Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Cần đổi tên các loại “Hán Việt”

07:00 | 25/10/2015

|
Bạn đọc: Trong bài “Hán Việt là gì?” trên Năng lượng Mới số 466 (16-10-2015), ông An Chi có cho biết rằng, Vương Lực đã đề ra mấy khái niệm: Hán Việt, Cổ Hán Việt và Hán Việt Việt hóa, mà GS Nguyễn Tài Cẩn cũng mặc nhận. Rồi ông kết luận: “Bản thân cách gọi “Hán Việt” đã là phi lý mà cách phân loại của Vương Lực thành ba thứ trên đây thì lại càng kỳ dị. Trong cả ba khái niệm mà ông ta đưa ra thì chẳng có cái nào là không Việt hóa; thế mà lại còn có thứ “Hán Việt Việt hóa” thì chẳng phải là chuyên tếu táo hay sao? (...) Chúng tôi cho rằng, đã đến lúc các nhà Việt ngữ học người Việt Nam nên xét lại những cách gọi phi lý trên đây để đặt cho chúng những cái tên mới, thích hợp hơn và xác đáng hơn”. Vậy riêng ông thì ông định đặt tên như thế nào? Xin cảm ơn ông. TĐQ (Trường ĐH KH-XH&NV - TP HCM)

Học giả An Chi: Trong phần kết luận của mình, chúng tôi đã xác định An Chi là người ngoại giới nhưng bạn đã “chất vấn” thì chúng tôi cũng xin thẳng thắn trả lời như sau.

Trước nhất, như đã nói trên Năng lượng Mới số 466, không có cái thứ gì gọi là “Hán Việt” cả mà chỉ có các thứ “Việt gốc Hán”. Cả ba khái niệm “Hán Việt”, “Cổ Hán Việt” và “Hán Việt Việt hóa” tuy là do Vương Lực đề ra trong thiên “Hán Việt ngữ nghiên cứu” (Hán ngữ sử luận văn tập, Khoa học xuất bản xã, Bắc Kinh, 1958, tr.290-406) nhưng tên gọi của cái thứ ba là do các nhà Việt ngữ học người Việt Nam “diễn Nôm” chứ Vương Lực thì đặt khác. Nhà tiên phong của ngành Hán Nôm Việt Nam là Nguyễn Tài Cẩn đã chấp nhận cách “diễn Nôm” này như có thể thấy xuất hiện nhiều lần trong “Nguồn gốc và quá trình hình thành cách đọc Hán Việt” của ông (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979).

Nhưng cái tên cúng cơm của khái niệm thứ ba mà Vương Lực đã đặt ra thì lại là “Hán ngữ Việt hóa”. Có vẻ như, ở đây, anh Tàu được các ông Tây đào tạo này (Vương Lực tốt nghiệp ở Pháp và là học trò của Joseph Vendryes) có cái quán tính là nói theo các ông thầy về mấy tiếng “sino-annamite/vietnamien” và cái ẩn ý là cứ phải gắn thật chặt tiếng Ta vào tiếng Tàu, khiến cho tiếng Việt phải có phần ngang hàng hoặc lấn lướt của tiếng Hán ở trong nó. Xin nhớ rằng“sino-annamite/vietnamien” là một tính từ kép gồm có hai thành phần (Xin xem lại bài của AC trên Năng lượng Mới số 466) và xin các nhà “Hàn Việt” học vui lòng giác ngộ rằng “Hán ngữ Việt hóa” thì đích thị là “tiếng Hán bị/được Việt hóa”, hiểu ngầm rằng tiếng Việt chẳng qua là tiếng Hán địa phương hóa mà thôi.

Nếu Vương Lực quả tình không có cái dụng ý đó thì ta chỉ còn có thể nói rằng ông ta dốt tiếng mẹ đẻ (Tàu không biết tiếng Tàu) vì “Hán ngữ” mà dịch sang tiếng Pháp thì chỉ có thể là “langue chinoise” (còn tiếng Anh là “Chinese language”) chứ không thể là gì khác. “Ngữ” trong cấu trúc “Hán ngữ Việt hóa” không phải là một bộ phận nào của ngôn ngữ, mà là chính nó (ngôn ngữ) với ba hệ thống: Ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng (ngôn ngữ là một hệ thống của những hệ thống).

Còn cái gọi là “Hán ngữ Việt hóa” của Vương Lực thực chất chỉ liên quan đến mặt ngữ âm của một số chữ Tàu (Hán tự) mà người Việt đã bắt đầu đọc vào một thời điểm và vì một nguyên nhân không/chưa xác định được nên nó không thể “xứng tầm” với danh hiệu (“Hán ngữ”) mà Vương Lực đã ban cho với một sự hào phóng đại phi lý hoặc vì một dụng ý đen tối phù hợp với mộng xâm lược đáng phỉ nhổ của Mao Trạch Đông.

Ngoài ra, cách phân loại của Vương Lực còn phản luận lý ở chỗ cả “Hán Việt”, “Cổ Hán Việt” và “Hán Việt Việt hóa” đều là “Hán Việt” nhưng “Hán Việt” (của Vương Lực) lại giành lấy cái tên chung trong khi nó phải là một thứ “Hán Việt X” để cho ông ta có thể nói một cách thuận miệng rằng “Hán Việt” gồm có 3 loại: - 1. Hán Việt X, - 2. Cổ Hán Việt, - 3. Hán Việt Việt hóa. Tiếc rằng, những nhà tiên phong trong lĩnh vực “Hán Việt” của Việt Nam cứ để như thế mà nói theo chứ không chịu/dám phê phán cái cách phân chia đại phi lý đó để cách cái mạng của nó.

Còn về phần mình thì chúng tôi xin trình bày như sau. Cái gọi là “Hán Việt” thì chúng tôi gọi là “(hình vị/từ/yếu tố) Việt gốc Hán”. “Việt gốc Hán” thì chia làm:

1. “Gốc Hán trước [đời] Đường”, tức là cái mà Vương Lực gọi là “Cổ Hán Việt”;

2. “Gốc Hán đời Đường”, tức là cái mà Vương Lực gọi là “Hán Việt”;

3. “Gốc Hán từ cuối đời Nguyên trở đi”, không nhiều nhưng khó phủ nhận (xin xem Nguyễn Tài Cẩn,  Sđd, Chương thứ ba);

4. “Gốc Hán không/chưa xác định thời điểm/nguyên nhân”, tức cái mà Vương Lực gọi là “Hán ngữ Việt hóa” còn ta thì gọi là “Hán Việt Việt hóa”.

Dĩ nhiên là ta có thể hoặc cần tìm cách gọi gọn hơn nhưng cách phân chia của chúng tôi thì dứt khoát là như thế. Nhân tiện, xin nhấn mạnh rằng những “lục tầu xá”, “phá xáng”, “xì dầu”, v.v… (của tiếng Quảng Đông) hoặc “hia”, “tía”, “toa [đơn thuốc]”, v.v... (của tiếng Triều Châu) tuyệt đối chẳng có vai trò gì ở đây vì chúng tuyệt đối không dính dáng gì đến cách đọc chữ Hán của người Việt.

 

 

Năng lượng Mới số 468