Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

BIDV: Cây cầu vững chắc nối doanh nghiệp Việt - Nhật

15:16 | 20/07/2016

Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều ngày 20/7, tại thủ phủ tỉnh Gifu (Nhật Bản), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), cùng Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo với các doanh nghiệp Nhật Bản ở tỉnh Gifu với chủ đề “Thúc đẩy hợp tác du lịch Việt Nam - Nhật Bản”.

Tham dự buổi hội thảo có ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, đại diện lãnh đạo các Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Nội, Nghệ An, Huế, Bình Định… Và một số công ty du lịch, khách sạn lớn của Việt Nam.

Phía Nhật Bản có Ngài Furuta Hajime, Thống đốc tỉnh Gifu, cùng nhiều quan chức cấp cao và các công ty du lịch của tỉnh.

bidv cay cau vung chac noi doanh nghiep viet nhat
Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà và Thống đốc tỉnh Gifu.

Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành điểm du lịch được yêu thích của du khách Nhật Bản. Việt Nam có nhiều thuận lợi trong việc thu hút khách du lịch Nhật Bản bởi có tài nguyên du lịch phong phú, phù hợp với sở thích và nhu cầu của khách du lịch Nhật Bản (du lịch di sản, du lịch sức khỏe, du lịch biển…); an ninh chính trị ổn định; từ năm 2004 khách du lịch Nhật Bản khi đến Việt Nam được miễn visa 15 ngày; khoảng cách địa lý giữa hai nước tương đối gần, chỉ mất khoảng 5 giờ bay thẳng (hiện 4 thành phố lớn của Nhật Bản (Tokyo, Nagoya, Osaka, Fukuoka) có đường bay thẳng tới Hà Nội và TP HCM) và đa số người dân Nhật Bản có thiện cảm với hình ảnh đất nước và con người Việt Nam… Thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Nhật Bản cũng đã có nhiều hỗ trợ cho ngành du lịch Việt Nam về kỹ thuật, tiêu biểu như kế hoạch tổng thể phát triển du lịch Đà Nẵng (2008-2010); bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long (2010-2013); phát triển vùng miền thông qua du lịch di sản (2011-2014).

Nhận thức được tầm quan trọng đặc biệt của quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản cũng như xác định được vai trò, sứ mệnh của mình với tư cách là một định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, BIDV nhận thức cần đóng góp tích cực cho mối quan hệ chiến lược Việt Nam - Nhật Bản, góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển mối quan hệ chiến lược giữa hai nước trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Trong thời gian qua, BIDV đã và đang thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, có ý nghĩa trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Nhật đầu tư vào Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh xuất nhập khẩu vào Nhật cũng như tăng cường hợp tác với các đối tác Nhật Bản. BIDV đã thiết lập quan hệ với các ngân hàng Nhật Bản từ năm 1994 khi bắt đầu có các hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác với các định chế tài chính tại Nhật, tạo kênh thanh toán hiệu quả, thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Hiện tại, BIDV là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam trong việc thành lập bộ phận Japan Desk, chuyên tâm phục vụ các nhà đầu tư Nhật Bản; đã ký kết hợp tác kinh doanh với 24 ngân hàng thương mại, ngân hàng vùng Nhật Bản như SuMi TRUST, Bank of Yokohama, Chiba Bank, Shizuoka Bank, Kyoto Bank, SCB, Juroku Bank… và phục vụ gần 500 doanh nghiệp Nhật đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam, trong đó có 20 doanh nghiệp đến từ tỉnh Gifu.

bidv cay cau vung chac noi doanh nghiep viet nhat
Khu phố cổ Takayama.

Về lĩnh vực du lịch, tháng 11/2015, BIDV, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng một số địa phương tại Việt Nam (Nghệ An, Quảng Bình) đã phối hợp với chính quyền tỉnh Gifu, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và tổ chức thành công Diễn đàn hợp tác thúc đẩy du lịch và kêu gọi các nhà đầu tư Gifu đầu tư vào các tỉnh miền Trung Việt Nam, diễn ra tại tỉnh Gifu, với sự tham dự của hơn 200 đại biểu đến từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Ngoài ra, với vai trò là đơn vị cầu nối cho các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp Việt Nam với tỉnh Gifu, Nhật Bản, BIDV đã mời đại diện lãnh đạo tỉnh Gifu tham dự các chương trình, sự kiện do BIDV tham gia tổ chức, đồng tổ chức tại Việt Nam như: Hội nghị hướng tới tín dụng nông nghiệp bền vững tại Việt Nam từ nghiên cứu cho tỉnh Lâm Đồng và Hội thảo đồng hành cùng doanh nghiệp Nhật Bản vào ngày 18/3/2016 tại Hà Nội.

Bên cạnh đó, BIDV cũng đã trao đổi với chính quyền tỉnh Gifu về việc tỉnh Gifu sẽ phối hợp cùng BIDV (BIDV sẽ tham gia với tư cách đơn vị tài trợ, đồng tài trợ chi phí cho chương trình) để: Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho một số tỉnh, địa phương Việt Nam đối với các ngành nghề mà tỉnh Gifu có thế mạnh (rau quả, cà chua, hoa, kỹ thuật canh tác lúa, máy móc nông nghiệp, phân bón, quản lý sâu bệnh, vật hại…); Hỗ trợ tiếp nhận và tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp cho kỹ sư nông nghiệp của một số địa phương Việt Nam được cử tham gia đào tạo tại Gifu Nhật Bản (dự kiến 30 kỹ sư).

