Chống hàng giả - đánh nhau với cối xay gió?!
Năng lượng Mới số 369
Sợ hàng thật bị… tẩy chay!
Theo ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ngoài thị trường hàng giả đầy rẫy, được bày bán công khai. Mặc dù đã có hẳn Chỉ thị 28/2008/CT-TTg yêu cầu trong công cuộc chống hàng giả: “Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các lực lượng thực thi và doanh nghiệp; Phải phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp, hiệp hội, người tiêu dùng và cơ quan thông tin đại chúng để phối hợp đấu tranh, tạo dư luận lên án mạnh mẽ hoạt động sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng”, thế nhưng sự hợp tác của doanh nghiệp lại chưa chặt chẽ.
Ông Lam dẫn chứng, suốt thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp đã né tránh khi được đề nghị cung cấp thông tin để hướng dẫn người tiêu dùng tránh hàng giả, mua hàng thật. Nguyên do sau khi tìm hiểu được cho là sợ ảnh hưởng đến uy tín sản phẩm, sợ người tiêu dùng tẩy chay luôn sản phẩm cũng như lo ngại những người làm hàng giả nắm được thông tin đặc điểm sẽ dựa vào đó để cho “ra lò” những sản phẩm nhái tinh vi hơn nên chủ các doanh nghiệp đã bất hợp tác với các cơ quan chức năng.
Thực ra lo ngại này của các doanh nghiệp không phải là không có lý vì thực tế đã xảy ra những chuyện như vậy và có doanh nghiệp thất thu tới 50% so với thường có. Tuy nhiên, xét về lâu dài thì đây không phải là một giải pháp chiến lược mà ngược lại có khi còn làm doanh nghiệp phá sản vì đã sản xuất ra… thứ phẩm cung cấp cho thị trường. Câu chuyện của một doanh nghiệp chuyên sản xuất mỹ phẩm mủ trôm để làm trắng da rất được chị em ưa chuộng hiện nay đã phần nào chứng minh hệ lụy này.
Mỹ phẩm giả và đối tượng làm giả bị bắt giữ
Mỹ phẩm làm trắng da mủ trôm do Công ty TNHH MTV Vĩnh Tân, ở quận 10 TP Hồ Chí Minh sản xuất, mặc dù là sản phẩm nội địa nhưng chiếm được thị phần đáng kể bởi hiệu quả của nó. Nhưng cũng do có được thị phần như vậy mà sản phẩm đó nhanh chóng… bị làm giả. Việc phát hiện ra mỹ phẩm mủ trôm giả chỉ bắt đầu khi một khách hàng ở Bình Dương bị dị ứng, bỏng da sau 3 ngày sử dụng sản phẩm mủ trôm được mua tại một cửa hàng mỹ phẩm, đến nỗi phải đi điều trị tại Bệnh viện Da liễu TP Hồ Chí Minh. Các bác sĩ ở đây đã kết luận: hàm lượng corticoid trong mỹ phẩm quá lớn đã làm cho da bị dị ứng và bỏng rát.
Bất bình với chất lượng sản phẩm, cùng thời gian điều trị tại TP Hồ Chí Minh, khách hàng nói trên cũng đã tìm đến công ty sản xuất theo địa chỉ ghi trên vỏ hộp để khiếu nại. Không ngờ tìm đến nơi, khách hàng mới biết sản phẩm chị sử dụng là giả. “Sản phẩm của công ty bị làm giả đã ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, thương hiệu của công ty và làm doanh thu của công ty giảm hơn 50% suốt thời gian qua”, bà Võ Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH MTV mỹ phẩm Vĩnh Tân cho biết.
Công ty của bà Liễu đã thực hiện nhiều biện pháp chống hàng giả như: Treo thưởng cho người phát hiện, tố giác hàng giả, lập ban giám sát thị trường, sử dụng tem chống hàng giả của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an, đổi mẫu mã… Thế nhưng hàng giả vẫn tràn ngập. Ngay cả tem chống hàng giả của Bộ Công an cũng bị làm giả. Cho nên chính từ vụ việc này, bà Liễu cho rằng phải kết hợp với cơ quan chức năng để chống hàng giả.
Phải tự bảo vệ mình!
Và quả thực việc kết hợp với cơ quan chức năng để chống hàng giả của Công ty TNHH MTV Vĩnh Tân đã có hiệu quả khi Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương phối hợp với các ban, ngành liên quan như cơ quan công an, chính quyền địa phương… đã phát hiện Lâm Văn Quốc Khanh (tức Khanh “đen”), ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh tự “sản xuất” không chỉ mỹ phẩm giả gây họa cho người sử dụng mà còn nhiều loại mỹ phẩm khác. Ngày 1-10, cơ quan liên ngành còn bắt quả tang Khanh đang giao 350 hộp kem giả thương hiệu Vĩnh Tân cho khách hàng với tổng trị giá 30 triệu đồng. Hiện nay vụ việc đã được giao cho Cơ quan công an để khởi tố vụ án.
Sau vụ việc làm giả mỹ phẩm bị triệt phá thì ông Đỗ Thanh Lam nhận định: “Trong cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, rất cần sự dũng cảm của các nhà sản xuất chân chính bằng cách vượt qua những lợi ích trước mắt để cung cấp thông tin, tố cáo hàng giả với các cơ quan chức năng để xử lý”.
Đồng quan điểm, ông Trần Minh Dũng, Chánh thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã phát biểu: “Chìa khóa giải quyết vấn nạn hàng giả, hàng nhái không gì khác chính là doanh nghiệp, đặc biệt là trong cơ chế thị trường hiện nay”.
Và ông Dũng nhấn mạnh: Nghị định 99/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp đã đề cập tới sự tham gia của các chủ thể quyền. Trong đó, kết luận của chủ thể quyền là bằng chứng quan trọng để cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ căn cứ thực hiện. Bởi hơn ai hết, các chủ thể quyền sẽ biết phạm vi bảo vệ của mình đến đâu và có các biện pháp phòng chống mà chỉ có chuyên gia của họ mới xác định được. Trong khi biện pháp thông thường khác khó có thể xác định. Các cơ quan thực thi nếu có chỉ đưa hàng hóa vào giám định và phải biết các dấu hiệu nào là thật và không phải thật mới có thể đánh giá được. Còn các giải pháp của riêng chủ thể quyền và giải pháp kỹ thuật, khoa học - công nghệ các chủ thể quyền sử dụng là điều rất quan trọng để phòng chống hàng giả.
Bên cạnh sự phân tích trên, ông Dũng cũng nói thêm: “Việc cung cấp thông tin, giám sát của các chủ thể quyền phải thực hiện ngay từ khi hàng giả, hàng nhái mới hình thành để cuộc chiến chống hàng giả không những dễ dập tắt mà còn đỡ tốn kém. Chứ để hàng giả, hàng nhái tràn lan, công cuộc này sẽ khó khăn, phức tạp hơn, chưa kể đến chi phí tốn kém dẫn đến thiệt hại lớn hơn”.
Với các phân tích, dẫn chứng của các chuyên gia trong ngành cùng với bài học thiết thực về cuộc chiến chống hàng giả trên đây, hy vọng nếp nghĩ của các doanh nghiệp sẽ thay đổi để từ đó có những hành động tích cực trong việc hợp tác với các cơ quan chức năng để chung tay chống hàng giả. Làm như vậy cũng có nghĩa là họ đã có trách nhiệm với chính bản thân và trách nhiệm với chính cộng đồng, xã hội…
Sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh lành mạnh và thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài và thực hiện những cam kết song phương - đa phương về sở hữu trí tuệ. Kỷ cương, pháp luật không được thực thi nghiêm minh, Nhà nước thất thu thuế, xã hội mất đi của cải, vật chất, môi trường bị xâm hại, năng lượng sống của con người bị suy giảm… Đó là những tác hại to lớn do tệ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trực tiếp gây ra. Ông Đỗ Thanh Lam, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương: Công tác chống hàng giả vẫn còn nhiều bất cập, chưa mang lại hiệu quả như mong muốn là do bên cạnh thiếu sự hợp tác của chính các nhà sản xuất ra sản phẩm thì phương thức, thủ đoạn sản xuất, buôn bán hàng giả ngày càng phức tạp, tinh vi; cơ chế thực thi còn chồng chéo, chưa đồng bộ; sự hợp tác giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ; trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế; nhận thức của cộng đồng chưa được nâng cao…
|
Lâm Anh
-
[Chùm ảnh] Lớp tập huấn nghiệp vụ cho chủ tịch công đoàn cơ sở tham quan cảng Vietsovpetro
-
[PetroTimesTV] Cảm xúc kỳ bảo dưỡng
-
“Mùa xuân và người lính biển” - cảm xúc đong đầy của người dầu khí
-
[PetroTimesTV] Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát một số công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh Cà Mau
-
[PetroTimesTV] Hoàn thành vượt tiến độ đại tu tổ máy H2 tại Thuỷ điện Đakđrinh