Cận cảnh Di tích quốc gia Hải Vân Quan đang trùng tu
(PetroTimes) - Đã hơn 9 tháng kể từ khi Thừa Thiên- Huế và TP Đà Nẵng kết hợp trùng tu di tích cấp quốc gia trên đỉnh đèo Hải Vân. Đến thời điểm hiện tại, di tích Hải Vân Quan với các hạng mục trùng tu đang dần thành hình và dự kiến triển khai tham quan du lịch vào năm 2023.
Cụm di tích Hải Vân Quan được xây dựng năm 1826, nơi được xem là “yết hầu” của Kinh đô Huế. Giai đoạn 1945 – 1975, nhiều hạng mục quân sự được xây dựng thêm tại đây như vọng gác, lô cốt… nhằm trấn giữ con đường huyết mạch này. Tháng 5/2017, di tích được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia và kiến trúc nghệ thuật do Bộ VHTT&DL trao bằng. |
Dự án trùng tu di tích quốc gia Hải Vân Quan được khởi công ngày 19/12/2021, do Trung tâm Bảo tồn Di tích (TTBTDT) Cố đô Huế làm chủ đầu tư. Kinh phí trùng tu dự kiến khoảng 42 tỷ đồng, do Thừa Thiên- Huế và TP Đà Nẵng cùng bỏ chi phí. |
Hiện di tích được đơn vị thi công rào chắn, cắm các biển báo ngăn du khách không được vào bên trong để đảm bảo an toàn trong quá trình trùng tu. |
Di tích Hải Vân Quan được trùng tu với tổng diện tích 6.500m2. Dự kiến hoàn thành trong vòng 2 năm, đến tháng 6/2023. |
Vật liệu đá núi được sử dụng trong các hạng mục trùng tu. Loại đá này có nhiều trên đèo Hải Vân, được sử dụng làm tường thành bao quanh và phần nền móng của cụm di tích Hải Vân Quan. |
Theo đề án trùng tu, 5 lô cốt được xây dựng bởi thực dân Pháp sẽ được tu bổ chống xuống cấp và sẽ phục hồi các chi tiết bị sập, vỡ hư hại. Hệ thống nhà Trú Sở, nhà Vũ Khố 3 gian sẽ được phục hồi theo dấu tích khảo cổ và ảnh tư liệu. |
Hệ thống chân tường và các vị trí xung yếu được gia cố bằng xi măng, bê tông. Đoạn chân móng thành hướng Tây Nam di tích được bảo tồn bằng cách làm sạch và gia cố phần chân móng. |
Nhân công thực hiện gia cố phần tường xung quanh, kết dính các tảng đá lớn bằng xi măng, phục hồi phần tường theo nguyên bản. |
Cửa Thiên hạ để nhất hùng quan (cửa quay mặt về phía Đà Nẵng) và các hạng mục trùng tu khác được lắp hệ thống giàn giáo cao, phục vụ cho việc trùng tu phần mái, đảm bảo an toàn lao động. |
Tường bao quanh hiện đang được phục hồi bằng đá núi theo dấu vết khảo cổ và được kết dính với nhau bằng xi măng, đảm bảo tính kiên cố, an toàn. |
Toàn bộ quá trình trùng tu cụm di tích Hải Vân Quan được ưu tiên sử dụng lại các vật liệu cổ, còn giá trị sử dụng và hạn chế việc thay thế toàn bộ bằng vật liệu mới, đảm bảo tính lịch sử của di tích. |
Đến thời điểm hiện tại, việc trung tu gặp các vấn đề như một nhà bưu điện bỏ hoang, hiện chưa tìm được các giấy tờ liên quan để làm các thủ tục hạ giải và đường dây điện 22kV chạy ngang qua di tích gây mất mỹ quan. Hiện các bên liên quan đã đưa ra phương án sẽ giải toả đường dây 22kV theo hướng đi ngầm. Đối với khu nhà bưu điện bỏ hoang đã được UBND phường Hoà Hiệp Bắc đồng ý triển khai hạ giải để đảm bảo tiến độ trùng tu di tích. |
Thành Linh
Phẩm cách người Hà Nội - dòng mạch ngầm chảy mãi
Vì cùng giống nòi, một nền văn hóa nên phẩm cách người Việt có điểm nổi bật là yêu nước, có tinh thần tự tôn dân tộc, nhưng hòa hiếu, khoan dung.