Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Chủ động phòng tránh tai nạn do điện giật

11:34 | 26/09/2017

2,052 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Tại buổi Tọa đàm “An toàn điện, những điều cần biết” do Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đồng tổ chức chiều 25/9, ông Mai Quang Hùng - Trưởng ban An toàn EVNNPC đã có những khuyến cáo về việc sử dụng điện an toàn, phòng tránh tai nạn do điện giật.
chu dong phong tranh tai nan do dien giat
Toàn cảnh buổi tọa đàm.

Thông tin tại buổi tọa đàm, đại diện Ban tổ chức cho biết, mấy tháng gần đây đã xảy ra nhiều vụ tai nạn điện gây chết người ở các địa phương. Nguyên nhân dẫn tới những vụ tai nạn này có nhiều, cả khách quan lẫn chủ quan, có thể do những biến động bất thường của thời tiết như bão, lũ, lốc xoáy... nhưng cũng có thể do nhận thức của khách hàng sử dụng điện còn hạn chế. Ví dụ: Cuối tháng 8/2017 tại Đồ Sơn (Hải Phòng) có một người sửa mái nhà kéo thanh sắt lên mái, chạm đúng đường dây điện bị hở, bị giật chết. Mới đây nhất, ngày 23/9, tại Hà Tĩnh có một phụ nữ bị giật chết do dùng điện để mổ lợn...

Nói về vấn đề này, ông Mai Quang Hùng cho hay, qua thực tế làm công tác đảm bảo an toàn điện nhiều năm nhận thấy, phần lớn các vụ tai nạn điện xuất phát từ ý thức chủ quan của người dân trong việc sử dụng điện, đặc biệt là trong mùa mưa bão.

Theo ông Hùng, khi có mưa bão, người dân thường gặp phải các nguy cơ/sự cố dẫn đến khả năng mất an toàn do lưới điện gây ra như sấm sét, bão (gió) làm đứt dây điện rơi xuống đất, làm đổ cột điện, đổ cây cối vào dây điện làm điện rò xuống đất gây nguy hiểm cho người qua lại; bão (gió) gây chạm chập TBA, gây cháy nổ thiết bị trong trạm, nguy hiểm cho người dân xung quanh; mưa lũ cuốn trôi cột điện, xà sứ, dây dẫn, làm đổ cột điện…; lũ lụt gây ngập công tơ, thiết bị điện, gây ra rò điện, gây nguy hiểm cho người dân khi đến gần cột điện.

“Qua vụ tai nạn vừa rồi thì có thể thấy tai nạn này có thể được ngăn chặn hoàn toàn, nếu người dân làm được 3 điều sau: Một là nếu người dân biết cây đổ đứt dây mà báo cho trạm điện gần nhất thì sẽ biết để ngắt điện. Hai là thông báo cho công an xã hoặc thôn để xử lý. Hoặc ba là người dân cũng có thể đứng để cảnh giới nơi dây điện bị đứt. Nếu làm thế thì có thể loại trừ được những vụ tai nạn tương tự” - ông Hùng nói.

chu dong phong tranh tai nan do dien giat
Cột điện đổ gãy do mưa bão tại Hà Nội.

Ngoài ra, ông Hùng cũng khuyến cáo khi có bão vào (gió mạnh) cần tắt hết nguồn điện trong nhà để tránh cháy hỏng thiết bị và đồ dùng điện; khi nhà bị ngập nước phải cắt điện ngay để tránh bị điện rò ra tường nhà gây nguy hiểm cho con người sống trong nhà đó; không ra đường, không đứng tại các chân cột điện, dưới gầm đường dây điện; tuyệt đối không được thu nhặt dây dẫn bị đứt rơi xuống đất.

Đặc biệt, khi tham gia giao thông phải tuyệt đối chú ý khoảng cách những khoảng đường dây vượt đường bị võng xuống thấp gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại; khi qua vùng ngập nước phải chú ý quan sát xem có dây dẫn điện rơi xuống nước hoặc hệ thống công tơ, tủ đấu dây điện… bị ngập hay không, nếu phát hiện ra các trường hợp trên tuyệt đối không đi qua khu vực đó.

Còn theo ông Trần Quốc Anh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Điện lực Việt Nam, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng điện, người dân cần thực hiện đúng theo quy định về dùng điện, tuyệt đối không dùng điện bẫy chuột, đánh cá, chăng lưới điện ở gia đình; các ổ cắm điện phải có 3 lỗ; dây điện dùng trong nhà phải là loại dây tốt, nếu tính toán không được phải nhờ thợ điện... Đặc biệt, người dân cần phải tuân thủ hành lang an toàn lưới điện, không được trồng cây cao hơn khiến khả năng va quệt vào đường dây. Khi chằng chống nhà cần đề phòng dây hoặc cây va quệt vào lưới điện. Khi phát hiện có tia lửa điện trên lưới điện phải tránh xa, đi xa các dây đã bị đứt và rơi xuống đường, đồng thời thông báo chính quyền cách ly mọi người khỏi khu vực và báo cho điện lực; không tự ý trèo lên cột điện kiểm tra công tơ khi mưa to...

Được biết, những năm qua, để đảm an toàn lưới điện, đặc biệt trong mùa mưa bão và phòng chống tai nạn do điện giật trong dân, bên cạnh các giải pháp về kỹ thuật như đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống điện, công tác tuyên truyền cũng được EVNNPC đẩy mạnh thông qua các hình thức như phát tờ rơi, cẩm nang, qua Đài tiếng nói Việt Nam, đài phát thanh, truyền hình địa phương... Tuy nhiên, theo đại diện của EVNNPC, để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả, bên cạnh nỗ lực của ngành điện thì cũng cần sự vào cuộc, phối hợp của các cấp chính quyền địa phương.

“Để công tác tuyên truyền an toàn điện, phòng chống tai nạn điện đạt hiệu quả, các địa phương có thể đưa nội dung này vào các buổi sinh hoạt cộng đồng của thôn, xóm, thông qua các hoạt động của Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh...” - ông Hùng nhấn mạnh.

Tính đến tháng 9/2017, trên địa bàn EVNNPC quản lý xảy ra 27 vụ tai nạn điện làm 16 người chết, 2 người bị thương. Nguyên nhân là do vi phạm lưới điện cao áp, do người dân cơi nới nhà cửa, vi phạm về khoảng cách an toàn, xe cẩu va chạm đường dây...

Hải Anh