Chuyện những người thách thức Thiên Tào (Kỳ 1)
>> Cụ bà trăm tuổi vẫn đọc được truyện Kiều bằng chữ Nôm
Năng lượng Mới số 302
Bài 1: Cụ bà trăm tuổi vẫn đọc thơ Nôm
“Con bé”… 81 tuổi
Chuyên Ngoại là xã thuần nông từ ngàn đời nay, được dòng sông Hồng uốn lượn bao quanh. Sông Hồng đi qua làng dễ đến chừng ngót 6 cây số để lại phù sa giúp cây cối tốt tươi, mát mẻ quanh năm. Các cụ cao niên trong làng kể lại rằng, cho đến giờ, người dân cả vùng vẫn coi sông Hồng là dòng sông mẹ, sinh ra của cải, giúp người người lớn lên vạm vỡ và khỏe mạnh. Người xưa có câu: “Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ” thì Chuyên Ngoại có cả. Chẳng lẽ đất ấy đẹp, long mạch tốt, không khí thoáng đãng mát mẻ nên có nhiều người sống trường thọ đến thế chăng?
Việc có nhiều người sống trường thọ từ lâu đã trở thành niềm tự hào của Chuyên Ngoại. Nó gần như một thương hiệu sống để chứng tỏ cho cả thiên hạ biết rằng, đất ấy là đất lành, rằng con cháu hiếu thảo nên cha mẹ, ông bà được sống lâu. Nghĩ thế cũng phải!
Cụ Quyền đã 100 tuổi rồi nhưng vẫn đọc được truyện Kiều bằng chữ Nôm
Chúng tôi đến thăm gia đình cụ bà Nguyễn Thị Quyền khi gia đình vừa linh đình tổ chức lễ mừng đại thọ cho cụ. Theo quan niệm của người xưa, những người sống thọ là có phúc lớn nên mới được trời ban cho sống lâu, sống khỏe, con cháu đuề huề. Bởi vậy, theo tục lệ, vào những năm chẵn tuổi của ông bà, con cháu sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho ông bà và có nhiều “nấc” mừng thọ. Trước đây “khao lão” là lễ tổ chức lần đầu khi vào lão, thường là dịp 50 tuổi, còn gọi là “noãn thọ” (thọ ấm áp) hay “bán bách thiêm thọ”. “Chúc thọ” là lễ mừng người thọ từ 60 tuổi trở lên; “trung thọ” là lễ mừng người thọ từ 70 tuổi trở lên; “thượng thọ” là lễ mừng người thọ từ 80 tuổi trở lên; “đại thọ” là lễ mừng người thọ từ 90 tuổi trở lên; “lão thiêm thọ” hay “lão thọ” (thọ đỏ) 100 tuổi.
Cụ bà Nguyễn Thị Quyền, sinh năm 1914 và tết vừa rồi được con cháu mừng “lão thọ” 100 tuổi. Những tưởng vào tuổi ấy, cụ chỉ sống tính ngày về giời nhưng hóa ra chả phải. Cụ vẫn mẫn tiệp và khỏe mạnh như một người chỉ áng chừng 70. Phải mỗi tội tai cụ hơi nặng, nói to cụ mới nghe rõ được.
Lúc chúng tôi đến, thấy cụ Quyền và hai cụ bà nữa đang ngồi nói chuyện với nhau giữa nhà. Anh Trần Quang Vũ, người con thứ 3 của cụ Quyền hồ hởi giới thiệu: “Đây là cụ Nguyễn Thị Chi, em gái ruột của mẹ tôi, năm nay cũng đã 88 tuổi rồi. Còn kia là chị gái cả của tôi, tên là Trần Thị Khuyến, năm nay “mới” bước sang tuổi… 81”. Chúng tôi lớ ngớ chào cụ Quyền, cụ Chi và… “bà” Khuyến rồi chào “chú” Vũ. Hai mẹ con, người 100 tuổi, người 81 tuổi, nhìn hao hao giống nhau và chỉ hơn nhau vài nếp nhăn trên mặt, bảo họ là mẹ con cứ thấy ngồ ngộ.
Chúng tôi được một phen trố mắt ngạc nhiên hơn nữa khi cụ Quyền chỉ vào bà Khuyến và bảo rằng: “Con bé này ấy, đận sinh nó ra đúng khi cả nhà không còn lấy một hạt gạo mà ăn. Đói khổ lắm tưởng không nuôi nổi”. Chúng tôi ngơ ngác rồi phì cười, bà Khuyến cũng cười rộ lên. Đã 81 tuổi rồi, đã có chắt rồi mà vẫn “bị” mẹ gọi là “con bé”. Người đời bảo rằng, dù đã trưởng thành đến mức nào, dù đã già cả đến mấy nhưng trong mắt cha mẹ, người con lúc nào cũng chỉ là một đứa trẻ dại dột thật chẳng sai!
Cụ bà trăm tuổi vẫn đọc được truyện Kiều bằng chữ Nôm
Cho đến bây giờ, nhiều người thường hay trầm trồ rằng: Các cụ ngày xưa cơm không đủ mà ăn, đói khổ triền miên, lại sinh đẻ sòn sòn thế mà vẫn sống trường thọ, cứ như thách thức thời gian. Như cụ Quyền, thời trước cơ man nào là khổ. Đến giờ kể lại cụ vẫn còn rơm rớm nước mắt.
Anh Trần Quang Vũ, người con trai thứ 5 của cụ Quyền có lẽ là người hay chữ nhất nhà. Anh vốn là phóng viên kinh tế của Thông tấn xã Việt Nam, nay cũng đã về hưu. Khi còn công tác, dù bận đến mấy nhưng đều chằn chặn hai ngày cuối tuần là anh về quê. Đến giờ thì một tuần 3 ngày anh ở Hà Nội, còn 4 ngày anh ở quê để chăm nom phụng dưỡng mẹ già.
“Nhà tôi ngày xưa thuộc diện nghèo nhất làng. Ký ức của tôi còn nhớ rõ những câu chuyện về sự nghèo mà giờ vẫn còn rùng mình. Thứ nhất là chuyện đụng lợn. Người ta đụng lợn lấy đùi, lấy thủ, lấy lòng nhưng nhà tôi chỉ có thể đụng… nước xuýt. Nước xuýt đem về cả nồi sau đó cho muối thật đặm, rắc thính dày kịt lại cho khỏi thiu để làm đặc sản ăn tết. Nước thính chan cơm ăn mà cứ ứa nước mắt”.
Chuyện thứ hai xảy ra khi anh Vũ tròn 7 tuổi. Phải kể thêm rằng, nhà tuy kiệt nghèo nhưng mấy anh chị em vẫn được cha mẹ vay mượn nuôi ăn học. Nợ nần đến ngập đầu. Năm ấy, người ta đến đòi nợ, cụ Quyền khất nhiều lần quá rồi nên đành trốn vào hòm gỗ. Khi chủ nợ về, cụ Quyền chui ra và quả quyết: “Nhà khổ quá, thôi mấy đứa nghỉ học đi”. Nói là nói thế thôi chứ tối đến lại giục các con đèn sách.
Chuyện thứ 3 xảy ra vào năm 1958, cũng vào dịp tết. Cả nhà mua được hai cân thịt lợn, định luộc treo lên ăn dần. Ai dè sơ ý để chó tha ra bụi tre. Cả nhà xua nhau đi đuổi chó tìm lại được chút thịt nhàu nát con chó để lại. Tết ấy, nhà anh Vũ ăn Tết bằng miếng thịt lợn con chó bỏ thừa!
Đến khi anh Vũ học xong đại học, vào bộ đội thì gia đình anh đã mang một đống nợ. Anh Vũ vào chiến trường miền Nam và dành toàn bộ số tiền phụ cấp là 76 đồng/tháng để gửi về cho mẹ trả nợ. Thế mà nợ trả vòng quanh gần chục năm trời mới hết!
Ông cụ thân sinh ra cụ Quyền là ông đồ Thụy, nổi tiếng hay chữ trong vùng. Ông mở lớp dạy chữ Hán làm kế sinh nhai. Thời bấy giờ, cụ Quyền là phận nữ nhi, chỉ có thể xay lúa, bế em chứ nào được học chữ. Thế mà cụ vẫn lén bế em đứng ngoài cửa xem cha dạy học. Nhớ được chữ nào thì lấy que vạch xuống đất. Đã không biết bao phen cụ bị cha đánh đòn vì tội “đày đọa chữ thánh hiền xuống đất”.
Thế nên mới có chuyện, cụ Quyền không biết nửa chữ quốc ngữ, chưa một ngày được đến trường nhưng lại làu làu chữ Hán, chữ Nôm và đến giờ, khi đã ở tuổi đại lão hiếm hoi trên đời mà cụ vẫn còn nhớ rành rành từng con chữ.
Để tận mục, chúng tôi đề nghị cụ Quyền đọc truyện Kiều, cụ liền vào buồng đem ra một cuốn truyện Kiều cổ được viết bằng chữ Nôm. Cuốn truyện Kiều đó được ấn bản từ năm 1894 và nói không ngoa, nó xứng đáng được đem vào bảo tàng.
Cụ Quyền đọc truyện Kiều không những trôi chảy mà còn ngâm ngợi vần điệu. Thỉnh thoảng, cụ còn dừng lại giải thích những điển cố, điển tích trong truyện và luận giải những ý nghĩa nhân sinh, ứng với đời sống hôm nay của truyện Kiều. Cụ bảo: “Truyện Kiều linh lắm, nó có thể vận vào bất cứ hoàn cảnh nào, mô tả được đời sống, tâm tư của từng kiếp người. Tôi đọc Kiều, ngâm Kiều và cả Nhị độ mai, Cung oán ngâm khúc từ thưở còn tấm bé đến giờ và thường dạy các con mình ăn ở, xử thế từ những triết lý trong những cuốn sách ấy”. Tôi thực không tin vào tai mình khi những lời rành rọt ấy được nói ra từ cụ bà tròn trăm tuổi, suốt đời không ra khỏi lũy tre làng.
Không những còn nhớ và đọc được truyện Kiều, cụ Quyền còn biết bói Kiều và cụ bói cho chúng tôi mỗi người một quẻ. Cụ khấn thần linh rất bài bản bằng Hán ngữ rồi đưa cuốn truyện cho chúng tôi lần lượt bốc quẻ. Sau đó, cụ chiết tự và giải thích từng từ ngữ trong quẻ bói khiến những người ngồi xung quanh phải trầm trồ thán phục.
Điều đặc biệt là, đến nay cụ Quyền vẫn còn xâu được kim chỉ và tự tay khâu vá những cái áo chẳng may bị sứt chỉ. Trước kia, mắt cụ cũng kém như bao người khác, nhưng nay càng cao tuổi, mắt càng tinh trở lại. Điều ấy chứng tỏ rằng, tay cụ Quyền không bị run, thần kinh cụ còn rất vững và mắt thì còn rất tinh.
Người làng cứ thường đùa rằng, cụ Quyền là người đang thách thức với Thiên Tào, bởi đã không dưới 7 lần cụ ốm thập tử nhất sinh, tưởng không qua khỏi. Nặng nhất là vào năm cụ tròn 70 tuổi. Lần ấy, cụ bị rối loạn thần kinh tiền đình, nằm liệt 8 tháng trên giường, gần như sống thực vật. Nằm quá lâu trên giường, không cử động được nên tóc trên đầu cụ bết lại, phải lấy nước lã vã vào rồi gỡ dần ra.
Lần ốm thứ hai là vào năm cụ 87 tuổi. Cụ bị viêm phổi nặng, lên bệnh viện, các bác sĩ xác định cụ bị vôi hóa phổi nặng, trong gan có 1 nang nước đường kính 10cm. Có lẽ lần ốm nguy kịch nhất là vào năm cụ 92 tuổi. Anh Vũ kể: “Mẹ tôi bị viêm mật dẫn tới suy gan nặng, sức khỏe suy kiệt. Hôm ấy, tôi đang ở Hà Nội, được người nhà gọi điện báo tin bảo rằng mẹ tôi nhất định không chịu đi viện và thay quần áo để… chết ở nhà”.
Cụ Quyền bên cạnh người thân của mình
Anh Vũ bảo mọi người đừng nghe lời cụ, cứ thế bế thốc cụ lên xe đưa vào viện. Các bác sĩ khuyên đưa bà cụ về để lo hậu sự vì cụ tuổi cao sức yếu quá rồi, nhưng các con cụ quyết không nghe. Họ tuyên bố rằng, nếu cụ có mệnh hệ gì thì trút hơi thở cuối cùng ở bệnh viện trong nỗ lực của bác sĩ chứ không thể để về nhà nằm chờ chết. Ấy thế mà ông giời thương cụ, cho cụ qua đận ấy để sống khỏe đến giờ.
Anh Vũ khăng khăng: “Ở làng nơi nào chẳng thế, người ta rất sợ chết đường, chết chợ vì như thế là không may. Thế nên, khi có bệnh, nếu cảm thấy nguy kịch thì thường người bệnh ở nhà luôn hoặc có đi viện thì cố sống cố chết đưa về nhà để chờ chết. Tôi thấy điều này thật ác tâm thế nào ấy. Người thân của mình chưa tắt thở, hà cớ gì mà không gắng cứu đến phút cuối cùng, còn một tia hy vọng thì cũng phải cứu chứ. Như mẹ tôi ấy, nếu mà cứ sợ thế thì cụ đã chẳng ra người thiên cổ từ lâu rồi. Với tôi, tính mạng mẹ là quan trọng nhất”.
