Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chung sống với hiểm nguy đường sắt

07:09 | 29/10/2014

1,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Bất chấp nguy hiểm, hàng trăm hộ dân trên các tuyến phố như Lê Duẩn, Khâm Thiên, Điện Biên Phủ (Hà Nội)… ngày ngày vẫn mưu sinh bên đường sắt. Ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn và có khi mất an toàn đến tính mạng.

Năng lượng Mới số 369

Hiểm nguy rình rập

Tuyến đường sắt Bắc - Nam xuất phát từ ga Hà Nội có nhiều đoạn đường sắt chạy len lỏi qua các khu dân cư với hàng trăm hộ dân sống ở hai bên đường sắt. Từ nhiều năm nay họ vẫn sống giữa không gian náo nhiệt ồn ào do tiếng tàu chạy, không những thế họ vẫn sống đối mặt với những hiểm nguy.

Nhiều người gọi những khu dân cư sống ngay cạnh hai bên đường sắt này là "xóm đường tàu". Bởi mọi hoạt động diễn ra hằng ngày của họ quẩn quanh đường sắt. Thoạt nhìn có thể không ai nghĩ người dân lại có thể sống được ở nơi như thế này.

Chung sống với hiểm nguy đường sắt

Một số gia đình sản xuất đồ gỗ ở ngay trên đường tàu

Bà Nguyễn Thị Bé sống cạnh đường sắt trên phố Khâm Thiên nói với chúng tôi: "Xóm đường tàu được lên báo nước ngoài đấy. Mà cũng chẳng có đâu như ở nước ta, dân nghèo nên nhắm mắt bất chấp nguy hiểm mà sống". Trong khi trò chuyện, bà Bé cầm bó rau muống ngồi ung dung bên cạnh đường ray để nhặt. Có lẽ 20 năm đã quen với cảnh "canh tàu", chạy tàu nên bà Bé mới ngồi ung dung là vậy.

Mục sở thị, khoảng hơn 500m đường sắt chạy qua các khu dân cư  ở “xóm đường tàu” nhưng có rất nhiều ngôi nhà ở tạm bợ và kiên cố sát đường sắt. Những ngôi nhà cao hai, ba tầng được cơi nới, những căn nhà lụp xụp chiếm hết hành lang an toàn theo quy định đối với đường sắt.

Không gian và diện tích chật hẹp đã khiến mọi hoạt động, sinh hoạt hằng ngày của người dân nơi đây như chuyện cơm nước, giặt giũ đến những công việc như làm mộc, kinh doanh… đều diễn ra sát cạnh, thậm chí ngay trên đường sắt. Và nguy hiểm luôn rình rập họ.

Chúng tôi gặp anh Phạm Văn Huy khi đang ngồi chềnh ềnh ngay giữa đường tàu đánh bóng đồ gỗ. Hỏi anh có sợ gì không à? Huy trả lời hồn nhiên: "Bao năm nay có làm sao đâu. Tàu đến thì mình chạy, hết tàu lại làm". Hai vợ chồng thuê nhà ngay cạnh đường sắt, vợ anh buôn bán đồng nát, còn anh Huy ở nhà làm nghề mộc. Tính đến nay, gia đình anh Huy sinh sống bên đường sắt gần 10 năm.

Ngần ấy năm, anh Huy biết là nguy hiểm nhưng "tiến thoái lưỡng nan" nên vợ chồng anh Huy đành phải gửi hai đứa con về quê nhờ ông bà.

Ông Nguyễn Văn Hà (60 tuổi) cắt tóc ở ngay đoạn đường tàu phố Khâm Thiên cho biết: "Đường tàu chạy qua khu dân cư này do Pháp xây dựng. Lúc đầu chỉ có một số cán bộ, công nhân viên đường sắt được ở trong khu hành lang an toàn. Từ năm 2000 đến nay, nhiều hộ dân thi nhau lấn chiếm đất, xây nhà, chồng tầng, lấn chiếm hành lang nên khoảng cách đường tàu đến nhà các hộ dân ngắn lại có nơi chỉ còn khoảng 1m, rất nguy hiểm".

Cần có một giải pháp triệt để

Adam Armstrong, tác giả của đoạn phim ngắn về cuộc sống của người dân ngay cạnh đường tàu tại Hà Nội trong một clip trên mạng nói: “Tôi cứ nghĩ rằng chỉ có khu chợ thực phẩm ở Thái Lan là nơi duy nhất trên thế giới này mà người dân phải giáp mặt với tàu hỏa hằng ngày. Nhưng hóa ra, đó không phải là nơi có một không hai mà khi đến Việt Nam, tôi cũng bắt gặp điều tương tự như thế”.

