Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 13)

07:00 | 29/08/2014

7,407 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Cái gì cũng được. Trên trần gian đã thất nghiệp đi cướp của giết người. Xuống âm phủ mà cũng thất nghiệp nữa thì khổ quá. Chào ông anh! Dũng cảm ông anh nhé.

Năng lượng Mới số 350

>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 12)

- Cũng nghĩ là còn chưa đến nỗi.

- Giá ông về làm ở Phòng Cảnh sát kinh tế thì tốt hơn. Này, hay tôi bảo ông già tôi nói với công an tỉnh chuyển ông sang cảnh sát kinh tế.

- Chớ làm thế. Công an tỉnh nhận tôi về thế này là quý hóa lắm. Vả lại, tôi không có nghiệp vụ về kinh tế. Tôi chỉ giỏi làm trọng án thôi.

- Ối dào, ông lại câu nệ rồi. Làm điều tra trọng án, ăn gì? Suốt ngày gặp bọn cướp của, giết người... Lấy đâu ra màu mè. Ông rách thế này, sang làm kinh tế, chỉ cần có doanh nghiệp họ giúp đỡ là khá ngay.

- Không được, dứt khoát không. Vừa về đây đã xin xỏ, mang tiếng chết. Tôi là thằng chấp hành mệnh lệnh quen rồi, ngấm vào máu rồi. Cấp trên bảo gì, cố mà làm tròn.

- Tùy ông thôi. Kể ra ông sang làm kinh tế, tôi cũng có khi được nhờ. Thời buổi này, làm doanh nghiệp sờ chỗ nào cũng ra tội. Có người che chở cho, yên tâm lắm.

***

Kim đồng hồ chỉ 21 giờ 15 phút.

Vũ cùng Huyền và Ly ngồi lặng lẽ. Huyền hỏi:

-  Các em cháu biết gì chưa?

- Biết cả rồi.

- Chúng nó đâu?

- Dạ... dạ - Ly lúng túng.

Vũ giật mình:

- Sao, có chuyện gì vậy.

- Dạ, không. Lúc nãy, cháu cho hai đứa uống thuốc... thuốc seduxen, chúng nó ngủ rồi ạ.

Vũ đứng bật dậy:

- Có thật không đấy!

- Thật ạ - Nói rồi Ly kéo Vũ và Huyền đứng dậy vào buồng xem hai đứa em Ly đang ngủ ngon lành.

Vũ sờ tay lên trán hai đứa và thấy một đứa trở mình, một đứa chép miệng nói mê, anh mới yên tâm.

- Ai bày cho cháu cách này.

- Dạ, bố cháu ạ!

Vũ và Huyền ngạc nhiên. Huyền định hỏi thì Ly đã giải thích:

- Lần trước cháu vào thăm bố, lừa lúc cán bộ quản giáo không để ý, bố cháu viết cho cháu và dặn... để cháu lấy cho bác và cô xem.

Rồi Ly mở tủ, lấy ra một mảnh giấy nhỏ tí xíu. Trên đó là những dòng chữ bé li ti: "Bố biết ngày bố phải ra đi không còn lâu nữa. Con hãy chăm lo cho hai em. Có gì khó khăn, đến gặp bác Vũ. Bác ấy không bỏ rơi các con đâu. Nếu con biết ngày bố bị tử hình thì không được cho các em biết. Cho chúng nó uống thuốc ngủ để chúng khỏi sợ...".

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 7)

Ðọc xong những dòng chữ đó. Huyền vội quay đi để lấy ống tay áo quệt nước mắt.

***

Tại nhà hàng Sao Mai. Kim đồng hồ chỉ 21 giờ 15 phút.

Ông Thạc ngắm nhìn hai ả cùng với hai gã đệ tử đang ôm nhau nhảy cuồng loạn. Một ả đến bên ông, cởi cúc áo ngực:

- Sao anh không nhảy với với em.

- Anh không biết nhảy.

- Anh nghe nhạc thế này, có khó chịu không?

- Có, nhạc to quá. Khó thở lắm.

- Anh muốn thật vui không?

- Có chứ - Ông Thạc quờ quạng xoay lưng, xoa người ả cave. Ả móc từ trong áo ngực ra một viên thuốc màu xanh:

- Anh uống viên này đi. Ðảm bảo sẽ thấy yêu đời và... yêu em hơn!

- Ma túy à?

- Không, thuốc bổ thần kinh thôi.

Một gã thấy ả đang cho thuốc ông Thạc liền xán đến:

- Còn viên nào không, cho anh một viên.

