Bệnh nghề nghiệp của thợ điện
Thợ điện cũng biết sợ
Trong ngành điện, thợ truyền tải là một trong những người dễ mắc các bệnh nghề nghiệp nhất. Một trong những “bệnh” nghe có vẻ tréo ngoe mà đại đa số thợ điện mắc phải là “sợ bị giật”. Anh Nguyễn Phong, Công ty Điện lực Đống Đa là một thợ điện có hơn 20 năm kinh nghiệm “kéo dây” chia sẻ: Làm nghề điện càng lâu năm càng có một nỗi sợ hãi chung, đó là bị điện giật. Nguyên nhân rất đơn giản do anh em có kinh nghiệm thường phải kèm cặp những thợ điện trẻ. Mỗi khi xử lý sự cố trên cột điện vì diện tích nhỏ, không có chỗ đứng để cùng lúc thao tác nên thường chỉ có 1 thợ xử lý. Chính vì vậy, những thợ điện lâu năm đứng dưới cột chỉ đạo luôn cảm thấy “sợ” cho các thợ điện đang làm việc trên cột, nhất là những thợ trẻ. Không ít lần chỉ vì một động tác thừa, không chuẩn mà tôi đã nổi nóng đuổi “lính” mới xuống… để mình tự làm cho nhanh.
Tập cấp cứu nạn nhân bị điện giật
“Tôi cũng như nhiều anh em “thợ già” khi được phân công kèm lính mới thì cảm thấy gần như khủng hoảng”. Đây là một trong những bệnh thường gặp ở những người làm việc trong môi trường căng thẳng. Người làm nghề điện không sợ bị điện giật nhưng lại sợ điện giật những đồng nghiệp của mình, bởi hơn ai hết các anh thấu hiểu chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến người thợ điện trả giá bằng một phần thân thể hoặc cả tính mạng” - anh Phong nói.
Theo tìm hiểu, ám ảnh lớn nhất của thợ đường dây là dây điện bọc chì. Trước đây dây điện cao thế, cáp điện ngầm thường bọc chì để cách điện. Các nhà khoa học đã chứng minh khi bị hồ quang điện đốt cháy, chì sẽ tỏa ra khí độc có thể gây ung thư nếu ai hít phải, nhẹ thì xây xẩm mặt mày, nặng thì ngất xỉu tại chỗ. Giới thợ điện cho rằng hầu hết những thợ điện lâu năm mắc bệnh ung thư phổi, tim mạch đều có nguyên nhân từ chì bọc dây điện.
Các đội vận hành, sửa chữa các trạm biến áp cũng “truyền tai nhau” về một “hung thần” khác là máy biến áp dầu. Trước đây, máy biến áp thường dùng dầu DO vừa để làm mát vừa để cách điện. Mỗi khi mùa nóng đến, phụ tải trên lưới trong các khu dân cư thường tăng vọt nên trên địa bàn Hà Nội và các thành phố lớn thường xuyên xảy ra sự cố chập, cháy nổ các trạm biến áp. Anh em đội sửa chữa thường “xanh mặt” khi gặp các trạm biến áp dầu bởi hồ quang điện phóng ra khi sự cố gặp dầu DO bốc cháy và tỏa khói chứa chất mônôxít cácbon (CO) cực độc. CO là chất khí không màu, không mùi cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần hít phải một lượng 0,1% CO sẽ dẫn tới thương tổn do giảm ôxy trong máu hay tổn thương hệ thần kinh cũng như có thể gây tử vong.
Căn bệnh quái ác
Nghề điện vẫn được cho là một nghề cực kỳ nguy hiểm, mặc dù được trang bị bảo hộ lao động rất tốt, thường xuyên được tập huấn công tác an toàn nhưng mỗi năm vẫn xảy ra những tai nạn dẫn đến thương tích hoặc chết người. Bên cạnh những tai nạn lao động, người thợ điện còn bị mắc những bệnh nghề nghiệp thông thường cũng như những bệnh “đặc thù” mà ít người biết đến như vô sinh, mất khả năng sinh dục…
Một trong những đặc trưng của ngành điện Việt Nam là sự tồn tại của những nhà máy điện, những trạm biến áp, đường dây có từ cách đây vài chục năm. Công nghệ sản xuất điện của các nhà máy, trạm biến áp và cả đường dây thời điểm đó tồn tại nhiều yếu tố độc hại và nguy hiểm đến sức khỏe người thợ điện, gây ra các bệnh nghề nghiệp đặc trưng. Đơn cử như Công ty Điện lực Bình Định, dù đã nhận điện lưới quốc gia nhưng vẫn phải duy trì chế độ bảo dưỡng cho nhà máy diesel gồm 23 tổ máy. Khi còn vận hành các máy phát điện diesel này - cách đây gần 20 năm - một số bệnh nghề nghiệp đã xuất hiện và phải xử lý, điều trị hằng năm như bệnh ù tai, bệnh viêm da do dầu, bệnh tim mạch...
Theo các báo về công tác bảo hộ lao động của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) gần đây cho thấy, đã xuất hiện các bệnh nghề nghiệp theo đặc thù nghề và vị trí công tác như áp lực, nhiệt độ ở các nhà máy thủy điện, nhiệt điện, điện từ trường ở các trạm biến áp, đường dây cao áp 500kV… gây ra các bệnh về tim mạch và cả những bệnh kín như ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của nam giới.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Kiên, Phó giám đốc Phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia điện cao áp cho biết: “Một số nghiên cứu về điện trường đã cho thấy có sự tương quan giữa những người bị vô sinh, mất khả năng sinh dục khi liên tục làm việc, sinh sống trong môi trường có điện trường vượt mức độ cho phép. Ngoài ra, nồng độ chì trong máu cao quá 53-74% microgram thì khả năng sinh dục, số lượng và sức sống của tinh trùng giảm rõ rệt, tỷ lệ dị dạng lên tới 86%. Đặc biệt vợ của thợ điện bị nhiễm độc chì có khả năng đẻ non rất cao”.
Với tốc độ phát triển nhanh của xã hội, ngành điện đang đối mặt với nhiều thử thách để phát triển và ổn định năng lượng của đất nước. Chính vì vậy, để có một đội ngũ lao động khỏe mạnh cả về thể chất và tinh thần thì ngành điện phải luôn luôn quan tâm tới đời sống và quyền lợi của người lao động và coi đó là một trong những mục tiêu hàng đầu.
Thành Công
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
EVNSPC thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa trong công tác an sinh xã hội
-
Trạm biến áp 220kV Kon Tum được nâng công suất lên gấp đôi để đảm bảo điện cho khu vực