Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cao Tự Thanh “giảng bài” không có hóa đơn

07:10 | 09/05/2015

|
Bạn đọc: Vừa rồi, tôi có dịp đọc tại trang httpsm.wattpad.com/628533?m=21 bài “Tản mạn về mảng từ Hán Việt trong tiếng Việt” của Cao Tự Thanh. Sau khi khẳng định “mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt vẫn tồn tại với nhiều vấn đề khiến những người đọc sách phải quan tâm”, ông Thanh đã diễn giảng về một vài vấn đề mà tôi thấy còn ngờ ngợ. Xin hỏi ông An Chi có nhận xét gì về bài viết này. Xin cảm ơn ông.Nguyễn Bảo Minh (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Năng lượng Mới số 420

Học giả An Chi: Trong bài “Tản mạn về mảng từ Hán Việt trong tiếng Việt” (m.wattpad.com), ông Cao Tự Thanh đã viết:

“Phát triển nhiều năm trong môi trường văn hóa Việt Nam, mảng từ Việt Hán trong tiếng Việt có rất nhiều khác biệt với mảng từ Hoa Hán […] Những biến động lịch sử ở Việt Nam còn làm hình thành trong mảng từ Việt Hán những biệt sắc địa phương khác nhau, chẳng hạn người miền Bắc đọc chữ Hán theo Đường Âm thế kỷ IX, X thì nói là Hoàng, Phúc, Vũ, Diến Điện còn người miền Nam từ Quảng Nam trở vào chịu ảnh hưởng Minh Âm, Thanh Âm theo chân các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam qua Đàng Trong tỵ nạn chính trị thế kỷ XVII, XVIII thì nói là Huỳnh, Phước, Võ, Miến Điện”.

Trên đây là ý kiến hoàn toàn sai mà ông Cao Tự Thanh đã đem lăng-xê ở những chỗ khác nữa. Còn chúng tôi thì cũng đã nhiều lần chỉ ra cái sai này, chẳng hạn trong các bài:

- “Tiếng Quảng Đông ơi là tiếng Quảng Đông” (Báo Năng lượng Mới số 129, ngày 15-6-2012).

- “Ai nói cái mình không biết?” (Báo Năng lượng Mới số 336, ngày 4-7-2014).

- “Cao Tự Thanh phủ nhận lệ kiêng húy” (Báo Năng lượng Mới số 404, ngày 13-3-2015).

Ở đây, chúng tôi xin dẫn lại ý kiến của mình trên Báo Năng lượng Mới số 129 như sau:

“Chuyên gia họ Cao tỏ ra rất tâm đắc với các khái niệm “Đường âm”, “Minh âm”, “Thanh âm”, nhất là về hai khái niệm sau nhưng có vẻ như cách hiểu của ông thì lại mơ hồ.

Trước nhất, xin nhấn mạnh rằng “Đường âm”, “Minh âm”, “Thanh âm” là những cấu trúc gốc Hán “nguyên xi” (đặt theo cú pháp “ngược” của tiếng Hán) chứ nếu theo đúng cú pháp tiếng Việt thì phải là âm (đời) Đường, âm (đời) Minh, âm (đời) Thanh. Trong tiếng Hán thì danh ngữ Đường âm 唐音 có hai nghĩa: 1 - tiếng Hán đời Đường, như trong câu thơ “Đường âm Phạn âm tương tạp thời” 唐音梵音相雜时 của Tề Kỷ  (863-937), là một nhà sư sống vào chính đời Đường; 2 - thơ (đời) Đường. Trong tiếng Nhật, thì Đường âm là cái mà người Nhật gọi là Tō on, tức âm của những chữ Hán mà các nhà sư và nhà buôn người Nhật đem từ Tàu về Nhật vào đời nhà Tống, để phân biệt với Kan on (Hán âm) và Go on (Ngô âm), cũng là hai cách đọc khác nữa của người Nhật đối với chữ Hán vào những thời kỳ khác. Còn cái mà chính chuyên gia họ Cao muốn chỉ bằng hai tiếng “Đường âm” ở đây thì chẳng qua chỉ đơn giản là âm Hán Việt của chữ Hán, mà Nguyễn Tài Cẩn đã minh định như sau:

“Cách đọc Hán - Việt là một cách đọc vốn bắt nguồn từ hệ thống ngữ âm tiếng Hán đời Đường, mà cụ thể là Đường âm dạy ở Giao Châu vào giai đoạn bao gồm hai thế kỷ VIII, IX” (Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt, tái bản, có sửa chữa và bổ sung, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000, tr.19).

