Top 10 game có thưởng khi tải về - game bài đổi thưởng trực tuyến

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 12)

07:07 | 24/08/2014

Theo dõi PetroTimes trên
|
Ly ngồi đọc báo. Một chồng báo, báo nào cũng có bài nói về Dự án Xây dựng khu kinh tế Nam Sơn. Với những dòng tít dữ dội: “Họ đã ăn cắp tiền của Dự án Nam Sơn như thế nào?”; “Những khuất tất trong vụ án kế toán trưởng Vũ Thị Minh Hải bị giết hại”

>> Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 11)

 “Trần Hùng Lân - chuyên gia kinh tế hay là một trùm mafia”...

Cô đọc những tít bài và người cứ run lên. Cô cầm những tờ báo xé vụn ra ném cả vào thùng rác với đầy vẻ căm hờn. Ðúng lúc đó Lân về, tay xách một chiếc cặp có khóa số loại lớn.

Nhìn thấy Ly đang xé báo, Lân giữ tay con gái lại:

- Xé làm gì hả con. Tất cả đều hết rồi.

- Bố ơi, sao lại thế này. Bố nói thật với con đi. Báo chí họ viết về bố đúng hay sai?

Lân thở dài mệt mỏi:

- Con tha lỗi cho bố. Báo chí viết đúng đấy con ạ.

- Trời ơi! Thế bố phải làm gì  đi chứ?

- Không làm gì được nữa con ạ. Bố nghĩ rằng chỉ ngày mai, thậm chí có thể lát nữa bác Vũ sẽ tới bắt bố.

- Bác Vũ bắt bố ư? Sao lại thế... Bố với bác Vũ chơi với nhau từ xưa cơ mà?

- Nhưng bố là kẻ phạm tội. Bác ấy là công an. Bác ấy phải chấp hành lệnh cấp trên và phải thực hiện nhiệm vụ với trách nhiệm và lương tâm của bác ấy.

- Nhưng bác ấy là bạn của bố. Sao bác ấy không cứu bố. Sao bác ấy không báo cho bố biết...

- Bác ấy đã làm tất cả... Nhưng bố... tại bố không biết nghe, không biết dừng lại. Bố cứ nghĩ là bố sẽ có nhiều người bảo vệ, chí ít ra những người cùng hội cùng thuyền, nhưng họ bỏ chạy hết. Họ phải lo cho cái ghế của mình, lo giữ vị trí của họ. Mà thôi, đó là chuyện còn dài. Bây giờ con nghe bố đây. Con hãy nhìn thẳng vào mắt bố đây. Tội của bố, nếu bị bắt đưa ra xét xử, chắc chắn án rất nặng.

- Rất nặng là thế nào? Bao nhiêu năm tù?

- Cao hơn cả tù chung thân con ạ. Bố biết rất rõ.

Ly định nói điều gì đó, Lân giơ tay ngăn:

- Con đừng hỏi bố điều gì. Nghe bố dặn đây.

Lân mở cặp cho Ly thấy hàng chồng đôla xếp ngay ngắn trong cặp. Ly tròn mắt há miệng định hỏi, nhưng Lân lại ngăn:

- Ðây chỉ là số tiền rất nhỏ bố còn giữ lại được. Ðồng tiền này thì rõ ràng là chả sạch sẽ gì. Nhưng người ta sống không thể không có tiền. Bố không giao cho con bây giờ đây. Bố sẽ giữ ở một nơi... Bố mang về quê, bố sẽ cất ở một chỗ mà bố vẫn yêu thích. Sau này con sẽ biết.

Ly đóng xập nắp cặp lại:

- Bố đem nộp cho công an đi, nếu bố thấy đây là tiền bẩn. Con không cần thứ tiền này.

- Con nghe bố nói đã. Khi nào ba chị em lâm vào cảnh túng quẫn cùng cực, không còn đường thoát, con hãy dùng số tiền này. Bằng không, con cứ để nó trong lòng đất. Con gái ạ, bố biết con là người có nghị lực, có ý chí, bố xin con hãy hiểu cho lòng bố.

- Bố đem nộp công an đi bố ạ. Con xin bố, như thế bố sẽ nhẹ tội và chúng con cũng được thanh thản.

- Con ơi, bố có đem nộp hết số tiền này, có bán cả gia sản đi cũng không cứu nổi. Bố biết rõ cái giá mình phải trả mà.

 Ly bĩu môi:

- Thế mà cứ bảo bác Vũ tốt. Với bạn bè, tốt là bắt xử tù hay sao?

