Bảo vệ quyền riêng tư cho trẻ - luật và đời
Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em Bộ LĐ-TB&XH Đặng Hoa Nam: Thông tin riêng tư dễ bị lợi dụng
Thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em gồm có: “Tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em” (Điều 33. Nghị định 56/2017NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em).
Như vậy, chúng ta chỉ không được đăng tải những thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà Điều 33 Nghị định 56 đã liệt kê khi chưa được sự đồng ý của trẻ từ 7 tuổi trở lên.
Không phải bất kỳ hành vi nào của cha mẹ, khi đưa hình ảnh mang tính riêng tư của con em họ lên mạng xã hội đều vi phạm pháp luật, trừ trường hợp những hành vi đó xâm phạm quyền bí mật đời sống riêng tư của trẻ em (như đưa hình ảnh lộ ra cơ thể, những phần nhạy cảm của cơ thể trẻ em, những thông tin, bí mật riêng về trẻ em như địa chỉ, trường lớp, đặc điểm về thân thể của cá nhân, một số những khuyết tật của trẻ). Thực tế đã cho thấy, những thông tin này dễ bị kẻ xấu lợi dụng và gây tổn hại lâu dài đến trẻ. Bởi vì một thông tin tung lên mạng sẽ rất khó thu lại và có thể đi theo đứa trẻ đó đến hết cuộc đời.
Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều vụ xâm hại trẻ bị đưa thông tin lên báo chí, mạng xã hội nhưng chưa chắc những người đưa thông tin đó đã hiểu biết hết quy định của pháp luật, kiến thức bảo vệ trẻ em. Mạng xã hội, thậm chí là báo chí đưa quá chi tiết về bí mật đời sống riêng tư, thông tin cá nhân như tên tuổi, địa chỉ của trẻ, như vậy đã vô tình làm hại đứa trẻ thêm một lần nữa.
Ngoài những quy định cấm không được xâm phạm thông tin đời tư trẻ em, trong Luật Trẻ em 2016 còn có cơ chế để trẻ bày tỏ ý kiến, nguyện vọng, gửi thông tin mà các em cho rằng bất lợi đối với mình. Các em có thể gọi điện đến đường dây nóng quốc gia về trẻ em 18001567. Đây là điện thoại tư vấn, hỗ trợ cho trẻ em do Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đang vận hành, hoạt động 24/24h.
TS tâm lý Nguyễn Kim Quý, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam: Chưa khả thi nhưng là lời cảnh tỉnh
Hiện nay, các bậc phụ huynh đang có chiều hướng đua nhau lạm dụng mạng xã hội để khoe con cái mình. Nhiều bậc phụ huynh không hiểu rằng mạng xã hội là ảo, đó là không gian chơi chung và sẽ có những hệ lụy mà chính bản thân họ còn chưa hình dung ra được.
Việc phải có sự gật đầu đồng ý của trẻ, mà ở đây lấy mốc 7 tuổi được cho là cảm tính. Trước hết nói đến độ tuổi này các em vẫn còn quá nhỏ, tâm tư dễ thay đổi. Có thể lúc trước đồng ý cho bố mẹ đăng ảnh, nhưng hôm sau đã lại thay đổi thì nếu có hình thức cam kết giữa phụ huynh và con trẻ cũng lại thêm một bài toán khó có lời giải.
Có thể nói, quy định mới về quyền riêng tư của trẻ rất khó thực thi, nhưng ở một góc độ khác, đây lại là hồi chuông cảnh tỉnh với các bậc phụ huynh đang lạm dụng việc khoe ảnh, thông tin của con em mình lên mạng xã hội. Việc khoe ảnh, thông tin của trẻ nhiều phụ huynh nghĩ đơn giản là thể hiện tình yêu thương hoặc tự hào về trẻ, nhưng nếu đăng tải lên mạng xã hội quá chi tiết về địa điểm, thời gian sẽ “lợi bất cập hại”, hoặc không may thông tin bị rò rỉ, bị các đối tượng xấu theo dõi thì hệ lụy rất khôn lường. Chưa kể đối với các bé gái, việc bố mẹ khoe quá nhiều hình ảnh của trẻ cũng khiến trẻ bị rơi vào vòng nguy hiểm nếu nằm trong tầm ngắm của một đối tượng ấu dâm nào đó.
Tôi vẫn luôn muốn nhấn mạnh lại rằng, mạng xã hội là ảo và những điều mà phụ huynh tưởng chừng đơn giản nhưng có thể ẩn chứa nhiều nguy hiểm cho chính con em mình.
