Bí mật của những cuộc đời (Kỳ 11)
Năng lượng Mới số 348
>> Bí mật những cuộc đời (Kỳ 10)
Lân và Thúy nằm nói chuyện với nhau. Lân âu yếm:
- Anh đi học ba tháng ở Singapore em có đồng ý không?
- Anh cần phải đi, bởi lẽ trong con mắt của không ít người, anh vẫn chỉ là người nhờ có ông bố nuôi nâng đỡ mà lên nhanh như diều.
- Bố nuôi chứ không phải là em à?
- Em thì chỉ làm hậu trường thôi. Họ vẫn cho là anh có cái gì đó mang chất khôn vặt, láu cá, chứ không phải là người... có bề dày tri thức.
Nghe đến thế, Lân vùng dậy:
- Thì em biết đấy, anh học hành có được bao nhiêu.
- Em biết, vì thế kiến thức văn hóa, xã hội của anh nông cạn lắm. Cho nên đến những chỗ đông người, nhất là khi ở đó có những người thuộc hàng sĩ phu, anh chớ có nói chuyện nhiều và không được tranh luận. Cái gì mình hiểu biết thì hãy nói.
Lân gật gù đồng ý. Thúy nói tiếp:
- Anh cần phải tỏ ra cho thiên hạ thấy là mình hiểu biết sâu sắc ở tầm chiến lược về kinh tế.
Lân nhăn mặt:
- Không có thì tỏ ra thế quái nào được.
Thúy cười ranh mãnh:
- Anh không nghe người ta nói à: Ngại nhất tiền không nhiều, chưa làm được thì thuê. Ðơn giản thôi, anh hãy lên Hà Nội, tìm ra một vài ông thừa chữ, thừa kiến thức nhưng... thiếu tiền. Ðặt các ông ấy viết cho một số bài và đưa in ở một số tạp chí chuyên ngành, một vài tờ báo có đông độc giả.
- Ðặt bài loại gì?
Thúy cười:
- Anh chỉ thông minh trên giường thôi. Hãy thuê họ viết cho những bài kiểu thế này “Phát triển kinh tế trang trại là con đường xóa đói giảm nghèo cho miền trung du, miền núi”, hoặc “Chống tham những phải bắt đầu từ cơ chế quản lý” hoặc “Hãy đưa cần câu cho nông dân...”. Ðại loại là những vấn đề đao to búa lớn, nghe thì rất oách nhưng vô bổ và dễ lòe được những ông lãnh đạo, bởi vì làm lãnh đạo bây giờ có mấy người chịu đọc sách đâu.
- Khiếp, sao em bôi bác lãnh đạo thế.
- Anh hiểu họ làm sao bằng em. Không nói đâu xa, ở tỉnh này, Bí thư tỉnh ủy rồi cả Chủ tịch tỉnh là ông bố nuôi anh chẳng bao giờ đọc báo, chứ đừng nói là đọc sách. Hằng ngày, ở văn phòng có bộ phận điểm báo cho các ông ấy. Những bài nào liên quan đến tỉnh mình thì tóm tắt cho các ông ấy đọc, còn không thì thôi. Báo thì vẫn đặt mua cả xấp, nhưng sáng để chỗ nào, chiều vẫn nguyên đó. Ði đâu, nói gì, đọc diễn văn diễn võ đều là do trợ lý soạn hoặc do chính nơi tổ chức hội họp viết sẵn. Bọn em cứ nói mỗi lần các vị ấy lên diễn đàn là “đi đọc thuê”.
Anh dự nhiều cuộc họp ở tỉnh anh lạ gì. Làm cấp trên sướng nhất là dễ ra lệnh, dễ yêu cầu. Cái gì cũng bảo cấp dưới phải thế này, phải thế nọ... Mà thôi, khắc làm, khắc biết. Ði câu còn phải học mới phân biệt được tăm cá, huống hồ làm lãnh đạo.
***
Nghe lời Thúy, Lân lên Hà Nội, đến nhà gã bạn chuyên làm bằng cấp giả.
Nhìn thấy Lân, hắn cười khùng khục:
- Thế nào, những thứ đó giúp ích cho ông nhiều chứ?
- Tất nhiên rồi.
- Tôi biết, ông bây giờ đã có tý chức tý quyền. Nào, định nhờ thằng này phù phép cho việc gì nữa đây?
Lân gãi đầu:
- Tôi cần ông tìm cho ba người am hiểu về kinh tế vĩ mô và đặt họ viết bài.
- Tưởng gì, vậy thì dễ thôi. Làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ, giáo sư... đều có thể thuê người làm được. Tôi có một số ông bạn có thể tin cậy được. Mà này, viết thì không khó nhưng in vào tạp chí nào, báo nào thì lại là cả một vấn đề đấy nhé.
