Bài 3: Kinh nghiệm thế giới và giải pháp cho Việt Nam trong phát triển năng lượng sạch
Kinh nghiệm từ các nước Bắc Âu
Bắc Âu là khu vực có một số quốc gia bền vững nhất trên thế giới. Các nước Bắc Âu đã đạt được tất cả các mục tiêu năm 2020 trong Chỉ thị về năng lượng tái tạo của Liên minh châu Âu (EU) trước thời hạn, trong khi chỉ chưa đến một nửa số quốc gia thuộc EU đạt được mục tiêu này. Tỷ trọng năng lượng tái tạo ở các nước Bắc Âu cũng cao gấp gần 5 lần mức trung bình của EU.
Ông Thue Quist Thomasen – Chủ tịch phòng thương mại Bắc Âu tại Việt Nam cho biết: "Có tới hơn 3/4 lượng điện ở các quốc gia Bắc Âu đến từ các nguồn năng lượng tái tạo. Mỗi quốc gia đều có thể mạnh riêng: Thụy Điển và Phần Lan (sinh khối), Đan Mạch và Na Uy (thủy điện) và Iceland (địa nhiệt). Các nước Bắc Âu cũng đang dẫn đầu trong lĩnh vực vận tải khử các-bon, với nhiên liệu sinh học và xe điện là hai trong số những thành phần quan trọng nhất. Hiện hơn một nửa số ô tô mới được bán tại Na Uy là các mẫu xe điện hoặc xe hybrid".
Xe ô tô hybrid ở Na Uy. Ảnh internet |
Các nước Bắc Âu đã chỉ ra rằng, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững có thể song hành cùng nhau. Kể từ năm 2000, các nước Bắc Âu đã chứng kiến GDP tăng 28%. Trong khi đó, lượng khí thải các-bon giảm 18% so với cùng kỳ.
“Điều này chứng tỏ các quốc gia không nhất thiết phải chọn cái này hay cái kia. Tuy nhiên, điều này đòi hỏi phải có hành đồng phối hợp của chính phủ. Các nước Bắc Âu đạt được điều này thông qua việc tăng thuế đối với năng lượng gây ô nhiễm và đầu tư chuyển hướng sang năng lượng tái tạo”- ông Thue Quist Thomasen nhấn mạnh.
Đây không chỉ là về khử các-bon, mặc dù điều này rất quan trọng. Sau quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, các nước Bắc Âu hiện đang dẫn đầu thế giới về công nghệ sạch như động cơ điện, thành phố thông minh, thiết bị phát thải thấp, cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và sản xuất điện sạch. Thị trường này trị giá 280 tỷ USD vào năm 2017 và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai, tạo ra cơ hội thương mại mới cho các công ty trong những lĩnh vực này.
Ông Thue Quist Thomasen cũng đưa ra 3 khuyến nghị cho Việt Nam trong quá trình phát triển năng lượng sạch, chuyển dịch năng lượng.
Thứ nhất, khu vực tư nhân là trung tâm của quá trình chuyển đổi ở Bắc Âu sang tăng trưởng sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn. Bằng cách đó, các công ty của chúng tôi đã trở thành nhà lãnh đạo toàn cầu về công nghệ mới và các giải pháp môi trường. Việt Nam có thể xem xét tăng cường mối quan hệ với các doanh nghiệp Bắc Âu trong các lĩnh vực này để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, tăng cường chuyển giao kiến thức và hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị quốc tế.
Thứ hai, Việt Nam cần đầu tư nước ngoài nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện ngày càng tăng. Tuy nhiên, khung pháp lý vẫn chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tham gia thị trường diện năng lượng tái tạo. Việc giải quyết vấn đề của các thỏa thuận mua bản điện phi ngân hàng và giá bán điện cố định (FIT) –ở nhóm thấp nhất thế giới - sẽ giúp thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường.
Thứ ba, mặc dù Việt Nam được ưu đãi với nguồn tài nguyên thiên nhiên và tiềm năng tái tạo, nhưng cơ sở hạ tầng và kho lưu trữ cần được cải thiện. Do đó, chính phủ có thể khuyến khích khu vực tư nhân đầu tư nhiều hơn nhờ cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện cho tăng trưởng năng lượng tái tạo và đẩy nhanh quá trình chuyển dịch năng lượng.
Giải pháp cho phát triển năng lượng sạch bền vững ở Việt Nam
Trong thời gian qua từ 2017-2022, Chính phủ đã ban hành nhiều quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và điện mặt trời....Bên cạnh đó, đầu tư vào phát triển năng lượng tái tạo được hưởng ưu đãi đầu tư theo pháp luật về đầu tư và được ưu đãi thuế trong 15 năm.
Để có cơ sở đầu tư, phát triển trong thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo hoàn thiện Qui hoạch điện lực quốc gia (Qui hoạch điện 8) để phê duyệt. Theo đó, hệ thống điện Việt Nam sẽ phát triển theo hướng xanh, bền vững, phù hợp với các cam kết tại COP26 đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và việc phát phát triển điện từ gió, mặt trời tiếp tục được khai thác tối đa, hiệu quả với giá hợp lý. Cơ chế đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp cũng đang được để xuất xem xét. Theo dự thảo Qui hoạch điện 8, hàng chục ngàn MW nhiệt điện than được đề nghị loại khỏi qui hoạch, với phương án điều hành, phụ tải cao và chuyển đổi năng lượng, đến năm 2045 tỷ lệ điện gió và điện mặt trời chiếm khoảng 50% tổng công suất toàn hệ thống.
Cơ sở hạ tầng cho phát triển xe ô tô điện đang từng bước được hoàn thiện |
Để có thể huy động nguồn năng lượng tái tạo tối ưu, chất lượng, đảm bảo mục tiêu phát triển đặt ra, Bộ Công Thương hiện đang nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về chính sách và phát triển cơ sở hạ tầng. Cụ thể:
Về chính sách: Sửa đổi bổ sung Luật Điện lực để hoàn chỉnh cơ chế chính sách, pháp luật về đầu tư, đấu thầu phát triển nguồn điện và lưới điện truyền tải phục vụ đầu nổi. Trong đó, cơ chế phát triển năng lượng tái tạo chuyển dịch từ chính sách hỗ trợ ban đầu để thúc đẩy phát triển thị trường sang chính sách đấu thầu cạnh tranh khi quy mô, trình độ thị trường đã thay đổi, để thị trường quyết định giá công nghệ, giá điện nhằm phản ánh sát và kịp thời sự thay đổi về công nghệ của thị trường thế giới.
Hệ thống lưới điện không ngừng được đầu tư phát triển |
Ngoài ra, từ các cam kết tại COP 26, Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ ngành thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia Tăng trưởng xanh. Một loạt các chương trình, đề án xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo đang được chỉ đạo thực hiện, nghiên cứu trong thời gian tới như: Quy hoạch tổng thể về năng lượng phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính; quy hoạch điện lực quốc gia phù hợp với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tiến tới loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2040; xây dựng quy định, chế tài hàng năm đối với việc áp dụng tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo (Renewable Portfolio Standard) cho các đơn vị sản xuất điện, phân phối điện phù hợp với mục tiêu giảm phát thải; hoàn thiện các thị trường năng lượng cạnh tranh, xây dựng cơ chế giá hiệu quả, hoàn thiện cơ chế dịch vụ phụ trợ và lưu trữ năng lượng…
Như vậy, từ chiến lược tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, xu hướng chuyển đổi năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam tiếp tục được đẩy mạnh và tập trung phát triển trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo bà Kanni Wignaraja- Trợ lý tổng thư ký Liên hợp quốc- Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNDP cho rằng, bên cạnh công tác hoàn thiện về hành lang pháp lý, cơ chế chính sách, Việt Nam không thể phó mặc cho thị trường. Chính phủ cần đóng vai trò là nhà đầu tư sớm và hấp thụ rủi ro trong cơ sở hạ tầng vật chất thiết yếu, đồng thời tạo môi trường đầu tư hấp dẫn cho các dự án.
