Bài 3: Những con nghiện “chứng"
Bài 1: Bùng nổ thị trường chứng khoán và câu chuyện "người người rủ nhau chơi chứng" |
Bài 2: Công ty chứng khoán "coi nhẹ" bảo mật, nhà đầu tư mất oan tiền tỷ?! |
Có những nhà đầu tư ngày nào cũng phải đặt lệnh mua/bán mới thoả mãn cơn ghiền. (Ảnh minh họa). |
Ăn chứng khoán, ngủ chứng khoán…
Nói về những con nghiện chứng khoán vào loại nặng mà xếp Hoàng Tuấn (26 tuổi, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) là số hai thì… không ai dám nhận số một!
Vốn là quý tử của một gia đình chuyên ngành bất động sản - xây dựng, Tuấn gần như không phải lo lắng gì về miếng cơm manh áo như bạn bè đồng lứa. Vật vã mới tốt nghiệp một trường đại học “hạng bét", Tuấn cả ngày chỉ lo tìm chỗ ăn chơi hưởng thụ. Cậu cũng từng "đốt" nhiều tỷ đồng của “ông bà bô" vào bóng bánh, lô đề… Song từ khi “bập" vào chứng khoán thì dường như đây mới là “chân ái" của Tuấn.
Vào “sới" từ con sóng năm 2017-2018, Tuấn mua đại một số mã cổ phiếu “bằng-chứng-thép" (dòng cổ phiếu bank (ngân hàng), chứng khoán và thép), chẳng ngờ lãi đến 30% chỉ sau một thời gian ngắn. Vậy là cậu về “thụt két" của bố mẹ, lại bán bớt mấy lô đất liền kề để “all in" (tất tay) vào cổ phiếu.
Cứ thấy broker (người môi giới chứng khoán), bạn bè hay bất kỳ ai “phím” cho mã nào là Tuấn mua luôn mã đó. Trong khi mọi người chỉ dám đặt mua một vài nghìn cổ phiếu/lệnh thì cậu “múc" một lệnh từ 10 nghìn đến 20 nghìn cổ. Chỉ trong ít ngày, list cổ phiếu của Tuấn đã dài như sớ, với hơn 20 mã. Cứ mua xong mã nào cậu cũng nhăm nhăm chờ ba hôm sau là cho “lên đường” nếu thấy có lãi (thời kỳ TTCK Việt Nam vẫn còn giao dịch T+3). Còn mã nào lỗ thì cậu vứt đó, chờ ngày “về bờ".
Trước kia “bình minh" của Tuấn là vào khoảng tầm 10-11 giờ sáng, song từ khi biết “oánh chứng” thì 8 giờ 30 phút đã thấy cậu dậy, bật máy lên để sẵn sàng “vào sới". Giúp việc bê đồ ăn sáng lên cậu cũng vừa ăn vừa cắm mặt vào bảng điện tử. Cho đến 11 giờ 30 phút (kết phiên sáng) Tuấn mới tạm nhỏm dậy “đánh răng rửa mặt".
1 giờ chiều, khi bảng điện tử nhấp nháy trở lại Tuấn tiếp tục ngồi thiền để xem các cổ phiếu của mình tăng giảm thế nào, để canh mua vào hoặc bán ra. Trong khi cậu đang canh bảng thì không ai dám làm phiền, điện thoại ai gọi cũng mặc.
Dù dành hết thời gian, tâm sức cho thị trường, và cũng hy vọng sẽ nhân đôi, nhân ba tài khoản song chỉ một cú downtrend (thị trường bước vào xu hướng giảm) vào cuối năm 2018 tài khoản của Tuấn đã mất đến quá nửa. Nghiến răng cắt lỗ, năm 2019 Tuấn quyết nạp thêm tiền chơi lại ván mới. Lần này cậu oánh “full margin" (vay hết cỡ tiền từ công ty chứng khoán để đầu tư). Song kết cục đến đầu năm 2020 thì tài khoản cậu “cháy" sạch sành sanh.
Nhà đầu tư choáng váng khi thị trường chứng khoán bất ngờ giảm mạnh. (Ảnh minh họa). |
Trượt dài trong những canh bạc
Đầu tháng 6/2023, Phan Tùng - một viên chức tại một cơ quan cấp sở ở Hà Nội bắt đầu thực sự gia nhập thị trường chứng khoán, khi “xuống tiền” mua 1.000 cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát.
