêm rằng ngày ấy, Pakistan không có một người Việt Nam nào ở đó, kể cả cơ quan ngoại giao.
Thánh đường Hồi giáo Sheikh Zayed Grand |
Thông qua một công ty du lịch nước ngoài, tôi thuê được một người Pháp, là một tay lãng tử, chuyên làm nghề môi giới, sắp xếp các cuộc gặp với ai đó muốn gặp quan chức… phiên dịch từ Tiếng Anh, Urdu sang tiếng Pháp. Và để có thêm chút hiểu biết về Hồi giáo, tôi đã đến Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo TP Hồ Chí Minh để xin tài liệu.
Vị lãnh đạo ban đại diện sau khi làm việc với tôi đã nói: “Nếu anh muốn hiểu về những người Islam thì hãy đọc quyển kinh này”. Và ông đưa cho tôi cuốn Kinh Koran (Ý nghĩa và nội dung do NXB Tôn giáo xuất bản năm 2000).
Cuốn sách in rất đẹp, bìa cứng và dày 1.330 trang. Điều đặc biệt là cuốn sách này in song ngữ, một bên là tiếng Việt và một bên là tiếng Arập. Nhìn cuốn sách mà tôi thấy hơi nản, bởi lẽ nó dày và nặng quá. Có lẽ cuốn kinh này phải nặng tới một cân rưỡi. Nhưng vị lãnh đạo ban đại diện đã tặng thì tôi cũng cố gắng mang đi.
Mang về nhà, tôi chưa kịp đọc chữ nào thì đã lên đường. Trong túi hành lý, ngoài những thứ cần thiết, kể cả mỳ ăn liền, lương khô, máy tính, tôi cũng cố nhét thêm quyển Kinh Koran.
Tác giả (cầm trên tay cuốn Kinh Koran) cùng người phiên dịch nói chuyện với các phóng viên Pakistan |
Chúng tôi sang Pakistan và cũng như rất nhiều phóng viên khác đều mong ước đến được Afghanistan qua đường Pakistan. Nhưng muốn đi thì phải xin được visa từ Chính quyền Taliban mà cụ thể là Đại sứ Afghanistan ở thủ đô Islamabad.
Ngày thứ nhất, chúng tôi đến đăng ký ở đại sứ quán và chầu chực gần như hết cả ngày, nhưng đại sứ quán không cấp phép cho một ai cả. Và mục tiêu của chúng tôi là phải làm thế nào phỏng vấn được một nhân vật có vị trí trong đại sứ quán. Nhưng làm thế nào để lọt được vào lại không đơn giản, bởi lúc nào ngoài cổng của đại sứ quán cũng có hàng chục phóng viên chờ lấy thông tin. Nhiều phóng viên còn có cả điện thoại vệ tinh.
Không biết làm thế nào có thể vào được đại sứ quán, bỗng dưng tôi nghĩ đến cuốn Kinh Koran. Hôm trên máy bay, từ Bangkok sang Islamabad, vào khoảng 21h, khi máy bay đang bay trên trời, thì bỗng thấy nhân viên phi hành đoàn quỳ xuống sàn máy bay và tiếng loa cầu nguyện vang lên. Quả thật lúc đấy tôi cũng thấy sợ bởi chưa bao giờ thấy cảnh người ta cầu nguyện xưng tụng Thánh Alaah ngay trên máy bay thế này. Và từ lúc đó tôi nghĩ rằng, cuốn Kinh Koran hẳn có một vị trí đặc biệt trong đời sống của người Islam.
Bút tích của đại sứ Afghanistan tại Pakistan trong quyển kinh Koran của tác giả |
Thế là ngày hôm sau, tôi sắm bộ quần áo Hồi giáo lụng thụng bằng vải pô-pơ-lin màu xanh trứng sáo, một tay cầm Kinh Koran, một tay xách máy ảnh đến đại sứ quán. Nhìn thấy tôi cắp quyển kinh, lập tức ánh mắt của nhân viên bảo vệ thay đổi hẳn, họ ân cần hỏi han là tôi đến với nguyện vọng gì. Tôi và Quang Thiều trình bày rằng, chúng tôi đến để xin được cấp visa sang Afghanistan và muốn được phỏng vấn Đại sứ Taliban ở Pakistan - ông Apdul Mohamet Zaeep.
Người lính bảo vệ gọi điện vào trong, một lát sau có nhân viên ra, tôi đưa quyển Kinh Koran cho ông ta. Ông ta kính cẩn áp lên trán rồi ôm quyển kinh đi vào trong. Tất cả cánh nhà báo phóng viên phương Tây nhìn chúng tôi bằng ánh mắt lạ lẫm, ngạc nhiên vô cùng.
Một lát sau, có một người ra mời chúng tôi vào trong. Đó là Habit - viên Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Taliban tại Pakistan. Anh ta khá trẻ, có nước da trắng và bộ râu rất đẹp, nom như một diễn viên.
Anh lễ phép nói với tôi rằng, ngài đại sứ đang rất bận, cho nên không thể tiếp tôi được và anh ta được sự ủy quyền của đại sứ tiếp đón tôi. Tôi phỏng vấn anh ta về tình hình cuộc chiến của Mỹ tại Afghanistan, rồi trình bày nguyện vọng được đi sang Kabul - thủ đô của Afghanistan.
Anh ta nói vắn tắt về tình hình chiến sự, về đề nghị thứ hai của chúng tôi thì anh ta nói sẽ đưa tôi vào danh sách ưu tiên nhất khi có thể. Tuy nhiên, do tình hình Mỹ và liên quân đang đánh rất ác liệt, nên việc đảm bảo an toàn cho các nhà báo đi sang đó là rất khó khăn. Thế rồi anh ta hỏi tôi về tình hình cộng đồng người theo đạo Hồi ở Việt Nam, anh ta nói: “Việc chính quyền Việt Nam cho phép xuất bản Kinh Koran bằng 2 thứ tiếng thế này chứng tỏ Việt Nam rất tôn trọng tôn giáo, trong đó có Đạo Hồi. Điều này, không như bọn Mỹ nói là Việt Nam không có tự do tôn giáo”.
Chuyện trò được 40 phút thì anh ta xin phép tôi ngừng lại và ôm quyển Kinh đi vào trong. Một lát sau, anh quay ra đưa lại cho tôi quyển kinh và trên đó đã có dòng chữ Arập. Tôi đưa cho người phiên dịch đọc và ông đã dịch ra bằng tiếng Pháp, đại ý là: “Bạn quan tâm đến số phận những người Islam. Tôi rất vui mừng. Xin cảm ơn” - Đó là bút tích của Apdul Mohamet Zaeep, Đại sứ Afghanistan tại Pakistan.
Khi tôi quay ra. Tất cả cánh phóng viên báo chí đứng bên ngoài nhìn chúng tôi với đủ loại ánh mắt, họ vừa ngạc nhiên, vừa tò mò pha chút ghen tỵ. Bởi lẽ trong ngày ấy, Đại sứ quán Taliban tiếp mỗi mình tôi. Chiều hôm đó, phóng viên BBC đã mò đến khách sạn chúng tôi ở đề nghị phỏng vấn. Tất nhiên là với BBC, chúng tôi luôn cảnh giác cao độ, nên đã khéo từ chối và không mở mồm nói hớ điều gì.
Mất 200USD cho người phiên dịch, chúng tôi gặp được Hamid Ghull, Cục trưởng Cục Tình báo quân đội Pakistan - một nhân vật quan trọng trong Tổ chức Hồi giáo Jihad (một tổ chức thánh chiến chống lại Mỹ và phương Tây).
Tác giả đang tác nghiệp ở Pakistan |
Ông Hamid Ghull đã rất tận tình giúp đỡ và tìm đường cho chúng tôi sang Afghanistan. Ông giới thiệu cho chúng tôi một người “bố già” buôn vũ khí và ôtô cho chính quyền Taliban tên là Hazip, là “bạn bè” với các nhân vật chóp bu của Taliban, đặc biệt là Giáo chủ Oma. Mất gần một tuần, ông đưa tôi và Quang Thiều đi đủ mọi nơi, mọi chốn, và cuối cùng được đưa vào danh sách những người sẽ được cấp visa vào Afghanistan đầu tiên… Nhưng xem ra chuyến đi bằng con đường hợp pháp không thể có, nên chúng tôi bàn với ông là đi theo đường… tiểu ngạch.
Thế là ông hưởng ứng ngay và gọi một loạt đệ tử của mình đến, lệnh cho họ bố trí cho chúng tôi sang bên đó, dĩ nhiên là ông cũng sẽ đi cùng.
Chúng tôi chuẩn bị những bộ quần áo của người Hồi giáo hay mặc, để râu dài. Ngày giờ lên đường đã được ấn định và chúng tôi đi ôtô từ thủ đô Islamabad tới cửa khẩu Peshawar. Tiếp đó, phải đi bộ, băng qua khoảng 20km đường mòn, sang bên kia rồi thì sẽ có người đưa đi tiếp bằng xe Range Rover… Thời gian đi tới thủ đô Kabul mất khoảng một ngày rưỡi… Chúng tôi sẽ ở Kabul khoảng 2 đến 3 ngày, sau đó quay về khu vực cửa khẩu Peshawa…
Nhà báo Nguyễn Quang Thiều ở biên giới Pakistan - Afghanistan |
Biết chuyến đi này là cực kỳ khó khăn và vô cùng nguy hiểm. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn “máu”. Dĩ nhiên, trước khi đi thì vẫn phải xin ý kiến của Ban Biên tập báo và lãnh đạo Bộ Công an.
Đúng lúc này, một loạt báo nước ngoài đưa tin là Việt Nam cử cán bộ công an sang “giúp đỡ” chính quyền Afghanistan dưới danh nghĩa “phóng viên báo chí”. Thế là, lãnh đạo Bộ yêu cầu chúng tôi quay về ngay.
Khi tôi thông báo với ông Hazip, ông buồn lắm. Ông cứ ôm lấy chúng tôi và rơm rớm nước mắt. Cho đến bây giờ, mặc dù năm tháng trôi qua đã lâu, nhưng tôi vẫn nhớ như in hình ảnh một ông già Pakistan phương phi, có nét mặt đôn hậu, nụ cười ấm áp và luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng tôi mà không cần điều kiện gì. Ông dặn đi dặn lại chúng tôi rằng trong thời gian ở Pakistan đừng rời quyển Kinh Koran, đi đâu dù nặng mấy cũng cố cõng theo: “Khi anh cầm theo quyển kinh này thì sẽ không có một tín đồ Islam nào lại không coi anh là bạn”. Câu nói của ông cứ ám ảnh tôi mãi.
Khi chúng tôi quay trở về Việt Nam phải bay từ Islamabad xuống Karachi và chờ ở đó 2 ngày.
Nếu Islamabad là một thành phố yên bình, tĩnh lặng và mang dáng dấp như một khu nghỉ dưỡng thì Karachi lại sôi động và lúc nào cũng như một cỗ máy chạy hết tốc lực. Là một trung tâm kinh tế lớn của Pakistan, nhưng Karachi cũng là trung tâm về tội phạm và một thành phố bạo lực bậc nhất trên thế giới. Bạo lực ở đây nhiều đến mức tại các khách sạn đều có bảng khuyến cáo du khách, mỗi khi ra khỏi khách sạn phải thông báo cho nhân viên địa điểm mình đến, số điện thoại (nếu có) và giờ quay trở về khách sạn.
Vào thời đó, mỗi ngày ở đây xảy ra 30 vụ giết người và hầu như ngày nào cũng có các ngân hàng, cửa hiệu vàng bạc bị cướp.
Ấn tượng nhất tại thành phố này đó là quạ. Mỗi sáng sớm khi mặt trời vừa ló, quạ đã bay trên bầu trời thành đàn, mà có lúc chúng như một đám mây che cả ánh nắng. Có lẽ hiếm có một loài chim nào thông minh như quạ, và quạ ở đây là những tên kẻ cắp vĩ đại. Chúng biết cách mở vòi để uống nước; ăn cắp quần đùi, áo may ô, bít tất nếu như ai đó vô ý mở cửa sổ khách sạn; chúng mở được cả tủ lạnh, và khi đó trong tủ lạnh sẽ không còn đồ ăn gì. Thậm chí, quạ ở đây còn biết đánh lạc hướng chủ nhà để cho kẻ khác vào ăn cắp.
Chúng tôi phải ra sân bay Karachi trở về Việt Nam trước 6 tiếng. Bởi lẽ nếu như đi sát giờ bay thì không khéo bị tắc đường, và có trục trặc gì thì rất gay, đồng thời không có taxi chạy ban đêm. Thế là chuyến bay vào lúc 3h sáng, tôi với Quang Thiều phải đi từ lúc 21h. Làm thủ tục xong, chúng tôi vạ vật không biết làm gì cho chết quãng thời gian này, thế là đành lấy máy tính ra làm việc.
Đúng lúc đang gõ bài thì có một tốp cảnh sát đi tới, yêu cầu kiểm tra giấy tờ. Tôi mở chiếc túi du lịch để lấy thì lộ ra quyển Kinh Koran. Lập tức, một nhân viên cảnh sát cầm lấy quyền Kinh và động tác đầu tiên là úp lên trán. Sau đó, anh ta yêu cầu không được để quyển Kinh trong túi hành lý mà phải cầm trên tay. Rồi họ đọc dòng chữ của ông Zaeep trong quyển Kinh. Ngay lập tức, họ thay đổi thái độ với chúng tôi. Họ cung kính, lễ phép và nói năng nhẹ nhàng không thể tưởng tượng được. Rồi họ hỏi chúng tôi là quen với ông đại sứ này hay sao. Dĩ nhiên, lúc đấy chẳng ai “đánh thuế thằng nói phét” cả, nên Quang Thiều đã nói về ông đại sứ cứ như là “bạn bè”, thế là họ càng kính nể.
Thế rồi sau vài câu chuyện, họ đưa chúng tôi vào một phòng riêng có đồ ăn thức uống và dặn chúng tôi cứ yên tâm ngủ, sắp đến giờ bay họ sẽ gọi. Đến lúc này, tôi mới thấy giá trị của quyển Kinh Koran và từ đó tôi bắt đầu đọc Kinh Koran một cách cẩn thận, đồng thời cũng chú tâm tìm hiểu về thế giới Arập nói chung và những người Hồi giáo nói riêng.
Càng đi sâu vào thế giới Arập, mặc dù chỉ qua sách vở và qua những lần đi công tác ở các vùng Trung Đông như Jordan, Palestine, Kuwait; và một số nước ở vùng Trung Á, tôi mới cảm thấy sức sống mãnh liệt của cuốn Kinh Koran. Đồng thời hiểu được rằng, tại sao người ta lại sẵn sàng đeo bom vào người để thực hiện những vụ đánh bom liều chết, và tại sao Mỹ và phương Tây đang đổ tiền, đổ của, đổ bom đạn để tiêu diệt những phần tử Hồi giáo cực đoan nhưng hầu như kết quả chẳng được là bao nhiêu.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguyễn Như Phong
Năng lượng Mới 461