Cái khó của ngành điện: Từ chuyện đưa điện ra đảo Lý Sơn
Năng lượng Mới số 310
Giá điện chỉ bằng 20% giá thành
Lý Sơn là một trong những huyện đảo nghèo nhất của tỉnh Quảng Ngãi. Và để từng bước đưa Lý Sơn thoát nghèo, cuộc sống của người dân được cải thiện, phát triển hệ thống lưới điện, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương đã được các cấp lãnh đạo tỉnh và ngành điện đề ra. Theo Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Phạm Lê Thanh, hầu hết các dự án đưa điện ra đảo đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn, trong khi đó, tiền thu về lại rất ít, có khi là vài triệu đồng/tháng và chỉ đủ trả lương cho công nhân. Thử hình dung khi đầu tư hệ thống lưới điện ra đảo Phú Quốc, EVN đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỉ đồng, nhưng khi đi vào vận hành, số tiền mà EVN thu được hằng tháng chỉ vài triệu đồng, nghĩa là phải 60, 70 năm sau EVN mới thu đủ gốc. Và nếu tính cả chi phí vận hành, chi phí sửa chữa… thì chắc chắn, thời gian thu hồi gốc có khi là cả thế kỷ.
Thế nhưng, ông Phạm Hoàng Linh - Phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn cho biết: Mặc dù đã có điện nhưng giá thành cao khiến không chỉ ngành điện phải chịu lỗ mà địa phương cũng khó có động lực để thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thực hiện xóa đói giảm nghèo. Các tổ máy điện đã đến thời kỳ già cỗi, luôn bị hư hỏng nên phải thường xuyên ngừng phát để sửa chữa.
Kiểm tra lưới điện trên huyện đảo Lý Sơn
“Dù Điện lực Lý Sơn đã rất nỗ lực, song nguồn điện vẫn thiếu ổn định, điện áp không đảm bảo đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trên đảo. Do chạy dầu diezel nên giá thành điện rất cao. Để hỗ trợ người dân, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quy định giá bán lẻ điện cho sinh hoạt là 2.263 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), song so với giá điện bình quân toàn tỉnh, mức giá này vẫn cao gấp hai lần, nhưng vẫn còn thấp hơn 4,5 lần giá làm ra điện” - ông Linh nói.
Nói như vậy để thấy rằng, trong suốt những năm qua, để cung cấp điện cho huyện đảo Lý Sơn, mặc dù chưa đầy đủ nhưng ngành điện đã phải bù lỗ một khoản không nhỏ. Theo thống kê của Điện lực Lý Sơn thì từ năm 2010 đến 2013, ngành điện đã phải bù lỗ 64 tỉ đồng cho các hoạt động kinh doanh điện trên huyện đảo. Câu chuyện này phần nào cho thấy, những chỉ trích mà dư luận xã hội về giá điện suốt thời gian qua là có phần sai lệch. Ít ai biết rằng, để 98% số xã, 96% dân số được sử dụng điện, trong đó có cả các xã vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo, ngành điện đã phải triển khai nhiều dự án kiểu như các dự án đưa điện ra huyện đảo Lý Sơn. Mà với những dự án chưa làm đã thấy lỗ ấy, chắc chắn không có doanh nghiệp nào ngoài EVN. Và nếu có thì cũng chỉ là những doanh nghiệp như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam mà thôi.
Đã đến lúc dư luận xã hội và nhất là các cơ quan thông tấn báo chí cần hiểu điều này để cảm thông với ngành điện khi mà ngày ngày, trên các công trình điện, cán bộ, công nhân vẫn đang miệt mài, chăm chỉ làm việc với quyết tâm “giữ vững nguồn sáng”, để “điện đi trước một bước”... và vì sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
Vượt khó đưa điện ra đảo
Dẫu bị oan, bị đối xử không công bằng nhưng các dự án đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, hải đảo vẫn tiếp tục triển khai. Đặc biệt với huyện đảo Lý sơn, để giải quyết tình trạng thiếu điện ở đây, EVN đã chỉ đạo Tổng Công ty Ðiện lực miền Trung (EVN CPC) gấp rút triển khai Dự án “Cấp điện từ hệ thống điện quốc gia cho huyện đảo Lý Sơn bằng cáp ngầm”, với tổng mức đầu tư là 1.000 tỉ đồng. Bên cạnh đó, EVN CPC cũng đang triển khai Dự án “Cải tạo và nâng cấp lưới điện phân phối huyện đảo Lý Sơn” gồm các hạng mục: Xây dựng mới 16,5km trung, hạ áp; 15 trạm biến áp phụ tải (3.400 kVA).
Chia sẻ về những khó khăn sẽ phải đối diện trong quá trình triển khai các dự án trên, ông Trần Đình Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc EVN CPC cho biết: Do đặc điểm thời tiết biển tại khu vực, việc chôn cáp vào lòng đất dưới đáy biển được thực hiện bằng robot, đòi hỏi độ chính xác cao, phải được thực hiện vào mùa biển lặng, từ tháng 1 đến tháng 8 mới có thể hoàn thành đưa công trình vào sử dụng cuối năm 2014. Với yêu cầu rất gấp về tiến độ, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp đồng bộ của các thành phần tham gia dự án, nhất là sự vào cuộc của địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và bố trí kinh phí đền bù cho tuyến đường dây trên đất liền và tạo thuận lợi trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng và cấp đất đối với dự án xây dựng, cải tạo lưới điện phân phối trên đảo.
Tuy nhiên, ông Trần Đình Thanh cũng khẳng định, EVN CPC sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực để hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra.
Được biết, mục tiêu của Dự án là bảo đảm cung cấp điện ổn định, chất lượng, an toàn, phục vụ tốt nhu cầu sản xuất và sinh hoạt, thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho nhân dân huyện đảo Lý Sơn, góp phần quan trọng giữ vững an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Và theo ông Phạm Hoàng Linh cho biết: Lý Sơn có tiềm năng kinh tế rất lớn, đặc biệt là hải sản, du lịch và trồng tỏi. Chính vì vậy, khi dự án trên hoàn thành sẽ cải thiện triệt để nguồn và lưới điện, chắc chắn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện đảo Lý Sơn theo hướng “thương mại - dịch vụ, nông lâm thủy sản, công nghiệp tiểu thủ công nghiệp. Trong đó, thế mạnh từ biển và tuyến du lịch “biển đảo Lý Sơn” sẽ được khai thác tối đa, góp phần tạo việc làm cho khoảng 400 lao động, thu nhập đầu người 18,2 triệu đồng/năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế 16,2% và tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 20,4% vào năm 2014. Những năm tiếp theo, tốc độ tăng sẽ tăng nhanh hơn nhờ có điện.
Từ những ngày đầu chỉ có 1 tổ máy chạy dầu công suất nhỏ, với 1 trạm nâng 400kVA 0,4/15(22)kV; 3,8km đường dây 15(22)kV, 3,9km đường dây 0,4kV; 2 trạm biến áp 160kVA đến nay, huyện đảo đã có được 6 tổ máy phát điển, với công suất phát khoảng 2MW cùng 8,8km đường dây 22kV, 11 trạm biến áp phụ tải (2.030kVA) và 17,282km đường dây 0,4kV. Và theo kế hoạch, đến cuối năm 2014, huyện đảo Lý Sơn sẽ có điện lưới quốc gia. |
Thanh Ngọc
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
EVNSPC thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội
-
Trạm biến áp 220kV Kon Tum được nâng công suất lên gấp đôi để đảm bảo điện cho khu vực