Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 9)
Năng lượng Mới số 346
>> Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 8)
Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo khu C chỉ 20 giờ 20 phút.
***
Trong phòng giam, Lân vẫn ngồi bó gối, mắt nhìn lên ngọn đèn vàng ệch.
"Tôi cũng không hiểu tại sao Thúy lại đến với tôi nhẹ nhàng đến vậy. Càng gần Thúy, tôi càng thấy mình thua kém về nhiều mặt. Thúy am hiểu văn hóa nghệ thuật, có vốn hiểu biết văn hóa rộng và có lối sống khác hẳn nhiều người. Vì thế, lắm lúc tôi tự hỏi mình là tại sao Thúy yêu tôi. Xét cho cùng tôi chả có gì để so sánh với Thúy cả. Hay chả lẽ, Thúy chỉ cần tôi trong lúc cô đơn.
Từ khi có Thúy, tôi như thay đổi hẳn cuộc sống của mình. Tôi biết chọn cho mình những bộ đồ hợp mốt, sang trọng. Tôi biết thắt caravat một cách thành thạo và biết chọn mặc áo nào thì nên dùng caravat màu gì. Tôi chịu khó đọc sách báo hơn, duy có một thứ mà tôi không thể học được, đó là âm nhạc. Có lúc Thúy bắt tôi nghe đi nghe lại một bản nhạc thính phòng, nhưng với tôi, đó là cả một cực hình và có lúc tôi đã ngủ luôn trên ghế.
Thế rồi chuyện tình ái vụng trộm của tôi với Thúy dù đã kín đến mấy nhưng vẫn bị lộ.
***
Lân đang ngồi trong phòng làm việc thì ông Duy đến:
- Có điều này, tôi muốn hỏi cậu, nhưng trước hết, đừng có cho là tôi tò mò.
- Vâng! Anh cứ hỏi.
- Hình như giữa cậu và cô Thúy có mối quan hệ "trên mức tình cảm" phải không?
Lân quắc mắt nhìn ông Duy, ánh mắt làm ông sợ hãi:
- Ai nói với anh điều đó! Tôi muốn biết kẻ nào đơm đặt chuyện này? Mà thế nào là "trên mức tình cảm" chứ! Mức tình cảm đo bằng thước hay bằng kilôgam?
- Cậu chớ nổi nóng. Nếu không phải thì thôi. Thiên hạ đàm tiếu, tránh sao được. Có điều là cũng nên cẩn thận.
- Vậy là anh cũng nghi cả tôi, nên mới khuyên tôi cẩn thận có phải không.
Ðúng lúc đó thì Hoàng vào.
- May quá, gặp hai anh. Tôi muốn các anh cho ý kiến chỉ đạo về việc xử lý đoạn đường ở cây số năm. Gặp phải một mạch nước đùn lên mạnh đến trôi cả đá.
Ông Duy bảo:
- Phòng kỹ thuật đề xuất phương án thế nào?
Lân nổi nóng:
- Có anh Hoàng đây, tôi hỏi luôn. Anh có nghe ai đồn thổi chuyện tôi với chị Thúy không?
Hoàng nghiêm mặt và đóng kịch rất giỏi:
- Cái gì? Ðồn anh và chị Thúy làm sao? Quan hệ bất chính à? Tôi chưa nghe thấy bao giờ.
Rồi Hoàng thở dài:
- Gần đây, cơ quan chúng ta có một số người rỗi việc, suốt ngày ngồi đơm đặt chuyện, nói xấu người này, bới móc người kia. Nào là đồn anh Duy có trang trại 5 hécta ở huyện Sóc Sơn; nào là đồn tôi mua ôtô rồi cho công ty nước ngoài thuê; lại cả chuyện mánh mung dự án nọ, dự án kia, rồi chuyện bên B lại quả cho bên A... Lại còn có cậu ở Phòng Hành chính tự tiện trả lời phỏng vấn của truyền hình... Tôi đề nghị anh Duy nên có thái độ nghiêm khắc với số người rách việc này.
Ông Duy thở dài:
- Cũng muốn giảm bớt số ăn không ngồi rồi lắm, nhưng toàn là con ông cháu cha, hoặc là chỗ quen biết. Nếu làm sòng phẳng, trên văn phòng công ty phải bớt đi được ba chục người. Riêng Phòng Hành chính quản trị bớt được một chục.
