Bầu Thụy chi 16 tỷ đồng hỗ trợ vệ sinh môi trường Hà Nội
Tại Hội nghị "Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển" do UBND TP Hà Nội ngày 4/6, UBND TP Hà Nội và các tổ chức, doanh nghiệp đã cùng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác thực hiện các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Cụ thể, thành phố đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai 7 chương trình an sinh với sự tham gia của 16 đơn vị, nhà đầu tư, doanh nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như: cây xanh, môi trường, y tế ứng dụng công nghệ cao, giáo dục, nước sạch nông thôn, hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận thông tin, an toàn thực phẩm và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.
Riêng tại chương trình vệ sinh môi trường, Tập đoàn Thaigroup tham gia hỗ trợ 16 xe thu gom rác đạt tiêu chuẩn quốc tế (trị giá tương đương 16 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Đức Thụy ký kết hỗ trợ thành phố Hà Nội trong lĩnh vực môi trường dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo Chính phủ và lãnh đạo thành phố. |
Tập đoàn Thaigroup do ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Với vốn điều lệ 2.500 tỷ đồng, tập đoàn này hiện đang đầu tư xây dựng vào nhà máy xi măng Kaito tại Bình Phước và nhà máy xi măng Thai Cement Hà Tiên tại Kiên Giang với công suất mỗi nhà máy lên tới 4,5 triệu tấn/năm. Ngoài ra, Thaigroup còn là chủ đầu tư của Dự án Khu nghỉ dưỡng phức hợp Enclave Phú Quốc với tổng diện tích 352 hecta tại Bãi Thơm, Phú Quốc.
Mới đây, tên tuổi bầu Thụy càng được "hâm nóng" khi Thaigroup mạnh tay chi tới 1.000 tỷ đồng để thâu tóm Khách sạn Kim Liên thông qua thương vụ mua vào hơn 3,6 triệu cổ phần, tương đương với 52,4% vốn điều lệ Công ty Du lịch Kim Liên.
Ngay sau đó, tập đoàn này liền ký kết hợp đồng hợp tác xây dựng thương hiệu khách sạn Park Hyatt tại Việt Nam với Tập đoàn khách sạn Hyatt. Tổng mức đầu tư dự án lên tới 165 triệu USD.
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào thành phố, TP Hà Nội giới thiệu danh mục 52 dự án dự kiến kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) giai đoạn 2016 - 2020 với 52 dự án có tổng mức đầu tư dự kiến trên 338.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), tập trung vào các lĩnh vực hạ tầng kĩ thuật, y tế, môi trường, nước sạch nông thôn…
“Đến thời điểm này đã có 70 nhà đầu tư gửi công văn xin đăng ký vào 52 dự án trong các danh mục dự án thành phố kêu gọi đầu tư, với tổng mức đầu tư xấp xỉ 300.000 tỷ đồng. Các nhà đầu tư đều cam kết đã nghiên cứu và sẽ thực hiện đầu tư vào các dự án trên địa bàn thành phố”, ông Chung cho hay.
Từ tháng 8/2008, TP Hà Nội được điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, với diện tích 3.300 km2 với dân số 7,2 triệu người. Với các điều kiện tự nhiên và nguồn lực cho phát triển dồi dào, kinh tế Thủ đô Hà Nội xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc và cả nước.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định, Hà Nội cam kết sẽ nhất quán lãnh đạo, chỉ đạo trong việc xây dựng mối quan hệ đối tác cùng nhau phát triển, coi vốn đầu tư xã hội là quyết định, doanh nghiệp và dân doanh là đối tác sẽ được tạo mọi điều kiện để phát triển.
Minh Anh
Dân trí
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp
-
VPI dự báo giá xăng dầu tiếp tục giảm từ 0,3 - 1,6% trong kỳ điều hành ngày 21/11