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội: Tôn trọng quyền của trẻ em là điều cần thiết
Tôi cho rằng, hiện nay việc đưa ra một quy định riêng tôn trọng quyền của trẻ em là điều cần thiết. Trước đây, chúng ta hay lầm tưởng bố mẹ có thể quyết định mọi sinh hoạt của trẻ, nhưng thực tế các em cũng có quyền công dân và ở tuổi các em sẽ có quyền của trẻ em.
Trước đây, khi chưa phổ biến mạng xã hội, bố mẹ muốn khoe con em mình thường chỉ là trò chuyện trực tiếp khoe với đồng nghiệp khi đến cơ quan, hay trò chuyện với anh em họ hàng, rồi khoe với hàng xóm láng giềng. Nhưng khi mạng xã hội có sức lan tỏa mạnh như hiện nay, chỉ một thao tác chụp ảnh lại bằng khen, bảng điểm hay bài thi của con là đã có một lượng người không nhỏ nắm bắt được thông tin về thành tích của trẻ.
Đương nhiên chuyện tự hào khoe con không phải là điều xấu, nhưng tôi biết, có những em học sinh đã tâm sự rằng không thích, không thấy thoải mái khi bố mẹ khoe thành tích của mình lên mạng xã hội. Có những em khiêm tốn thì bảo rằng, ở lớp có nhiều bạn học giỏi hơn mà bố mẹ cứ khoe thế làm bản thân đi học cảm thấy ngại với bạn và bản thân cũng cảm thấy bị áp lực nếu kỳ này bố mẹ khoe học sinh giỏi nhưng kỳ sau lại chỉ được học sinh tiên tiến.
Tôi biết ở một số nước trên thế giới, bảng điểm, thành tích học tập của trẻ chỉ có chính các em, gia đình và nhà trường biết. Những thông tin này sẽ được giữ bí mật. Hơn nữa, thành tích học tập của trẻ ở lứa tuổi mới lớn này chưa thể mang tính bền vững, ổn định mà sẽ có những thay đổi.
Do đó, để trẻ duy trì tinh thần học tập tốt, giữ vững kết quả học tập kỳ này sang kỳ khác, năm này sang năm khác, điều cần nhất là sự động viên, kèm cặp của phụ huynh. Còn việc đưa lên mạng xã hội để khoe thành tích dễ khiến trẻ cuốn theo thế giới ảo với những lời khen sáo rỗng, ảo tưởng quá tự tin về bản thân.
Ngoài ra cũng không tránh khỏi những trường hợp trẻ so bì hơn thua với bạn bè đồng trang lứa. Tôi cho rằng, thay vì việc khoe thành tích của trẻ, phụ huynh nên dành thời gian trò chuyện, khích lệ trẻ tiếp tục cố gắng duy trì kết quả học tập. Bởi nhiều khi khoe lên mạng xã hội, bố mẹ cũng sẽ bị cuốn vào những bình luận ảo mà xao lãng trẻ. Hơn nữa, bố mẹ nên định hướng cho trẻ cân nhắc về những điều mà mình muốn chia sẻ lên mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thùy Linh (Đống Đa, Hà Nội): Đây chính là việc bảo vệ con cái
Từ khi các con trai tôi chào đời cho đến nay, trên facebook, zalo của cả 2 vợ chồng luôn đầy ắp những khoảnh khắc đáng yêu của con. Chúng tôi đều coi việc cập nhật những hình ảnh mới nhất của con trên mạng xã hội là một cách để lưu lại, để nhìn con lớn khôn từng ngày và cũng để cho bạn bè, người thân xem hình ảnh của con mình.
Không những chia sẻ những hình ảnh vui vẻ của gia đình và các con, đôi lúc vợ chồng tôi cũng đưa những hình ảnh như con đang tắm, hình ảnh bố mẹ đang chăm sóc con; thậm chí có lần tôi cứ ào ào đưa ảnh con lên facebook mà quên không xem lại nên lộ ảnh con ngồi thế khá hớ hênh. Cứ nghĩ chẳng qua đưa lên vậy là để đùa vui nhưng nhiều người vào bình luận hay cũng có, dở cũng nhiều. Sau đó, tôi đã vào xóa đi, nhưng bạn của con chúng copy lại và dán trên khắp các "tường" của bạn bè để trêu chọc khiến cháu thấy rất buồn.
