Chứng khoán Sacombank khó thoát hủy niêm yết!
Mục tiêu niêm yết trở lại sau 2 năm đã được SBS tính đến.
Ngay sau khi thông tin SBS có thể bị hủy niêm yết được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, giới đầu tư lập tức hướng sự quan tâm đặc biệt tới những nội dung được đem ra thảo luận tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2012. Đáp lại sự mong mỏi này của giới đầu tư, một loạt những giải pháp vượt khó đã được đưa ra nhằm cứu SBS.
Nhưng theo nhận định chung của thị trường và của chính những người trong cuộc thì chặng đường phía trước của SBS sẽ vô cùng chông gai, khó khăn.
Tại Đại hội, xung quanh câu chuyện 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi, đại diện cho Sacombank – trái chủ sở hữu 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi SBS, ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết: Theo Kết luận thanh tra Ngân hàng Nhà nước ngày 16/1/2013, việc mua trái phiếu chuyển đổi SBS phát hành lần đầu của Sacombank với thủ tục lắt léo – thông qua Công ty cổ phần Giá Trị Mới là vi phạm nghiêm trọng các quy định của Ngân hàng Nhà nước khi chưa xin phép Ngân hàng Nhà nước thực hiện việc mua này. Sacombank không được phép mua trái phiếu chuyển đổi phát hành lần đầu trên thị trường sơ cấp.
Theo Kết luận của Thanh tra, Thanh tra yêu cầu Sacombank áp dụng mọi biện pháp thu hồi đầy đủ lãi và gốc của khoản đầu tư trái phiếu chuyển đổi này.
Tuy nhiên, sau quá trình triển khai thực hiện ý kiến của Thanh tra, Sacombank đã làm việc với SBS và nhận thấy việc thu hồi đủ lãi và gốc khoản đầu tư 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi là hết sức khó khăn.
Và để tháo gỡ những vướng mắc trên, đại diện Sacombank cho biết: Sau quá trình trao đổi và làm việc, Ban lãnh đạo SBS có đề xuất với Sacombank phương án chuyển đổi 500 tỉ đồng sang cổ phiếu với tỉ lệ 1;1 và SBS chuyển trả 300 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi còn lại cùng phần lãi phát sinh của 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi phát sinh theo trách nhiệm hợp đồng trong 1 năm qua khoảng gần 104 tỉ đồng cho STB.
Về việc này, STB đã có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước về việc cho phép Sacombank thực hiện xử lý khoản đầu tư 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi theo phương án đề nghị của SBS trên cơ sở khắc phục một phần sai phạm trước đây của Ban lãnh đạo Sacombank cũ khi quyết định mua 800 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi và bổ sung vốn cho quá trình trái cấu trúc của SBS.
Như vậy có thể hiểu những khó khăn mà SBS phải đối diện trong thời gian tới thậm chí có thể sẽ vượt qua mọi dự đoán. Thậm chí, sự tồn tại của SBS trên thị trường chứng khoán đến giờ vẫn đang là câu hỏi chưa có đáp án. Và theo những thông tin tại Đại hội thì, sau Đại hội đồng cổ đông thường niên 2012, các thành viên của Hội đồng Quản trị SBS sẽ có buổi làm việc với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có kết quả cuối cùng.
Bàn luận về vấn đề này, Chủ tịch Hội đồng Quản trị SBS nêu quan điểm: Khả năng không hủy niêm yết là khó, SBS cố gắng hoạt động kinh doanh có lãi trong 2 năm và xin niêm yết trả lại.
Chưa biết những vấn đề mà SBS đang phải đối diện sẽ được giải quyết như thế nào trong thời gian tới nhưng có một điều chắc chắn, giới đầu tư nhỏ lẻ đã bị tổn thất không nhỏ!
Theo ghi nhận của Petrotimes thì, tại thời điểm 9 giờ 45 ngày 1/3, SBS vẫn được giao dịch trên thị trường ở mức 2,400 đồng/cổ phiếu. Ở mức giá này, không ít nhà đầu tư đã lỗ tới 50%, thậm chí là hơn 50% (ngày 18/4/2012, SBS có giá 7.300 đồng/cổ phiếu, như vậy tính tại thời điểm này, không ít nhà đầu tư đã lỗ tới 67%).
Từ một công ty ăn nên làm ra với mức lãi hàng chục tới hàng trăm tỷ đồng giai đoạn 2007-2010, SBS đã quay ngoắt 180 độ trong năm 2011, lỗ tới 1.649 tỷ đồng. Đây cũng là công ty niêm yết duy nhất trên thị trường thua lỗ nặng nề như thế. Chỉ mới một năm trước đó, công ty này vẫn lãi 101 tỷ đồng và được xếp ở "chiếu trên" cùng những công ty chứng khoán có thị phần cao trên sàn chứng khoán. Sang 2012, công ty tiếp tục âm 126 tỷ đồng. |
Thanh Ngọc
-
Giá vàng hôm nay (1/11): Thị trường thế giới quay đầu giảm
-
Nhà đầu tư "loay hoay" huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
-
ADB: Biến đổi khí hậu có thể khiến GDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương giảm 17% vào năm 2070
-
Giá vàng hôm nay (31/10): Đồng loạt tăng
-
Nhiều ngân hàng kinh doanh tích cực trong 9 tháng đầu năm