Bao giờ mới thôi phải giải cứu nông sản?
Canh tác tự phát
Đầu tiên là thịt lợn hơi tại Đồng Nai, một số tỉnh miền Bắc giảm từ trên 40.000 đồng/kg xuống còn 27.000-28.000 đồng/kg. Do thương lái Trung Quốc ngừng nhập khẩu. Bởi vậy nhiều hộ chăn nuôi có đầu ra chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc đành phải chấp nhận chịu lỗ. Tiếp đến, giá thịt gà ở Đồng Nai cũng giảm mạnh từ 26.000- 27.000 đồng/kg xuống chỉ còn 15.000-16.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi lao đao. Sau giá thịt lợn, gà là hàng loạt các mặt hàng nông sản khác như chuối, cà chua, dưa hấu... cũng rơi vào cảnh rớt giá thê thảm, nông dân bỏ mặc cho héo rụng trên ruộng hoặc phải đổ bỏ cho bò ăn.
Cuối tháng 2 vừa qua, người nông dân ở Đồng Nai lại điêu đứng vì thương lái Trung Quốc ép giá chuối. Giá chuối bán tại vườn 14.000 đồng đến khoảng 17.000 đồng/kg giảm mạnh chỉ còn 1.000-2.000 đồng/kg. Nhiều vườn còn không có thương lái đến mua, người nông dân đành để chuối chín hư, làm thức ăn cho bò, dê…
Sinh viên giải cứu dưa hấu giúp nông dân Quảng Ngãi |
Cuối tháng 3 vừa qua, điệp khúc “được mùa mất giá” lại tái diễn với hàng trăm héc-ta dưa hấu ở các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Đức Phổ (tỉnh Quảng Ngãi). Theo thông tin từ Quảng Ngãi, dưa chín đầy đồng mà thương lái không thu mua, hàng ngàn tấn dưa đang gặp khó khăn tiêu thụ.
“Mấy năm trước giá dưa hấu cao nên người dân đua nhau trồng. Đến lúc thu hoạch thì thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc đóng cửa khiến người nông dân thiệt hại nặng nề. Cơ quan chức năng đã khuyến cáo, nhưng mạnh ai nấy làm nên cũng đành chịu. Hiện tại, dưa đang ở mức giá thê thảm khoảng 1.000 đồng/kg, có nơi thương lái chỉ trả 800 đồng/kg.
Hiện nay, đầu ra của nông sản Việt Nam quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Việc thương lái Trung Quốc mua nông sản Việt Nam với giá cao trong một vài vụ mùa rồi đột ngột ngừng mua vào những vụ sau là nguyên nhân chính của những cuộc khủng hoảng thừa của nông sản Việt.
Điệp khúc “được mùa mất giá” hầu như năm nào cũng diễn ra như một vòng luẩn quẩn khiến việc trồng nông sản như một canh bạc đỏ đen, mà ở đó người nông dân là những con bạc phó mặc số phận mình vào thị trường Trung Quốc “hên thì ăn, xui thì chịu”.
Tình thương cần nhưng chưa đủ
Với tình trạng giá dưa hấu tại ruộng rớt thê thảm, dẫn tới tình cảnh không khác gì đợt “giải cứu” chuối ở Đồng Nai hồi đầu tháng 2, các ban, ngành, đoàn thể ở Quảng Ngãi đều bắt tay vào cuộc “giải cứu” dưa hấu để giúp đỡ người trồng dưa.
Bà Hà Thị Anh Thư, Bí thư Huyện ủy Bình Sơn, Quảng Ngãi có viết trên trang cá nhân Facebook: Địa phương đang có 116 héc-ta dưa đang chín, sản lượng 2.435 tấn không bán được, nếu bán với giá 3.000 đồng/kg thì nông dân hòa vốn. Theo tìm hiểu, bà Anh Thư nguyên là Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Ngãi thì năm 2015, bà dẫn đầu các đoàn viên trong tỉnh tham gia tích cực vào việc giải cứu dưa, giúp rất nhiều nông dân cứu lại vốn liếng. Dân đang gặp khó, bà Thư lại nóng lòng giúp dân bằng cách liên hệ các kênh tiêu thụ nội địa như từng làm. Nhưng cũng chính bà Anh Thư phải thừa nhận rằng, người dân không thể chờ sự hỗ trợ của cộng đồng mãi, phải bám vào thị trường và đầu mối tiêu thụ để chủ động.