- Tôi hiểu. Ông lo từ A đến Z cho tôi.
- Ðược rồi, tôi sẽ hỏi ngay cho ông. Nào, ông ra đề tài đi.
- Tôi không biết chọn đề tài gì, nhưng hôm qua đọc báo, thấy có cuộc hội thảo, nhiều tay giám đốc trách nhiệm hữu hạn than phiền vì bị coi rẻ... Hỏi họ xem có viết được về vấn đề này không. Ngoài ra, tỉnh tôi đang chuẩn bị xây dựng khu kinh tế mới, ông xem thế nào?
Gã kia cầm máy điện thoại, bấm số thoăn thoắt rồi cao giọng nói:
- Em chào bác “thiến sót”... Hí hí, tiến sĩ bây giờ dân gian gọi là thế mà. Vâng, em đang có chương trình xóa đói giảm nghèo cho bác đây... Cũng cần mấy bài nghiên cứu kinh tế như tháng trước em đặt bác. Vâng! In càng nhanh càng tốt. Vâng! Dĩ nhiên là văn nào tiền nấy. Vâng! Nửa tháng nữa sẽ có bài hả? Tốt rồi. Tiền nong ông anh khỏi lo đi. Cứ in ra sớm một ngày thưởng một trăm ngàn. Xong chưa... OK. Chào!
Buông máy xuống, gã quay sang nói với Lân:
- Nhuận bút một triệu rưỡi một bài, tiền chi cho Tổng biên tập 500 ngàn nữa... chơi được không?
- OK!
Lân nói ráo hoảnh rồi mở cặp lấy tiền đưa cho gã .
***
Nửa tháng sau, những bài báo Lân thuê viết đã được in trên các tạp chí có tiếng. Bằng thái độ tế nhị và khiêm nhường, Lân đưa cho Hoàng coi và bảo:
- Ông xem giúp hộ tôi mấy bài vừa in này. Có gì ông góp ý để tôi tính viết thêm mấy vấn đề khác nữa.
Hoàng cầm hai quyển tạp chí có in bài của Lân về phòng đọc lướt qua rồi mang sang khoe với nhân viên trong Phòng kỹ thuật, trong số đó có cả Trưởng phòng Hành chính - Tài vụ Vũ Thị Hồng:
- Ông Lân vừa có hai bài báo làm chấn động giới quản lý kinh tế.
- Cái gì mà chấn động. Ông thì cứ nói phét - Hồng bĩu môi.
Hoàng giơ một quyển tạp chí ra đọc dõng dạc:
- Dỏng tai ra mà nghe: “Sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, nguyên nhân và giải pháp khắc phục”. Vấn đề hay chưa. Còn bài thứ hai là đây...
Hoàng lại giở một quyển tạp chí khác:
- Bài này lại còn khủng khiếp hơn: “Bài học về quản lý, điều động và sử dụng cán bộ qua một số vụ án kinh tế lớn gần đây”.
Mọi người xúm lại xem. Một người bảo:
- Tốt nhất là đem photocopy, chứ chia nhau đọc thì đến bao giờ.
- Thế mới biết ông này sâu sắc thật. Ðấy cứ bảo ông ấy không học hành tử tế. Riêng các câu ông ấy trích của Lênin, của Mác, cũng đủ biết ông ấy đọc nhiều đến thế nào.
- Chả bù cho mấy ông nhà mình. Hôm qua, tớ thấy Quyền giám đốc Duy đọc Ðôrêmon rất say sưa.
Hồng nói chen vào:
- Tôi đến nhà anh Lân chơi với chị Mai, chả thấy có tủ sách, thì không hiểu ông ấy đọc ở đâu nhỉ?
Hoàng bĩu môi:
- Người ta đọc thế nào phải khai với nhà bà à? Có nhiều người suốt ngày khoe đọc sách nọ, xem phim kia, nhưng mà gì... mà gì nhỉ? “Ða thư loạn mục”, đọc lắm mà có hiểu biết gì đâu. Ðọc ít, có chọn lọc, đọc xong rút ra vấn đề gì, đó mới là quan trọng.
Một nhân viên nhanh nhẹn đem bài báo đi photocopy về chia cho mỗi người một bản.
***
Tại văn phòng của Chủ tịch Trần Ðức Hiển. Anh Chánh văn phòng Ủy ban và anh Giám đốc Sở Nông nghiệp đang làm việc với ông Hiển để bàn về việc nâng Công ty Hoa Ban Trắng lên thành tổng công ty. Họ làm việc đã lâu và ông Hiển kết luận:
- Thế nhé, các cậu cứ về chỉ đạo cho công ty họ làm báo cáo. Cần phải nêu rõ nếu đưa lên thành tổng công ty thì có lợi gì và hại gì. Tôi thì không thích lắm cái mô hình tổng công ty vì như vậy lại đẻ ra một bộ máy trung gian. Mà thôi, các cậu cứ làm, nhưng phải tham khảo ý kiến của các anh trên Bộ.
- Vâng ạ - Anh Chánh văn phòng nói - Báo cáo anh còn việc này nữa. Hôm qua, các anh ở Viện Chiến lược kinh tế có giới thiệu hai bài nghiên cứu của cậu Lân...
- Cái gì? - Ông Hiển hỏi vẻ ngạc nhiên - Nó nghiên cứu cái gì.
- Thưa anh đây ạ - Anh ta lấy hai quyển tạp chí, lật trang cho ông Hiển xem - Em đọc không sót một từ. Thú thật là em phải kính nể anh Lân. Anh ấy viết hay quá, vấn đề lớn mà anh ấy đề cập nhẹ như không, lại sinh động nữa. Nhất là bài “Bài học về đề bạt, quản lý và sử dụng cán bộ qua một số vụ án kinh tế lớn gần đây”. Thật tuyệt vời. Em đề nghị anh cho chuyển hai bài này thành tài liệu học tập và đưa về đọc, thảo luận ở từng cấp chi bộ Ðảng và tổ chức Ðoàn Thanh niên.
Ông Giám đốc Sở Nông nghiệp tán tụng:
- Ðúng là phải coi đây là tài liệu học tập. Hôm qua em phải nhờ người mua ở trên Hà Nội, chứ tạp chí này về đây quá ít.
- Tạp chí lý luận kén người đọc lắm - Ông Hiển nói - Các anh trao đổi với Tuyên huấn tỉnh ủy, hỏi ý kiến các anh ấy nên như thế nào. Nếu những vấn đề nó viết thật sự có giá trị và cần thiết thì chỉ cho một số người có nghiên cứu, chứ làm cái gì mà coi như tài liệu học tập. Mà phải cẩn thận đấy, không khéo lại làm hỏng thằng Lân. Ðược khen dễ phổng mũi tưởng mình đã giỏi lắm.
***
Trong phòng giam, Lân ngồi dậy.
Lân lấy nửa lưỡi dao cạo râu ướm vào cổ rồi lại ướm vào cổ tay và khẽ nhếch mép cười đau khổ.
- “Ðúng như Thúy đã dự tính, tiếng tăm của Lân ở tỉnh nổi lên như cồn sau mấy bài nghiên cứu đó. Ngay trong công ty, một người thường tỏ thái độ coi thường Lân nhất là cô Hồng thì nay cũng bắt đầu nói với Lân bằng ngữ điệu tử tế hơn. Giấy mời của các ban, ngành kinh tế, các tổng công ty gửi đến Lân ngày một nhiều hơn. Nhiều hội nghị, mỗi khi Lân bước vào là mọi người nhìn Lân bằng ánh mắt kính trọng. Thậm chí, có hội nghị lớn, người ta còn đặt Lân phát biểu. Dĩ nhiên là Lân nhận lời, nhưng mỗi lần như vậy, Lân vất vả vô cùng. Lân phải yêu cầu họ đưa trước tài liệu, chương trình hội nghị, thành phần tham gia và ai sẽ đọc tham luận. Sau đó, Lân mang lên Hà Nội và nhờ những người am hiểu viết cho bài phát biểu. Mang về nhà, Lân học thuộc lòng. Nhờ giời, Lân là thằng có trí nhớ rất tốt cho nên thường chỉ sau vài lần đọc, Lân đã nắm được tinh thần cơ bản của nội dung bài viết. Và thế là khi lên diễn đàn, Lân đọc rất diễn cảm, thậm chí có lần còn nói vo và được mọi người đánh giá là rất chuẩn mực.
Có một lần, Sở Kinh tế đối ngoại mời Lân đọc tham luận trong một hội nghị bàn về thu hút đầu tư nước ngoài. Lân đã bỏ ra ba triệu đồng để nhờ một anh trên Bộ Ðầu tư soạn cho một bài tham luận với tiêu đề: “Cần trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư về tỉnh Nam Sơn”. Dự hội nghị hôm đó có ông Bí thư tỉnh ủy.
Sau khi Lân kết thúc bài tham luận, cả phòng hội thảo hơn ba chục người vỗ tay rất lâu. Ông Bí thư đi vòng sang tận bàn Lân ngồi và bắt tay:
- Văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình. Tôi nghe nói là đồng chí có nhiều bài nghiên cứu rất được các nhà quản lý kinh tế chú ý, hôm nay mới được nghe, được thấy - Bí thư tỉnh ủy nói với giọng chân thành.
- Cám ơn chú - Lân lễ phép.
- Sao lại là chú. Cứ gọi nhau bằng đồng chí. Những ý kiến của đồng chí phát biểu hôm nay rất thú vị và có rất nhiều nét mới.
Rồi ông quay sang các quan chức đang dự hội thảo:
- Ðúng là chúng ta phải trải thảm đỏ mời các nhà đầu tư nước ngoài. Hãy dành những điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, đó chính là con đường để xóa đói giảm nghèo ở tỉnh ta và phát triển kinh tế. Tôi hoan nghênh những ý kiến của đồng chí Trần Hùng Lân.
Trong lúc giải lao, ông Tuấn lúc này là Giám đốc Sở Xây dựng nói với Bí thư tỉnh ủy và Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại:
- Thưa anh, nói thì có thể các anh cho là tôi nói quá, nhưng quả thật, cậu Lân là gương mặt sáng giá nhất của Công ty Hoa Ban Trắng đấy ạ. Nói thật với các anh, không có cậu ấy thì công ty chết lâu rồi.
Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại thêm vào:
- Tôi nghe hình như chuyện đề bạt cậu ta lên Phó giám đốc có gì trục trặc phải không?
- Báo cáo hai anh, vâng ạ. Cũng chẳng có lý do gì lớn, nhưng một số người trong công ty và cả trên Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cứ ngại là cậu ta được đề bạt nhanh quá.
Ðúng lúc đó, Thúy tới. Bí thư tỉnh ủy hỏi luôn:
- Thế nào cô Thúy. Tổ chức chính quyền tỉnh nghĩ sao về việc này?
Thúy liếc nhìn Lân đang đứng cách đó không xa bằng ánh mắt ranh mãnh rồi hờ hững:
- Thưa anh, việc đề bạt cán bộ quan trọng nhất là từ cấp cơ sở. Chúng em trên này cũng chỉ là nơi xem xét thôi.
- Cô nói thế là không chuẩn rồi. Cần phải chủ động phát hiện ra những cán bộ có tài, có phẩm chất và giới thiệu để phát triển, đó mới là việc quan trọng. Cô lạ gì tình trạng mất đoàn kết trong các cơ quan, bộ máy chính quyền hiện nay. Ðừng trông mong sự vô tư của họ trong khâu tuyển chọn cán bộ. Cô nghe họ nói gì chưa: “Bằng gì cũng không giá trị bằng bằng lòng”.
- Dạ, em hiểu.
- Chỉ tiếc là Giám đốc Sở Nông nghiệp không có mặt ở đây để nghe những ý kiến của anh về công tác cán bộ - Ông Giám đốc Sở Kinh tế đối ngoại lại đế thêm.
Bí thư tỉnh ủy vẫy Lân lại. Ông ân cần hỏi han:
- Nghe nói anh đã học Ðại học Ngoại thương và đỗ loại giỏi, lại thông thạo mấy ngoại ngữ, thế sao không chọn thủ đô làm “khu kinh tế mới”?
Lân cười và ra vẻ khiêm tốn:
- Báo cáo Bí thư, trình độ như em đã có gì. Em đang định năm tới lên Hà Nội học cao học và ôn luyện thêm ngoại ngữ. Nhưng chỉ sợ ít thời gian.
Ông Bí thư gật gù:
- Làm cán bộ bây giờ phải có chí học tập như anh mới được. Ðúng là chúng ta đang thiếu người tài, nhưng nhiều khi người tài có được trọng dụng đâu. Thậm chí nhiều cơ quan còn sợ người tài, đó mới là điều nguy hiểm.
Sau buổi hội thảo được một ngày, lúc Lân đang viết một câu tiếng Pháp lên bảng: “Aussitôt dit, Aussitôt fait” và đứng đọc thì ông Thủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đến. Mai chạy ra đon đả:
- Em chào bác ạ - Rồi Mai quay vào nhà gọi Lân - Bác Thủy tới chơi.
Lân ra đón:
- Em chào anh.
- Chào cô cậu. Tôi thật có lỗi. Cậu Lân về làm ở công ty có tới ba năm rồi mà lần đầu tiên tôi mới tới thăm nhà.
Ông Thủy vào nhà và nhìn vào dòng chữ tiếng Pháp trên bảng rồi hỏi:
- Câu này là nghĩa thế nào hả Lân.
