Cho những dòng điện “nối dài”
Sử dụng Flycam kiểm tra đường dây 500kV Hòa Bình - Nho Quan. |
Công ty Truyền tải điện 1 được thành lập với tên gọi ban đầu là Sở Truyền tải thuộc Công ty Điện lực 1. Khi mới ra đời, công ty được giao tiếp quản 7 trạm biến áp 110kV với 11 máy biến áp, tổng dung lượng là 261 MVA và 145km đường dây 110 kV xung quanh khu vực Hà Nội - Hà Tây (cũ).
Nhìn lại những ngày đầu thành lập khi cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề, với vài chục m2 nhà xưởng lợp tôn, phương tiện dụng cụ nghèo nàn và gần 200 CBCNV từ các đơn vị Điện lực 1, Điện lực Hà Nội, Xây lắp điện…cùng nhau về dưới “mái nhà” của Truyền tải điện 1 với một tâm thế hăng say, hứng khởi lao động mà bất cứ ai bây giờ nhìn lại không thể trào dâng một tình cảm xúc động và bồi hồi khi mình đã từng chung tay, chung sức, đồng lòng để xây dựng nên những công trình truyền tải điện mang ý nghĩa hết sức to lớn cho sự phát triển và phục hồi kinh tế đất nước sau chiến tranh. Trong số đó nhiều công trình đã trở thành “huyền thoại”, trở thành những “dấu son” chói sáng trong lịch sử phát triển của ngành năng lượng Việt Nam nói riêng và trong quá trình xây dựng, đổi mới của nền kinh tế đất nước nói chung.
Chỉ sau 10 năm thành lập, với sức trẻ và nhiệt huyết tràn đầy cùng với ưu thế vượt trội về năng lực và tinh thần trách nhiệm, PTC1đã từng bước trở thành đơn vị chủ chốt của điện lực miền Bắc, đi đầu và có những đóng góp quan trọng trong việc xây lắp, thí nghiệm, hiệu chỉnh các TBA 110kV ở các tỉnh miền núi như: Lạng Sơn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Yên Bái… và đặc biệt là đưa điện lưới quốc gia vào các tỉnh miền Trung như Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng…
Toàn cảnh TBA 220kV Mường Tè nhìn từ trên cao. |
Năm 1992 khi công trình lịch sử đường dây 500 kV Bắc – Nam được khởi công, hàng trăm CBCNV của Truyền tải điện 1 được tuyển chọn đi đào tạo ở trong và ngoài nước. Đến ngày 27/5/1994 đường dây 500 kV Bắc Nam (mạch 1) chính thức hòa lưới, hệ thống điện toàn quốc được thống nhất. Từ trước đó, trong quá trình chuẩn bị sản xuất, công ty được Bộ Năng lượng (nay là Bộ Công Thương) tin tưởng giao nhiệm vụ biên soạn hệ thống quy trình quản lý, vận hành chung cho toàn quốc. Không thể kể hết khó khăn thử thách mà đội ngũ kỹ sư, công nhân lành nghề Công ty Truyền tải điện 1 phải đối mặt. Hàng loạt thiết bị hiện đại mà ngay cả những cán bộ ngành điện lâu năm cũng chỉ mới thấy lần đầu. Bỡ ngỡ là thế, phức tạp là thế nhưng toàn bộ kỹ sư, chuyên viên và những công nhân dày dạn kinh nghiệm của công ty đã vượt lên chính mình, miệt mài nghiên cứu, chắt lọc từ hàng ngàn trang tài liệu bằng tiếng nước ngoài; so sánh, đối chiếu với điều kiện cụ thể của Việt Nam và cuối cùng đã hoàn thành xuất sắc công việc. Từ đây, một trang sử vẻ vang mới chính thức được mở ra, người thợ truyền tải điện 1 đã có thể tự hào vì mình đã góp phần “làm nên” những công trình lịch sử của đất nước đồng thời khẳng định được năng lực, trình độ của những cán bộ, kỹ sư truyền tải điện Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ khoa học và công nghệ hiện đại nhất là trong bối cảnh đất nước đang trong những năm đầu của công cuộc đổi mới nền kinh tế.
Đến nay, lưới truyền tải do công ty quản lý đã không ngừng phát triển, vươn sâu, vươn xa đến hầu hết các khu vực miền Bắc. Với 2.039 CBCNV, công ty đang quản lý một khối lượng khổng lồ gồm 74 trạm biến áp từ 220kV-500kV có tổng công suất xấp xỉ 46.000 MW, trong đó có 3.127.42 km; 4.743 vị trí. đường dây 500kV, 7.259.62 km; 11.245 vị trí. đường dây 220kV với 11 Truyền tải khu vực ở 28/28 tỉnh, thành phố phía Bắc. Năm 2021, sản lượng điện truyền tải thực hiện đạt 95,88 tỷ kWh vượt kế hoạch năm 2021 là 1,23% và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2020; về tổn thất điện năng, năm 2021 thực hiện 1,99%, thấp hơn 0,16% so với cùng kỳ năm 2020 và thấp hơn 0,11% so với kế hoạch giao. Không để xảy ra sự cố do nguyên nhân chủ quan, tất cả các chỉ tiêu suất sự cố thực hiện thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch EVNNPT giao.
Cùng với đó, đội ngũ người lao động của Công ty cũng đã trưởng thành, lớn mạnh vượt bậc cả về số lượng, chất lượng, cơ sở vật chất kỹ thuật về cơ bản đáp ứng yêu cầu của sản xuất. Hiện nay, PTC1 đã làm chủ gần như hoàn toàn công việc lắp đặt và thí nghiệm hiệu chỉnh các thiết bị trạm biến áp, kể cả những công nghệ phức tạp như lắp các MBA 500kV, các ngăn lộ tụ, kháng và hệ thống điều khiển các giàn tụ bù 500kV, sửa chữa trên ĐZ 220kV đang mang điện, vệ sinh cách điện hotline, điều khiển TBA từ xa, lọc dầu online; kiểm tra online các máy biến áp, Ứng dụng quản lý kỹ thuật trên nền tảng công nghệ GIS trên lưới điện truyền tải, ứng dụng công nghệ Lidar trong QLVH đường dây TTĐ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI trong phân tích hình ảnh để cảnh báo tự động vi phạm hành lang an toàn lưới Truyền tải điện…
Toàn cảnh TBA số 220kV Thủy Nguyên. |
Không chỉ làm tốt công tác quản lý vận hành, trong 5 năm gần đây, PTC1 còn hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý đầu tư xây dựng với khối lượng thực hiện khoảng 700 tỷ đồng/năm. Điển hình là các thành tích trong xây dựng và lắp đặt các giàn tụ bù 500kV/2.000A cho ĐZ 500kV Nho Quan – Hà Tĩnh với thời gian chỉ 12 ngày/1 bank tụ; lắp các MBA 500kV - 900MVA tại trạm Thường Tín, trạm Hiệp Hòa chỉ với 12 ngày cắt điện; Lắp đặt chống sét trên các đường dây để giảm thiểu tối đa sự cố, lắp đặt hệ thống tụ bù 110kV; hàng năm hoàn thành nâng công suất các TBA 220kV và ĐZ 220kV với số lượng khoảng 10-12 công trình, đóng điện vận hành tạm MBA 500 kV-600 MVA tại TBA 500 kV Nho Quan nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn và liên tục cho phát triển kinh tế xã hội trong mùa nắng nóng 2020 do dịch Covid-19 diễn biến phức do đó chuyên gia theo dự án không sang Việt Nam thực hiện được!...
Xác định khoa học công nghệ là chìa khóa cho phát triển bền vững và là nền tảng hiện đại hóa lưới điện truyền tải, trong những năm gần đây, Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia đã tập trung ứng dụng nhiều đề tài, giải pháp khoa học công nghệ, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý và vận hành hệ thống truyền tải điện Quốc gia. Theo đó PTC1 đã từng bước chủ động kiểm soát, nâng cấp, cải thiện hệ thống truyền tải, hòa nhập thích nghi với thực trạng phát triển của đất nước và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhằm triển khai đề án Trung tâm điều khiển xa và Trạm biến áp không người trực để thực hiện bài toán hiện đại hóa hệ thống truyền tải, nâng cao năng suất và chất lượng truyền tải, từ 03 Trung tâm vận hành quản lý vận hành 03 trạm biến áp không người trực và 02 Trung tâm vận hành quản lý một trạm biến áp năm 2017, đến nay PTC1 đã đưa vào vận hành, 4 tổ thao tác lưu động quản lý cụm trạm biến áp gồm: tổ TTLĐ Mai Động (quản lý Long Biên, Bắc Ninh 2, Bắc Ninh 3, Kim Động), tổ TTLĐ Phú Thọ (quản lý Tuyên Quang, Phú Thọ), tổ TTLĐ Nông Cống (quản lý Bỉm Sơn, Nông Cống), tổ TTLĐ Nam Định (quản lý Nam Định, Thái Thụy, Trực Ninh). Tuy nhiên, song hành với đó sẽ là thách thức lớn về chất lượng nguồn nhân lực. Để có thể bảo đảm dòng điện luôn được vận hành an toàn, liên tục và ổn đinh, PTC1 đã tập trung đẩy mạnh công tác đào tạo chuyên môn, cập nhật các kỹ năng công nghệ…
Có thể nói Truyền tải điện 1 là một trong những đơn vị hoạt động chuyên ngành truyền tải đầu tiên của Việt Nam. Người thợ truyền tải điện được ví như “người lính” bởi đặc thù công việc đa phần luôn phải thi công, sản xuất ở những địa hình, địa lý hết sức khó khăn, vất vả đặc biệt là các khu vực miền núi, biên giới. Tuy nhiên dù ở hoàn cảnh nào những “người lính” truyền tải luôn giữ vững bản lĩnh chính trị vững vàng, đoàn kết một lòng, phấn đấu hoành thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, để dòng điện được “nối dài” góp phần vào công cuộc phát triển kinh tế- xã hội, an ninh- chính trị quốc phòng của đất nước.
Những tuyến đường dây, lưới điện đầy khó khăn đã trở thành “những địa chỉ đỏ” trong thử thách sự kiên cường và bền chí của người thợ điện truyền tải như: Tây Nghệ An, Bắc Mê (Hà Giang), Na Hang (Tuyên Quang), Bắc Kạn, Cao Bằng, Mường Tè…Đã có những người xin chuyển công tác nhưng cũng rất nhiều người đã “bám tuyến” và trở thành những cán bộ nòng cốt của các đơn vị truyền tải.
Để góp phần tạo động lực cho các cán bộ, CNVC tại các vùng miền núi, biên giới an tâm, bám trụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Ban lãnh đạo công ty, các tổ chức chính trị, xã hội như: Đảng bộ công ty, Đoàn thanh niên, Nữ công và đặc biệt là tổ chức Công đoàn đã vào cuộc. Bên cạnh không ngừng nâng cao đời sống, cơ sở chất và điều kiện làm việc cho người lao động, thì những hoạt động như tạo điều kiện học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề cho người lao động, các hoạt động văn hóa thể dục thể thao, văn nghệ cũng thường xuyên được tổ chức.
Theo đó, hàng năm công ty đều tổ chức các Hội thi tay nghề, an toàn viên cho người lao động... Công đoàn đã chủ động làm tốt công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động; chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, ngoài ra Công đoàn cũng hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị Đội, Trạm thành lập các sân chơi thể thao để tạo môi trường sinh hoạt lành mạnh, nâng cao sức khỏe và gắn kết cho người lao động…
Bên cạnh đó, Công ty Truyền tải điện 1 còn rất tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo: Phụng dưỡng bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xây nhà tình nghĩa, đóng góp cứu trợ đồng bào gặp thiên tai, ủng hộ người nghèo và trẻ em nhiễm chất độc da cam, ủng hộ các chiến sỹ biển đảo. Đây là nét văn hóa EVNNPT đã ngấm sâu trong huyết mạch của mỗi CBCNV EVNNPT.… Công ty đã lồng ghép các hoạt động từ thiện nhân đạo với tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Đây thực chất là xã hội hóa công tác bảo vệ đường dây mà nhờ nó Truyền tải điện 1 đã nhận được sự cảm thông giúp đỡ to lớn của đồng bào và góp phần nâng cao uy tín của điện lực Việt Nam nói chung và Truyền tải điện nói riêng.
Với cơ sở vật chất đầy đủ và hiện đại cùng đội ngũ nhân lực có năng lực, dày dạn kinh nghiệm và một tập thể đoàn kết một lòng, Công ty Truyền tải điện 1 luôn phấn đấu không mệt mỏi vì sự an toàn, liên tục của lưới điện quốc gia, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xứng đáng là một trong những “cánh chim đầu đàn” của ngành truyền tải điện Việt Nam, xứng đáng vị thế của một đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Trên con đường phát triển của mình, Công ty Truyền tải điện 1 đã trải nghiệm nhiều thăng trầm, thử thách và đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn. Ghi nhận những thành tích của công ty, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương đã trao nhiều danh hiệu khen thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Nhì, Ba. Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba… và nhiều danh hiệu cho tập thể và cá nhân trong Công ty.
Chắc chắn chặng đường phía trước sẽ còn nhiều gian nan thử thách đang chờ đón những người lính Truyền tải điện 1 anh hùng. Song những dấu ấn đáng trân trọng, tự hào của 41 năm phát triển là hành trang, là điểm tựa, là động lực lớn lao cho con tàu PTC1 tiếp tục vượt qua sóng gió, vững vàng thực hiện thành công sứ mệnh vinh quang, giữ trọn vẹn niềm tin yêu với Đảng, với nhân dân, đất nước. Góp phần cùng Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia thực hiện thành công chiến lược xây dựng EVNNPT thành một trong 4 tổ chức hàng đầu khu vực ASEAN trong thời gian tới và đến năm 2025 trở thành một trong các tổ chức Truyền tải điện thuộc 10 nước hàng đầu châu Á.
Mạnh Hùng
-
Điện gió tăng trưởng chậm "kìm hãm" mục tiêu năng lượng toàn cầu?
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Hoàn thành nâng công suất Trạm biến áp 500kV Sông Mây
-
Bài 1: Để Quy hoạch phát triển điện lực được thực thi
-
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn đến hết năm 2025