Châu Âu - sự trở lại của chủ nghĩa dân túy
Những chiến thắng liên tiếp của chủ nghĩa dân túy cuối năm 2023 đang tạo thành xu hướng khiến Liên minh châu Âu (EU) chặt tay hơn với người nhập cư, bớt hỗ trợ Ukraina và đề cao bản sắc dân tộc thay vì những giá trị chung như nó vốn dĩ.
ổng thống Serbia Aleksandar Vucic (giữa) phát biểu trong buổi họp báo tại trụ sở Đảng Tiến bộ Serbia (SNS) ở Belgrade, ngày 17-12-2023_Ảnh: AFP |
Kết năm với 3 chiến thắng liên tiếp
Ba chiến thắng liên tiếp trong các cuộc bầu cử ở châu Âu vào quý cuối cùng của năm 2023 khiến ít ai còn nghi ngờ về sự trở lại của các lực lượng dân túy trong năm 2024 trên châu lục vốn đậm màu xanh thanh bình suốt 80 năm nay này. “Châu Âu là một cộng đồng chứ không phải một thực thể thống nhất. Mỗi dân tộc chúng tôi có bản sắc của riêng mình. Những người nhập cư đã đến và làm cho bản sắc của chúng tôi trở nên mờ nhạt. Họ còn cướp lượng việc làm ít ỏi của chúng tôi. Các ông chủ bên kia Đại Tây Dương còn lôi kéo chính phủ chúng tôi vào những cuộc phiêu lưu tốn kém và gần như không có lợi ích gì cho đất nước này”, một người Hà Lan hét vào ống kính truyền hình trong khi ăn mừng chiến thắng tại Amsterdam hôm 23-11-2023. Tiếng thét đó như một lời tuyên bố phủ định đường lối của các chính phủ châu Âu đương nhiệm, đòi hỏi một con đường mới, chú trọng hơn tới bản sắc, việc làm và độc lập trong chính sách đối ngoại. Hai kẻ thù của những khó khăn hiện nay đã được chỉ ra và phải có giải pháp ngay: mạnh tay hơn với người nhập cư và bớt nghe lời hơn với “những lời dỗ dành” từ bên kia Đại Tây Dương.
Chiến thắng gần nhất của các lực lượng dân túy diễn ra hôm 17-12, khi Đảng Tiến bộ cầm quyền Serbia (SNS) của Tổng thống Aleksandar Vucic giành thắng lợi với 47% số phiếu, bảo đảm số ghế cần thiết trong quốc hội cho việc nắm quyền. Đây là kết quả tốt nhất kể từ khi Serbia có hệ thống đa đảng đến nay. Ông A. Vucic được cho là có lập trường chống phương Tây và quan hệ thân thiện thái quá với Nga. Tuy nhiên, lập trường đó lại được người dân Serbia ủng hộ. Liên minh đối lập Serbia chống bạo lực (SPN) tập hợp 15 đảng (hầu như tất cả các đảng còn lại) chỉ có được gần 23% số phiếu.
Trước đó, Đảng Vì Tự do của Geert Wilders - nhà dân túy cực hữu và từng tuyên bố sẽ ngăn chặn tất cả người nhập cư vào Hà Lan - đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nước này hôm 22-11-2023. Đảng giành 35/150 ghế trong quốc hội, nhiều hơn hẳn Đảng Lao động và Đảng Xanh. Trong phát biểu mừng chiến thắng, ông Wilders thề sẽ “chấm dứt cơn sóng thần tị nạn và nhập cư. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới chấm dứt được tình trạng thiếu hụt nhà ở, bất ổn về chi phí sinh hoạt và quá tải cho hệ thống y tế”.
Ông G. Wilders cũng chống EU và hứa sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để ra khỏi tổ chức này, kêu gọi Hà Lan kiểm soát biên giới, giảm đáng kể các khoản đóng góp cho liên minh này và ngăn chặn sự gia nhập của thành viên mới. Ông cũng nhiều lần nêu quan điểm nên ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraina vì nước ông cũng cần vũ khí để có thể tự vệ; kêu gọi cấm các nhà thờ Hồi giáo, kinh Quran và việc quấn khăn trùm Hồi giáo trong các tòa nhà công vụ.
Cùng lập trường phản đối người nhập cư và kêu gọi hòa bình cho Ukraina, cựu Thủ tướng Robert Fico của Slovakia đã quay lại cương vị của mình sau khi Đảng Smer-SD của ông giành được 42/150 ghế tại quốc hội trong cuộc bầu cử ngày 30-9 và thỏa thuận thành công với 2 đảng khác để giành đủ đa số ghế nghị viện. Ông R. Fico không ngần ngại thể hiện sự ủng hộ với Nga trong các cuộc vận động tranh cử, chỉ trích phương Tây vì hỗ trợ Ukraina, thẳng thừng tuyên bố sẽ ngừng gửi vũ khí tới Ukraina, ngăn chặn nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thúc đẩy đàm phán hòa bình. Ông R. Fico cũng chỉ trích các lệnh trừng phạt đối với Nga, bảo vệ quyền phủ quyết của các quốc gia ở EU.