Lân cười nhạt:
- Nếu anh thật sự muốn tạo công ăn việc làm cho đội quân rách việc ấy, cũng đơn giản thôi.
- Cậu có cách nào?
- Lập thêm một đội xây lắp và sau này phát triển thành công ty xây lắp. Tôi thấy cứ đà này chúng ta sẽ phải nâng Công ty Hoa Ban Trắng lên thành tổng công ty. Người lớn không thể mặc áo trẻ con được.
- Tôi cũng nghĩ là chúng ta nên nâng công ty lên cấp tổng... Ðồng thời đề nghị ủy ban giao thêm cho chúng ta một số đơn vị đang dở sống dở chết. Xu thế phát triển kinh tế mới là tập nhiều đơn vị lại thành tập đoàn - Hoàng nói thêm.
Duy hờ hững:
- Nếu được vậy thì tốt quá. Cậu Lân chủ động vào việc đi. Cậu có thế với ủy ban. Cậu nói, họ dễ chấp thuận hơn.
Ông Duy ra ngoài, còn lại Hoàng và Lân. Hoàng bảo:
- Này, đúng là anh nên cẩn thận tí chút với cô Thúy. Bên ngoài đồn nhiều đấy. Bọn mình là đàn ông, dễ nói về chuyện ấy.
- Ông bảo tôi nên thế nào bây giờ?
- Yêu phụ nữ bây giờ thì dễ, nhưng chạy trốn khỏi họ thì là một nghệ thuật đấy.
- Ðược, để rồi tôi tính.
- Mà này, ông còn phụ thuộc vào cô Thúy, làm thế nào đừng để cô ta nổi giận.
- Tôi hiểu. Còn việc ở công ty, ông cố gắng giúp.
- Anh yên tâm. Chuyện gì tôi ngu chứ việc này tôi không đến nỗi đâu.
***
Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo khu giam phạm nhân tử hình chỉ 20 giờ 25 phút.
***
Phan Hồng Hải lo đến không nằm yên và cứ chốc chốc lại gõ vào tường hỏi xem có thông tin gì mới không, nhưng đáp lại là sự yên lặng.
Hải chợt nổi nóng, đập đầu vào tường và gầm rú điên dại: “Các ông ơi, giết tôi đi. Giết tôi đi, bắn tôi đi!”. Tiếng của Hải vang động, nhưng với các quản giáo thì hình như họ quá quen với những tiếng kêu gào như thế này của phạm nhân bị kết án tử hình cho nên cũng chẳng ai động lòng.
Quản giáo Tự bảo một chiến sĩ:
- Cậu ra bảo thằng Hải đừng có làm ồn lên. Ðể cho người khác ngủ.
- Mặc xác nó anh ạ. Ðằng nào nó cũng chỉ sống được mấy giờ nữa.
Một quản giáo trẻ hỏi:
- Không hiểu nếu phạm nhân biết giờ chết của mình thì họ sẽ nghĩ gì nhỉ?
Tự nói:
- Cũng có mấy trường hợp phạm nhân biết bị tử hình. Cách đây ba năm, có thằng biết bị tử hình, nó bèn lấy bàn chải đánh răng nhét vào lỗ tai rồi rồi nằm nghiêng đập xuống sàn, chết ngay. Còn trường hợp như thằng Tài thì lại xé quần áo bện thành dây và tự mình xiết cổ cho đến chết. Nhưng cũng có người bình tĩnh đón nhận cái chết đến mức lạnh lùng mà đó thường là những người tự trọng.
- Hay bây giờ mình cho thằng Hải biết... - Một chiến sĩ trẻ nói rụt rè. Quản giáo Tự quắc mắt:
- Cậu muốn tước quân tịch phải không.
- Em nói đùa vậy thôi.
***
Tại phòng giam của Trần Hùng Lân. Lân nằm và hai tay vòng lên gối đầu...