Cho đến giờ, dù đã ngoài trăm tuổi nhưng cụ Quyền vẫn đều đặn giữ nếp sinh hoạt. Nhiều người tò mò về “thực đơn” của cụ hằng ngày, nhưng thực ra chẳng có gì đặc biệt. Buổi sáng, cụ uống một cốc sữa, trưa, chiều một lưng cơm với nước xương hầm và kết thúc bữa ăn với một hộp sữa chua. Nhiều năm rồi cụ Quyền đều đặn thế, chẳng có cao lương mỹ vị, thuốc tiên thuốc thánh gì.
Bí quyết
Cả miền đồng bằng chiêm trũng này hình như được ông giời thương mà phú cho cái “lộc” sống lâu. Tính đến thời điểm hiện tại, cả xã có 5 cụ thọ trên 100 tuổi và gần 500 cụ tuổi từ 80 đến 99, trong đó có cụ năm nay đã tròn… 104 mùa xuân. Trong khi đó, xã Chuyên Ngoại chỉ là một xã nhỏ, có dân số khoảng 24.000 người. Đã nhiều năm qua, người thập phương mỗi lần đến đây đều dành thời gian để cố tìm hiểu bí quyết trường thọ. Người thì tin vào long mạch, thổ nhưỡng, người thì tin vào những câu chuyện tâm linh huyền bí về dải đất cổ nghìn năm.
Chúng tôi thì chẳng tin vào những chuyện huyễn hoặc kia mà tin rằng, khi người ta có một môi trường sống tốt, sống lành mạnh, lao động đều đặn, tinh thần vui vẻ thì đương nhiên sẽ sống khỏe và tuổi thọ sẽ kéo dài. Có một điều mà ít người chú ý rằng, đất Chuyên Ngoại là vùng đất hiếm hoi còn “sạch sẽ”. Nghĩa là, trong vòng bán kính khoảng 30km, chưa xuất hiện bất cứ ống khói công nghiệp nào, chưa có khu công nghiệp nào xả khí thải, chôn lấp hóa chất như những vùng khác. Cánh đồng làng từ ngàn đời nay vẫn vậy, thẳng cánh cò bay với san sát bờ xôi ruộng mật lành lẽ và vẹn nguyên.
Tôi giật mình chợt nghĩ đến những nơi mà vì chút lợi, con người có thể đang tâm đầu độc nguồn nước bằng những nhà máy công nghiệp, âm ỉ giết người hàng loạt. Có những nơi mà cả nửa làng bị ung thư, có những nơi mà người ta sợ đến mức mà phải bỏ đất, bỏ làng mà trốn chạy vì ô nhiễm. Ở những vùng ấy, đừng nói đến sống thọ, sống khỏe mà những đứa trẻ chưa kịp ra đời đã bị đe dọa mạng sống.
Và còn chuyện này nữa, năng lượng sống của người già thường là tinh thần qua việc chứng kiến con cháu đầy đàn, hiếu nghĩa. Như cụ Quyền sinh được 6 người con, nay tất cả đều đã phương trưởng và đặc biệt rất hiếu thảo. Anh Vũ nắc nỏm: “Nói thực là mẹ tôi vốn cũng chẳng phải khỏe mạnh gì mấy, từ đận 70 đến giờ đã không dưới 5 lần đổ bệnh tưởng không qua khỏi. Những người khác thì khi các cụ ngoài 70 mà mắc bệnh đã coi mọi bệnh đều là bệnh già và xem nhẹ việc chạy chữa. Năm mẹ tôi gần 80 tuổi, bị bệnh tiền đình, ốm năm liệt giường đến 8 tháng giời, mệnh sống lúc nào cũng treo trên sợi tóc. Dù chỉ còn tia hy vọng nhỏ những anh em chúng tôi vẫn quyết tâm chạy chữa và sau đận ấy cụ sống thêm hơn 20 năm nữa và khỏe mạnh cho đến tận bây giờ. Nhà tôi có 6 anh em, nhưng anh em tôi ai cũng nghĩ rằng, cha mẹ chỉ sinh được một mình mình. Nghĩ thế để mà tận tâm báo hiếu chăm sóc cha mẹ”.
Nghe anh nói, chúng tôi đều giật mình nghĩ rằng, đó cũng chính là một triết lý về lòng hiếu thảo cần phải học theo.
(Xem tiếp kỳ sau)
Phóng sự của Vũ Minh Tiến