“Cái chết” của sự kỳ vọng!
Sau bài "test" của U20, U22 Việt Nam với đội tuyển U20 Argentina, người hâm mộ chia thành hai luồng quan điểm.
Người lạc quan thì cho rằng, trước đối thủ quá mạnh, thua là lẽ thường tình.
Nhưng số đông thì lại nghĩ "bỏ ra số tiền lớn để mời U20 Argentina khi biết chắc mình sẽ thua, thật lãng phí. Các cầu thủ đá dở tệ cũng được triệu tập…". Thậm chí một số tờ báo sau trận đấu cũng giật tít chạy theo dư luận kiểu như: "Bóng đá trẻ Việt Nam trắng mắt ra chưa?" hay "Nói rất hay, làm thì ác mộng"...
Lê Công Vinh từng bị người hâm mộ chỉ trích trong thời gian còn thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia. |
Người ta đã vội quên, ở cấp độ đội tuyển quốc gia có thể thành tích của bóng đá Việt Nam chưa thực sự ổn, nhưng ở các lứa tuổi nhỏ hơn từ cấp độ U23 trở xuống, chúng ta chẳng thua bất kỳ cái nôi đào tạo trẻ nào trong khu vực. Vì thế, không nên lấy kết quả ở một trận giao hữu để đánh giá, hay phủ nhận sự nỗ lực của cả một tập thể.
Cũng đã bắt đầu xuất hiện những luồng tư tưởng bi quan vào khả năng giành "vàng" của U22 ở SEA Games sắp tới. Có người thậm chí nghi ngờ trình độ huấn luyện viên và không tin vào đấu pháp mà ban huấn luyện lựa chọn.
Chẳng thế mà sau trận thua của đội tuyển U22 Việt Nam trước đội tuyển U20 Argentina, có cổ động viên không ngần ngại chỉ trích lối chơi bóng ngắn mà HLV Hữu Thắng đang xây dựng là thiếu hợp lý và yêu cầu VFF mời lại chiến lược gia người Nhật Toshiya Miura.
Người ta bỗng quên rằng đối thủ của chúng ta là đội bóng nhiều lần "lên đỉnh" U20 thế giới, với giá trị chuyển nhượng cao ngất ngưởng. Thậm chí, nếu không phải vướng bận đấu World Cup và chơi hết 100% khả năng thì chúng ta còn thua nữa. Không thể thắng được, tại sao chúng ta không tiếp cận trận đấu ở góc độ học hỏi?
Dư luận quan tâm, chứng tỏ họ vẫn yêu và đặt nhiều kỳ vọng vào bóng đá Việt Nam, nhưng không có nghĩa cứ sau mỗi thất bại, là có thể quay ngoắt 180 độ chì chiết các cầu thủ và bình phẩm về lối chơi, ý đồ chiến thuật của ban huấn luyện.
Các cầu thủ thi đấu trong màu áo đội tuyển quốc gia luôn thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. |
Cựu tiền đạo Lê Công Vinh từng có những chia sẻ thẳng thắn về "cách yêu" bóng đá của người Việt rằng: "Tôi rất tâm đắc với một bình luận rằng, mỗi khi đội tuyển thi đấu, ở Việt Nam có tới 80 triệu HLV, bình luận viên, chuyên gia bóng đá múa bàn phím".
Chia sẻ sau trận đấu với U20 Argentina, HLV Hữu Thắng thậm chí phải đăng đàn "nói đỡ" cho các học trò của mình khi nhận hết trách nhiệm về bản thân. Hơn ai hết, ông Thắng, sau những năm tháng thi đấu đỉnh cao, thừa hiểu sự "nghiệt ngã" của dư luận.
Sau nhiều năm chờ đợi, cuối cùng chúng ta cũng có đại diện được chơi ở đấu trường World Cup. Nhưng nó không phản ánh sự bứt phá của cả một nền bóng đá, mà chỉ mang tính thời điểm, nói đúng hơn, đây là một kỳ tích, chứng minh cho tinh thần, ý chí vượt khó của người Việt.
Bóng đá trẻ Việt Nam trong năm 2017 sẽ có 2 giải đấu quan trọng là SEA Games 27 và vòng chung kết U20 World Cup. Đã đến lúc chúng ta nên có cái nhìn chuyên nghiệp hơn về những giải đấu dành cho các cầu thủ trẻ.
Ở các nền bóng đá phát triển, các lứa từ U23 trở xuống họ thường không đặt nặng thành tích, thậm chí có vào đến World Cup người ta cũng chỉ coi đấy là sân chơi để học hỏi, câu chuyện thắng thua hoàn toàn không bị áp đặt. Chúng ta cũng nên như vậy.
Bill Shankly, một huyền thoại sống của Liverpool, từng có câu nói: "If you can't support us when we lose or draw, don't support us when we win". Tạm dịch là: "Nếu bạn không thể ủng hộ chúng tôi khi chúng tôi hòa hoặc thua, đừng ủng hộ khi chúng tôi chiến thắng".
Đây có lẽ là câu nói nổi tiếng nhất của Bill Shankly, ý ông muốn nói với các cổ động viên: Hãy ở bên đội bóng lúc họ thất bại bởi đó là lúc họ cần các bạn nhất. Đừng yêu thích một đội bóng nào bởi lý do "đó là đội chiến thắng" bởi không có đội bóng nào thắng mãi cả.
Quang Thịnh