Các doanh nghiệp “sếu đầu đàn” kiến nghị gì với Thủ tướng?
Tạo cơ chế đặc thù, sửa đổi những quy định không phù hợp
Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển diễn ra sáng ngày 14/9, các doanh nghiệp Nhà nước - đầu tàu của nền kinh tế đã đề xuất nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, tận dụng cơ hội hợp tác đầu tư để hoạt động của doanh nghiệp hiệu quả và đột phá hơn nữa.
Ông Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thẳng thắn chia sẻ rằng, các dịch vụ viễn thông hiện nay khá bão hoà. Ông Thắng nhấn mạnh mong muốn tìm ra phương hướng mới và phải thật sự khác biệt. Cùng với củng cố năng lực tự lực, tự cường của nền kinh tế, Chính phủ đang đẩy mạnh giúp doanh nghiệp Nhà nước mở mang những lĩnh vực mới, động lực tăng trưởng mới.
Nhắc lại việc Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược toàn diện, lãnh đạo Viettel mong Chính phủ có lộ trình rõ ràng, từ kế hoạch, nhiệm vụ, phân công các đơn vị, bộ, ngành, doanh nghiệp trong việc phối hợp với đối tác Hoa Kỳ để tiếp nhận công nghệ hàng đầu, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số.
Về đầu tư, ông Tào Đức Thắng kiến nghị cần đầu tư mạnh hơn nữa cho hạ tầng số. So với các nước trong khu vực, hạ tầng kết nối, hạ tầng lưu trữ data center trữ lượng lớn của Việt Nam vẫn đang chậm hơn.
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel Tào Đức Thắng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Nêu trường hợp tại tỉnh Hoà Bình và Sơn La, khảo sát trên 100 người thì 80 người dùng điện thoại thông minh, ông Tào Đức Thắng cho rằng nên đầu tư mạnh phủ sóng 4G và 5G, hạ tầng số ở vùng sâu, vùng xa, vùng Tây Bắc. Đặc biệt, cần đấu giá để triển khai công việc này sớm và trong điều kiện đấu giá, yêu cầu các doanh nghiệp phải phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa để bà con được hưởng dịch vụ mới, hiện đại, tránh trường hợp chỉ phủ sóng ở trung tâm.
Ngoài ra, ngày 26/6 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã chứng kiến trao Thoả thuận khung về thúc đẩy xây dựng thí điểm cửa khẩu thông minh tại Lạng Sơn. Viettel không chỉ là doanh nghiệp về chuyển đổi số mà còn làm logistics, có hệ thống phân phối trên toàn quốc cũng như có thể vươn ra các thị trường khác như Lào, Campuchia, Myanmar. Vì vậy, Viettel rất muốn tham gia vào dự án này và đề xuất Bộ trưởng Công Thương, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn sử dụng công nghệ 5G trong xây dựng cửa khẩu thông minh, xây dựng kho chứa hàng hoá, cũng như phân phối hàng hoá hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam.
"Chúng tôi tin Việt Nam là cửa ngõ rất tốt cho khu vực Đông Nam Á chuyển hàng hoá sang Trung Quốc và ngược lại", ông Tào Đức Thắng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Viettel bày tỏ mong muốn Chính phủ thường xuyên lắng nghe khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là vướng về quy định, chính sách để kịp thời phát hiện và tháo gỡ sự bất cập, đồng thời, cần có quy định bảo vệ người dám nghĩ dám làm ngay cả trong doanh nghiệp Nhà nước.
Với nhóm doanh nghiệp năng lượng, ông Đặng Hoàng An, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mảng đầu tư cho năng lượng rất vướng. Đầu tư cho năng lượng là rất lớn và thiết yếu, nhưng trong hệ thống thể chế của chúng ta chưa có bất cứ cơ chế đặc thù nào cho năng lượng.
Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam Đặng Hoàng An phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Tương tự, về quy trình thủ tục, không có quy trình thủ tục đầu tư riêng cho năng lượng. Theo đó, đầu tư năng lượng điện, nước đều theo quy trình của Luật Đầu tư, Luật 69. Vì vậy, cần thiết ban hành chế cơ chế đặc thù sớm cho lĩnh vực này, nếu không rất khó làm.
"Luật Doanh nghiệp mở, nhưng Luật 69 chặt quá. Như vậy, quá trình ra quyết định và xin báo cáo rất lâu. Bên cạnh đó, hội đồng thành viên các tập đoàn cần phải được phân cấp nhiều hơn nữa", Chủ tịch EVN nhận định.
Cũng đề xuất tại hội nghị, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) kiến nghị Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi và hướng dẫn quy trình, quy định tại Thông thư 25, Thông tư 45 và các quy trình có liên quan đến vận hành và lịch huy động các nhà máy về tiêu thụ khí ở Lô B-Ô Môn. EVN sớm thống nhất và ký kết hợp đồng mua bán khí, mua bán điện để dự án Lô B có thể triển khai đồng bộ.
PVN cũng kiến nghị Bộ Công Thương sớm triển khai và giải quyết việc chuyển ngang giá khí và sản lượng bao tiêu trong cơ chế sử dụng LNG để các dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3, 4 đảm bảo hiệu quả. Thêm vào đó, phía EVN nên có kế hoạch huy động và tăng huy động khí cho sản xuất điện nhằm đảm bảo đầy đủ việc sử dụng khí.
Ngoài ra, đại diện PVN cũng đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt Đề án tái cơ cấu PVN đến năm 2025 và kế hoạch 5 năm của tập đoàn; sớm sửa đổi nghị định về đầu tư ra nước ngoài về dầu khí và đặc biệt có phân cấp cho các dự án thuộc khu vực thượng nguồn trong giai đoạn chuyển giao giữa Luật Dầu khí cũ và mới.
Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam Lê Mạnh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP |
Cần trao quyền tự chủ nhiều hơn cho các doanh nghiệp Nhà nước
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo các địa phương đều khẳng định sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, tồn tại của doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời đề xuất nhiều giải pháp để phát huy vai trò doanh nghiệp Nhà nước trong đó có việc tạo khung thể chế, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp này.
Tại điểm cầu TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thời gian vừa qua, TP. Hồ Chí Minh đã thường xuyên tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp Nhà nước, rà soát kết quả giải quyết vướng mắc của các doanh nghiệp Nhà nước. Qua đó, đã tập hợp được 232 nội dung kiến nghị của doanh nghiệp Nhà nước; đã phân nhóm và giải quyết được 113 kiến nghị. Các kiến nghị tập trung vào các vấn đề về quy hoạch đất đai, thủ tục đầu tư dự án… và có 6 nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan Trung ương.
Ông Phan Văn Mãi cho hay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thống nhất về phương án sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước của thành phố và thành phố đang khẩn trương triển khai, gắn với đề xuất của Thành ủy. Tới đây sẽ có một nghị quyết về doanh nghiệp Nhà nước của thành phố. Đồng thời UBND thành phố sẽ có một Đề án về phát huy doanh nghiệp Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
"Chúng ta rất cần khung thể chế để phát huy vai trò doanh nghiệp Nhà nước, tập trung tháo gỡ các vướng mắc, trao quyền tự chủ nhiều hơn nữa cho các doanh nghiệp Nhà nước để phát huy hết tiềm năng", ông Phan Văn Mãi nói.
Thực tiễn, tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp Nhà nước đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển của thành phố. Nhưng thời gian gần đây, sự đóng góp này lại không nhiều như thời gian trước. TP. Hồ Chí Minh có 47 doanh nghiệp Nhà nước. Tính đến thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của các doanh nghiệp Nhà nước là 105 nghìn tỷ, vốn chủ sở hữu là 75 nghìn tỷ. Tổng doanh thu 6 tháng đầu năm là 31,5 nghìn tỷ, tổng lợi nhuận là 4.855 tỷ, tỉ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu là 6,49%...
