“Cánh đồng điện gió” Bạc Liêu
Thi công trên sình lầy ven biển
Nhớ lại những ngày khởi công giai đoạn 1, từ nhà đầu tư, nhà thầu đều thận trọng tính toán đến những khó khăn sẽ phải tháo gỡ, vượt qua khi từng trụ turbine điện gió được lắp đặt. Vẫn biết rằng, đã có sự chuẩn bị hết sức công phu của lực lượng thi công với phương tiện hiện đại; thiết bị và công nghệ do nhà thầu thuộc tập đoàn công nghiệp hàng đầu thế giới của Hoa Kỳ là General Electric Wind Energy cung cấp nhưng ai cũng thấp thỏm lo âu. Đưa được chiếc turbine nặng hàng chục tấn lên đỉnh cột thép cao hơn 80m trên vùng ven biển sình lầy lộng gió là việc chưa từng có trong tiền lệ ở Nam Bộ. Những con người tiêu biểu ở vùng đất dám nghĩ, dám làm này đã lặng lẽ đoàn kết, sáng tạo và cẩn trọng làm việc.
Dự án có quy mô công suất 99,2MW, bao gồm 62 trụ turbine gió, công suất mỗi turbine là 1,6MW, điện năng sản xuất toàn dự án khoảng 320 triệu kWh/năm. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.200 tỉ đồng, diện tích đất xây dựng 500ha. Dự án được đầu tư bằng nguồn vốn tự có của chủ đầu tư và nguồn vốn vay tín dụng đầu tư từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa Kỳ thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
Lễ ký kết hợp đồng mua bán điện gió Bạc Liêu
Các hạng mục hạ tầng đấu nối điện như đường dây 110kV, đường dây 22kV, trạm biến áp 22/110kV đã được khẩn trương thi công, hoàn thiện vào đầu tháng 11/2012.
Các turbine do Mỹ sản xuất, cung cấp và lắp đặt. Các cột của turbine làm bằng thép đặc biệt không gỉ, cao 80m, đường kính 4m. Mỗi turbine có 3 cánh quạt, mỗi cánh dài 42m, làm bằng nhựa đặc biệt như cánh máy bay, có một hệ thống điều khiển giúp cánh quạt tự gập lại để tránh bão lớn bất ngờ. Với những thiết kế đặc thù này lại gặp thời tiết khắc nghiệt nên phải hơn 18 tháng đơn vị thi công mới có thể hoàn tất được 10 trụ turbine của giai đoạn 1
Ông Tô Hoài Dân - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Công Lý, Chủ đầu tư dự án cho biết: để có thể lắp đặt thành công những turbine gió, đơn vị đã huy động gần hơn 1.000 công nhân làm việc suốt ngày đêm. Do dự án thi công ở vùng đất bãi bồi, sình lầy lại cách xa bờ 200-1.000m nên tiến hành đổ móng trụ phải phụ thuộc rất lớn vào thời tiết. Thủy triều rút vào thời điểm nào trong ngày thì các đơn vị phải thi công vào giờ đó để kịp tiến độ đề ra. Do vậy, công việc thường diễn ra lúc 4, 5 giờ.
Ngày 27/8/2012, tại thành phố Bạc Liêu, Công ty TNHH Công Lý đã ký kết hợp đồng mua bán điện với công ty mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Sau hơn 30 tháng thi công trên công trình rộng 500ha tại xã ven biển Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu trong điều kiện khí hậu địa chất phức tạp, đội ngũ cán bộ, kỹ sư của đơn vị thi công đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn bảo đảm tiến độ công trình đúng thời gian. Đúng 15 giờ 30 ngày 29/5 vừa qua, EVN, Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Du Lịch Công Lý - Chủ đầu tư công trình điện gió Bạc Liêu đã tổ chức hòa vào lưới điện quốc gia 10 turbine điện gió có công suất 16MW, hoàn thành giai đoạn 1 của công trình điện gió Bạc Liêu.
