Câu chuyện đầu tư vào năng lượng của thổ dân Mỹ
Brett Isaac, người sáng lập và đồng giám đốc điều hành của Navajo Power, tham dự Hội nghị thượng đỉnh về công bằng năng lượng bộ lạc thường niên đầu tiên ở Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, ngày 22/5/2023 |
Vào năm 2020, bộ tộc cùng tên đã lên kế hoạch khai thác nguồn năng lượng trên, bằng cách xây dựng một trang trại gió kiêm trạm sản xuất điện đầu tiên do cộng đồng sở hữu. Như vậy, đó sẽ là một dự án giúp tạo ra việc làm, doanh thu và điện cho những nơi đang thiếu những tiện nghi trên.
Dự án này là trọng tâm trong chiến lược kinh tế dài hạn của bộ tộc Standing Rock Sioux. Doanh thu từ việc bán điện cho khu vực sẽ thay thế cho doanh thu của sòng bạc của khu bảo tồn. Ngày này, sòng bạc thu về khoảng 6 triệu USD/năm - nguồn doanh thu lớn nhất của bộ tộc. Dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được ban hành trong 2 năm qua đã tạo ra những cơ hội to lớn để phát triển các dự án năng lượng gió và năng lượng mặt trời trên vùng đất của các bộ tộc người da đỏ, nhờ có khoản trợ cấp và ưu đãi trị giá 14 tỷ USD. Thể theo IRA, các bộ tộc và tổ chức được miễn thuế có quyền tiếp cận ưu đãi thông qua hình thức thanh toán trực tiếp, thay vì giảm thuế như thường lệ.
Tuy nhiên, không như những cơn gió thổi qua Đại Bình nguyên Bắc Mỹ, dự án không tiến triển nhanh chóng.
Thật vậy, các bộ tộc không thể tiếp cận những ưu đãi chính cho các dự án năng lượng sạch lớn hơn cho đến khi họ ký kết thỏa thuận hòa lưới điện khu vực. Đó là một quá trình tốn kém, có thể mất nhiều năm và đòi hỏi chuyên môn kỹ thuật mà hầu hết các bộ tộc đều thiếu. Chưa kể, những ưu đãi khác trong chương trình IRA sẽ nhanh chóng hết hạn vào năm 2024 và 2026.
Theo bà Cheri Smith - Chủ tịch Liên minh Năng lượng sạch cho bộ tộc (Alliance for Tribal Clean Energy - một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giúp đỡ các bộ tộc phát triển năng lượng sạch), điều đó sẽ phá hủy “cơ hội có một trong đời”.
Bà Smith nói: “Tất cả số tiền đó sẽ không giúp ích gì, trừ phi chúng tôi loại bỏ những rào cản này”.
Theo cuộc phỏng vấn giữa Reuters và hơn hai chục đại diện của bộ tộc, quan chức chính phủ và chuyên gia trong ngành, dự án của Standing Rock Sioux là một trong khoảng chục dự án năng lượng sạch quy mô lớn mà các bộ tộc đã đề xuất ra nhằm tận dụng những khoản trợ cấp năng lượng xanh mới của Mỹ. Tổng sản lượng điện từ các dự án là ít nhất 4 GW.
Nhiều trưởng tộc cho biết, nửa số dự án trên đang phải xếp hàng chờ được hòa lưới. Số dự án khác thì vẫn chưa bắt đầu. Điều này phản ánh những khó khăn mà các nhà phát triển nhỏ phải đối mặt nhằm được hòa lưới điện và tiếp cận các ưu đãi của IRA.
Theo các bộ tộc được Reuters phỏng vấn, không như các đối thủ doanh nghiệp lớn, các bộ tộc thiếu vốn trả trước và không có đủ kinh nghiệm để vượt qua các rào cản pháp lý trong việc xây dựng và hòa lưới một dự án điện lớn. Điều đó có nghĩa là các bộ tộc - thuộc diện những cộng đồng nghèo nhất đất nước, có thể bỏ lỡ cơ hội lớn nhằm phát triển và Mỹ cũng có thể bỏ lỡ tiềm năng to lớn nhằm tạo ra thêm năng lượng tái tạo trong bối cảnh xuất hiện nhu cầu đông đảo về năng lượng thân thiện với bầu khí hậu.
Một quan chức của Bộ Tài chính nói với Reuters rằng họ đã tổ chức 4 cuộc tham vấn chính thức với các bộ tộc trong quá trình phát triển các điều khoản của IRA. Quan chức này thừa nhận tính hạn chế về tài chính đối với những dự án đang nằm trong giai đoạn tiền phát triển của các bộ tộc, nhưng nói rằng IRA không cho phép giải ngân nếu không có hợp đồng hòa lưới.
Vị quan chức nói: “Trong ngắn hạn, các dự án sẽ cần nhiều thời gian để khởi động. Các bộ tộc cũng cần phải tìm ra cách tận dụng những khoản tín dụng. Dù vậy, đó vẫn là một cơ hội quan trọng”.
Cho đến nay, Standing Rock Sioux đã chi 3 triệu USD cho nhiều nghiên cứu kỹ thuật và lệ phí chỉ để tiếp tục “giữ chân” dự án của họ, mà không có gợi ý nào cho thấy dự án sẽ được chấp thuận. Dự kiến cộng đồng này sẽ phải đóng thêm nhiều khoản tiền gửi, dao động trong khoảng 1-10 triệu USD. Theo Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia, điều này sẽ dẫn đến một cơ hội bị bỏ lỡ: Vùng đất của các bộ tộc chiếm khoảng 6,5% tiềm năng năng lượng tái tạo của đất nước. Tuy nhiên, theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), các hộ gia đình thổ dân Mỹ có tỷ lệ tiếp cận điện thấp hơn nhiều so với mức bình quân toàn quốc. Chỉ 30% diện tích của Xứ Navajo (một khu bảo tồn người dân da đỏ khác) đã tiếp cận được điện, dù khu vực này nằm giữa những thành phố lớn như Phoenix.
Cơ quan phát triển của bộ tộc Standing Rock Sioux, được gọi là SAGE, đã đề xuất mở ra dự án trang trại gió 235MW cách đây 3 năm. Họ đặt tên cho dự án là Anpetu Wi, có nghĩa là “sự khởi đầu của một ngày mới” trong tiếng Lakota.
Vào năm 2016, bộ tộc đã dẫn đầu nhiều cuộc biểu tình lớn chống lại dự án đường ống dẫn dầu Dakota Access, thu hút sự ủng hộ và chú ý trên trường quốc tế.
Theo ước tính của SAGE, trang trại gió sẽ mang về 210 triệu USD doanh thu bán điện trong 25 năm, tạo ra hàng chục việc làm trực tiếp và gián tiếp, thông qua thời gian bộ tộc đầu tư vào những sáng kiến mới. Theo dữ liệu của Bộ Nội vụ và Điều tra dân số, nhiều tiền và việc làm hơn sẽ giúp ích cho bộ tộc, vì nơi đây có tỷ lệ thất nghiệp 50% và tỷ lệ nghèo 37%, nguyên nhân một phần là do giá điện cao.
Theo giám đốc SAGE Joe McNeil, chi phí điện của khu bảo tồn cao gấp đôi so với ở khu vực gần đó là thủ phủ Bismarck của bang North Dakota.
Ông McNeil nói: “Sự bất bình đẳng về năng lượng là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến tình trạng chênh lệch giàu nghèo”.
Ông cho biết bộ tộc có thể kiểm soát giá điện nếu có Anpetu Wi. Doanh thu của trang trại gió sẽ được tái đầu tư vào những dự án lưới điện siêu nhỏ và năng lượng mặt trời cá nhân tại địa phương, giúp giảm hóa đơn tiền điện của các bộ tộc và tài trợ cho những dự án khác như nông nghiệp tái tạo và bảo tàng văn hóa.
Cho đến nay, bộ tộc đã bảo đảm được một địa điểm và hoàn thành các nghiên cứu về tiềm năng gió cũng như các tác động về văn hóa và môi trường, nhằm đảm bảo đạt được thỏa thuận hòa lưới điện với nhà điều hành lưới điện khu vực - Southwest Power Pool, một trong bảy tổ chức phân phối điện phi lợi nhuận của Mỹ. Những tổ chức này sẽ đảm bảo nguồn cung điện năng đáng tin cậy trong khu vực lân cận.
Theo ông McNeil, dự án này nằm ở giữa một danh sách tổng hợp hơn 400 dự án của Southwest Power Pool.
Southwest Power Pool đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Bộ tộc đã huy động được 3 triệu USD từ những tổ chức từ thiện và quỹ gia đình, bao gồm Quỹ Câu lạc bộ Sierra, Quỹ Toàn cầu Wallace và Quỹ Bush, thông qua hình thức khoản vay có thể miễn trả. Cho đến nay, họ đã chi phần lớn số tiền trên.
Theo bà Eileen Briggs - Giám đốc tài trợ của Quỹ Bush, nếu xét đến tiềm năng lợi ích đằng sau sự thành công của dự án thì chấp nhận rủi ro là một quyết định đáng giá.
Bà nói: “Ngoài những tác động lên Standing Rock Sioux, các bộ tộc trên khắp đất nước sẽ có một ví dụ minh chứng cho cách phát triển và sở hữu hệ thống năng lượng tái tạo”.
Đối với bà, nếu không có sự hỗ trợ từ thiện, những dự án đòi hỏi nhiều vốn “có thể vụt khỏi tay của bất kỳ ai trừ những nhà phát triển lớn nhất, uy tín nhất”.
Các bộ tộc khác đang phải đối mặt với những trở ngại như vậy.
Navajo Power - một nhà phát triển dự án đang làm việc với lãnh đạo của các bộ tộc, đã đề xuất 5 dự án năng lượng sạch đang chờ hòa lưới, trong đó có một dự án được khởi xướng từ 3 năm trước.
Ông Brett Isaac - Giám đốc điều hành của Navajo Power, cho biết họ cũng đã tìm kiếm sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện và quỹ gia đình để giúp cấp phép và hòa lưới cho các dự án.
Ông nói: “Giai đoạn tiền phát triển là giai đoạn rủi ro nhất, vì bản thân các bộ tộc không đủ can đảm chấp nhận rủi ro đầu tư của mình”. Trong khi đó, trang trại Moapa Southern Paiute ở sa mạc Nevada đang phát triển gần 2 GW năng lượng mặt trời để bán cho những thị trường lớn như Las Vegas. Tuy nhiên, thay vì xây dựng trang trại trên đất do mình sở hữu, bộ tộc lại chọn cách thuê đất vì họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn trả trước.
Ông Greg Anderson - Chủ tịch của cộng đồng trên cho biết: “Chúng tôi khao khát quyền sở hữu đến mức nằm mơ cũng thấy”.
Đối thoại với chính phủ
Vào tháng 5, bà Cheri Smith - người cũng là cựu giám đốc điều hành của Tesla Solar City, đã triệu tập một cuộc họp kín tại St. Paul (Minnesota) với 20 quan chức từ Ủy ban Điều tiết Năng lượng Liên bang. Hơn một chục quan chức từ Bộ Năng lượng và Nội vụ, cũng như hàng chục bộ tộc ưu tú trong mảng kinh doanh năng lượng trên khắp đất nước đã được mời về để giải quyết những trở ngại mà các bộ tộc phải đối mặt. Reuters cũng đã tham dự hội nghị.
Ông Jeremiah Baumann - Chánh văn phòng của Thứ trưởng phụ trách Cơ sở hạ tầng tại Bộ Năng lượng Mỹ, phát biểu tại cuộc họp rằng các chương trình năng lượng cho vay của cơ quan này không có hiệu quả trong việc giúp đỡ các bộ tộc. Ông nói: “Có quá nhiều chương trình rất khó tiếp cận; gánh nặng thủ tục hành chính quá nhiều”. Tại cuộc họp, ông Willie Phillips - Quyền Chủ tịch Ủy ban Điều tiết Điện năng Mỹ (FERC), cũng phát biểu rằng FERC đang nỗ lực giải quyết tình trạng tồn đọng của các dự án chờ được hòa lưới. Hai tháng sau đó, FERC ban hành nhiều cải cách rộng rãi, nhưng chúng không giải quyết cụ thể các vấn đề về vốn trả trước mà các bộ tộc đã đề cập.
Bà Smith cho biết sẽ yêu cầu FERC giảm đáng kể chi phí đặt cọc và hòa lưới của các bộ tộc, đồng thời ưu tiên xử lý dự án của các bộ tộc.
Người phát ngôn của FERC cho biết, ủy ban có kế hoạch tiếp tục thu nhận ý kiến đóng góp từ các bộ tộc. Người phát ngôn Celeste Miller nói: “Quy tắc này chỉ là bước khởi đầu cho quá trình cải cách hệ thống truyền tải của ủy ban. Còn nhiều điều nữa phải được giải quyết”.
Bà Smith hy vọng rằng các cơ quan liên bang sẽ không bỏ lỡ cơ hội tổng hợp phản hồi của các bộ tộc. Bà nói: “Được tiếp cận điện không thể là một đặc ân. Đó là quyền và để chúng ta có được một quá trình chuyển dịch thực sự công bằng, thì nhất thiết phải có điện do người bản địa sản xuất, cho người bản địa”.
Ngọc Duyên
AFP
-
Bài cuối: Những khuyến nghị quý giá để phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 4: Lựa chọn phát triển cảng điện gió ngoài khơi như thế nào?
-
Bài 3: Để phát triển chuỗi cung ứng điện gió ngoài khơi một cách hợp lý
-
Bài 2: Cần xây dựng khung pháp lý mạnh mẽ, rõ ràng và vững chắc cho phát triển điện gió ngoài khơi
-
Bài 1: Việt Nam có thể trở thành trung tâm chuỗi cung ứng cho điện gió ngoài khơi tại châu Á - Thái Bình Dương