Lân đấm tay xuống cặp:

- Con! Bố cấm con không được nói hỗn với bác Vũ. Con còn trẻ, chưa hiểu hết việc đời. Việc của con bây giờ là học... học thật giỏi và thay bố, thay mẹ chăm sóc lo cho hai em. Thôi hãy nghe lời bố. Thời gian chưa hết đâu. Bố xin con... xin con!

Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 12)

Nói rồi Lân quỳ thụp xuốn gục đầu vào lòng Ly, nước mắt giàn giụa.

Vài phút sau, Lân đứng phắt dậy và choàng áo mưa, lấy xe máy đi, mang theo cặp tiền.

Lân phóng xe trong đêm mưa mù mịt về quê. Về căn nhà xưa từng ở. Nhà bây giờ đã bỏ không và chỉ còn là nơi có một bàn thờ lạnh lẽo. Lân mở cổng dắt xe vào nhà rồi đóng kín cổng lại, thắp lên một ngọn nến. Lân đi xuống bếp lấy một chiếc xẻng. Rồi lấy một chiếc vò sành vứt ở góc bếp. Lân gói số đôla đó vào từng túi nilon nhỏ. Mỗi túi là 2 tập. Mỗi tập là 10.000 đôla. Tổng cộng khoảng 10 túi. Lân gói rất cẩn thận và gói xong thì hơ lên ngọn nến dán mép nilon lại. Rồi Lân xếp vào vò sành. Lấy nilon bịt miệng vò, dùng dây dù quấn kỹ bên ngoài. Rồi lại cho cả vào một túi nilon to, buộc túm lại.

Lân đem xuống vườn, đến bên gốc cây mít và dùng xẻng đào một hố sâu chôn vò tiền xuống, chèn, lấp rất kỹ. Xong rồi, Lân nhặt ít gạch vỡ vứt lên phía trên chỗ vừa chôn tiền.

***

Mấy ngày sau. Ly trở về quê. Cô cứ tha thẩn đi trong nhà để xem bố sẽ giấu tiền ở đâu. Cô cúi xuống gậm phản rồi chui vào xem nền đá hoa có bị cậy lên không. Cô xuống bếp tìm tòi, nhưng không phát hiện ra điều gì khác lạ. Cô ra sân đứng nhìn xuống vườn và khi thấy cây mít đang sai quả thì cô giật mình. Ly nhớ lại mùa hè, Lân rất thích ra mắc võng dưới gốc cây mít. Ðó là cây mít dai. Quả không to nhưng múi mít rất dày, hạt nhỏ. Lân rất thích ăn mít dai và cũng chỉ ăn quả của cây này. Lời của Lân còn như văng vẳng bên tai: “Bố mang về quê. Bố sẽ cất ở một chỗ mà bố vẫn yêu thích. Sau này con sẽ biết”. Ly xăm xăm đi xuống chỗ cây mít và mắt cô lóe sáng khi thấy một chỗ đất mới đào, đang nhão nhoét nước mưa. Vết đất đó còn rất mới, không bị lá cây rơi phủ mà chỉ có mấy hòn gạch vỡ... Ly đứng lặng hồi lâu rồi nhặt thêm gạch vứt vào đó và vơ thêm ít lá cây rải xuống.

***

Trở lại nhà Lân. Ba người lại ngồi im lặng. Huyền thở dài:

- Ðàn ông có kiểu thương con rất lạ. Cháy bỏng hơn, dữ dội và lo cho con hơn. Vợ thì chưa chắc thương lắm, nhưng con thì bao giờ cũng là tất cả. Người ta bảo “hùm dữ không ăn thịt con”, đàn ông là vậy.

- Còn số tiền, cháu sẽ xử lý thế nào? Mà tại sao cháu không nộp từ trước.

- Theo bác, có nên đem nộp không? Liệu con cái có nên tố cáo cha mẹ không?

Vũ cười buồn:

- Ðó không phải là tố cáo. Nhưng thế có khi là cứu bố cháu đấy.

- Bố cháu bị mười hai năm vì tội tham ô, bị tử hình vì tội chủ mưu giết người... Vậy nộp có ích gì?

- Có ích chứ. Cháu sẽ được thanh thản hơn.

- Bây giờ bác có cho cảnh sát đến đào lên không?

- Bác chưa biết sẽ làm gì, nhưng có lẽ bác cũng đào sâu chôn chặt bí mật đó trong lòng, trừ khi cháu quyết tâm khai quật bí mật đó.