Cần phải viện trợ cho lưới điện quốc gia thông minh, hầu hết các nước đang phát triển, bao gồm cả ở Việt Nam, lưới điện quốc gia hiện tại không thể đáp ứng được nguồn cung cấp thêm. Đầu tư vào lưới điện là điều kiện tiên quyết để đầu tư bền vững vào năng lượng tái tạo.
Phát triển lưới điện thông minh đang được ngành Công Thương triển khai thực hiện |
Bên cạnh đó, để đầu tư nâng cấp lưới điện, ngoài thuế và trái phiếu trong nước, có thể huy động từ thuế các-bon. Nếu được thực hiện tốt, thuế các-bon không chỉ tạo ra nguồn thu lá cho vốn đầu tư công, mà còn khuyến khích các doanh nghiệp và hộ gia đình sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Một hệ thống thương mại khí thải, giới hạn tổng lượng khí thải nhưng cho phép các ngành phát thải thấp bán lượng tín chỉ, phát thải của họ cho các ngành sử dụng nhiều các-bon hơn, là giải pháp tốt nhất, nhưng đòi hỏi chi phí giám sát và thực thi cao. Hướng tới một thị trường các-bon minh bạch là một mục tiêu có thể đạt được đối với Việt Nam.
Tiếp theo Việt Nam cần giảm và loại bỏ trợ cấp nhiên liệu hóa thạch từ lâu đã là một chi phí cao đối với ngân sách công. Trợ cấp nhiên liệu cho các hộ gia đình nghèo nhất có thể là sự hỗ trợ mục tiêu thông qua người sử dụng lao động hoặc các nguồn khác.
Cùng với đó, trái phiếu xanh là một lựa chọn khác cho các dự án đầu tư công, đặc biệt là những dự án đòi hỏi nhập khẩu tư liệu sản xuất và công nghệ. Nếu nhà đầu tư thực sự quan tâm đến trái phiếu xanh, họ có thể cung cấp một giải pháp thay thể hiệu quả về chi phi cho các nguồn vay khác.
Cuối cùng, Việt Nam cần thành lập ngân hàng năng lượng quốc gia. Nhiều nước đã thành lập các ngân hàng chuyên biệt để cung cấp tài chính dài hạn cho các dự án năng lượng. Các ngân hàng này cung cấp dịch vụ bảo lãnh khoản vay ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính có cấu trúc cho các dự án chậm triển khai và nhận cổ phần trong các dự án mang lại lợi ích xã hội quan trọng, như KfW ở Đức, BDNES ở Brazil, hay Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc. Họ có thể vay với giá rẻ trên thị trường vốn trong nước và quốc tế, rồi sử dụng sức mạnh tài chính của mình để kích thích hoạt động cho vay trong nước của các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính khác. Đây là một lựa chọn tiềm năng cho Việt Nam.
Theo Báo Công Thương
Việt Nam tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch Việt Nam đang trong tiến trình chuyển đổi năng lượng sạch với tốc độ ngày càng nhanh và được coi là quốc gia dẫn đầu về chuyển đổi năng lượng sạch ở Đông Nam Á. |
-
Đức nỗ lực củng cố ngành công nghiệp điện gió
-
Sửa đổi Luật Điện lực: Yêu cầu xuất phát từ thực tiễn
-
EVNHANOI đảm bảo điện phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
-
Đóng điện nhánh rẽ đường dây 220kV đấu nối từ trạm biến áp 500kV Chơn Thành
-
Đầu tư hydro phát thải thấp: Thách thức cũng là cơ hội cho doanh nghiệp