Sau này khi các con lớn hơn, tôi cũng như nhiều người vẫn có thói quen “khoe” ảnh con trên facebook, “khoe” bảng thành tích học tập của con, đăng ảnh gia đình đi chơi - trong đó có các con - lên mạng xã hội. Tôi cũng không nghĩ đó là điều gây hại cho con sau này, bởi mình nghĩ đó là cách thể hiện tình yêu thương đối với con.
Theo luật, mọi hành vi vi phạm về quyền của trẻ em nói chung và quyền riêng tư của trẻ em nói riêng, nếu gây ra thiệt hại thì người thực hiện hành vi vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự. |
Tuy nhiên, sau này khi xảy ra quá nhiều vụ xâm hại trẻ em do cha mẹ để lộ quá nhiều thông tin của con trên mạng xã hội, vợ chồng tôi đều đã thay đổi suy nghĩ và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ hình ảnh các con trên mạng. Đồng nghiệp hay bạn bè có hỏi đòi xem ảnh bé thì chúng tôi chỉ gửi qua tin nhắn riêng, hay qua mail cho xem và dặn đừng đăng hình các con.
Về điều luật bảo vệ sự riêng tư của trẻ đang ồn ào trên báo chí những ngày gần đây, tôi cũng đã đọc và cho rằng, những quy định tại Luật Trẻ em là rất cần thiết để bảo vệ con trước tội phạm mạng, nhất là những kẻ ấu dâm. Thế nhưng theo tôi, luật này khó có thể áp dụng được, bởi khó có thể cấm cha mẹ chia sẻ ảnh của các con và cũng khó có thể yêu cầu hình ảnh nào cũng cần có sự đồng ý của con trẻ. Ngoài ra, việc đăng những hình ảnh trong sáng, chuẩn mực của con lên mạng xã hội cũng có thể chấp nhận được vì đó là nhu cầu thể hiện tình yêu với con. Có nên chăng là các bậc cha mẹ cần tự nâng cao hiểu biết và nhận thức về việc bảo vệ con cái, đặc biệt là trên mạng xã hội, giữ bí mật những thông tin như tên tuổi, địa chỉ, trường lớp… để tránh kẻ xấu lợi dụng, làm hại con mình.
Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư Luật Trẻ em năm 2016, có hiệu lực từ ngày 1-6-2017, quy định trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em; trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư (Điều 21). Khoản 2, Điều 54 Luật Trẻ em năm 2016 quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý, cung cấp sản phẩm, dịch vụ thông tin, truyền thông và tổ chức các hoạt động trên môi trường mạng phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn và bí mật đời sống riêng tư cho trẻ em theo quy định của pháp luật”. Theo Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016, hành vi công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em là hành vi bị nghiêm cấm. Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em tại Hoa Kỳ Tại Hoa Kỳ, vào ngày 21-10-1998, Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư của trẻ em (COPPA) đã được ban hành. Theo đó, đạo luật này có hiệu lực từ ngày 21-4-2000, áp dụng cho việc thu thập trực tuyến các thông tin cá nhân từ trẻ em dưới 13 tuổi bởi những người hoặc các đơn vị thuộc thẩm quyền của Hoa Kỳ. Nó vạch ra chi tiết những gì một nhà điều hành trang web phải thực hiện trong chính sách bảo mật, khi nào và làm thế nào để được sự chấp thuận kiểm chứng từ cha mẹ hoặc người giám hộ và trách nhiệm một nhà điều hành để bảo vệ sự riêng tư và an toàn của trẻ em trực tuyến, bao gồm hạn chế về tiếp thị cho những người dưới 13 tuổi. Trong khi trẻ em dưới 13 tuổi hợp pháp có thể đưa ra thông tin cá nhân với sự cho phép của cha mẹ, nhiều trang web hoàn toàn không cho phép trẻ em tuổi vị thành niên sử dụng dịch vụ của họ vì số lượng giấy tờ liên quan. |
Thanh Huyền - Vương Tâm
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Petrovietnam và Zarubezhneft trao văn kiện hợp tác
-
[VIDEO] Thủ tướng đến Nga dự Hội nghị BRICS mở rộng
-
Liên doanh dầu khí Nga - Việt đã mang về cho đất nước tỷ USD
-
Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường dự Hội nghị các Nhà lãnh đạo Nhóm BRICS mở rộng
-
Dự án Luật Điện lực (sửa đổi): Cần cụ thể hóa các chính sách cải cách giá điện