Theo ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và thực phẩm (Bộ NN&PTNT), việc giải cứu nông sản chỉ là chuyện cực chẳng đã. Mặc dù đây là hành động mang tính nhân văn nhưng không thể bền vững. Bởi sau dưa hấu, chuối… còn giải cứu những gì. Chẳng nhẽ năm nào cũng phải giải cứu? Tình trạng này sẽ lặp lại nếu chúng ta không giải quyết tận gốc.
“Người nông dân Việt Nam năng động, nhưng chưa có kỹ năng phản ứng thị trường. Đặc biệt, đầu ra của nông sản quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, bởi đây là thị trường khá dễ tính, không yêu cầu, đòi hỏi cao nên thuận lợi, phù hợp với thói quen sản xuất lâu nay nhưng thị trường này lại quá mờ mịt thông tin. Chúng ta không ký được hợp đồng mua bán nên gặp rất nhiều rủi ro” - ông Thế Anh nhận xét.
Cần phối hợp đa ngành
Nông nghiệp Việt Nam còn quá phụ thuộc vào Trung Quốc, chưa vươn xa được. Mỗi khi Trung Quốc có điều chỉnh chính sách biên mậu, thương lái Trung Quốc o ép, thì sản phẩm nông nghiệp lại xảy ra tình trạng được mùa mất giá, từ quả dưa cho tới con lợn. Hậu quả không chỉ nông dân mà cả doanh nghiệp Việt Nam cũng khốn đốn...
Tình trạng “được mùa mất giá” tái diễn liên tục đã chỉ ra rằng, sự phối hợp để giải quyết vấn đề của các cơ quan quản lý Nhà nước chưa thực sự tốt. Các bộ, ngành chuyên môn đều lập và phê duyệt các quy hoạch ngành rất bài bản, khoa học, nhưng trách nhiệm thực hiện lại do các tỉnh, thành đảm nhận. Như ở ngành nông nghiệp, khi nông dân “xé rào” vượt quy hoạch thì trách nhiệm lại không thuộc về ai. Câu chuyện về những quả dưa ở Quảng Nam là một ví dụ, lãnh đạo tỉnh khẳng định, toàn bộ số dưa ế không có quả nào nằm trong quy hoạch gieo trồng của tỉnh. Nhưng người dân thấy đây là loại cây dễ trồng, không mất công chăm bón… nên cứ lao vào trồng. Chính vì vậy, câu chuyện “Người vẽ một đằng, người làm làm một kiểu” vẫn liên tiếp xảy ra.
Vải thiều Hải Dương, Bắc Giang sắp vào vụ thu hoạch. Cách đây 2 năm, một đoàn xe chở vải đỏ rực dài hàng chục kilômét đã ùn ứ ở cửa khẩu kéo dài hàng tuần trời, khiến một lãnh đạo Bộ Công Thương đã phải đứng ra hô hào 90 triệu dân Việt Nam cùng ăn vải. Không biết năm nay, 90 triệu dân Việt Nam có phải tiếp tục cùng ăn quả vải nữa hay không?
Hơn nữa, vấn đề về kênh phân phối, thương hiệu của nông sản Việt cũng cần bộ, ngành có liên quan tìm ra phương án thích hợp. Một thống kê gần đây cho thấy, gần 90% lượng nông sản Việt Nam không có thương hiệu và phải xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Và đang tồn tại một nghịch lý trên thị trường trong nước là: người nông dân phải bán sản phẩm với mức giá rẻ mạt, nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua ở mức giá cao. Theo tìm hiểu, một con lợn phải qua mấy khâu trung gian, chịu 51 phí, thêm nữa việc chiết khấu trong siêu thị cao, bao gồm phí bôi trơn, phí tạo mã, kệ… đẩy giá thịt lợn lên hơn 100.000 đồng/kg. Và tất cả đều được tính hết vào giá, cuối cùng người chăn nuôi thì méo mặt, người tiêu dùng cũng không vui.
Tiêu thụ nông sản không thể dựa mãi vào sự hên xui và lòng trắc ẩn của hàng triệu người tiêu dùng trong nước. Tất cả những vướng mắc đều đã được tìm ra, chỉ còn chờ các cơ quan bộ, ngành chức năng phối hợp giải quyết vấn đề như thế nào để đưa ra đáp án nhanh nhất mà thôi.
Tuyết Kỳ
-
Tin tức kinh tế ngày 20/11: Xuất khẩu cá ngừ lập đỉnh 2 năm
-
Giá vàng hôm nay (20/11): Thị trường thế giới tăng mạnh
-
Giá dầu hôm nay (20/11): Dầu thô ổn định trong phiên
-
Áp thuế suất GTGT 5%, giá phân bón có dư địa giảm
-
Tin tức kinh tế ngày 19/11: Tiếp tục giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp