Người nổi tiếng đừng tạo ra bi kịch
(PetroTimes) - Thật ra thì có những nghệ sĩ, người mẫu không phải là người nổi tiếng, không hoàn toàn đúng khi được gọi là nghệ sĩ nổi tiếng. Họ chỉ là người được nhiều người biết mặt, biết tên mà thôi. Nhưng họ đã nhầm và tự tạo ra bi kịch.
Ngọc Trinh tại cơ quan điều tra. |
Nổi tiếng thì tốt, nhưng mang tiếng thì sửa suốt đời. Trong thời công nghệ số, thời của trí tuệ nhân tạo (AI) mọi chuyện hay dở đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Cho nên hình ảnh, việc làm, lời nói của người nổi tiếng, người có nhiều fan hâm mộ dễ được chú ý, được phát tán, có khi bùng lên cơn sốt trên mạng xã hội.
Mới đây người mẫu Ngọc Trinh bị bắt do có hành vi gây rối trật tự công cộng. Mấy ngày sau trên mạng xuất hiện clip hai nghệ sĩ là anh em ruột Quốc Cơ - Quốc Nghiệp chạy xe không đội mũ bảo hiểm, chồng đầu lên nhau để quảng cáo xe máy. Thế là hai “Hoàng tử xiếc” lại “chiếm sóng”. Nhưng không vì thế mà người ta quên nhắc đến Ngọc Trinh. Chung quanh sự việc cô người mẫu này biểu diễn trên xe máy khiến cho bao nhiêu “anh hùng bàn phím” bàn nát chuyện. Quá đà, họ lái sang hướng khác, nào là chuyện liên quan kinh tế, chuyện tình ái, chuyện hội nhóm hại nhau.
Có người chép miệng, thật khổ cho người nổi tiếng. Vâng giá như không phải là người “một nửa dân số quen mặt” thì khi bị cơ quan chức năng bắt giữ đâu có được mạng xã hội săn đuổi đến thế. Một nữ diễn viên xinh đẹp lấy chồng, cả mấy tháng trời mạng xã hội và mấy tờ báo nghe tên lạ hoắc chạy theo đưa tin đến từng ngày. Chuyện đôi trẻ đi sắm váy cưới, đi du lịch, đi nhà hàng; chuyện Ủy ban phường trao đăng ký kết hôn; chuyện vợ cũ của chàng đánh ghen; chuyện cô dâu chân dài bụng đã lùm lùm... Buồn thay, báo chí chả còn chuyện gì sao?
Chắc chắn rằng khi xảy ra các chuyện lùm xùm thì nhân vật trung tâm trong các thị phi là người khổ nhất và buồn nhất. Vì bỗng đâu có một ngày hòn gạch từ đâu rơi trúng lưng mình, thau nước bẩn dội trúng đầu mình. Có một nghệ sĩ hài lừng danh đã gọi phây-búc (facebook) là “phây tức”, vì nó gây cho chị bao nhiêu phiền toái. Chị chả dám dùng “phây”, dùng zalo nữa mà cũng không được buông tha.
Đấy là chuyện “sinh nghề tử nghiệp”. Ở các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Công... đều đã có những ngôi sao ca nhạc, diễn viên điện ảnh từng bị sốc nặng, trầm cảm, dẫn đến tự tử cũng chỉ vì bị vu cáo, bị thị phi. Trước đó, họ từng là những nghệ sĩ nổi tiếng, từng bao năm phải chịu đựng một lịch trình biểu diễn dày đặc, vắt kiệt cảm xúc để thành công vai diễn, để làm hài lòng khán giả.
Thế nhưng, ở chiều ngược lại cần phải nói rằng, hơn ai hết những người nổi tiếng phải cẩn trọng, giữ gìn hình ảnh của chính mình, để tránh những bi kịch. Giữ gìn trong đời sống, trong nghề nghiệp là chuyện lớn, nhưng còn những chuyện nhỏ mà không nhỏ chút nào, ấy là hành động, là lời ăn tiếng nói. “Hỏa hoạn từ mồm mà ra”, một hoa hậu từng bị chê trách, phán xét nặng nề chỉ vì câu nói hớ hênh đặt mình ngang với các danh nhân lịch sử, văn hóa. Một biên tập viên truyền hình từng lao đao khi trót gọi người buôn bán là sống ký sinh ở vỉa hè (!). Còn hành động phản cảm, không nên thì có thể dẫn ra rất nhiều.
Biết mình, biết người, biết dừng, biết đủ, biết biến là “ngũ tri” luôn đúng với mọi thời. Hãy quên cái gọi là “thiên tài đang say ngủ” trong con người mình. Những người tài năng thật sự bao giờ cũng nhận rõ cái hữu hạn của mình. Là người của công chúng càng phải thận trọng hơn, phải hai lần tỏ ra là người có văn hóa ứng xử đẹp. Cụ thể hơn một chút, đối với những người trẻ, có sức ảnh hưởng (influential person) khi sử dụng mạng xã hội cần cẩn trọng trong việc đăng tải nội dung, cân nhắc khi đưa hình ảnh. Chỉ cần vội vã, đơn giản khi đăng tải, phát tán nội dung có ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử thì sẽ tác động rất xấu đến cộng đồng và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Mỗi con người chỉ thật sự hạnh phúc khi gắn bó với gia đình, cộng đồng. Mọi hành động của mỗi người dù tự do đến mấy cũng phải trong khuôn khổ của pháp luật và đạo lý. Trên mạng xã hội hay trong đời sống cũng là như vậy. Từ trí thông minh, văn hóa ứng xử, sự lịch lãm của mỗi công dân mà góp phần hình thành nên văn hóa của một xã hội, một quốc gia, lớn hơn là văn minh, văn hiến dân tộc. Các danh nhân văn hóa thế giới bao giờ cũng là một con người bình thường. Chính họ lao động bền bỉ, không ngừng sáng tạo để tạo nên giá trị chứ không dựa vào các giá trị để tôn cao chỗ đứng của mình. Họ được ví như những “tấm giấy thông hành” của dân tộc.
Mong sao có thêm những nhà văn hóa lớn như thế trong thời đại mới. Cái tốt sẽ chiến thắng cái xấu. Ánh sáng sẽ đẩy lùi bóng tối.
Trẻ em - Nạn nhân của những thông tin xấu độc |
Xã hội bất ổn vì pháp luật, đạo đức đang bị vi phạm nghiêm trọng |
Hải Đường