Ly quả quyết:

- Cháu đã có cách của cháu. Bác và cô cứ yên tâm. Cháu rất muốn được thanh thản. Còn chị em cháu sẽ sống bằng sức lực, trí tuệ của mình.

VII. Kim đồng hồ trong phòng trực ban quản giáo khu D chỉ 21 giờ.

***

Tại khu giam tù tử hình. Mưa vẫn rơi xối xả.

Phạm Hồng Hải không sao nằm yên được. Hắn vật vã, hết nghiêng bên phải lại sang trái rồi ngồi dậy, nhìn lơ láo ra phía cửa sắt.

Bỗng có tiếng gõ theo tín hiệu moóc từ bên kia vọng sang.

Hải chồm dậy, áp tai vào vách tường lắng nghe. Tiếng tín hiệu moóc lúc nhanh lúc chậm và thông báo là:

- “Sáng mai có bắn. Hình như là Lân “xồm”.

Hải hơi dãn nét mặt, nhẹ nhõm. Hắn gõ lại hỏi:

- “Chính xác không?”.

Tiếng gõ trả lời:

- “Chính xác”.

Hải lại hỏi:

- “Còn ai nữa”.

Tiếng gõ trả lời:

- “Không biết”.

Hải thở hắt ra, mồ hôi lại ướt đầm bộ mặt gầy, xanh nhợt nhạt.

Hắn nằm vật xuống, hai tay dang rộng, vẻ thoải mái.

Lại có tiếng gõ tiếp, nhưng lần này là từ đâu đó truyền đến. Nghe tiếng mơ hồ, xa xôi. Hải hiểu rằng vẫn đang tiếp tục có thông tin mới.

Hẵn gõ hỏi đứa phòng bên:

- “Có chuyện gì đấy?”.

Tiếng gõ trả lời:

- “Chờ lát nữa”.

Tự nhiên, linh tính mách bảo cho hắn thấy có điều chẳng lành sắp đến với mình. Hắn cảm thấy một sự bức bối, ngột ngạt dâng lên mỗi lúc một mãnh liệt trong còn người hắn.

Chỉ vài phút sau, lại có tiếng gõ:

- “Mai bắn ba đứa. Có Lân và mày”.

Hải run bần bật, gõ hỏi lại: “Có tao à?”.

Tiếng gõ trả lời:

-  “Có mày. Vĩnh biệt!”.

Hải gục xuống, bất tỉnh.

***

Kim đồng hồ trong phòng trực ban vẫn chỉ ở lúc 21giờ.

***

Trần Hùng Lân nằm bình thản, tay vẫn cầm chắc nửa lưỡi dao cạo.

Lân nhắm mắt lại. Những gương mặt thân quen lướt qua trong đầu Lân. Ðó là hình ảnh Mai, vợ Lân, lúc cô bị ốm sắp chết. Mai quờ quạng nắm lấy tay Lân, thều thào: “Em không sống được nữa rồi. Em xin anh hãy xa con Lệ, nó là yêu tinh đấy. Hãy thương lấy các con”.

Nghĩ đến vợ, Lân rùng mình. Rồi lại hình ảnh của Lệ, của Hoàng lướt qua và đến Vũ.

Nhớ đến Vũ, Lân chợt thấy tỉnh táo hơn.

“Vũ ơi, tao dặn con gái tao rồi. Chúng nó sẽ coi mày như cha. Mày đừng giận tao nữa. Tao làm nên tội, tao phải chịu. Nhưng không hiểu mày có dám đến nhà tao không? Mày là công an, có chức tước, con đường quan lộ của mày còn dài lắm. Tao với mày sinh cùng năm, nhưng số phận mày tốt hơn tao bởi vì mày được tháng sinh, giờ sinh... Tao không thể nào quên được cái lần chúng mình gặp nhau sao bao năm xa cách”.

Vũ mặc bộ quân phục công an, đeo cấp hàm đại úy và đi xe ba bánh về quê. Anh lái xe, còn trên thùng xe là Thục, vợ anh, bụng chửa vượt mặt.

Lân đi xe máy qua, trông thấy Vũ, reo to:

- Vũ! Phải Vũ không?

- Lân à! Tao đây.

Vũ đỗ xe vào lề đường, Lân cũng dừng xe chạy ào đến.

Vũ giới thiệu:

- Ðây là Thục, vợ tao. Chúng tao cưới nhau ở trong Ðắk Lắk.

- Chào chị. Tôi là Lân, học cùng Vũ từ bé.

- Chào anh, em có nghe nhà em nói.

- Tao mới được chuyển công tác về tỉnh. Ði xa mãi, định lập nghiệp ở Ðắk Lắk nhưng nhớ quê quá, vả lại, hoàn cảnh tao, mày lạ gì... Xin mãi mới được.

- Mày về công an tỉnh à?

- Ờ, làm Phó phòng Cảnh sát điều tra.

- Ở Ðắk Lắk, mày là trưởng công an huyện cơ mà?

- Nhưng mà về đây không còn ghế. Vả lại, mình cần về nhà, chứ có cần chức tước gì đâu. Thôi, chiều nay mày về ăn cơm với tao. Bây giờ lên quan rồi phải không?

- Quan gì? Ðang tạm giữ quyền Trưởng phòng Kinh doanh.

- Thế là tốt rồi. Nhớ nhé, chiều lại nhà.

- Ðược rồi, hôm nay tao rỗi. Ðang định đi câu một lát đây.

- Mày đi câu, được cá mang về uống rượu cho vui.

- Ðược thì chắc rồi, nhưng có cá to không mới là quan trọng.  Thôi, tao đi nhé.

***

Chiều hôm đó, Lân đi câu và đem đến ba con cá đựng trong túi lưới. Hai con cá chép và một con cá trắm khá to.

Ông bố Vũ thì ốm nằm liệt giường. Vũ đang xúc cháo cho ông. Lân ngơ ngác nhìn và thấy nhà Vũ nghèo quá. Tự nhiên Lân thấy áy náy.

Vũ:

- Mày ngồi chơi. Sao mà lắm cá thế.

- Hai con chép này để cô ấy nấu cháo, ăn cho mát thai. Con này, luộc lên, tao với mày uống rượu.

Vũ hỏi bố:

- Bố nhớ ai kia không?

Ông cụ giương cặp mắt lờ đờ nhìn rồi lắc đầu. Vũ nói:

- Anh Lân, con trai thầy Hàn đấy.

Ông cụ nhớ ra, gật đầu.

Vũ giải thích:

- Bố tao bị ốm lâu rồi. Tai biến mạch máu não. Hai năm rồi, toàn cô em gái và cậu em rể trông - Vũ chỉ vào một người con trai đang vơ quần áo bẩn của ông cụ đem đi giặt.

Lân lắc đầu:

- Mày tệ quá, thế mà không cho tao biết.

- Thì cũng là hai nhà xa. Mày ở đầu thị xã, tao ở cuối... Mà thôi, tao về thế này là tốt rồi.

Lân đưa cá cho Thục:

- Chị buông hai con chép này vào thùng rồi mai nấu cháo mà ăn. Còn con này... Mà thôi, chắc chị mệt lắm, để tôi nấu cho.

Thục gạt đi:

- Anh cứ để em. Ở Ðắk Lắk, em vẫn đi tưới cà phê được cơ mà.

***

Lần nhìn quanh quất:

- Trời nóng thế này, quạt máy đâu?

Cậu em rể ngập ngừng:

- Dạ, có mỗi cái, nhưng bị cháy hôm qua rồi. Em chưa kịp mua.

Rất tự nhiên, Lân đi lại, xem xét nhà rồi lắc đầu:

- Chết thật, nhà cửa chả có gì đáng tiền.

- Thì ông thấy đấy. Lương của tôi không đủ về phép. Mỗi tháng cố chắt bóp gửi chút ít mua thuốc cho ông. Ở trong kia cũng có được nửa hécta cà phê nhưng khi chuyển ra đây bán lại cho cậu em vợ. Cũng chả được là bao.

- Nhìn ông đeo quân hàm đại úy, tưởng oai và lắm tiền. Thôi, ông cứ chăm cụ đi. Tôi chạy về cơ quan một lát rồi quay lại.

- Ông định chuồn đấy à?

- Không, chuồn là thế nào. Cứ làm cơm đi. Tôi uống rượu với ông chiều nay mà.

***

Trời về chiều. Thục và cô em gái đã làm cơm xong và bày mâm nhưng không thấy Lân trở lại. Vũ thắc mắc:

- Quái lạ! Thằng này đi đâu nhỉ. Nó bảo là quay về sớm, thế mà đến giờ chưa thấy đâu.

Anh vừa nói dứt lời thì có tiếng ôtô đỗ ngoài cổng. Lân và hai người nữa khệ nệ đem các thứ vào: Hai chiếc quạt cây, nồi cơm điện, ấm đun nước và một thùng mì tôm.

Vũ ngơ ngác:

- Ông làm cái gì thế này.

- Ông đừng ngại, bạn bè với nhau... Thú thật, tôi có lỗi quá. Ông ốm đau như thế mà mình vô tình.

Vũ vò đầu vò tai:

- Ông làm thế này, tôi khó xử quá.

- Ðừng có câu nệ! Coi như để tôi chuộc lỗi với cụ.

***

Bữa cơm chiều thật đầm ấm và cảm động. Sau hai ly rượu, Vũ nói:

- Tôi đi bộ đội rồi đến năm 1980 thì chuyển ngành sang công an. Lúc làm lính hình sự, lúc đi truy quét FULRO, lúc làm cảnh sát giao thông, rồi có khi lại sang làm an ninh... Rồi làm từ tổ trưởng đến đội phó, đội trưởng rồi phó huyện, trưởng huyện... Cứ... cứ tuần tự nhi tiến.

- Thì tôi nhớ, ngày xưa, bố tôi bảo ông tiến chậm nhưng mà chắc. Thế ông cưới vợ hồi nào?

- Lâu rồi. Nhà tôi cũng là bộ đội, nhưng giải ngũ và làm văn thư ở nông trường cà phê. Lấy nhau chục năm rồi mà lần này mới hy vọng có thằng cu.

- Chắc chắn chứ.

- Chắc rồi. Siêu âm con trai. Ba tháng nữa nằm ổ.

Rồi Vũ hào hứng kể từ những ngày quân ngũ, những ngày đi truy quét FULRO, về mưa nguồn suối lũ ở núi rừng Tây Nguyên. Lân và mọi người ngồi nghe với ánh mắt đầy sự cảm phục. Vũ nói với mọi người:

- Nhà tôi đây cũng là thương binh đấy chứ. Cô ấy cũng từng đi cùng bộ đội truy quét FULRO, bị thương rồi mới chuyển về nông trường làm.

Thục lườm yêu chồng:

- Anh, chuyện xưa quá rồi mà.

Lân hỏi:

- Quên chưa hỏi Thục. Em quê ở đâu?

- Em ở Thái Bình, theo bố mẹ vào Ðắk Lắk từ sau giải phóng rồi mới đi bộ đội.

Thục và mọi người ăn xong, đi sang ngồi chăm bố. Vũ và Lân ngồi tiếp tục uống rượu. Chợt Vũ vén ống quần lên, để lộ cổ chân sần sùi những nốt mụn.

Lân hỏi nhỏ:

- Chân ông bị lở nước à?

Vũ thở dài:

- Tôi bị nhiễm chất độc da cam ông ạ. Chân và đùi bị nhiều lắm.

- Không có thuốc gì chữa được à?

- Làm gì có thuốc chữa. Nói thật với ông, tôi muộn có con cũng là do bị thế này đấy. Lần này vợ có chửa, mừng thì có nhưng mà lo thì cũng không ngủ được. Không có con, khổ một nhẽ, nhưng có con mà nó tàn tật thì... khổ nó mà cực cả mình.

Vũ nói tiếp với vẻ đau khổ:

- Cũng đã nhiều lần tôi khuyên Thục đi lấy chồng khác, nhưng cô ấy không chịu. Nói thật với ông, có lúc tôi nghĩ kế ruồng rẫy vợ, mong cô ấy tức giận mà bỏ đi. Nhưng càng thế thì cô ấy lại càng thương tôi hơn.

Lân ái ngại:

- Tôi thấy nhiều ông đi bộ đội bị nhiễm chất độc da cam. Sinh con đều bị tàn tật. Khổ lắm. Mẹ thằng Mỹ, suốt ngày cứ dở giọng giả nhân giả nghĩa...

Ngừng một lát, Lân hỏi thêm:

- Thế ông định cho cô ấy làm gì?

- Trước mắt cứ lo đẻ con đã rồi khắc tính. Ngày xưa thầy dạy thế nào nhỉ... xe đến trước núi khắc có đường.

Lân quả quyết:

- Ðược rồi, cứ để cô ấy sinh mẹ tròn con vuông đã. Tôi sẽ lo việc cho cô ấy! Về công ty tôi làm văn thư, được chứ gì?

- Thế thì tốt quá. Tôi cảm ơn ông trước.

- Ông khách khí bỏ mẹ. Lẽ ra, hồi trong Ðắk Lắk, nhà ông khó khăn thế, ông phải gọi cho tôi.

(Xem tiếp kỳ sau)

N.N.P