- Chỉ còn viên này thôi - ả lại móc ra viên nữa, màu hồng nhợt nhạt - Viên chúa đấy. Ðắt lắm.

- Tiền là giấy lộn em ơi! Ðêm nay, anh em mình vui hết cỡ nhé - Hắn nói rồi gí cho ả mấy tờ đôla. Ả nhét vội vào áo ngực, ả kia thấy thế vội giằng ra khỏi vòng tay của gã đang nhảy với mình:

- Quên em à?

- Quên là thế nào. Này, tạm chia phần nhé.

Rồi gã dúi cho mỗi ả ít đôla rồi cao giọng:

- Mà này, nếu đêm nay anh buồn, thì từ lần sau anh chào các đấy nhé.

- Buồn thế nào được anh nhỉ - ả kia ôm lấy ông Thạc.

Ông Thạc thấy tên kia uống thuốc với bia, thế là ông cũng yên tâm uống viên màu xanh. Hai gã đệ tử thấy vậy thì nháy mắt cho nhau ranh mãnh.

***

Kim đồng hồ trong phòng trực ban của quản giáo khu D chỉ 21 giờ 15 phút .

Lân vẫn nằm, tay phải vòng lên đỡ đầu bàn tay cầm chặt lưỡi dao lam. Có tiếng gõ trầm đục vào tường. Lân nghe và biết đó là tù nhân đang thông tin cho nhau bằng tín hiệu đánh moóc. Cái trò này Lân không sao học được và cũng chỉ có đám phạm nhân đã từng nhiều lần ngồi tù mới biết cách gõ và cách nghe. Tử tù Vũ Cao cũng gõ trả lời. Hồi lâu sau, Vũ Cao hét lớn:

- Anh Lân ơi, mai bắn người đấy.

Lân gào to:

- Tao không biết.

- Em vừa được chúng nó gõ cho biết là mai bắn ba người, có anh và thằng Hải.

- Thế à? Vậy thì tốt rồi.

Vũ Cao bên kia gào to nhưng tiếng vọng sang nghe cũng chỉ âm âm:

- Anh có nhắn gì không?

- Không. Tao muốn đi lắm rồi. Sớm giờ nào là tốt giờ đấy.

- Thằng Hải cũng biết rồi và phát điên anh ạ.

- Sao mà hèn thế không biết.

- Ông anh xuống dưới ấy lập công ty trước đi rồi khi nào em xuống, cho em kiếm một chân.

Lân bật cười:

- OK. Tao cho mày làm phó.

- Cái gì cũng được. Trên trần gian đã thất nghiệp đi cướp của giết người. Xuống âm phủ mà cũng thất nghiệp nữa thì khổ quá. Chào ông anh! Dũng cảm ông anh nhé.

- Yên tâm đi, tao có cách của tao. Vĩnh biệt thằng em.

"Lạ nhỉ, tại sao chưa gì mà thằng Hải đã phát điên. Mà như thế có lẽ may cho nó. Ðiên thì còn biết gì nữa. Ngày mai, lúc làm thủ tục bắn, có khi nó lại tưởng là được đi du lịch đâu đó thì thật là sung sướng... Thấm thoắt thế mà mười năm rồi. Ờ, đúng mười năm... Kể từ cái hôm đi câu gặp ông Hiển cho đến lúc chuẩn bị chết này là đúng mười năm, nhưng có thể dư ít ngày... Cái hôm được đề bạt phó giám đốc Công ty Hoa Ban Trắng cũng là vào một ngày cuối thu đầu đông và trời mưa như thế này...".

***

Tại hội trường của Công ty Hoa Ban Trắng. Các cán bộ chủ chốt từ cấp đội trưởng trở lên đều có mặt đông đủ. Trên sân khấu, treo một tấm bảng có dòng chữ màu đỏ: "Lễ công bố quyết định thành lập Tổng Công ty Hoa Ban Trắng".

Dự buổi lễ, ngoài những cán bộ của công ty như ông Duy, Lân, Hùng, Vũ Thị Minh Hải và một số người nữ thì có Thúy, ông Hiển, ông Thạc và một số cán bộ khác của các bộ, ngành từ Hà Nội về dự. Lân ngồi hàng ghế thứ hai.

Mở đầu buỗi lễ là chương trình ca múa nhạc chào mừng do đoàn văn công của tỉnh trình diễn. Người ra giới thiệu chương trình là một cô gái nom không còn trẻ lắm nhưng có nét đẹp dịu dàng. Sau một tiết mục hợp xướng với bài hát: "Việt Nam trên đường chúng ta đi" là tiết mục múa "Chim công".

Ông Thạc nhìn như bị hút vào cô diễn viên múa với trang phục là con công đầu đàn trong bầy công. Ông hỏi ông Hiển:

- Cái "con công chúa" là ở đoàn nào về đấy?

Ông Hiển không biết bèn quay lại hỏi Lân. Lân lắc đầu và vội chạy lên hậu đài hỏi người phụ trách. Lát sau, Lân quay về rỉ tai ông Hiển:

- Cô ta là Huyền, người Hà Nội, nhưng chả hiểu sao, học xong trường múa lại về tỉnh mình. Cũng đã có một đời chồng. Chồng làm công an, mà lại làm cảnh sát hình sự. Anh chàng chịu không nổi những đêm đi diễn của vợ, thế là bỏ nhau. Cô ấy đang xin nghỉ việc để về Hà Nội.

Ông Hiển nói lại điều đó với ông Thạc. Ông gật gù và vẫy một cô nhân viên của công ty đang ôm những bó hoa nhỏ để phát cho những ai muốn lên tặng hoa. Cô gái mang hoa tới, ông Thạc chọn ra hai cành hồng.

Màn múa kết thúc, ông Thạc cầm hai bông hoa lên. Anh cán bộ của ủy ban nhanh nhảu đến bên micro, dõng dạc giới thiệu:

- Thưa các quý vị đại biểu, người lên tặng hoa các diễn viên múa là anh Ðỗ Ðình Thạc, Thứ trưởng Bộ Ðầu tư và Phát triển Kinh tế.

Ông Thạc tặng hoa cho một diễn viên rồi tặng hoa cho Huyền. Ông nắm chặt bàn tay nhỏ nhắn của cô và nhìn thẳng vào mắt cô với một cảm xúc khó tả.

Sau chương trình văn nghệ là đến chương trình lễ chính.

Anh Chánh văn phòng Ủy ban giới thiệu đại biểu.

Ông Hoàng Nam, Phó chủ tịch tỉnh đọc lời phát biểu nêu bật ý nghĩa của việc thành lập Tổng Công ty Hoa Ban Trắng:

- "... Trước nhu cầu xây dựng và phát triển kinh tế của tỉnh Nam Sơn, việc nâng cấp Công ty Hoa Ban Trắng lên Tổng Công ty, trực thuộc UBND tỉnh là một bước tiến mới, thể hiện tinh thần đổi mới tư duy trong làm ăn, theo tinh thần nghị quyết đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ 11. Tổng Công ty Hoa Ban Trắng hoạt động trên nhiều lĩnh vực như xây dựng cơ bản; giao thông vận tải; kinh doanh hàng xuất khẩu; đào tạo công nhân kỹ thuật để phục vụ cho tỉnh và xuất khẩu lao động...".

Sau khi Phó chủ tịch Hoàng Nam đọc xong, anh Chánh văn phòng lên công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về thành lập công ty và dõng dạc:

- Sau đây, Ban tổ chức xin mời Ban lãnh đạo Tổng Công ty lên ra mắt. Chúng tôi xin kính mời đồng chí Ðoàn Văn Duy, Quyền Tổng giám đốc, đồng chí Trần Hùng Lân, Phó tổng giám đốc, đồng chí Ðoàn Văn Quận, Phó tổng giám đốc... Nào, xin mời bộ ba "xe pháo mã" lên cho mọi người được diện kiến.

Ông Duy, Lân và anh Quận lên sân khấu.

Lãnh đạo tỉnh lên tặng hoa, chụp ảnh lưu niệm. Riêng ông Hiển vẫn ngồi im lặng với thái độ dửng dưng  như không.

Khi đi xuống, ông Duy rỉ tai Lân:

- Này, lát nữa ông phát biểu cảm ơn nhé. Tôi nói vo dở lắm, hơn nữa, cậu là gương mặt mới.

Lân hơi băn khoăn:

- Anh là Quyền giám đốc... em nói sao tiện.

- Ðừng ngại. Tôi sẽ nói với chánh văn phòng.

Rồi rất nhanh nhẹn, ông Duy đến nói với anh chánh văn phòng. Anh ta gật đầu đồng ý rồi lại lên giới thiệu:

- Sau đây, xin mời đồng chí Trần Hùng Lân, Phó tổng giám đốc lên phát biểu.

Lân thong thả lên bục và nói với vẻ xúc động:

- Trước hết cho phép tôi được thay mặt Ban Giám đốc và hơn một ngàn cán bộ, công nhân viên của Tổng Công ty Hoa Ban Trắng, xin kính chúc sức khỏe các đồng chí lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Bộ Ðầu tư và Phát triển Kinh tế và quý vị đại biểu có mặt hôm nay. Chúng tôi xin hứa với các đồng chí sẽ đoàn kết nội bộ, đổi mới cách nghĩ, cách làm để từng bước đưa tổng công ty phát triển xứng đáng với sự tin cậy của các đồng chí. Xin trân trọng cảm ơn.

Tiếng vỗ tay vang dậy. Ông Thạc ghé tai ông Hiển:

- Thằng này hay. Nói năng ngắn gọn, khúc triết. Không sáo rỗng, dài dòng như mấy ông vừa được thăng quan, thăng chức.

Buổi lễ kết thúc. Ông Thạc bắt tay Lân:

- Một lần nữa, chúc mừng cháu. Bây giờ chú phải về Hà Nội để chuẩn bị họp lãnh đạo Bộ. Ngày kia, Chủ nhật, cháu lên Hà Nội, chú có nhiều điều cần trao đổi.

- Chú ơi, cơm chuẩn bị xong rồi. Chú ở lại ít phút thôi.

- Không, chú đã nói với bố cháu rồi. Vả lại, bây giờ nên tránh tối đa những cuộc tiệc tùng. Ăn có được là bao nhưng phí phạm và mất thời gian lắm.

- Nếu chú đã quyết, cháu không dám cản. Chủ nhật cháu lên thăm chú.

- Ờ, khi nào lên gọi điện cho chú. À này, mày quan tâm cho chú cô diễn viên tên là Huyền nhé. Nghe nói nhà cô ta có khó khăn...

Là người tinh ý, Lân hiểu ra ngay:

- Chú cứ yên tâm. Hôm nào thuận tiện, cháu đưa Huyền lên chỗ chú.

- Thế thì tốt, nhưng phải cẩn thận nhé.

- Tất nhiên rồi.

Các cán bộ chủ chốt của tỉnh xúm đến chào ông Thạc với thái độ xun xoe, nịnh bợ.

***

Ngay tối hôm đó, Lân tìm đến nhà Huyền. Hai mẹ con ở trong một căn phòng nhỏ có 14m2 tại khu tập thể của đoàn văn công. Ðó là một dãy nhà cấp 4 tồi tàn, mái ngói trần cót ép. Trong nhà vừa là nơi ngủ, vừa là bếp... Con gái Huyền đang học xướng âm. Huyền dạy con bằng bài hát "Làng tôi" của Văn Cao.

- Nào, bắt đầu... con phải nhớ chỗ đảo phách nhé. Ðồ mi son lá son...

Lân hắng giọng:

- E hèm...! Chào chị Huyền!

Huyền quay ra:

- Ô, Phó tổng giám đốc... Sao rồng lại đến nhà tôm đột ngột thế này?

- Hai mẹ con đang làm gì thế?

- Em dạy cháu học nhạc.

- Cháu xinh quá. Xem ra cái gì đẹp nhất của mẹ đều truyền sang nó.

- Ðàn ông các anh chỉ được cái giỏi tán. Chắc là mê cô nào ở đoàn, đang đi tìm lại vào nhầm nhà phải không? - Huyền hỏi đùa.

Lân lắc đầu:

- Không, tôi được lệnh của chủ tịch là phải đi tìm hiểu hoàn cảnh nơi ăn chốn ở của anh chị em văn công để có kế hoạch xây lại nhà tập thể.

- Ối giời! Thế thì còn gì bằng. Anh xem đấy, ăn ở thế này gần chục năm rồi. Phụ trách đoàn nhiều lần phải gửi thư, đơn đi khắp nơi xin giúp đỡ nhưng có ai quan tâm đâu.

Lân đưa mắt nhìn quanh rồi hỏi:

- Nghe nói chị có ý định trở về Hà Nội.

- Vâng! Nói thật với anh, ngày xưa tôi cũng chỉ vì bất đắc chí mà chạy trốn khỏi Hà Nội để về đây, những mong yên thân. Nhưng bây giờ thì thay đổi rồi. Tôi sẽ từ bỏ nghề diễn viên và về Hà Nội. Cậu em tôi đi Pháp định cư, giao lại cho tôi một căn nhà, hiện đang bán cà phê...

- Diện tích có khá không?

- Ðược hơn hai chục mét. Dưới bán cà phê, trên có một gác xép. Hai mẹ con sống thế là đủ.

- Sống thế thì khổ quá. Chị cứ chuẩn bị về Hà Nội đi, có khó khăn gì tôi sẽ giúp.

Huyền lắc đầu, cảnh giác:

- Cám ơn anh. Tôi tự khắc lo được.

Lân hiểu ra:

- Chị đừng hiểu sai ý tôi. Việc lo cho chị, đó là lệnh cấp trên đấy.

- Ai vậy?

- Tất nhiên là lãnh đạo tỉnh và thậm chí trên cả tỉnh.

Huyền cười nhạt:

-  Sao lại có ban lãnh đạo tử tế với dân nghệ thuật thế nhỉ? Nhưng thôi, có người quan tâm đến là quý lắm rồi phải không anh Lân.

- Chủ nhật này, tôi có việc phải về Hà Nội, chị có đi không?

Huyền mừng rỡ:

- Thế à, tốt quá. Tôi cũng đang muốn về để chia tay cậu em. Ðang định hai mẹ con đi xe máy về. Nhưng con bé không được khỏe...

- Sáng Chủ nhật tôi đến đón chị và cháu. Ðưa chị về nhà xong, tôi đi công việc. Ðến chiều sẽ quay lại đón chị. Vậy là được chứ gì?

- Cám ơn anh.

 ***

Hôm sau, Lân gọi điện thoại cho ông Thạc:

- Chiều Chủ nhật, cháu đưa Huyền đến nhà chú nhé.

- Thằng hâm. Sao lại đưa đến nhà chú. Ðến một nhà hàng nào đấy để làm quen. Bước đầu cứ thế đã. Mọi việc tính sau. "Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ" mà.

- Cháu thấy lần này là "hữu duyên" đấy.

 ***

Chiều Chủ nhật, Lân tự lái xe đón Huyền và con gái đến một nhà hàng sang trọng ở Hà Nội. Ông Thạc đã chờ sẵn. Huyền nhìn Lân với vẻ không hài lòng:

- Sao anh bảo là có cả chú Hiển ở đây?

- Cũng phải nói dối thế... Mà có phải lúc nào thật thà cũng có lợi đâu.

- Chào cô Huyền. Sáng nay, trong lúc làm việc nghe Lân nói là có đưa Huyền về thăm bà. Chiều nay, nhân bữa cơm mừng cho cậu Lân, tôi nói mời cô đến luôn cho vui.

Nghe nói vậy, Huyền tươi tỉnh hơn:

- Thế mà cái anh Lân này không nói ngay ra là anh phải làm cả "chủ trì" lẫn "chủ chi".

Bữa tiệc tối hôm đó diễn ra vui vẻ và hết sức đúng mực. Vẻ đẹp đôn hậu và phảng phất chút kiêu kỳ của Huyền làm cho ông Thạc phải rất cẩn trọng trong từng câu nói. Ông thăm dò:

- Anh nghe nói Huyền định trở về Hà Nội, mà lại sống bằng nghề bán cà phê. Hay là anh sắp xếp cho em một công việc ở Bộ nhé, hoặc tại một công ty nào đó.

Huyền lắc đầu:

- Em không biết gì ngoài múa, hát chèo, hát chầu văn... Có lẽ nghề phù hợp với em hơn cả là đi hát giá chầu.

- Ối giời, nghề đó bây giờ hái ra tiền đấy - Ông Thạc thốt lên - Nhưng làm gì đã đến mức đấy. Thôi, tùy em, nhưng anh luôn mở rộng cửa đón em.

Rồi ông quay sang Lân:

- Không biết nhau thì thôi. Chứ đã biết, đã coi nhau như bạn bè thì phải có trách nhiệm với nhau. Anh nói thế  Huyền nghĩ sao?

Huyền lúng túng và trong thâm tâm cô cũng lờ mờ hiểu được vì sao ông Thạc lại quan tâm đến cô như vậy:

- Dạ... cháu... à... em thì biết gì được mà giúp ạ!

Lân cười:

- Tiếng Pháp có câu rất hay: "Chacun pour tout. Tout pour chacun..." nghĩa là "Một người vì mọi người, mọi người vì một người...". Trước tiên là anh Thạc giúp Huyền đã, rồi sau hẵng hay.

Ông Thạc nói:

- Lân nói phải. Sau này nếu Huyền về Hà Nội, có khó khăn gì, cháu phải cố gắng giúp đỡ.

- Vâng ạ, chú cứ yên tâm.

 (Xem tiếp kỳ sau )

N.N.P