"Tôi thì đã có cách giải thoát để khỏi phải ra trường bắn rồi, nhưng còn thằng Hải... Nó là đứa hung hãn, liều lĩnh nhưng lại cũng là đứa rất sợ chết. Có một lần nó bị sốt xuất huyết và chỉ khóc vì lo là sẽ chết. Có nên báo cho nó biết không nhỉ? Nếu biết bị bắn ngày mai, nó sẽ như thế nào. Tôi sợ nó không chịu nổi... Hay là tôi cùng nó ra pháp trường. Chết có bạn bè có lẽ vẫn hơn. Nhưng chắc chắn nó căm thù tôi lắm. Hôm tòa xử, chính nó đã chửi tôi là dụ dỗ, lôi kéo nó vào con đường phạm tội. Thôi, Hải ơi, mày tha lỗi cho anh. Anh phải ra đi bằng cách của anh thôi. Anh không sợ chết nhưng quả thật là anh không thích chết khi bị xử bắn. Ngày còn trẻ, anh đã xem xử bắn một lần rồi. Khiếp lắm... Hồi ấy, vào mùa đông năm 1973, người ta đưa một tên cướp của giết người, là người làng tôi, về xử bắn tại địa phương với mục đích là răn đe giáo dục...
Trường bắn đặt ở ngoài bờ sông và quay lưng vào chân đê. Người đến xem đông ngịt. Lân cũng đứng chen trong số người ra xem thi hành án tử hình kẻ cướp của giết người. Kẻ bị bắn Lân nào có lạ gì. Ðó là con trai út của vợ chồng ông Tái ở đầu làng. Ông Tái bị chết vì bom Mỹ năm 1967, để lại bà Tái với ba người con trai lộc ngộc. Người anh cả đi bộ đội và vẫn đang chiến đấu ở Lào, người thứ hai thì đi làm công nhân ở mỏ than Hà Lầm, còn người con út thì lại chơi bời lêu lổng và sớm đù đện với bọn du thủ du thực trên Hà Nội. Với bản tính ngỗ ngược và liều lĩnh, hắn cầm đầu một nhóm lưu manh chuyên nghiệp chuyên móc túi ở chợ Ðồng Xuân. Nhóm này đã giết chết hai người và gây ra rất nhiều vụ trộm cắp và cả cướp. Công an Hà Nội phải mất nhiều công sức lắm mới bắt được bọn chúng.
Cọc trói phạm nhân là một cây gỗ to như bắp đùi. Trong số những người ra xem thi hành án thì có gia đình phạm nhân, bà mẹ của kẻ tử tù đã ngoài bảy mươi và lại bị lòa hầu như không còn nhìn thấy gì. Bà phải nhờ một đưa cháu gái đưa ra pháp trường.
Khi mặt trời lên ngang đầu ngọn tre thì xe ôtô đưa tử tù ra trường bắn.
Công an trói phạm nhân vào cọc.
Vị đại diện tòa án đọc bản án và quyết định thi hành án tử hình. Ðội hành quyết tiến vào vị trí. Súng trường CKC giương lê sáng quắc.
Ðúng lúc đó, từ trong đám đông, bà mẹ tử tù hét lên: "Con ơi là con. Mẹ đây!". Thế rồi bà mẹ mù lao bổ về phía đứa con và vấp ngã lăn ra bãi. Công an, dân quân sau phút bất ngờ vội lao theo giữ bà lại, nhưng rất vất vả vì bà lồng lên như một con thú mất con. Bà không ngớt kêu gào: "Cho tôi gặp con tôi! Con ơi là con... Con ơi!”. Kẻ bị tử hình nghe tiếng mẹ, hắn ú ớ không hét được vì đã bị nhét giẻ vào miệng. Nhưng bằng một sức mạnh kinh khủng, hắn vùng vậy và nhổ cả cây cọc bắn được chôn cẩu thả trên nền đất cát và mặc dù bị bịt mắt, hắn cõng cả cây cọc bắn lao bổ về phía tiếng người mẹ. Hắn vấp ngã rồi lại vùng dậy... Cả trường bắn náo loạn. Nhân dân ùa vào kêu gào không được bắn ở làng. Gạch đá ném vào công an, dân quân vù vù. Mấy ông trong Hội đồng thi hành án chạy thẳng.Và phải mất đến nửa giờ đồng hồ, công an, dân quân mới đưa kẻ bị tử hình trở lại xe...
"Sau này, tôi biết là hình thức xử bắn đem về nơi người ta sinh sống đã bị bỏ. Nhưng tôi biết rõ là xử bắn không giáo dục được ai cả".
***
Tại một nhà hàng khá sang trọng. Ông Thạc, Thứ trưởng và những người đệ tử đánh tennis với ông hồi chiều đang uống rượu.
Lúc này, kim đồng hồ tại nhà hàng đã chỉ 20 giờ.
Một gã đệ tử của ông Thạc nâng ly:
- Em xin chúc mừng ông anh.
- Có cái gì mà mừng.
- Ông anh cứ giấu em. Chuyến này ông anh trúng đại biểu Quốc hội thì cái ghế Bộ trưởng ngoài anh ra, còn ai dám ngồi vào.
Ông Thạc cười rạng rỡ:
- Việc mất còn ngay trước mắt lắm lúc còn không biết được, huống chi việc của hàng năm sau. Chuyện ấy không quan trọng.
Huyền ngồi lặng lẽ, nét mặt trĩu nặng suy tư. Ông Thạc âu yếm:
- Em có mệt lắm không?
Huyền giật mình:
- Không, không. Em bình thường.
- Hình như em đang nghĩ gì?
- Vâng, em nghĩ đến anh Lân. Liệu anh ta có biết là ngày mai bị bắn không nhỉ?
- À ra thế - Ông Thạc hơi mỉa mai - Em đi với anh mà lại mơ về cái thằng tù tử hình ấy.
- Anh đừng nói phũ thế. Dù sao thì cũng nhờ có anh ấy mà chúng mình gặp nhau.
Ông Thạc thở dài:
- Ðời người ta không biết thế nào. Ðang sống nguây nguẩy, chỉ đoàng một cái, thế là xong. Về thằng Lân, suy đi nghĩ lại, nó cũng vẫn còn thằng có chút tử tế. Chớ nếu nó khai bung bét thì không hiểu hậu quả còn đi đến đâu.
Huyền gật đầu:
- Dù sao thì đó cũng là người có nhân cách.
- Em nói gì lạ vậy. Nó mà có nhân cách ư? Thế tại sao nó để cho vợ nó phải chết, tại sao nó hạ độc thủ giết cô Hồng kế toán, rồi nó bày trò nghiệm thu giả những đoạn đường và bao chuyện tày đình khác.
Huyền cười nhạt:
- Có những người đang sống, đang đương chức đương quyền, đang cao giọng rao giảng răn dạy người khác, nhưng chắc gì đã là người có nhân cách. Còn có kẻ như Lân, sắp đến giờ ra pháp trường rồi, nhưng suy đi nghĩ lại, đó vẫn là người có chút nhân cách.
Ông Thạc khó chịu ra mặt, nhưng do sợ mất lòng Huyền nên đành xoa dịu:
- Em hôm nay triết lý quá.
Mấy gã đang ngồi ăn nháy nhau. Một người ra thanh toán tiền và rỉ tai với nhân viên lễ tân gì đó. Lát sau hắn quay ra:
- Em mời anh chị lên tầng trên uống trà, nhân tiện xem bộ phim Titanic.
Huyền lắc đầu từ chối:
- Thôi, mọi người cứ vui vẻ đi. Em có việc phải đi.
Ông Thạc níu lại:
- Kìa em, ở lại thêm lúc nữa đi. Rồi anh đưa em về.
- Ðừng, em tự về thì tốt hơn. Em đến nhà một người quen.
Một gã nháy mắt với ông Thạc rồi vội vàng:
- Chị để em đưa đi.
- Cảm ơn chú. Tôi đi taxi. Mấy anh em cứ vui vẻ đi.
Huyền đi ra, một người đi theo. Ra đến sảnh của nhà hàng, anh ta nói:
- Chị ạ, việc của em... nhờ chị nói thêm với sếp. Em biết ông anh chỉ nghe mỗi chị. Em không quên ơn chị đâu.
- Chú cứ yên tâm, tôi đã hứa là tôi sẽ làm. Các chú nên đưa anh ấy về sớm và không cho uống thêm rượu nữa. Tim anh ấy có vấn đề đấy.
- Dạ, chị cứ yên tâm.
- Tôi nói trước, các chú mà đưa mấy con cave vào vui thú là không xong với tôi đâu.
- Chết, chị cứ lo xa. Chúng em đâu dám. Mà nói thật, ông anh chỉ mê mỗi chị thôi.
- Tôi không tin lắm vào đức hạnh của đàn ông thời nay. À, chú có mang tiền ở đấy không?
- Chị cần bao nhiêu?
- Khoảng vài triệu.
Hắn rút trong túi ra, đưa cho chị một xấp đôla.
Huyền đếm lấy 5 tờ loại100 đôla còn đưa lại. Gã kia không cầm:
- Chị cứ giữ mà dùng. Có đáng gì đâu.
- Không, tôi chỉ vay chú thế này thôi. Chiều mai tôi gửi lại chú.
- Chị nói thế là coi em như người ngoài rồi. Em làm ăn được, chỗ này có đáng gì.
- Việc nào đi việc nấy - Huyền đùa cợt - Xã hội văn minh, tình ái nhập nhằng nhưng tiền nong phải dứt khoát.
Một chiếc taxi lao đến, Huyền vẫy xe dừng lại và lên xe đi.
Trong phòng trà, ông Thạc nửa nằm nửa ngồi trên salông có vẻ mỏi mệt. Một gã nói:
- Bà chị hôm nay có chuyện buồn, nên để bà chị về. Em sẽ có cách làm cho ông anh khuây khỏa.
Ông Thạc từ chối với vẻ lấy lệ:
- Thôi, hôm nay tớ cũng không thích thú gì. Cứ nghĩ đến chuyện thằng Lân lại thấy buồn.
- Ối dào, anh mắc cái bệnh thương người. Anh gây dựng cho nó nào có ít, vậy mà đã được nó báo ơn gì hay chỉ vài lạng cao hổ mà có giời biết là cao hổ hay cao chó. Hôm nay, em gọi mấy con bé, bảo chúng nó múa bụng cho anh xem.
Nói rồi gã chạy ra ngoài. Và một nhóm ba cô gái đẹp, cao ráo vào phòng.
Tiếng nhạc nổi lên nghe tức ngực.
Ba ả cave nhảy với nhau rồi bắt đầu cởi áo... Ông Thạc đờ người ra nhìn những thân hình uốn éo...
***
Huyền đi taxi đến nhà Lân. Nhìn thấy Vũ, cô đứng sững lại. Ly, con gái lớn của Lân kéo chị vào.
- Cô vào đi. Bác Vũ đấy mà.
- Cô biết, quá biết bác Vũ - Rồi chị quay sang Vũ - Em chào anh.
- Chào chị Huyền. Lâu lắm không gặp chị.
- Vâng, em thấy anh khác nhiều đấy. Hình như anh già sớm thì phải.
- Cái nghề này nó không cho phép người ta trẻ chị ạ.
Huyền nói với Ly:
- May quá, lại gặp bác Vũ ở đây. Các cháu cho phép cô nói chuyện riêng với bác Vũ một lát nhé.
Ly lễ phép:
- Dạ, cháu xin phép cô.
Vũ hỏi:
- Sao hôm nay em tới đây?
- Em cũng đang định hỏi, sao anh lại ở đây?
Vũ cười buồn:
- Tôi vẫn thi thoảng qua thăm các cháu.
- Nhưng hôm nay chắc anh sẽ ở lại đây cho tới sáng mai.
Vũ giật mình:
- Chị nói gì tôi không hiểu?
Huyền cười đau khổ và đến ban thờ. Cô thắp một nén hương lên bát hương mà Vũ và Ly vừa làm cho Lân.
- Anh còn giấu em nữa ư? Thế bát hương này là để làm gì?
Huyền để phong bì đôla lên bàn thờ, đứng chắp tay vái một vái rồi quay lại chỗ Vũ:
- Nếu anh cho phép, em xin được ở đây với anh, với các cháu cho tới... tới sáng mai.
Vũ thở dài rồi nói quả quyết:
- Vậy thì tốt quá. Nhưng có phiền cho chị không?
- Em còn tự do hơn anh mà. Em biết anh Lân sống thủ đoạn, thậm chí tàn độc với không ít người, trong đó có cả anh, nhưng với em, anh ấy là người tốt
(Xem tiếp kỳ sau)
N.N.P