Hai tiếng “Đường âm” mà Nguyễn Tài Cẩn dùng ở đây dĩ nhiên là để chỉ âm tiếng Hán đời nhà Đường. Trở lại với mấy tiếng “Minh âm”, “Thanh âm” của chuyên gia Cao Tự Thanh, xin nói rằng đây là hai danh ngữ dùng để chỉ hai giai đoạn của tiếng Quan thoại trong quá trình phát triển của nó. Minh âm là hệ thống ngữ âm của tiếng Quan thoại đời Minh, mà người ta cho rằng dáng dấp vẫn còn được bảo lưu trong trên 90% những từ Triều Tiên gốc Hán hiện nay. Còn Thanh âm thì trên đại thể là hệ thống ngữ âm của tiếng Quan thoại đời nhà Thanh, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của ngữ âm tiếng Mãn Châu, ngôn ngữ của những kẻ thống trị, mà Khang Hy là một hoàng đế nổi tiếng về văn hóa. Xem ra, “Minh âm” và “Thanh âm” của chuyên gia họ Cao chẳng trực tiếp có dây mơ rễ má gì với ngôn ngữ của “các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam qua Đàng Trong tị nạn” cả.

Đi vào cụ thể, ta sẽ giật mình thấy rằng ông họ Cao thực sự không biết những chữ mà ông đã nêu thì mấy anh “di thần phản Thanh phục Minh” kia phát âm như thế nào. Âm của mấy anh ba Tàu đó chủ yếu là âm Quảng Đông, rồi đến âm Tiều Châu. Chữ huỳnh 黃 thì mấy chú chệch, thím xẩm người Quảng Đông đọc là woòng, còn người Tiều lại đọc thành en5 thì làm sao cho ra cái âm huỳnh được? Chữ phước 福 thì dân Quảng Đông đọc là phúc (họ bắt chước Đàng Ngoài chăng?) còn dân Tiều Châu lại đọc thành hóc thì làm sao sinh ra phước cho được? Đến như chữ võ 武 thì dân Quảng Đông đọc thành mộu còn dân Tiều thì đọc thành bhu2; cái tai của dân miền Nam nghe thế nào mà phát âm thành võ?”.

Đấy, trên Năng lượng Mới số 129, chúng tôi đã viết như thế về sự phiêu lưu chữ nghĩa của ông Cao Tự Thanh. Mà cứ như trên thì thực ra, về nguyên tắc, ở cả Đàng Ngoài lẫn Đàng Trong, xưa kia dân ta vốn cùng phát âm thống nhất những chữ mà đại chuyên gia Cao Tự Thanh đã nêu. Chỉ về sau, do những nguyên nhân nội bộ của tiếng Việt và xã hội Việt Nam nên mới diễn ra sự khác nhau đó mà thôi. Chẳng có dây mơ rễ má gì với những Minh âm, Thanh âm của ông Thanh trong trường hợp này cả. Điều làm cho chúng tôi thực sự kinh ngạc là đại chuyên gia họ Cao hoàn toàn không biết âm của những chữ mình nêu ra thì người Quảng, người Tiều phát âm ra làm sao nhưng ông ta lại dám lớn giọng tuyên bố rằng đó là do tiếng Việt miền Nam chịu ảnh hưởng của Minh Âm, Thanh Âm do các di thần phản Thanh phục Minh Hoa Nam đem qua Đàng Trong hồi thế kỷ XVII, XVIII. Càng gây kinh ngạc mạnh hơn nữa là những lời “giảng” sau đây của ông ta:

“[…] cô = độc nhưng cô + lập thì khác độc + lập, hai từ này không ai dùng sai nhưng hỏi ai tại sao chúng khác nhau thì ngay cả nhiều vị làm tự điển chữ Hán cũng ú ớ. Bởi cô và độc ở đây có chức năng ngữ pháp khác nhau, độc là tính từ còn cô là động từ, từ pháp khác nhau dẫn tới ngữ nghĩa khác nhau (động từ cô lập cùng có hai thể bị động và chủ động, như bị kẻ khác cô lập và làm cho kẻ khác bị cô lập)”.

