Ca sĩ Mỹ Dung: “Đã đến lúc khán giả phải… hành động”
- Thời gian gần đây, giới chuyên môn đánh giá nhạc Việt đang có chiều hướng đi xuống. Bởi đa số nghệ sĩ chạy theo thị hiếu giải trí, rồi sản sinh ra một lớp ca - nhạc sĩ thị trường, vô hình trung âm nhạc đích thực bị lép vế. Mỹ Dung nghĩ gì về điều này?
- Đúng là để nói đến thị trường nhạc Việt thì hiện tại quả có nhiều điều đáng lo lắng. Nhưng những phát triển đó cũng là đi theo đúng quỹ đạo mà thôi. Không chỉ riêng gì nhạc Việt mà ngay cả nền âm nhạc của các nước khác trên thế giới, nhu cầu thưởng thức âm nhạc cũng thiên về giải trí nhiều hơn trước. Đó là chưa kể, âm nhạc ở Việt Nam ảnh hưởng từ xu hướng âm nhạc thế giới cũng như các trào lưu từ các nước khác rất nhanh. Chính các hình thức du nhập này sản sinh những dòng nhạc và cách thưởng thức âm nhạc cũng đa chiều hơn trước rất nhiều.
Bản thân âm nhạc giải trí theo Dung thì cũng không hẳn có lỗi, giải trí nhưng chỉn chu thậm chí còn đáng được khích lệ. Bởi sản phẩm phục vụ cho khán giả, với thực tế âm nhạc bác học kén khán giả, có biểu diễn cũng khó ai xem thì điều đó là đương nhiên. Khán giả ưng giải trí thì nghệ sĩ phục vụ nhu cầu giải trí và nghệ sĩ giỏi là phải biết đáp ứng thị hiếu.
- Như vậy là nhạc Việt đang bắt nhịp với xu hướng chung trong sự phát triển của âm nhạc thế giới và không quá phải lo lắng?
- Bắt nhịp với xu hướng phát triển của âm nhạc trên thế giới nhưng nếu như ở các nước khác âm nhạc giải trí và âm nhạc bác học vẫn có sự song hành cùng được chú trọng phát triển thì ở ta lại có sự lép vế hơn hẳn. Điều này cũng không hẳn là lỗi riêng từ phía nghệ sĩ. Theo Dung nghĩ là do khán giả nghe nhạc có nhu cầu giải trí cao hơn còn đối tượng nghe nặng về chuyên môn. Nên nghệ sĩ để đến gần với công chúng thì phục vụ thị hiếu số đông là con đường dễ dàng hơn.
Nghệ sĩ ở nước ta chưa được đề cao và đánh giá đúng những cống hiến của họ
- Điều đó có phải là một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc nghệ sĩ trẻ ngày càng “hời hợt” cả trong sáng tác và biểu diễn để rồi sản sinh ra một loạt những sản phẩm xem nhạc nhiều hơn nghe nhạc như hiện nay?
- Thực ra chúng ta cũng không nên quá khắt khe với giới trẻ, bởi bên cạnh những gương mặt dễ dãi với nghệ thuật thì chúng ta vẫn có những bạn muốn đi theo nghề, cống hiến cho nghề và hoạt động nghệ thuật thực thụ. Dung được biết những gương mặt như thế và các bạn ấy cũng đang khẳng định được chỗ đứng cho mình trong đời sống âm nhạc.
Nói thật là trong đời sống âm nhạc đô hội như hiện nay, việc dễ xuất hiện, dễ nổi tiếng…vô hình trung kéo theo hàng loạt những gương mặt mới. Đó cũng là khó khăn với các em trong việc làm sao để thực sự nổi bật giữa đám đông đó. Nên đòi hỏi phải nỗ lực nhiều.
- Dường như Mỹ Dung còn nuông chiều giới trẻ, thời của các bạn ấy khác thời của Mỹ Dung ngày xưa, không quá chú trọng tới việc chuyên môn nhất lại là khi dễ đi lên từ những cuộc thi đậm chất giải trí?
- Đương nhiên mỗi thời mỗi khác, các bạn ấy đã qua cái thời “khổ” rồi. Các bạn có tất cả những công nghệ kỹ thuật thậm chí là đỉnh cao cho các sản phẩm âm nhạc của mình.
Nhưng việc xuất hiện và tỏa sáng từ các cuộc thi đương nhiên thật khó để có thể đòi hỏi một lúc cả giọng hát biểu cảm lẫn chuyên môn nghệ thuật được. Dung hiểu điều đó nên Dung nghĩ rằng sau khi khẳng định được tên tuổi tại một cuộc thi thì con đường dài của nghệ sĩ trẻ là nên bổ sung kiến thức chuyên môn cho mình. Đó mới là con đường dài. Theo Dung nghĩ cần phải có chuyên môn bên cạnh đó năng khiếu cần cộng với những cảm quan về văn thể mỹ mới là con đường để nghệ sĩ có thể đi lâu dài.
Khán giả có vai trò vô cùng quan trọng
- Vậy nhưng thực tế thay vì nỗ lực bằng chuyên môn thì nhiều nghệ sĩ lại nỗ lực bằng chiêu trò?
- Nhưng thực tế chiêu trò đâu có “sống” lâu được đâu. Vẫn có sự đào thải đó chứ. Còn sự việc ngày càng trở nên trầm trọng hơn thì như Dung đã nói điều cốt yếu nằm ở nhu cầu thưởng thức của khán giả.
Có một điều đáng buồn rằng, nghệ sĩ ở Việt Nam vẫn chưa được chú trọng và nhìn nhận đánh giá đúng năng lực. Như ở các nước khác những nghệ sĩ thuộc hàng Diva, Divo… họ rất được đề cao, săn đón… Mỗi lần những sản phẩm âm nhạc của họ xuất hiện là được đông đảo công chúng chờ đón. Nhưng ở ta thì không có, thậm chí là thờ ơ với nghệ thuật. Việc lao động nghệ thuật chưa được đánh giá đúng hoặc bị san bằng sẽ làm nghệ sĩ cảm thấy nản. Nên theo Dung nghĩ biện pháp hiện tại vẫn là khán giả. Khán giả nắm quyền lực trong tay, đã đến lúc họ cần phải nâng tầm thưởng thức âm nhạc của mình, không tiếp nhận những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng thì phần nào đó sẽ đưa âm nhạc trở về với đúng quỹ đạo của nó.
- Còn để dẹp bớt những sản phẩm âm nhạc kém chất lượng thì Dung nghĩ sao?
- Như bạn cũng thấy thì hiện nay sản phẩm âm nhạc chủ yếu được phát hành online nên nó đến với công chúng rất nhanh và rất khó quản lý về mặt chất lượng. Theo Dung thì cần có quy chế quản lý gắt gao hơn nữa cho việc xuất bản sản phẩm âm nhạc online này. Nên có cơ chế kiểm duyệt và cấp phép một cách có quy trình để loại bỏ những sản phẩm thảm họa may ra sẽ khá khẩm hơn.
Cảm ơn Mỹ Dung về cuộc trò chuyện này!
Huyền Anh (thực hiện)