Tạo đà phát triển kinh tế - xã hội vùng
Trong điều kiện kinh tế - tài chính thế giới đầy biến động và khó khăn, vậy mà giữa năm 2010, Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) và Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hoa kỳ (US Eximbank) đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác theo hình thức đồng tài trợ cho các dự án thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển năng lượng, bảo vệ môi trường, các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án phục vụ an sinh xã hội… Đến tháng 11/2011, hai bên tiếp tục ký Thư cam kết với hạn mức 1 tỉ USD tài trợ cho phát triển điện gió ở (ĐBSCL), trong đó, được triển khai đầu tiên là Dự án điện gió Bạc Liêu. Điều này cho thấy US Eximbank đã tìm hiểu khá sâu và tin tưởng cao ở nhà đầu tư Dự án điện gió Bạc Liêu.
Bình minh trên công trình điện gió Bạc Liêu
Tiếp đến tháng 2/2012, Đoàn quan chức US Eximbank do ông Chủ tịch Fred Hochberg dẫn đầu sang Việt Nam đã có buổi làm việc với VDB nhằm mở rộng quan hệ hợp tác và phát triển các sản phẩm tài chính tại. Đây là thành công đặc biệt quan trọng xuất phát từ sự phát triển vững chắc và uy tín ngày càng cao của VDB - công cụ đắc lực của Chính phủ Việt Nam trong việc huy động và quản lý đầu tư vào những công trình quan trọng, có sức lan tỏa cao và tạo động lực phát triển đối với kinh tế - xã hội ở những vùng, những ngành, những lĩnh vực, những dự án mà các ngân hàng thương mại cổ phần thường không mấy mặn mà hoặc thiếu khả năng đầu tư.
Trong buổi làm việc này, VDB đề nghị tăng thêm 500 triệu USD nữa, nâng tổng hạn mức lên 1,5 tỉ USD để tương ứng với quy mô đầu tư xây dựng một Trung tâm Điện gió 300 cột, mỗi cột công suất 1,6MW tại vùng ĐBSCL và đã được US Eximbank ghi nhận. Đây là một thành tích mới đáng biểu dương của VDB trong việc thu hút nguồn vốn nước ngoài cho một dự án đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực Tây Nam Bộ.
Điện gió Bạc Liêu đã tạo ra nhiều việc làm hiện tại và những chuyển biến căn bản trong tương lai. Đồng chí Võ Văn Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu phấn khởi nói với chúng tôi: Tỉnh đánh giá cao tầm quan trọng và sự quan tâm hỗ trợ dự án điện gió này. Đây là công trình động lực, góp phần to lớn vào tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng không chỉ đối với Bạc Liêu mà còn đối với toàn vùng ĐBSCL. Nhìn gần, nhìn xa đều thấy hiệu quả toàn diện như: quá trình xây dựng nhà máy tạo ra nhiều việc làm cho nhân dân và các doanh nghiệp; ĐBSCL đang từng bước thoát khỏi tình trạng thiếu điện trầm trọng.
Còn riêng với Bạc Liêu, sẽ kết hợp quy hoạch đầu tư phát triển du lịch sinh thái, nuôi trồng thủy sản ngay tại “Cánh đồng điện gió” để tận dụng tốt diện tích mặt nước ven biển, tạo nên sự phát triển tương hỗ, hài hòa và bền vững giữa công nghiệp hiện đại với nông nghiệp và du lịch - dịch vụ. Trên cơ sở đó, chắc chắn tổng giá trị sản xuất và tổng thu ngân sách tại địa phương đều tăng trưởng rất cao, gấp gần hai lần, trên cơ sở sản lượng điện gió từ nhà máy có tổng công suất gần 100MW.
Nhà đầu tư Tô Hoài Dân bày tỏ hy vọng: “Trong mấy năm tới, “Cánh đồng điện gió” này sẽ ngày càng hoành tráng, từ 10 trụ turbine, tăng lên 62 trụ, rồi 300 trụ, tạo nên vẻ đẹp hùng vĩ và tươi mới ở nông thôn Nam Bộ”.
Điện gió Bạc Liêu đã tạo niềm tin về việc xây dựng các dự án năng lượng sạch ở vùng đất giàu tiềm năng biển như ĐBSCL.
Thạch Hải
-
Cần cơ chế đủ mạnh khuyến khích các dự án năng lượng tái tạo của doanh nghiệp trong nước
-
Thủ tướng: Tính toán giá điện khí phù hợp theo thị trường, tình hình cụ thể, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành