Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chuyện ở những thôn, làng chưa có điện lưới quốc gia

13:54 | 10/11/2015

4,312 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) hiện còn 12 thôn, làng với 408 hộ dân, gần 1.750 nhân khẩu ở những vùng đặc biệt khó khăn vẫn chưa được hoà điện lưới quốc gia. Không điện, cuộc sống của người dân ở các thôn, làng quanh năm chỉ làm bạn với đèn dầu, bếp củi; xa lạ với nhưng thiết bị điện hiện đại nên nó buồn tẻ, tù mù và tăm tối hơn ở các vùng quê khác...
chuyen o nhung thon lang chua co dien luoi quoc gia
Khu bếp của nhà chị Y Quyền.

Quanh năm bếp lửa, đèn dầu

Làng Kon Plinh nằm cách trung tâm xã Hiếu chưa đến chục cây số, thế nhưng, cuộc sống của người dân ở đây dường như tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài bởi sự cách trở về đường xá và sự lạc hậu. Muốn đến được Kon Plinh phải đi qua con đường gập gềnh chạy giữa rừng rậm, băng một cây cầu treo cũ nát, đặc biệt, 58 hộ dân với 281 nhân khẩu trong làng đến nay vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Cuộc sống của người dân trong làng quanh năm chỉ làm bạn với bếp củi, đèn dầu; buồn tẻ, thiếu thốn đủ bề. Không điện, dường như buổi tối ở đây cũng đến sớm hơn, nhà cửa thưa thớt, không gian yên ắng, tịch mịch. Bóng tối bao trùm núi rừng, thỉnh thoảng đâu đó mới lấp ló một mái nhà, mà cũng chỉ nhận ra được ở đó có nhà bởi cái ánh sáng le lói từ những chiếc bếp củi, đèn dầu đỏ lòm.

Chị Y Quyền giãy bày: “Ở đây chưa có điện, tối đến, nhà nào cũng tù mù trong ánh sáng của bếp củi và mấy chiếc đèn dầu. Không điện nên cũng chẳng có tivi để xem, người dân ở đây thiếu thông tin lắm, đời sống tinh thần nghèo nàn; có một vài nhà cũng mua đài chạy pin để nghe tin tức, nhưng đài nhỏ, không dùng được cho cả nhà, không có hình ảnh nên cũng chán. Việc học hành của lũ trẻ ở nhà gần như bị bỏ quên vì thiếu ánh sáng”.

Phó chủ tịch UBND xã Hiếu Phan Thế Vinh cho biết, xã Hiếu còn 2 làng là Kon Plinh và Kon Piêng chưa có điện. Trước đây, cũng có một số gia đình góp công, góp của ngăn suối, mua máy móc làm thuỷ điện nhỏ để thắp sáng, sạc điện thoại, xem tivi; song đến nay còn rất ít hộ làm. Lý do thì nhiều lắm, phần vì dòng chảy không ổn định nên dòng điện cũng chập chờn theo con nước; phần vì người dân không có tiền đầu tư bài bản nên thuỷ điện nhỏ thường mất an toàn; chưa kể; mùa mưa, rất nhiều máy phát bị nước lũ cuốn trôi nên người dân cũng nản và bỏ dần. Muốn đưa được điện hai làng này, từ trạm đấu nối tới điểm gần nhất của thôn Kon Plinh cũng phải hơn 6km, thôn Kon Piêng phải mất gần 10 km, hầu hết đi qua rừng tự nhiên, địa hình phức tạp, khó thi công.

Đó không chỉ là chuyện của riêng Kon Plinh hay Kon Piêng ở xã Hiếu mà đó cũng là thực trạng chung đáng buồn ở tất cả các thôn, làng chưa có điện của 6 xã trên địa bàn huyện. Người dân ở các làng này vẫn phải sống trong cảnh tăm tối, thiếu thốn, lạc hậu, đơn điệu. Theo số liệu thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kon Plông, các thôn, làng chưa có điện là: Kon Von  Kia 1, Kon Xủh (Đăk Long); Kon Tu Rằng (Măng Cành); Đăk Pông, Ko Chắk, Đăk Dát (Măng Bút); Đăk Bao (Đăk Nên); Kíp La, Đăk Ang, Ngọc Ring (Đăk Ring); Kon Plinh và Kon Piêng (xã Hiếu).

Theo đánh giá của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, có quá nhiều rào cản trong việc đưa điện về các thôn, làng vùng khó này, bởi các làng này đều nằm ở những địa bàn xa xôi, có làng nằm tận trong rừng sâu, có làng nằm cheo leo trên núi cao. Có làng còn chưa có cả đường giao thông nên việc đưa điện đến các thôn, làng là rất khó khăn. Có làng cách xa trạm đấu nối đến 7 - 8km, lại đi qua những địa hình trắc trở, đồi núi phức tạp, dân cư sống thưa thớt, muốn đưa được điện đến những nơi này đòi hỏi kinh phí đầu tư rất lớn...Cái khó bó cái khôn nên cuộc sống của người dân các làng vẫn phải chịu cảnh tăm tối, lạc hậu.

Nơi điện máy ế hàng

Không điện nên những thiết bị điện tử, những đồ dùng hiện đại cũng trở nên xa vời với người dân các thôn, làng này. Nếu như người dân ở các vùng thuận lợi, những loại đồ dùng như: tivi, đài, nồi cơm điện, tủ lạnh, máy giặt...trở nên rất đỗi bình thường, nếu không muốn nói chúng là một phần tất yếu trong cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình thì ở 12 thôn, làng chưa có điện của Kon Plông chúng trở thành những món đồ xa xỉ. Nhiều người hay nói đùa, các đồ dùng điện máy mà mang về bán cho người dân các thôn, làng này thì chỉ có nước “mang đến lại mang về”. Ngay cả một số làng như Kon Plinh, Kon Piêng, một số hộ dân đã biết ngăn suối làm thuỷ điện, vậy mà những chiếc bóng đèn, tivi còn bị bỏ xó vì điện không ổn định, máy móc hay bị hư hỏng.

A Duân (làng Kon Von Kia 1, xã Đăk Long) kể, thiết bị điện tử thông dụng nhất với người dân ở đây chính là chiếc điện thoại 3 trong 1 (nghe, gọi, nhắn tin)  vừa để liên lạc, vừa nghe được đài FM, lúc buồn có thể chơi game, lúc tối có thể bật đèn pin có thêm ánh sáng. Thế nhưng, mỗi lần muốn sạc điện thoại thì phải ra thôn bên ngoài để nhờ hoặc mỗi khi có việc ra khỏi làng cũng mang theo bộ sạc để găm nhờ.

Không điện, đồng nghĩa với việc không được sử dụng các thiết bị điện, cuộc sống của người dân các làng vùng sâu, vùng xa vốn đã lạc hậu càng trở nên lạc hậu hơn. Người dân không nắm bắt các thông tin thời sự, không cập những những kiến thức khoa học tiến bộ để áp dụng trong sản xuất; đời sống giải trí tinh thần càng nghèo nàn hơn, chuyện học hành của con trẻ cũng trắc trở nên.  Không điện, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của bà con cũng khó khăn và phụ thuộc hoàn toàn vào ông trời.

Cuộc sống của người dân nơi những làng chưa có điện cứ thế trôi qua, sáng họ lên nương trồng trỉa bắp, trồng mì, tối về quây quần bên mâm cơm mập mờ ánh sáng của bếp lửa, đèn dầu; ăn xong không có điện đi ngủ sớm, thế là hết ngày.

Tuy nhiên, theo anh Lê Xuân Long-Trưởng phòng Kinh tế-hạ tầng huyện thì vấn đề điện ở những thôn, làng này sẽ cơ bản được giải quyết trong một thời gian nữa. Trong Đề án quy hoạch phát triển điện lực Kon Plông giai đoạn 2015 - 2020, có 10/12 thôn, làng nằm trong diện được cấp điện lưới quốc gia, 2 thôn, làng là Kon Xủh (xã Đăk Long) và Đăk Bao (xã Đăk Nên) do địa hình quá phức tạp, xa trạm đấu nối, trong khi số dân cư lại quá ít nên huyện phải tính đến phương án cung cấp điện bằng nguồn khác. Đây là tin vui lớn với người dân các làng chưa có điện, chỉ mong dòng điện quốc gia sớm được đưa về để cho cuộc sống người dân ấm no và văn minh hơn.

Thuỳ Hương – Ngô Xuân