“Họ (phương Tây) sẽ không thể kéo chúng tôi vào những cuộc phiêu lưu của họ, cho dù đó là di cư hay quân sự”, ông R. Fico nói khi đi bỏ phiếu. Ông tin tưởng “lẽ thường” sẽ chiến thắng.
Mở rộng ảnh hưởng
Đây không phải lần đầu tiên các chính khách dân túy giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử ở châu Âu. Hơn 1 năm trước, nữ chính khách Giorgia Meloni đã đưa Đảng Anh em Italia của bà giành thắng lợi vang dội trong cuộc bầu cử ngày 25-9-2022 và lên làm thủ tướng.
Ý tưởng phản đối người nhập cư, cũng như “cần hiểu người Nga hơn” trong cuộc xung đột quân sự mà họ tiến hành ở Ukraina đã khiến lãnh đạo EU nín thở, còn cử tri Italia thì hoan nghênh nhiệt liệt.
Tuy nhiên, sau khi lên nắm chính quyền, bà Meloni đã thực thi một chính sách mềm dẻo hơn, gần với quan điểm chung của EU hơn, bởi “không thể đơn độc đối đầu với tất cả”. Báo chí phương Tây lập tức đánh giá “làn sóng dân túy đã bị chặn lại chính ở nơi nó vừa chiến thắng”. Thế nhưng 3 cuộc bầu cử cuối năm ngoái cho thấy làn sóng đó chưa hề “bị chặn lại”. Nó chỉ chùng xuống để chờ những ngọn sóng mới.
Cùng với chiến thắng ở Slovakia, Hà Lan và Serbia, các lực lượng dân túy châu Âu vẫn đang ra sức mở rộng ảnh hưởng tại các quốc gia của mình. Hungary trước sau như một kiên định với lập trường của mình trong vấn đề người nhập cư và xung đột Nga - Ukraina. Thổ Nhĩ Kỳ - thành viên NATO và luôn tự coi mình là một nước châu Âu - không tham gia cấm vận trừng phạt Nga như chủ trương chung của EU.
Ở 2 đầu tàu EU là Đức và Pháp, chủ nghĩa dân túy cũng bành trướng mạnh mẽ. Tình hình kinh tế - xã hội và tâm trạng khá ảm đạm ở Đức khiến uy tín Đảng Con đường khác cho nước Đức (AfD) tăng vọt. Theo khảo sát gần nhất của Infratest, 55% số người ở các bang Đông Đức sẽ chấp nhận một chính quyền tiểu bang có sự tham gia của Đảng AfD, còn ở các bang Tây Đức cũ, tỷ lệ này là 44%.
Năm nay sẽ có các cuộc bầu cử nghị viện bang ở Thüringen, Brandenburg và Sachsen, dự kiến đảng này sẽ thu được 32 - 37% số phiếu. Đây là con số khiến những ai từng phẩy tay coi thường hồi AfD mới thành lập (năm 2013) phải giật mình vì khuynh hướng dân túy và cực đoan thiên hữu lại được người dân Đức ủng hộ nhiều như vậy.
Tại Pháp, sau khi dẫn đầu vòng 1 và chỉ thua ứng viên Emmanuel Macron trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống năm 2022, bà Marine Le Pen vẫn chủ trương phải sửa đổi Hiến pháp và đưa nguyên tắc “ưu tiên cho người Pháp” vào đạo luật cơ bản này. Bà vẫn tiếp tục bài xích người nhập cư, chê trách Tổng thống Macron quá lụy Mỹ trong cách nhìn về cuộc xung đột quân sự Nga - Ukraina và chờ đợi một cơ hội phục thù.
Và cuộc phục thù ấy sẽ diễn ra từ ngày 6 đến 9-6-2024, khi 400 triệu cử tri EU đi bầu Nghị viện Liên minh châu Âu nhiệm kỳ 2024 - 2029. 700 ghế nghị viên sẽ được phân bổ theo các quốc gia, nhưng từng nghị viên sẽ mang theo quan điểm chính trị của mình vào nghị trường. Với làn sóng thắng thế đang dâng lên của chủ nghĩa dân túy, khó có thể mong đợi một EU tiếp tục bao dung với người nhập cư, ủng hộ làm căng với Nga và đánh đổi bản sắc quốc gia cho những giá trị chung của châu lục.
Đăng Bảo