Chung sống với hiểm nguy đường sắt

Hành lang an toàn giao thông đường sắt biến thành khu bếp nấu ăn

Những ai xem đoạn phim do Adam Armstrong ghi lại tại xóm đường tàu giữa lòng thủ đô Hà Nội chắc hẳn cũng phải rùng mình sợ hãi và khâm phục những con người lâu nay sống chung với nguy hiểm.

Theo bà Nguyễn Thị Ly là công nhân trạm chắn đường tàu Nguyễn Thái Học - Điện Biên Phủ cho biết: Hằng ngày trên tuyến đường sắt này có khoảng hơn 10 chuyến tàu qua lại. Với số lần tàu chạy như vậy nhất là vào ban đêm, cuộc sống bị ảnh hưởng là điều khó tránh. Khói bụi và tiếng ồn là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của nhiều người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ.

Việc đi lại của người dân ở đây đều trên đường tàu. Thậm chí nhiều người dân sống quanh khu vực coi nó như phố đi bộ vì ôtô thì không thể vào được còn xe máy thì lách và nhiều người phải dắt. Nhà chật hẹp, hầu hết phương tiện như xe đạp, xe máy của người dân đều phải để ngay cạnh đường tàu. Vô hình trung, các phương tiện này là vật cản có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào.

Việc thiếu nước sinh hoạt luôn là tình trạng xảy ra thường xuyên tại đây. Chính vì vậy mà nhiều hộ gia đình không dám xây nhà vệ sinh. Không chỉ có khói bụi và tiếng ồn, một số người đi tàu thiếu ý thức ném chất thải, xú uế xuống đường tàu khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.

Ở đây, ngoài những người dân sống lâu năm ở đây, còn có nhà trọ. Nhiều căn nhà ở đây được người lao động thuê ở chung, sống bằng nghề phụ hồ, xây dựng, buôn ve chai thuê nhà với giá khoảng 100.000 đồng/ngày.

Chúng tôi gặp chị Phạm Thị Dương khi chị đang buôn ve chai ngay trên đường ray tại đoạn đường tàu chạy qua phố Điện Biên Phủ. Chị Dương bảo: "Ngày mới lên Hà Nội thuê nhà sống cạnh đường tàu tôi lo lắm. Lúc nào cũng lo sợ. Đêm đến vì chưa quen nên hễ có tàu chạy qua là mất ngủ. Lâu dần thành quen nên không mất ngủ nữa".

Chung sống với hiểm nguy đường sắt

Trẻ em lấy đường tàu làm nơi vui chơi

Giá những căn nhà ở "xóm đường tàu" nơi đây có giá từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỉ đồng nhưng đều không có sổ đỏ. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước, UBND Thành phố Hà Nội đã có kế hoạch quy hoạch di dời những hộ dân sống ở "xóm đường tàu".

Mới đây nhất, năm 2013 thành phố lại có quyết định di dời "phố đường tàu" nhưng không hiểu vì nguyên do gì mà sau đó quyết định lại bị tạm dừng khiến nhiều hộ dân không dám sửa sang nhà cửa và đành chọn phương án cho thuê với giá rẻ.

Anh Nguyễn Đăng Vinh, một người dân nơi đây cho biết, dân chúng tôi mong ngóng Nhà nước sớm xóa được "xóm đường tàu" ngày nào hay ngày đấy nhưng đợi chờ mòn mỏi mà chưa thấy. Bất đắc dĩ lắm mới phải ở vì không biết ở đâu chứ cứ sống cạnh tử thần như thế này chúng tôi lo lắm. Gia đình anh Vinh có 3 thế hệ đến nay vẫn bám riết mà sống ngay cạnh đường tàu. Họ không thể rời xa đường tàu vốn nguy hiểm luôn rình rập đến tính mạng, ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Quý Tùng, Phó chủ tịch UBND phường Khâm Thiên, Đống Đa, Hà Nội cho biết: "Đường tàu nằm trong khu dân cư Khâm Thiên đã hình thành từ hàng chục năm nay. Để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra, tránh những tai nạn không đáng có, nguy hiểm cho người dân sống hai bên đường sắt, chúng tôi thành lập ra Ban an ninh phường thường xuyên đi tuần nhắc nhở người dân để đảm bảo an toàn đường sắt. Việc di dời khu dân cư, hay di dời đường sắt là dự án lớn của chính quyền thành phố. Nếu có chủ trương, chúng tôi sẽ chấp hành để đảm bảo cho cuộc sống của người dân và an toàn đường sắt".

Mặc dù cuộc sống gần đường sắt gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm luôn rình rập nhưng những con người ở đây vẫn phải sinh sống qua nhiều thế hệ vì khó thay đổi hoàn cảnh. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần quan tâm và có những giải pháp an toàn để đảm bảo cuộc sống cho người dân xóm đường tàu để giúp người dân nơi đây sớm ổn định cuộc sống.

Nguyễn Hoan