Bản tin Năng lượng xanh: Ngân sách 80 tỷ CAD của Canada đối phó với IRA của Mỹ để “không bị bỏ lại phía sau”
Ngân sách 80 tỷ CAD của Canada đối phó với Đạo luật Giảm phát (IRA) của Mỹ để “không bị bỏ lại phía sau”
Chính phủ của Thủ tướng Justin Trudeau đang công bố khoản tín dụng thuế trị giá 80 tỷ CAD cho công nghệ sạch trong thập kỷ tới, trong đó có 25 tỷ CAD cho các khoản đầu tư vào điện sạch.
Hôm Thứ Ba (28/3), trình bày ngân sách tại Quốc hội Canada, Bộ trưởng Tài chính Chrystia Freeland cho rằng “Bạn bè và đối tác của chúng ta (Canada) trên khắp thế giới, đứng đầu trong số đó là Hoa Kỳ, đang đầu tư mạnh mẽ để xây dựng các nền kinh tế sạch và các ngành công nghiệp không có phát thải ròng (Net Zero) trong tương lai.” “Nếu không hành động nhanh chóng, quy mô các biện pháp khuyến khích to lớn của Hoa Kỳ sẽ làm suy yếu khả năng của Canada trong việc thu hút các khoản đầu tư cần thiết để đưa Canada trở thành quốc gia dẫn đầu trong nền kinh tế sạch toàn cầu đang phát triển và có tính cạnh tranh cao. Nếu Canada không theo kịp, "chúng ta sẽ bị bỏ lại phía sau”.
Một quan chức cấp cao của chính phủ Canada nói với các phóng viên rằng ngân sách nỗ lực đưa Canada ngang hàng với Mỹ. Canada cần khoảng 100 tỷ CAD mỗi năm cho đầu tư công nghệ sạch để đáp ứng mục tiêu của chính phủ Canada là đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, so với mức đầu tư hiện nay từ 15 tỷ CAD cho đến 20 tỷ CAD.
Kế hoạch của Chính phủ Canada nhằm mục tiêu đầu tư vào công nghệ sạch, một điểm khác biệt chính so với Đạo luật giảm lạm phát IRA là cung cấp các khoản tín dụng thuế cho sản xuất.
Chính phủ Canada cũng đang công bố khoản tín dụng thuế 30% đối với thiết bị sản xuất cho các dự án năng lượng hạt nhân và tái tạo, phương tiện không phát thải, dự kiến trị giá 11 tỷ CAD từ nay đến năm 2035.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Canada từ lâu đã thúc đẩy chính phủ liên bang đưa ra phản ứng cạnh tranh đối với Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ, đạo luật cam kết hỗ trợ tăng trưởng sạch lên tới 369 tỷ USD.
Tỉnh Alberta của Canada phát triển các dự án CCUS sau các cam kết của Ottawa
Hôm thứ Năm (30/3), Bộ trưởng Tài nguyên Thiên nhiên liên bang cho biết Tỉnh Alberta của Canada dự kiến sẽ hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án sử dụng và lưu trữ thu hồi carbon (CCUS) khi chính phủ liên bang cam kết có các ưu đãi. CCUS là một trong những công nghệ quan trọng mà Canada đang dựa vào để giúp đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các ưu đãi bổ sung của chính phủ Canada là mảnh ghép cuối cùng cần thiết để khởi động các dự án.
Tuần này, ngân sách liên bang của Canada đã mở rộng điều kiện nhận tín dụng thuế đầu tư CCUS trong 5 năm tới, bằng cách bổ sung 520 triệu CAD vào chương trình 2,6 tỷ CAD được đưa ra trong ngân sách năm ngoái. Bộ trưởng Tài nguyên thiên nhiên Jonathan Wilkinson cho biết ông đã có nhiều cuộc trò chuyện với chính quyền Alberta về CCUS, và hy vọng sẽ thấy một số dự án CCUS lớn được triển khai vào cuối năm nay.
Liên minh Pathways, liên minh hợp tác giữa sáu nhà sản xuất cát dầu lớn nhất của Canada nhằm mục tiêu phát thải bằng không vào năm 2050, đang lên kế hoạch phát triển một trung tâm CCUS ở phía bắc Alberta, dự kiến sẽ tiêu tốn 16,5 tỷ CAD (12,2 tỷ USD) vào năm 2030.
Mercedes tăng cường chuyển đổi năng lượng tái tạo với thỏa thuận năng lượng gió Iberdrola
Hôm thứ Năm (30/3), Mercedes-Benz cho biết đã ký một thỏa thuận mua bán điện (PPA) với Iberdrola của Tây Ban Nha để mua 140 megawatt năng lượng gió từ một công viên gió ở Biển Baltic.
Giám đốc sản xuất Joerg Burzer cho biết Mercedes đang tập trung vào việc đảm bảo năng lượng gió ở miền bắc nước Đức và lắp đặt năng lượng mặt trời ở miền nam nước Đức, nơi có ít gió hơn. Joerg Burzer cho biết theo thỏa thuận Iberdrola, Mercedes sẽ đầu tư hàng trăm triệu Euro vào dự án và sẽ có PPA năng lượng mặt trời, gió trên đất liền và gió ngoài khơi với công suất tương đương một nửa nhu cầu điện ở Đức vào năm 2025.
Trang web của Iberdrola cho biết dự án Windanker Biển Baltic sẽ có công suất 300 megawatt và sẽ hoạt động từ năm 2026.
Mercedes đặt mục tiêu 70% nhu cầu năng lượng từ việc sản xuất xe ô tô sẽ được cung cấp từ các nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2030.Năng lượng tái tạo chiếm 46,9% lượng điện năng tiêu thụ của Đức vào năm 2022, phần còn lại đến từ than đá, hạt nhân và khí đốt tự nhiên. Ở châu Âu, số liệu mới nhất có sẵn từ năm 2021 cho thấy mức tiêu thụ năng lượng tái tạo là khoảng 22%.
Các kế hoạch cung cấp nhiên liệu cho ngành công nghiệp thông qua hydro ở Đức vẫn còn ở giai đoạn sơ khai, với việc xây dựng mạng lưới đường ống hydro đầu tiên được phê duyệt vào tháng 12/2022./.
Thanh Bình
(Source: Reuters)