Người ta ú ớ thì cũng còn là dè dặt vì tự trọng; đến như họ Cao dám lên lớp cho độc giả về những từ, ngữ mà mình ù ù cạc cạc thì mới là chuyện tréo ngoe. Xin thưa với ông Thanh rằng “cô” [孤] cũng là tính từ chứ không phải động từ. Dưới đây là mục từ “cô” trong  Mathews’ Chinese English Dictionary (kèm theo lời dịch sang tiếng Việt trong ngoặc đơn):

“孤: Fatherless (không cha); lonely (cô đơn); solitary (cô đơn; hiu quạnh); an orphan” (trẻ mồ côi). Alone (một mình)”.

Tiếp theo, trong 51 mục phụ kiêm thí dụ của quyển từ điển này, cũng không có nghĩa nào cho thấy “cô” là động từ cả. Sau đây là một số dẫn chứng (Xin miễn in kèm chữ Hán):

 - “Cô nhi” được dịch là (đdl) “a fatherless child” (trẻ không cha)”. Đây là một danh ngữ mà “nhi” là danh từ trung tâm còn “cô” là tính từ định ngữ;

- “Cô thụ bất thành lâm” đdl “one tree does not make a forest” (một cây làm chẳng nên non). Đây là một cấu trúc Đề - Thuyết; “cô thụ” là đề, “bất thành lâm” là thuyết. Phần Đề là một danh ngữ mà “thụ” là danh từ trung tâm còn “cô” là tính từ định ngữ.

- “Cô chu” đdl “a solitary boat” (con thuyền đơn độc). Đây là một danh ngữ mà “chu” là danh từ trung tâm còn “cô” là tính từ định ngữ.

- “Cô hồn”  đdl “a spirit for whom there is none to offer sacrifices” (hồn [người chết] không ai cúng bái). Đây là một danh ngữ mà “hồn” là danh từ trung tâm còn “cô” là tính từ định ngữ.

 - “Phủ cô” đdl “to comfort and support the fatherless” (an ủi và nuôi dưỡng trẻ không cha). Đây là một ngữ động từ mà “phủ” là động từ còn “cô” là danh từ bổ ngữ.

- “Thác cô” đdl “to commit an orphan to the care of another” (giao trẻ mồ côi cho người khác chăm sóc). Đây cũng là một ngữ động từ mà “thác” là động từ còn “cô” là danh từ bổ ngữ. V.v...

Cứ như trên thì “cô” chỉ là tính từ hoặc danh từ mà thôi. Thế mà ông Thanh lại còn “giảng” thêm rằng “động từ cô lập cũng có hai thể bị động và chủ động, như bị kẻ khác cô lập và làm cho kẻ khác bị cô lập”. Xin thưa rằng ông đã “giảng” không có hóa đơn. “Cô lập” thực ra là một ngữ động từ - chứ không phải động từ - và trong đó chỉ có “lập” là động từ còn “cô” vẫn cứ là tính từ, giữ chức năng trạng ngữ. Xin nói cho rạch ròi thêm để khỏi bị đại chuyên gia “bẻ” lại rằng ở đây ta đang nói chuyện từ nguyên và từ pháp (chữ của chính đại chuyên gia), nghĩa là chuyện nguồn gốc và cấu tạo của hai tiếng “cô lập” ngay trong Hán ngữ, chứ không nói về từ loại và công dụng của nó trong tiếng Việt hiện đại. Vả lại, nếu đại chuyên gia mà muốn “bẻ” lại một cách quỷ biện rằng ông ta chỉ nói trong phạm vi tiếng Việt hiện đại mà thôi thì chúng tôi cũng xin thưa rằng, trong tiếng Việt hiện đại, “cô” [孤] chỉ là một hình vị phụ thuộc chứ không phải một từ độc lập nên cũng chẳng làm gì có chuyện tính từ mấy lại động từ ở đây sất.

Trở lên, chúng tôi đã rào kín đến thế rồi thì có lẽ đại chuyên gia cũng chẳng nên lên tiếng tiếp vế vấn đề này làm gì cho hao hơi tổn sức.