Qua các chương trình “Top Sale” của Ngài Thống đốc Furuta Hajime, BIDV được biết Gifu là tỉnh tại khu vực miền Trung Nhật Bản với diện tích 10.621km2 và dân số hơn 2 triệu người, có nhiều tiềm năng phát triển du lịch với các địa điểm du lịch độc đáo như di sản văn hóa thế giới - làng cổ Shirakawa-go, khu phố Takayama, sông Nagara, suối nước nóng Gero, đền Chiyoboinari… Không những vậy, Gifu còn mang nhiều nét văn hóa tương đồng với Việt Nam, là nơi tập trung nhiều làng nghề nổi tiếng của Nhật Bản như nghề rèn kiếm (thành phố Seki); làng nghề giấy Mino Washi; làng nghề gốm sứ Mino Yaki; cùng nền ẩm thực đa dạng, phong phú với thịt bò Hida và cá Ayu, rất thuận lợi trong thu hút khách du lịch Việt Nam.

bidv cay cau vung chac noi doanh nghiep viet nhat
Biểu diễn cách làm kiếm cho các Samurai thời xưa ở Seki (tỉnh Gifu).

Lượng khách lưu trú tại Gifu năm 2011 là 130.000 người, đến năm 2015 tăng gấp 7 lần, đạt 920.000 lượt khách. Trong hơn 4 tháng đầu năm 2016, lượng khách du lịch đến Gifu tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái, dự kiến năm 2016 sẽ có 1,5 triệu lượt khách du lịch lưu trú tại Gifu. Trong đó, khách du lịch từ Việt Nam vào Gifu tăng từ 340 người năm 2014 lên 2.360 người năm 2015 (tăng khoảng 7 lần trong vòng 2 năm). Số lượng khách du lịch Việt Nam đến Nhật Bản nói chung và đến Gifu nói riêng tuy còn khiêm tốn nhưng lại có mức tăng mạnh qua các năm.

Có đến Gifu thì mới thấy Nhật Bản chú trọng đến việc giữ gìn môi trường thiên nhiên và bản sắc văn hóa truyền thống cẩn trọng đến thế nào.

Ở thành phố Takayama, có một dòng sông nhỏ chảy xuyên thành phố. Nước thải của sinh hoạt được đổ ra sông. Ấy vậy mà nước sông trong vắt, rêu bám đầy đá cuội, từng đàn cá vàng lội tung tăng và vịt trời thong dong kiếm ăn trên sông. Hỏi ra mới biết, nước thải sinh hoạt được gom về một nơi, sau khi xử lý sạch mới được đổ ra sông.

Trên dọc đường hàng trăm cây số, tuyệt nhiên không thấy có cảnh “phá rừng mở lối” như ở ta. Người Nhật đã đào hầm xuyên núi mở đường để không phá rừng… Hàng trăm đường hầm xuyên núi, ngắn thì vài ba trăm mét, dài thì cả chục cây số… Còn các rừng cây, chỉ một màu xanh ngăn ngắt, hệt rừng nguyên thủy. Ngay hệ thống cột điện cao thế cũng được thiết kế cao hơn cây rừng, để không phải chặt cây.

bidv cay cau vung chac noi doanh nghiep viet nhat
Nước sông chảy qua thành phố trong vắt.

Trong buổi hội thảo, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT BIDV đã có một số đề xuất kiến nghị sau:

Đề nghị chính phủ hai nước, chính quyền tỉnh Gifu và các địa phương của Việt Nam tạo điều kiện, thường xuyên phối hợp tổ chức các chương trình, sự kiện xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch và giao lưu văn hóa chung giữa hai nước.

Mong muốn Chính phủ Nhật Bản, chính quyền tỉnh Gifu tiếp tục hỗ trợ cho ngành du lịch Việt Nam, đặc biệt trong công tác: Quy hoạch phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái nói riêng; bảo vệ đô thị lịch sử và văn hóa, bảo tồn tài nguyên du lịch, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; đào tạo nguồn nhân lực du lịch thông qua các khóa đào tạo ngắn, dài hạn và chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển du lịch.

Ông Trần Bắc Hà cũng nêu ra những việc cụ thể, cần giải quyết sớm đó là:

Chính phủ Nhật Bản tạo điều kiện nới lỏng việc cấp visa đi Nhật đối với khách du lịch Việt Nam nói chung cũng như đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực du lịch cho khách của một số công ty du lịch của Việt Nam.

Chính quyền tỉnh Gifu nghiên cứu mở rộng phạm vi các cửa hàng miễn thuế tại Gifu cho khách du lịch, phù hợp với đặc tính và sở thích của khách du lịch Việt Nam sang Nhật Bản (Gifu) theo hình thức tìm hiểu văn hóa lịch sử kết hợp với du lịch mua sắm.

Các hãng hàng không Nhật Bản và Việt Nam nghiên cứu mở thêm một số đường bay thẳng từ Nagoya (Chubu) tới Việt Nam như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Huế… và tăng thêm tần suất các chuyến bay hiện có từ Hà Nội và TP Hồ Chí Minh để tạo điều kiện thuận lợi thu hút khách du lịch Việt Nam đến Gifu.

N.N.P