Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 18)

08:00 | 18/09/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Sao anh có thể tùy tiện hoãn buổi giao ban thế. Và anh không nên nói với cô phục vụ như nói với người hầu vậy. Đó cũng là điều anh phải cẩn thận đấy.

Năng lượng Mới số 356 >> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 17)

Lân bình tĩnh trở lại và bấm máy gọi phục vụ:

- Thưa, anh gọi em?

- Em bảo văn phòng, anh không tiếp một ai cả. Cuộc họp đầu giờ cũng hoãn đến 9 giờ nhé.

- Vâng ạ!

- Có điện thoại gọi cũng không chuyển máy nghe chưa.

- Dạ.

Nghe Lân ra lệnh với giọng hách dịch, Thúy lắc đầu:

- Sao anh có thể tùy tiện hoãn buổi giao ban thế. Và anh không nên nói với cô phục vụ như nói với người hầu vậy. Đó cũng là điều anh phải cẩn thận đấy.

Lân thủng thẳng:

- Em dặn anh không giao du với Hoàng, anh nhớ. Nhưng anh nói thật, sắp tới anh sẽ đề bạt Hoàng đấy.

- Anh trả ơn anh ta chứ gì? Thế thì họa đến nơi rồi.

- Còn vì sao phải giao việc kinh doanh cho ông Quân?

- Anh đừng tưởng anh giỏi. Người ta gây dựng cho anh cũng là muốn có một tên đệ tử trung thành để họ dễ bề sai khiến. Và họ sẽ sai anh làm nhiều điều trong Dự án Nam Sơn này đấy.

- Trời ơi, em cứ làm như bọn anh là mafia ấy.

- Anh hiểu gì về mafia, nhưng thật sự thì những người mà anh đang phải phục dịch, họ có đầu óc của mafia đấy. Anh sẽ chỉ là con tốt trên bàn cờ mà người đang chơi là các thế lực chính trị ở ngay trong tỉnh này. Mọi việc lớn liên quan đến dự án, ông Thạc, ông Hiển và ông Nam đã bàn hết rồi. Các thủ tục đấu thầu chỉ là có cho vui thôi. Miếng bánh lớn nhất sẽ là của anh. Nhưng miếng to là dễ nghẹn.

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 18)

Lân nghe cái giọng Thúy nói ngày càng khó chịu:

-  Em có vẻ biết quá nhiều nhỉ. Hình như em muốn dạy khôn anh thì phải?

Thúy lặng đi hồi lâu rồi thở dài:

- Em muốn nói với anh như vậy là vì... là vì em thương cho số phận của một con người.  Thôi, tùy anh nghĩ. Sau này, có thể anh sẽ nghĩ lại đến những điều em đã nói hôm nay. Em về nhận công tác ở Bộ Thương mại, sẽ không có cơ hội giúp anh như vừa qua, anh hãy giữ gìn.

Nói rồi, Thúy ôm Lân, dụi đầu vào ngực Lân rồi vùng ra, đi thẳng.

***

Lân đóng cửa lại ngồi lặng lẽ và suy nghĩ về những điều Thúy vừa nói. Quả thật, cách nói sắc như dao cắt của Thúy dù sao cũng đã làm Lân hơi giật mình. Lân nhớ lại, ngày xưa bố Lân từng bảo, khi giữ chức quyền thấp thì cũng như ngồi cái ghế thấp. Có ngã không đau và ngồi lại được ngay. Nhưng ngồi ghế càng cao thì ngã càng đau và cơ hội ngồi dậy được là rất khó. Có tiếng chuông điện thoại lôi Lân ra hỏi dòng suy nghĩ:

- Báo cáo anh...

- Tôi đã dặn đừng ai gọi tôi cơ mà - Lân gắt và không biết đó là Hoàng.

- Tôi Hoàng đây, có gì mà cáu gắt sớm thế. Cô Thúy vừa đến cơ mà?

- Ông Hoàng à, tôi không biết. Có việc gì đấy.

- Ông Chủ tịch huyện Nam Hà xin gặp anh trưa nay. Thu xếp được không?

- Ông ấy lại muốn sẻ lại năm chục cây số đường cho công ty của thằng cháu ông ấy chứ gì.

- Có lẽ thế.

- Mình đã biết thế nào? Chưa đấu thầu cơ mà?

- Việc đấu thầu, anh không phải lo. Trưa nay đi nhé.

Lân ngần ngừ:

- Cũng được, nhưng kiếm chỗ kín đáo.

- Anh khỏi lo. Tôi hiểu mà.

***

Trưa hôm đó, tại một nhà hàng sang trọng, Lân, Hoàng cùng tiếp ông Tái, Chủ tịch huyện Nam Hà cùng với hai thanh niên ăn mặc lịch sự, trang nhã.

Hoàng trịnh trọng:

- Giới thiệu với anh Tái, đây là anh Trần Hùng Lân, Phó tổng giám đốc thường trực Tổng Công ty Xây dựng miền núi Nam Sơn.

- Ô, công ty mới đổi tên à? - Ông Tái hỏi.

- Vâng, đã đổi tên từ Hoa Ban Trắng sang Công ty Xây dựng miền núi Nam Sơn được mấy ngày rồi. Cái tên Hoa Ban Trắng nghe chỉ muốn múa. Xin giới thiệu với anh Lân, anh Tái, Chủ tịch huyện Nam Hà, anh quá biết. Còn đây là cháu Hoan, cháu ruột anh Tái, là Giám đốc Công ty Tư vấn Đầu tư A và B; đây là anh Toàn, Giám đốc Công ty Xây dựng Tân Minh và là em họ chị Huyền.

Lân bắt tay từng người, đưa cac-vi-dít cho họ rồi nói với cái giọng kẻ cả.

- Tân Minh thì quá nổi tiếng rồi. Thế nào, chuẩn bị hồ sơ tham dự thầu của Dự án Nam Sơn chưa? Còn anh bạn là công ty... gì nhỉ?

- Thưa anh, em là Công ty A&B ạ! - Hoan đứng lên lễ phép.

- Sao lại là A&B?

- Da, A là an toàn và B là bạn bè ạ!

- Hay quá. Thế thì chúng ta hãy cố làm bạn của nhau trước. Chị Huyền khỏe không?

- Dạ, chị em khỏe. Em đâu dám mong được làm bạn với anh. Xin anh cho làm đệ tử thôi.

Ông Tái cầm ly rượu đứng lên, xun xoe:

- Thưa anh Lân, lãnh đạo huyện chúng tôi rất mừng khi được biết anh sẽ trực tiếp chỉ đạo và tham gia thực hiện Dự án Nam Sơn. Phải là một người sắc sảo, quyết đoán như anh mới có thể làm thay da đổi thịt vùng đất nghèo đó được.

Lân cười với vẻ cao đạo, xua tay:

- Anh nói quá rồi. Chúng tôi cũng đang lo cháy ruột đây. Tôi có được chỉ đạo gì đâu. Tiếng là thành viên quan trọng của Ban Quản lý dự án nhưng mọi việc ông Nam quyết hết. Giờ đang phải lo cạnh tranh với nhiều công ty. Anh Thư chẳng hạn, đó là công ty rất lớn, lại có thế lực.

Toàn lên tiếng:

- Chúng em không dám xin tham gia dự thầu, bởi biết mình yếu. Mà đã yếu thì đừng ra gió... Chúng em cũng biết rõ không có lẽ gì mà tổng công ty anh không trúng thầu... à quên, không được giao cho làm toàn bộ số đường ở ba huyện.

Lúc này, Toàn mới đưa lá thư của ông Thạc cho Lân. Lần cầm thư, xem: “Thân gửi Lân. Người cầm thư này là cậu Toàn, em họ cô Huyền. Toàn là người mà chú rất tin cậy. Cậu ấy sẽ nói hết với cháu. Về dự án, cố làm cho tốt nhé. Chú, anh Nam và bố cháu rất kỳ vọng ở nơi cháu. Chúc cháu may mắn”.

Lân đọc xong thư, cười nhạt:

- Ông này cẩn thận quá, lại phải thư với từ. Gọi điện là xong... phải không em - Nói rồi, Lân rút bật lửa vừa đốt lá thư vừa nói:

- Xin mời anh Tái... mời các chú. Hôm nay ai gọi món ăn mà ngon thế này.

Hoan cười:

- Em đã hỏi ý kiến anh Hoàng đấy ạ.

Hoàng nói:

- Nói để mọi người biết. Anh Lân là bậc sĩ phu ở tỉnh ta đấy. Giỏi chữ Hán, thuộc Tứ thư Ngũ kinh. Ngày xưa, chỉ vì không chịu luồn cúi mà phải về quê bán thịt lợn. Có ông bố là Chủ tịch mà dứt khoát không nhờ... anh ấy luôn bảo chúng tôi là phải vươn lên bằng trí tuệ và sức lực của mình.

Hoàng nói nịnh hót, tâng bốc mà không biết ngượng mồm. Hoan và Toàn biết thế nhưng vẫn đưa đẩy:

- Thời buổi này sĩ phu ít lắm - Hoan nói - Phu thì nhiều, còn sĩ không thấy.

Hoàng chợt vỗ đùi:

- À quên, anh Lân ạ, chú này là sinh viên Hán Nôm đấy.

- Thế à? Vậy là anh có bạn chữ nghĩa rồi.

Lân nhấp một hớp rượu. Khi cô gái phục vụ đến rót rượu nhìn cô ta cao ráo, trắng trẻo Lân bỗng thấy rạo rực. Lân lấy một tờ 50.000 đồng nhét vào tay cô gái và liếc nhìn tình tứ. Hoàng đọc được ý muốn của Lân qua ánh mắt đó. Anh ta ra ngoài, rút điện thoại di động:

- Lệ đấy à? Chuẩn bị phòng cho anh nhé... Hai người. Anh và sếp. Em phải có có mặt chứ. Nhớ là không để lộ quan hệ của chúng mình đấy.

Trong bàn tiệc, Lân cao giọng:

- Mỗi lần tôi lên Hà Nội, đều đến Văn Miếu thắp hương cho Khổng Tử. Có đôi câu đối ở Văn Miếu tôi nhớ mãi: “Sĩ phu báo đáp hà vị tai... Triều đình tuyển chọn chi ân...”. Có nghĩa là: Làm người sĩ phu phải báo đáp cái gì nhỉ? Phải báo đáp công ơn triều đình, mà triều đình tức là nhà nước đây. Báo đáp công ơn nhà nước nuôi dạy mình ăn học. Muốn báo đáp thì phải cố mà lao động...

- Giỏi quá! Các cụ giỏi quá - Ông Tái tấm tắc - Tôi đọc báo, nghe đài, thấy mấy thằng cha cứ vỗ ngực là sĩ phu, nhưng hóa ra suốt ngày chỉ bám đít mấy thằng Tây chửi lại cha ông tổ tiên mình. Nó thí cho ít  đôla, thế là cứ hoắng cả lên.

Rượu vào, mọi người đều cao hứng. Cô gái phục vụ lại đến rót rượu. Lân liếc nhìn đồng hồ rồi hỏi Hoàng:

- Chiều nay chương trình làm việc có gì nhỉ?

Hoàng láu cá, hiểu ý:

- Thưa anh, một giờ ba mươi họp kỹ thuật.

- Thôi ta nghỉ nhỉ. Xin phép anh Tái, tôi phải về. Chiều họp có nhiều việc phải giải quyết quá.

Ông Tái ra hiệu cho Toàn. Anh ta mở cặp lấy ra hai túi quà nhỏ:

- Chúng em có chút quà nhỏ biếu hai ông anh. Thôi  chúng em cũng mong các ông anh có cơm ăn thì cũng cho chúng em chút lộc rơi lộc vãi.

- Thế theo chú, số rơi vãi là gì? Đường sá hay cầu cống? Hay nhà hộ sinh, hay khu nuôi bò sữa...

Toàn đỡ lời:

- Hai chúng em là một. Xin anh cho chúng em vài chục cây số đường cấp bốn...

Lân tỏ ra hào phóng:

- Anh ghi nhận điều đó. Chú em cứ yên tâm. Mình còn gặp nhau. Mà chú cho anh cái gì thế này?

- Chúng em không biết biếu ông anh cái gì... Có chút gọi là.

- Vẽ vời quá. Thôi, không nhận thì chú áy náy, mà nhận thì anh không phải với ông anh Thạc. Bọn anh xin một xuất.

Ông Tái:

- Anh đừng làm thế các em nó buồn. Cũng biết anh là người không chấp kẻ dưới... Nhưng anh cứ nhận cho các em nó vui.

Hoàng đỡ lời:

- Anh đừng ngại, mình còn có dịp trả lễ các chú em mà.

***

Hoàng lái xe đưa Lân đến một quán karaoke. Trên ôtô, Hoàng bảo:

- Cái con bé tiếp viên rót rượu lúc nãy, anh có vẻ khoái nó?

- Chân nó dài đến nách mày nhỉ - Lân mơ màng, rồi như chợt nhớ ra gói quà, Lân mở ra xem và nhếch mép cười:

- Chúng nó cho nhiều quá mày ạ?

- Em không rõ.

- Của tao là 10 ngàn.

- Quá ít ông anh ạ. Nó muốn có mấy chục cây số đường cơ mà.

- Nhưng mà nó là người của ông Thạc... Mà cũng là nợ đồng lần thôi. Nó biếu mình, mình biếu ông Thạc. Này, đến quán mới à?

- Vâng! Mới tinh. Có bọn tiếp viên mới.

- Cũ người mới ta. Nhưng mà phải an toàn đấy nhé.

- Anh yên tâm đi.

Hoàng dừng xe trước một nhà hàng karaoke rồi ném khóa xe cho một nhân viên bảo vệ lái xe đi cất.

Hai người vào phòng, chưa kịp làm quen với bóng tối thì đã có một cô gái đến. Đó là Lệ, một ả cave được coi là đẹp gái nhất ở đây. Hoàng là người thường lui tới quán và chỉ dùng có mỗi mình Lệ. Hoàng kéo tay Lệ đến giới thiệu với Lân:

- Đây là sếp của anh. Em ở đây chăm lo cho sếp. Anh đi xông hơi, lát nữa quay lại.

 Nói rồi, Hoàng đi ngay. Còn lại Lệ và Lân. Lệ cởi bỏ áo khoác ngoài:

- Sao anh im lặng thế. Chắc em xấu xí quá phải không? Hay em gọi cho anh cô khác nhé. Quán này có mấy cô gái Cần Thơ... nói dịu dàng... hết xảy.

Lân đờ người nhìn Lệ và cầm tay kéo về phía mình. Lệ vùng ra:

- Gớm, đàn ông các anh. Cứ năm xu rượu vào là lại bốc nhóm máu “dê”. Em là không biết chiều. Nếu anh muốn em chỉ vì để giải quyết “nỗi bức xúc”, em gọi đứa khác.

Lệ nói  thế nhưng lại đi ra tắt bớt đèn.

***

Không hiểu vì sao từ sau lần đó, Lân bị Lệ hút mất hồn và mê mẩn cô ta thực sự. Lân yêu và nhớ cô ta đến điên cuồng nếu như một ngày không gặp. Cũng từ khi có Lệ, Lân đã nhìn vợ tôi bằng con mắt khác. Chuyện Lân quan hệ với Lệ đã đến tai vợ Lân... Một buổi tối sau khi ăn cơm, Mai nói với Lân... Mai pha trà mời Lân rồi khẽ khàng:

- Lâu nay, em rất muốn nói chuyện với anh, nhưng thấy anh bận quá, hơn nữa nói không khéo lại khiến anh suy nghĩ?

- Có gì cô cứ nói ngay. Loanh quanh mãi thế.

Mai cười buồn:

- Chuyện anh và cô Lệ cave thôi. Em thấy anh đi quá xa rồi đấy!

Lân trợn mắt:

- Cái gì? Tôi đi quá xa? Xa đến đâu rồi nhỉ? Mà cô có quyền dò xét tôi từ bao giờ thế?

Mai vẫn nhũn nhặn:

- Khi em đã phải nói với anh điều này, em cũng đau lòng lắm. Anh phải vất vả bao lâu, nay mới có chút công danh sự nghiệp. Không cẩn thận thì mất hết.

- Đàn bà các cô, tầm nhìn không quá sống mũi... Mà thôi, tôi hỏi cô. Nếu như đúng vậy, đúng là có đôi lúc tôi muốn vui vẻ chút ít, cô nghĩ sao?

- Anh cứ việc vui vẻ, nếu như điều đó giúp anh được trong công việc. Em già rồi, em biết thân em. Nhưng làm gì thì làm, chớ có để cho con cái biết và càng không được để cho mọi người ở cơ quan biết.

Lân lạnh lùng:

- Vậy cũng tốt.

Nói rồi, Lân đi thẳng đến quán karaoke. Lệ đang ngồi đánh tá lả với mấy tiếp viên thì có một nhân viên bảo vệ chạy vào rỉ tai. Lệ thỏ thẻ với anh ta điều gì đó rồi chạy tót về phòng, lấy khăn chùi son phấn và nằm sõng sượt với vẻ buồn chán.

Lân chạy xộc lên hỏi lễ tân:

- Lệ có nhà không?

- Dạ... hôm nay chị ấy không tiếp khách ạ?

- Sao, tôi cũng không được tiếp ư?

- Dạ, em không rõ. Nhưng mà phải bắt đền anh đấy.

- Bắt đền anh? Vì cái gì vậy?

- Từ hôm có anh, chị ấy không bao giờ ngồi với ai. Thôi, anh lo công ăn việc làm cho chị ấy đi, rồi mà rước nhau về.

Lân tỏ ra hài lòng, liền rút ra 100.000 đồng đưa cho cô lễ tân.

Tay nhân viên bảo vệ nói với Lân:

- Chị Lệ đang nghỉ dưới phòng. Để em hỏi chị ấy!...

Lân gạt phắt đi:

- Để anh xuống.

Rồi Lân lôi tay bảo vệ đi cùng. Hắn ta chỉ phòng Lệ đang ở rồi chuồn ngay. Lân mở cửa vào và xông tới ôm lấy Lệ, ả gạt tay ra:

- Anh còn đến đây làm gì? Từ hôm qua tới giờ anh đi đâu?

- Anh bận quá! Họp hành liên miên. Mà sao trông mặt mũi em lạ thế này. Sao không trang điểm?

- Son phấn cho ai nhìn? Anh thì vui thú chốn nào? Thế mà cứ xoen xoét: “Vắng em anh không chịu nổi”. Các cụ bảo: “Đừng nghe đàn ông nó thề. Ăn giăng nói gió là nghề đàn ông”.

Lân thần mặt ra:

- Thôi mà em. Anh đến đây rồi. Chúng mình đến khách sạn Thiên Đường  em nhé.

- Không đến khách sạn mới, ôi mặt lắm. Anh ở đây một lát rồi về với vợ với con cho ấm cửa ấm nhà. Con này cũng chỉ là thoảng qua thôi.

Lân vỗ về:

- Em nói thế làm gì. Anh hứa sẽ mang cho em ngôi nhà. Hôm nay là thứ mấy, à thứ Sáu. Thứ Hai tuần tới có nhà. Chúng mình đến đó được không?

- Mua nhà trọ thì đơn giản thôi. Mà nhớ là khi mua thì gọi bà chị đến làm sổ đỏ nhé.

- Vớ vẩn, nhà trọ là thế nào. Anh mua cho em căn nhà tử tế, có cả vườn hẳn hoi. Em đứng ra mua. Anh chi tiền!

Như chỉ chờ có thế, Lệ nép vào Lân nói thầm thì:

- Đến giờ em mới thấy trên đời này còn có người yêu mình thật lòng.

* * *

Với Lân ngày đó, mua một ngôi nhà khoảng vài trăm triệu là chuyện đơn giản. Từ hôm mua nhà cho Lệ, Lân hầu như không sống ở nhà. Và Lân không biết vợ Lân đã phải chịu đựng như thế nào để giấu các con của Lân và giữ thể diện cho Lân. Và không thể ngờ rằng căn nhà Lân mua cho Lệ lại ở cạnh nhà một cậu học sinh của Mai. Cậu ta phát hiện ra Lân và đã đưa Mai đến...

Lân ngủ với Lệ cho đến khi sáng bảnh mắt.

Lân mặc quần áo, nhìn Lệ nằm ườn trên giường với vẻ say đắm:

- Làm ơn quấn thêm cái chăn vào. Trông thế kia bố ai mà chịu được.

- Không chịu được à? Thế thì chạy trốn đi. Anh đi làm bao giờ về?

- Có lẽ phải khuya đấy!

- Ờ, nếu về ở với chị cả thì phải nói cho con này biết nhé.

Rồi Lệ mặc bộ váy ngủ ra tiễn Lân. Cổng vừa mở, Lân sững người thấy Mai đứng đó. Mai nhìn Lân bằng ánh mắt kinh bỉ, rồi lặng lẽ quay đi.

Lệ hỏi Lân, giọng run run:

- Có phải bà chị không?

- Phải.

- Anh về với chị ấy đi. Em sợ chị đánh ghen lắm.

- Vớ vẩn. Đã đến nước này thì cũng phải chia tay thôi. Em không phải suy nghĩ nữa. Anh đã quyết rồi.

Lệ níu áo Lân:

- Anh ơi, em sợ lắm! Anh đừng để em khổ nhé.

Lân vằn mắt:

- Em cứ yên tâm. Anh không để em buồn đâu.

Lân vừa đi được vài phút thì Hoàng mò đến. Lệ trông thấy Hoàng liền lao vào đám thùm thụp:

- Anh chết đi, chết đi. Còn làm em khổ đến lúc nào đây.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P