Ông Phan Văn Mãi cho biết, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 98 của Quốc hội sẽ tạo cơ hội để các doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục tái cấu trúc và đóng góp mạnh mẽ hơn nữa.
Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu tham dự hội nghị. Ảnh: VGP |
TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp theo hướng cho phép bổ sung vốn điều lệ, đồng thời cho cơ chế đặt hàng các doanh nghiệp Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chính trị. Theo ông Phan Văn Mãi, đây là việc rất quan trọng.
Ngoài ra, việc chuyển giao trong thanh toán giữa các doanh nghiệp cùng chủ sở hữu và cho phép thuê thanh toán mặt bằng để giám sát việc quản lý sử dụng tài sản, kịp thời cảnh báo, quản lý được tốt hơn.
TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh, để sử dụng hiệu quả hơn các tài sản nhà đất. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về chuyển đổi công ty nhà nước thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp nhà nước thành công ty TNHH MTV tổ chức và hoạt động theo quy định tại Luật Doanh nghiệp. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm có hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chế độ tiền lương, trong đó có chế độ tiền lương, tiền công phù hợp cho doanh nghiệp nhà nước…
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần có một cơ chế phát huy sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phát triển các doanh nghiệp nhà nước.
Trong khi đó, đại diện UBND TP. Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước của TP. Hà Nội hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước của thành phố cũng là đơn vị chủ đạo trong việc cung cấp các dịch vụ công, thủy lợi, vệ sinh môi trường, cấp thoát nước… góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế.
Trong năm 2022, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã ban hành Quyết định về việc ủy quyền cho Sở Tài chính thực hiện một số quyền, trách nhiệm của UBND thành phố (cơ quan đại diện chủ sở hữu) đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do UBND thành phố thành lập.
Qua hơn một năm thực hiện, kết quả bước đầu rất tích cực, các nội dung như ra quy hoạch, giám sát tài chính, giải quyết các vấn đề kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp được xử lý nhanh và kịp thời, do đó, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trong thời gian tới, TP. Hà Nội sẽ triển khai kịp thời, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác đổi mới, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả, phát huy vai trò của doanh nghiệp Nhà nước trong phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, tập trung tháo gỡ, vướng mắc tồn tại của doanh nghiệp về tài chính, tài sản, giải quyết kịp thời các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động của doanh nghiệp; đề cao vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp trong việc triển khai cơ cấu lại, áp dụng các giải pháp tiên tiến, nâng cao hiệu quả quản trị của các doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, triển khai phương án sắp xếp, cổ phần hóa vốn theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm đúng quy định pháp luật, công khai minh bạch, bảo đảm hiệu quả cao nhất.
Cùng kiến nghị, đề xuất với TP. Hồ Chí Minh, UBND TP. Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) để làm sao giải quyết kịp thời, dứt điểm các vướng mắc của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo Báo Công Thương
Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết ngay các kiến nghị của địa phương, bộ, ngành Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký văn bản số 513/TTg-TH về việc tập trung giải quyết ngay các kiến nghị, đề xuất của địa phương, bộ, ngành. |
-
Cần sửa đổi, hoàn thiện Luật số 69 để doanh nghiệp Nhà nước hoạt động hiệu quả hơn
-
Bổ sung chính sách thu hút nhà đầu tư khảo sát dự án điện gió ngoài khơi
-
Xem xét lại phạm trù "quản lý nhà nước" đối với doanh nghiệp nhà nước để tạo sự đột phá
-
Nhà nước là chủ sở hữu vốn nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
-
Tin tức kinh tế ngày 13/11: Tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tiếp tục lập kỷ lục mới
-
Thúc đẩy nâng cao nhận thức xanh trong cộng đồng, doanh nghiệp
-
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào ngày 30/11
-
Doanh số bán xe điện toàn cầu tăng 35% trong tháng 10
-
Giá vàng hôm nay (13/11): Tiếp đà lao dốc