ATM sắp hết thời?
Xu hướng sử dụng thẻ ngân hàng để thanh toán qua máy cà thẻ (POS) hiện đang có chiều hướng ra tăng. Nhiều người cũng đã chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang các ví điện tử để thanh toán trên các thiết bị điện thoại thông minh. Sự dịch chuyển này đã khiến cho các ngân hàng phải giảm máy ATM để cơ cấu lại hệ thống thanh toán, trong khi đó, số lượng máy POS đã tăng lên 4.000 máy trong năm 2020.
Thanh toán qua máy cà thẻ ngày càng được sử dụng nhiều hơn |
Theo các chuyên gia, đây là kết quả của quá trình phát triển thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Cụ thể, ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Mục đích của Quyết định này là đưa ra các giải pháp đồng bộ, giao trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ngành chức năng và các địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt về TTKDTM trong nền kinh tế, thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt sang sử dụng các phương tiện TTKDTM, phương thức thanh toán điện tử.
Để thực hiện TTKDTM, thời gian qua, các ngân hàng đã tập trung đầu tư phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ và dịch vụ ngân hàng điện tử, thanh toán di động, phát triển mọi kênh Internet Banking, Mobile Banking, kết nối cùng ví điện tử và phát triển điểm chấp nhận thanh toán qua POS… Một số sản phẩm dịch vụ đã được ứng dụng trí tuệ nhân tạo và đang được nhiều TCTD quan tâm phát triển mở rộng, áp dụng phổ biến hơn trong đời sống tiêu dùng của người dân.
Ngoài ra, năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát cũng đã thúc đẩy dịch vụ ngân hàng điện tử cùng các phương thức thanh toán không tiếp xúc phát triển mạnh, người dân sử dụng hình thức TTKDTM nhiều hơn, nhằm hạn chế tiếp xúc để tránh lây lan dịch bệnh.
Giá trị giao dịch qua hệ thống ATM và POS đến quý 3/2020 (Nguồn: Vụ Thanh toán - NHNN) |
Trong năm qua, việc mở và sử dụng tài khoản cá nhân tiếp tục gia tăng. Theo thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 30 triệu người sử dụng hệ thống thanh toán ngân hàng mỗi ngày, tốc độ tăng trưởng dịch vụ ngân hàng di động (Mobile Banking) thời gian qua là 200%. Đến nay, đã có trên 76 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 41 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động.
Theo thống kê của NHNN, đến cuối tháng 11 năm 2020, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 1.044 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 10,9 triệu tỷ đồng (tăng 118,5% về số lượng và 121% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua Internet đạt gần 421,8 triệu giao dịch với giá trị đạt hơn 24,6 triệu tỷ đồng (tăng 10,8% về số lượng và 24,4% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2019). Kênh thanh toán di động và ngân hàng trên Internet bùng nổ cho thấy lợi ích của TTKDTM đã bắt đầu được người dân nhận thức và trở thành thói quen, là lựa chọn quyết các phương thức thanh toán khi giao dịch tiêu dùng.
NHNN cũng đã cấp phép hoạt động các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính. Hệ thống ATM, POS tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng.
Tuy nhiên, như từ trước đến nay đã phản ánh, đối với hệ thống ATM, phần lớn người dân sử dụng máy ATM chủ yếu là cho các giao dịch rút tiền mặt, việc thanh toán qua hệ thống ATM còn rất hạn chế. Một chuyên gia nhận định nếu ATM không phát triển thành ADM (máy giao dịch tự động hỗ trợ các giao dịch tài chính 24/7) hoặc không có gì tiến bộ trong công nghệ, tích hợp để trở thành một phái sinh của Livebank, thì đó vẫn sẽ chỉ là những điểm đựng tiền mặt cố định. Trong tương lai khi xu hướng tiền mặt thực sự giảm đi trong nền kinh tế, công nhân và người dân không dùng ATM để...rút tiền lương, thì rất có thể ATM cũng sẽ biến mất.
Theo enternews.vn