- Thưa anh, câu châm ngôn của Pháp có nghĩa là “hễ nói là làm”. Việt Nam ta thì gọi là “Việc hôm nay chớ để ngày mai”. Còn nói như bác Nguyễn Văn Linh thì là “những việc cần làm ngay”.
Ông Thủy gật đầu thán phục:
- Ðấy, học ngoại ngữ là phải hiểu cho đến tận gốc rễ như thế mới là học.
- Em mời bác xơi nước - Mai lễ phép nói. Ông Thủy đỡ lấy chén nước từ tay Mai rồi nói:
- Hôm nay tôi tới đây cũng là muốn nói với cô chú chuyện này. Hôm qua, tôi nghe mấy anh đi dự hội thảo về có nói lại là đồng chí Bí thư trách chúng tôi là hẹp hòi, không biết nhìn người và quá chậm trễ trong việc đề bạt chú Lân.
- Chết, sao anh nói thế. Em đứng đó, Bí thư có nói gì đâu?
- Chú đừng giấu. Tôi biết hết cả rồi. Việc đề bạt chú, không phải lãnh đạo Sở có khó khăn gì. Công lao của chú với công ty, chúng tôi biết lắm chứ. Trình độ của chú, ai cũng biết cả. Chỉ có điều là ở dưới công ty, cũng còn có những ý kiến chưa thuận mà chủ yếu là họ sợ việc đề bạt chú nhanh quá thì chưa chắc đã có lợi cho chú và cho anh Hiển.
Lân lại gạt đi:
- Thôi mà chú, chuyện tổ chức cháu có thắc mắc gì đâu. Quan trọng là phải làm việc chú ạ.
- Tôi thì ngại nhất là Bí thư và Chủ tịch hiểu lầm. Ngày mai, tôi sẽ chỉ đạo cho công ty làm thủ tục cho chú ngay. Nếu các cụ có ý kiến gì chưa vừa lòng, chú làm ơn giải thích giúp.
Lân cười thoải mái:
- Ông anh cứ cả nghĩ.
- Ðể cấp trên hiểu lầm khổ lắm, chú chưa biết đâu. Mà này, ngày xưa có thời kỳ tôi là học trò của ông giáo Hàn đấy nhé.
***
Tại nhà Trần Hùng Lân. Kim đồng hồ chỉ 20 giờ 30 phút.
Trời vẫn mưa sầm sập. Vũ và Huyền ngồi như bất động. Mỗi người đang theo đuổi những suy nghĩ của riêng mình.
Huyền thấy nén hương trên bát hương của Lân đã gần tàn, cô đứng dậy châm nén khác rồi quay lại hỏi Vũ:
- Nếu như cứ mưa thế này cho đến mai thì liệu có hoãn thi hành án không?
Câu hỏi bất ngờ làm Vũ khó trả lời. Anh nhếnh mép cười đau khổ:
- Chắc chắn là không thể mưa đến sáng được. Nhưng nếu mưa to quá thì có khi phải hoãn thật.
- Sáng mai anh cũng phải có mặt chứ?
- Vâng, tôi buộc phải đến.
- Sao anh không giả vờ ốm.
Vũ lắc đầu:
- Tôi cũng muốn đưa tiễn anh ấy đi chu đáo.
- Rồi sau đó...!
- Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể với tư cách là những người bạn thuở nhỏ.
- Chỉ có thế thôi ư?
- Sao chị hỏi vậy. Hẳn có điều gì làm chị đang suy nghĩ.
- Em nghe nói là anh có lần trong khi hỏi cung anh Lân, anh đã hứa là sau vụ án này, dù kết cục thế nào, anh cũng xin thôi nghề cảnh sát điều tra.
- Chuyện đó thì đúng.
- Và anh không thay đổi ý định chứ.
- Vâng! Tôi không chịu đựng nổi nữa. Chị hiểu cho, phải đi điều tra một người là bạn mình, là người mình từng chịu ơn không ít, với tôi đó là những ngày nặng nề khủng khiếp. Và nếu tôi không thôi công việc này, biết đâu tôi lại phải điều tra một người bạn nữa.
Ly nhẹ nhàng đi ra chỗ hai người. Huyền kéo Ly ngồi xuống:
- Cô và bác Vũ đang nói với nhau những chuyện thuộc về tình người. Cháu có đủ dũng cảm nghe không?
Ly gật đầu cương quyết:
- Cháu biết kết cục sẽ như thế này kể từ một hôm bố cháu mang một vali... không, một chiếc cặp loại lớn, trong đó xếp đầy đôla... Ðó là vào một buổi tối.
(Xem tiếp kỳ sau)
N.N.P