Chuyển đổi Chính phủ số với ngành Tài chính
Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Đặng Đức Mai phát biểu tại hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Đặng Đức Mai cho biết: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội cũng như thách thức đối với các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, trong việc ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông minh và các phương thức sản xuất, kinh doanh mới để thúc đẩy phát triển kinh tế.
Ông Đặng Đức Mai cho biết thêm: Trong giai đoạn vừa qua, ngành Tài chính đã có những bước phát triển nhanh và vững chắc, thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được những thành tựu đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của hệ thống công nghệ thông tin ngành Tài chính.
Đến nay, công nghệ thông tin đã được ứng dụng sâu, rộng vào hầu hết các hoạt động nghiệp vụ tài chính, trở thành huyết mạch trong các hoạt động nghiệp vụ chủ chốt như: quản lý điều hành ngân sách nhà nước; quản lý thu - chi ngân sách nhà nước; thanh toán điện tử và quản lý trái phiếu chính phủ; quản lý trong lĩnh vực thuế, hải quan; triển khai thuế điện tử, hải quan điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý nợ công; quản lý giá, quản lý tài sản công; quản lý, giám sát thị trường tài chính; quản lý dự trữ nhà nước.... cùng các nhiệm vụ quản lý nội ngành.
Để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các cơ quan Chính phủ đang khẩn trương nghiên cứu và tiến hành thực hiện quá trình chuyển đổi số để tiến tới Chính phủ số. “Thông qua cuộc hội thảo này nhằm nghiên cứu, tìm hiểu mô hình và giải pháp chuyển đổi Chính phủ số của các nước trên thế giới, từ đó xác định mục tiêu và lộ trình chuyển đổi số phù hợp với ngành Tài chính với việc ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào công tác quản lý điều hành xây dựng Tài chính số” - ông Đặng Đức Mai nhấn mạnh.
Toàn cảnh hội thảo |
Phát biểu tại hội thảo, ông Scott Rusell, Chủ tịch SAP châu Á - Thái Bình Dương và Nhật Bản cho hay: Chính phủ số là yếu tố tạo ra sự khác biệt, nâng cao hiệu quả điều hành nhà nước của Chính phủ, mang lại thuận lợi cho người dân và tăng cường sự công khai minh bạch trong các cơ chế chính sách của Nhà nước.
Theo ông Scott Rusell, Chính phủ thông minh bao gồm 3 thành phần chính là: Bộ phần mềm thông tin; công nghệ thông minh; nền tảng số. Trong đó, nền tảng số giúp lưu trữ thu thập bất kỳ loại dữ liệu nào để sử dụng các công cụ phân tích, dự báo. Chính việc thu thập dữ liệu, xử lý thông tin sẽ giúp Chính phủ đáp ứng được lợi ích của người dân. Từ đó, Chính phủ sẽ có khả năng đổi mới công tác quản lý về dịch vụ công, mang lại tính hiệu quả trong thời đại kỹ thuật số.
Còn theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính chia sẻ: trong chiến lược chuyển đổi số, ngành Tài chính đặt ra mục tiêu là chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.
Đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số. Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.
Phó Cục trưởng Cục Tin học và Thống kê tài chính Nguyễn Việt Hùng cho biết, về định hướng phát triển công nghệ thông tin trong chiến lược chuyển đổi số của ngành Tài chính được chia làm 2 giai đoạn:
Cụ thể, định hướng đến năm 2020 xây dựng Tài chính điện tử. Ở giai đoạn này, Bộ Tài chính sẽ triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử và hoàn thành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính trên cơ sở tích hợp, liên thông và chia sẻ thông tin trong ngành Tài chính; triển khai đám mây ngành Tài chính ở mức hạ tầng và sử dụng đám mây chung đảm bảo tính hiệu quả và an toàn thông tin toàn diện…
Giai đoạn thứ hai: Đến năm 2025 thiết lập Hệ thống dữ liệu Tài chính mở. Triển khai Kiến trúc Chính phủ số ngành Tài chính và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính được xây dựng trên nền tảng dữ liệu mở nhằm thực hiện công khai thông tin, dữ liệu về tài chính, ngân sách cho người dân và doanh nghiệp; cung cấp dịch vụ truy vấn dữ liệu theo yêu cầu người sử dụng; thúc đẩy việc giám sát của người dân trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách của Chính phủ, đảm bảo khả năng kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia của các Bộ, ngành, địa phương…
Tại hội thảo, các chuyên gia công nghệ giàu kinh nghiệm của SAP đã giới thiệu và chia sẻ với Bộ Tài chính về các công nghệ mới cũng như các bài học, giải pháp, lộ trình Chuyển đổi số mà SAP đã triển khai tại các nước trên thế giới, qua đó, Bộ Tài chính có thể tham khảo trong hành trình hội nhập Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và Chuyển đổi số của Bộ Tài chính.
Phú Văn