Nói là thực sự vì rằng, Tùng đã được bạn bè lập giúp tài khoản của Công ty Chứng khoán SSI từ trước đó khá lâu, song chưa dám đổ tiền vào để mua cổ phiếu. Từ lâu Tùng vẫn nghe nhiều thông tin cho rằng, mua cổ phiếu chả khác gì... “đánh bạc” nên chàng vẫn trù trừ không mua. Song, từ đầu năm trở lại đây đi đâu gặp ai Tùng cũng chỉ nghe thấy hai từ “cổ phiếu” và “chốt lời”. Bạn bè Tùng 10 người thì đến 9 người khoe đã mua con A, B, C và đều thắng. Người ít lời vài chục phần trăm, có người tăng gấp đôi, gấp ba tài khoản chỉ trong vòng một vài tháng chơi chứng khoán.
Nghe thế, máu làm giàu trong người nổi lên. Thêm vào đó, bố mẹ Tùng vừa bán đất ở quê và chia cho mỗi con khoản tiền gần 1 tỷ đồng. Tùng đã lấy ra 700 triệu đồng để trả khoản tiền mua căn chung cư trả góp, 300 triệu đồng lẽ ra “mua con xe ô tô cũ đi lại cho đỡ vất vả” - như dự định trước đó thì nay Tùng nghe lời bạn bè khuyên nên đã giữ lại để chơi chứng khoán.
Bỏ ra vài ngày “nghiên cứu thị trường”, Tùng nắm được những điều cơ bản nhất về thị trường chứng khoán, cách “soi” hồ sơ, thông tin, chart (đồ thị) của một cổ phiếu, cách đặt lệnh/sửa lệnh... Rồi Tùng lên mạng xã hội YouTube để nghe các chuyên gia phân tích nên mua con nào, kế hoạch chơi ra sao…
Xuống tiền mua cổ phiếu HPG, chỉ sau vài phiên Tùng đã lời được gần 15%. “À, hóa ra chơi chứng khoán không khó như mình tưởng” - Tùng nghĩ vậy và ném sạch số tiền còn lại vào thị trường. “Cờ bạc đãi tay mới” - một tháng sau từ 300 triệu đồng ban đầu, Tùng đã có thêm hơn 90 triệu đồng. Tùng nhanh chóng “chốt lời" và cảm thấy lâng lâng vì đã chiến thắng thị trường.
Mấy hôm sau, nghe bạn bè khuyên gần cuối năm rồi, cổ đất (cổ phiếu thuộc ngành bất động sản) mới là mùa làm ăn. Nghe họ phím Tùng tất tay mua các mã cổ phiếu VIC (công ty Vincom), cổ phiếu NVL (Tập đoàn Novaland), cổ phiếu DLG (Đức Long Gia Lai)... với hy vọng sẽ có một cái “Tết ấm”.
Chẳng ngờ, chỉ sau vài phiên các cổ phiếu Tùng đang nắm giữ đã tuột dốc không phanh. Cho đến thời điểm hiện tại cả ba mã cổ phiếu trên đều giảm đến 40%. Công ty chứng khoán đã nhiều lần cảnh báo, yêu cầu Tùng nộp thêm tiền vào tài khoản, để tránh tình trạng bị “force sell" (bị giải chấp).
Dù bị thương ở tay, song nhà đầu tư vẫn quyết không bỏ giao dịch chứng khoán. |
Bỏ việc chơi chứng và cái kết…
Tổ dân phố số 15 (quận Long Biên, Hà Nội) có đôi vợ chồng anh Long chị Huyền từng được coi là "gia đình kiểu mẫu". Chị Huyền là giáo viên một trường mầm non, còn anh Long là giáo viên môn Toán một trường THPT. Nếu như theo công thức "1-2-3-4" (nghĩa là một vợ, hai con, nhà ba tầng, xe bốn bánh) thì gia đình anh chị cũng đạt luôn. Tuy thu nhập của hai vợ chồng chỉ tạm vừa đủ để duy trì cuộc sống, song căn nhà vẫn thường tràn ngập những câu cười đùa vui vẻ. Thỉnh thoảng anh chị còn mời bạn bè, người thân đến tổ chức nấu nướng ăn uống hết sức đầm ấm, vui tươi.
Từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, và đặc biệt là sau một thời gian Long bập vào "công việc" mới là đầu tư chứng khoán thì cuộc sống của “gia đình văn hóa” này đã bị đảo lộn hoàn toàn. Từ chỗ vui vẻ, hay hát Long trở nên lầm lì ít nói, hay cáu gắt và thậm chí còn thượng cẳng tay, hạ cẳng chân với vợ - điều mà khi yêu nhau cả hai không thể nào lại nghĩ đến một kết cục như thế này.
Kể lại với chúng tôi - khi mà khuôn mặt chị vẫn còn hai vành mắt bầm tím như gấu trúc - chị Huyền ấm ức. Đầu năm 2021 Long bàn với vợ rút hơn một trăm triệu tiền tiết kiệm để đầu tư chứng khoán. Lúc đầu chị Huyền can ngăn, vì trước nay hai vợ chồng chỉ biết tích cóp tiền để gửi tiết kiệm ngân hàng, cùng lắm là mua chỉ vàng cất giữ chứ biết cổ phiếu trái phiếu là cái gì mà mua với bán! Nhưng chồng chị gạt đi bảo, anh được một người bạn là broker công ty chứng khoán S. rất sành sỏi. Anh ta có nhiều kinh nghiệm, đặt biệt là có những thông tin "tay trong" và biết "đội lái" chuẩn bị đánh lên con gì. Mình cứ việc mua theo anh ta là "auto thắng".
Thấy chồng tỏ ra quyết tâm, hơn nữa cũng tin tưởng chồng và bạn chồng nên chị Huyền bằng lòng. Không ngờ anh Long càng đánh càng say. Cứ vài ngày anh lại mở tài khoản cho vợ xem hôm nay đã lãi bao nhiêu %. Tuy nhiên, đến tháng 7/2021 thị trường bước vào đợt downtrend (giảm giá) ngắn hạn. Toàn bộ list cổ phiếu anh Long nắm giữ giảm liên tiếp hàng chục phiên. Bao nhiên tiền lãi bay sạch, thậm chí anh còn mất đến 50% tiền vốn.
Thời điểm đó, chị Huyền đã thấy chồng khang khác song không dám nói gì. Hằng ngày chỉ dám "đi nhẹ nói khẽ cười duyên", vì biết chồng đang thua chứng khoán. Sang đến tháng 10/2021 thị trường lại bước vào đợt uptrend (tăng giá) mới, tài khoản của Long nhanh chóng "về bờ" (hòa vốn) và có lãi. Thế là anh lại vui vẻ, cười tươi như hoa nở cho đến tận Tết Âm lịch. Cái Tết đấy gia đình chị Huyền ăn tết to hơn mọi năm, vì Long lãi chứng khoán cả trăm triệu đồng.
Trước khi nghỉ Tết anh đã kịp thảy cho Hiệu trưởng lá đơn xin nghỉ việc. Anh tuyên bố từ nay đổi đời, không phải làm cái việc "tay mỏi chân chùng cổ họng khan" nữa. Từ giờ chị Huyền có thể nghỉ việc ở nhà để chăm chồng con. Còn anh sáng sáng uống cà phê ôm bảng điện tử để lướt sóng kiếm lời. Long nghiện đến nỗi có lần bị ngã xe gãy cả tay phải bó bột, song vẫn nhờ bác sĩ chừa cho một ngón không bó để vẫn có thể đặt lệnh!
Bi kịch ập đến mà cả hai vợ chồng Long - Huyền không tài nào có thể tưởng tượng nổi. Bắt đầu từ tháng 4/2022 thị trường chứng khoán Việt Nam bước vào giai đoạn downtrend dài hạn. Những "cá mập" hay nhà đầu tư tổ chức, có kinh nghiệm đã nhanh chóng rút khỏi thị trường. Long và hàng ngàn F0 (nhà đầu tư mới) không biết rằng thời gian qua họ lãi khi đầu tư chứng khoán chỉ đơn giản là đang trong một thị trường đầu cơ tăng giá. Và những ngày u ám ập đến khi cứ mở mắt là thấy danh sách cổ phiếu "nằm sàn" (giảm hết biên độ) hàng loạt. Nghe theo mấy người bạn, rằng sớm muộn gì thị trường cũng "cá hồi", Long vẫn ôm cả trăm ngàn cổ phiếu để đợi, không dám bán.
Trái với dự đoán của đa số nhà đầu tư, thị trường tiếp tục giảm hết tháng 5, tháng 6/2022. Thị trường có hồi lại một chút trong tháng 7, 8 song lại sập mạnh vào tháng 9 cho đến giữa tháng 11/2022. Trong suốt thời gian ấy, Long được broker động viên kiếm thêm tiền để "bắt đáy", mua trung bình giá đợi ngày "về bờ". Long giấu vợ mang giấy tờ sổ đỏ của căn nhà và xe ô tô đi "cắm" cho tín dụng đen, trả lãi 36-72%/năm để quyết tâm gỡ gạc. Tiếc rằng hàng chục tỷ đồng Long nướng sạch vào "ba chữ cái" mà anh vẫn chưa dò thấy đáy. Bế tắc, nhân lúc vợ và các con về quê chơi, Long nốc mấy vỉ thuốc ngủ…
(Còn tiếp)
Minh Tiến