Cây sáng kiến của ngành điện giữa núi rừng Đông Giang
Anh Lê Trung Ánh với sáng kiến chế tạo dụng cụ kéo dây lên xà.
Gương mặt sạm đen, pha lẫn chút da vàng ngai ngái hoang dã của một người đồng bằng nhiều năm lăn lộn với núi rừng biên cương. Với chất giọng “đặc sệt” Quảng Nam cộng hưởng với âm vực cao vì sống lâu năm nơi miền rừng núi, Lê Trung Ánh giải thích rạch ròi quá trình phát sinh ý tưởng, mày mò làm ra dụng cụ và những công dụng thực tế của giải pháp. Bởi thế, giải pháp của anh nhanh chóng được Hội đồng xem xét, công nhận sáng kiến.
Nói là sáng chế thì có vẻ to tát quá! Thật ra đây chỉ là dụng cụ hết sức đơn giản, được ghép bằng những thanh sắt thô ráp, với những vết cắt, mối hàn, vết sơn “tay ngang” của anh thợ điện tự mày mò làm thợ cơ khí. “Sản phẩm” gồm một chân đế định vị để ghép chặt vào thanh xà; một vòng tròn sắt với những nan hoa bằng sắt ф8 – ф12 dài khoảng 20cm, phía ngoài có móc để móc dây, gắn vào một ổ bi ở giữa tâm được cố định với chân đế; một vòng tròn nhỏ hơn được gắn cố định với vòng tròn lớn để quấn dây kéo; một đĩa nhông sắt gắn với “con cóc” hãm cho vòng tròn chỉ quay theo một chiều. Đơn giản vậy thôi nhưng dụng cụ này đã chuyển tải được hết những ý tưởng thông minh, sáng tạo của người thợ giữ điện giữa miền rừng núi Đông Giang (Quảng Nam) là làm thế nào để kéo dây điện nặng lên xà nhanh nhất, ít tốn công lao động nhất.
Việc kéo dây điện lên xà trước đây được thực hiện bằng nhiều cách, cơ giới có, thủ công có tùy theo quy mô công trình và chủng loại dây điện. Trên địa bàn Quảng Nam, phần lớn lưới điện trung, hạ áp đưa dây lên xà bằng sức người. Trong cơn bão số 9 năm 2009, tại đây hàng chục km lưới điện 35kV bị bão đánh tơi tả, dây rơi nằm la liệt dưới đất. Bấy giờ, tại huyện Núi Thành tôi đã từng chứng kiến tại mỗi trụ điện phải có 4-5 công nhân, người kéo người đẩy bì bõm giữa ruộng nước rất lâu mới đưa được dây lên xà.
Ở miền rừng núi Đông Giang, núi và thung lũng nhiều hơn đất bằng nên rất nhiều nơi các khoảng trụ được trồng khá xa nhau, khi dây điện bị đứt hoặc rơi xuống đất thì phải mất 3, 4 công nhân mới kéo được dây lên xà, vừa tốn sức vừa kéo dài thời gian mất điện của khách hàng. Với dụng cụ tự làm của Lê Trung Ánh, công việc trở nên đơn giản, nhẹ nhàng hơn, và chỉ cần 2 người, với khoảng 2 giờ là xong 1 khoảng trụ. Hiệu quả mang lại từ sáng kiến này khá lớn, giảm một nửa số công và giảm 2/3 thời gian so với trước, trong khi để làm ra dụng cụ này tốn chi phí không quá 300 nghìn đồng.
Lê Trung Ánh là người xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam). Tháng 10 năm nay anh bước sang tuổi 46, với 25 năm tuổi nghề. Thuở nhỏ, khi anh còn nằm nôi, cha anh đã thoát ly làm cách mạng và hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Khi lớn lên, anh ý thức được cảnh mẹ góa con côi, gia đình nghèo khó, mẹ già phải vất vả nuôi con nên vừa học xong phổ thông anh phải chuyển sang học nghề điện. Ra trường, anh được nhận vào làm thợ điện của Phòng Tài chính huyện Đại Lộc.
Năm 2002, Công ty Điện lực Quảng Nam tiếp nhận lưới điện khu vực thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc, anh được Công ty kiểm tra tay nghề và tiếp nhận vào làm công nhân tại Tổ Kinh doanh của Chi nhánh điện Đại Lộc. Năm 2007, Công ty thành lập Tổ điện miền núi Đông Giang trực thuộc Chi nhánh điện Đại Lộc, Lê Trung Ánh là một trong số ít nhân viên được điều chuyển lên công tác tại đây. Tháng 3/2009, Chi nhánh điện Đông Giang ra đời, Lê Trung Ánh được tín nhiệm giao làm Tổ phó Tổ Quản lý đường dây và trạm khu vực Đông Giang và phụ trách quản lý lưới một số xã của huyện Tây Giang.
Trong quá trình công tác tại đây, gần 10 năm qua Lê Trung Ánh phải khắc phục cảnh sống xa nhà, trở lại với “cơm tập thể, giường cá nhân”. Không có điều kiện giúp vợ, dạy con học hành thì anh lại dành thời gian vào việc tự học, tự mày mò nghiên cứu, và đã tốt nghiệp lớp kỹ sư điện tại chức tại Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Lê Trung Ánh thường tâm sự với tôi: “Đêm về nơi miền rừng núi hoang vu, vắng vẻ này, em chẳng biết làm gì ngoài việc đọc sách nâng cao kiến thức và suy nghĩ tìm mọi cách hợp lý hóa công việc, đẩy mạnh thực hiện sáng kiến để giảm nhẹ cường độ lao động cho anh em trong tổ, góp phần bảo đảm lưới điện vận hành an toàn, nâng cao chất lượng điện và độ tin cậy cung cấp điện cho 52 nghìn khách hàng sử dụng điện của huyện Đông Giang”.
Với lối suy nghĩ tích cực của một đảng viên dạn dày kinh nghiệm trong công việc, Lê Trung Ánh đã cùng 7 anh em trong Tổ quản lý đường dây và trạm không ngừng nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, ra sức làm việc để bảo đảm cho 170km lưới điện 35, 22 kV, khoảng 80km lưới điện hạ áp trên địa bàn huyện Đông Giang vận hành an toàn.
Tìm hiểu thêm tôi mới thấy khối lượng công việc của tổ khá đồ sộ. Tổ có 8 người, nhưng phải mất 3 người giải quyết sự cố, 1 tổ trưởng chuyên giải quyết công việc hành chính, điều phối công việc và lập kế hoạch tác nghiệp hằng ngày. Còn lại 4 người, chuyên quản lý lưới. Nhiệm vụ hằng ngày của các anh là kiểm tra ngày và đêm lưới điện, trạm biến áp; phát quang hành lang an toàn lưới điện; kiểm tra công suất ngày, đêm tại 106 trạm biến áp phân phối và 2 trạm trung gian; tổ chức sửa chữa lớn, sửa chữa thường xuyên lưới điện trung, hạ áp… Qua làm tốt nhiệm vụ, vì vậy dù ở miền núi lưới điện thường xuyên bị nạn sạt lở đất, giông sét uy hiếp, song lưới điện nơi đây tương đối ổn định, an toàn, các chỉ tiêu số lần mất điện và thời gian mất điện trung bình của một khách hàng giảm thấp hơn rất nhiều so với trước, năm 2013, số lần mất điện trung bình 17,56 lần/khách hàng, thời gian mất điện trung bình 2128 phút/khách hàng.
Ông Trương Tiến Dũng, Giám đốc Điện lực Đông Giang cho biết, anh Lê Trung Ánh không chỉ có giải pháp chế tạo dụng cụ đưa dây lên xà như vừa được Công ty công nhận sáng kiến mà anh còn thực hiện rất nhiều giải pháp, sáng chế ra nhiều thứ dụng cụ khác rất hữu ích trong công việc, được Công ty Điện lực Quảng Nam công nhận sáng kiến như: Chế tạo dao gọt cáp đa năng; chế tạo khoan sắt bằng tay để khoan những dụng cụ, thiết bị bằng sắt tại chỗ làm việc, trên xà cao hoặc những nơi không thể và không cần phải mang khoan điện đến hiện trường hoặc đến những nơi không có điện; chế tạo ra cánh tay đòn để uốn xà bị vênh, cong ngay trên đầu trụ điện mà không phải tháo xà đem xuống đất mới uốn thẳng được như trước đây.
Ngoài ra, Ánh còn suy nghĩ đề xuất nhiều giải pháp để hợp lý hóa công việc như: Chế tạo chiệc khoan để khoan đất khi đóng cọc tiếp điạ; chế tạo bộ tiếp bắt bù lon vào ốc vít nàm trong rãnh của sắt U dùng làm đà đặt trạm biến; chế tạo pôly kẹp vào xà để kéo dây khỏi bị bong tróc, hư xước vỏ bọc dây. Những sáng kiến của Lê Trung Ánh phát sinh do trên thực tế, một số dụng cụ, công cụ, thiết bị thi công không phù hợp, bất cập trong xử lý công việc, mất nhiều thời gian thao tác. “Những sáng kiến và giải pháp này trên thực tế đã mang lại nhiều tiện ích trong công việc của Tổ và của Điện lực, giải quyết được những khó khăn tại chỗ, và nhất là có giá trị ứng dụng thực tế cao, góp phần tăng năng suất” – ông Dũng nói.
Nhị Triều
-
Kịch bản cung ứng điện năm 2025
-
Cần luật hóa chi tiết các mục tiêu bảo vệ môi trường trong hoạt động điện lực
-
Đóng điện máy biến áp thứ 2 Trạm biến áp 220kV Thủy Nguyên: Tăng cường đảm bảo điện cho TP Hải Phòng
-
Tháng 10: EVN cung ứng đủ điện và khẩn trương khắc phục hậu quả bão Trà Mi
-
Khuyến khích đầu tư các dự án điện tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo