Doanh nghiệp đang “đỏ mắt” chờ chính sách trợ lực
“Doanh nghiệp hiện rất khó khăn, số lượng rút lui khỏi thị trường tăng mạnh. Giải pháp cấp thiết lúc này là các chính sách trợ lực như giảm thuế GTGT 2% cho mọi nhóm hàng có thuế suất 10%...”.
Đó là chia sẻ TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường Đại học Kinh tế thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội xung quanh những giải pháp trợ lực cho doanh nghiệp trước tình trạng doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn do nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế sụt giảm.
Số liệu thống kê kinh tế quý I/2023 cho thấy sức khỏe hàng vạn doanh nghiệp đang suy yếu. Ảnh minh họa |
Theo TS Nguyễn Quốc Việt, có gần 149.000 lao động bị mất việc trong quý I/2023. Do đó, cần các giải pháp hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp và người dân. Trong đó, tiếp tục giảm thuế GTGT 2% cho mọi nhóm hàng có thuế suất 10% là giải pháp dễ thực hiện và hiệu quả, tạo cầu cho doanh nghiệp trong lúc đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, đồng thời, khoan thư sức dân để có tích lũy cho đầu tư tương lai.
Theo đó, số liệu thống kê kinh tế quý I/2023 cho thấy sức khỏe hàng vạn doanh nghiệp đang suy yếu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) giảm 2,2%; số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 56.946 doanh nghiệp, giảm 5,4%; số doanh nghiệp thành lập mới là 33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022, trong khi có 60.241 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, tăng 17,4%.
Tại Hà Nội, IIP quý I tăng 0,8%, mức tăng thấp trong 4 năm trở lại đây. Chỉ số tiêu thụ sản phẩm giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước do sức mua yếu, thị trường đầu ra trong quý gặp khó khăn. Trong đó, một số ngành sản xuất có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như máy móc, thiết bị giảm 40,9%; trang phục giảm 32,2%; kim loại giảm 30,6%... Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tính đến ngày 31/3 tăng 15,1% so với cuối quý I/2022.
Tại TP HCM, ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM (HUBA) cho biết, ngành lương thực thực phẩm dự báo doanh số quý I/2023 giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm trước do giảm cầu xuất khẩu lẫn nội địa; ngành dệt may ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm trên 8% so với cùng kỳ. Hiện có khoảng 40% doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng trong tình trạng không hoạt động được.
Trước khó khăn chung của nền kinh tế và của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ vừa chỉ đạo Bộ Tài chính xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất năm 2023. Tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền trước ngày 15/4/2023 để xem xét, thực hiện các giải pháp về miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất áp dụng cho năm 2023, trong đó nghiên cứu, đề xuất cả việc giảm thuế GTGT.
Trước đó, tại Tờ trình Chính phủ ngày 30/3/2023 về Dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023, Bộ Tài chính đề xuất: gia hạn 5 - 6 tháng nộp thuế GTGT với các cách tính khác nhau, tổng số thuế GTGT khoảng 64 - 65 nghìn tỷ đồng; gia hạn 3 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp với số thuế được gia hạn khoảng 42.800 - 43.600 tỷ đồng; gia hạn nộp thuế với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh với số thuế khoảng 272 tỷ đồng; gia hạn nộp tiền thuê đất, thuê mặt nước khoảng 3.500 tỷ đồng.
Trước yêu cầu của Chính phủ, Vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính cho biết vừa có văn bản gửi Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan về chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2023.
Theo đó, Vụ Chính sách thuế đưa ra 2 phương án. Cụ thể, phương án 1, giảm 2% mức thuế suất GTGT đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%). Phương án hai, giảm 2% mức thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất GTGT 10%, trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã áp dụng trong năm 2022 theo Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Về thời gian thực hiện, Vụ Chính sách thuế đề xuất kể từ khi chính sách được ban hành (dự kiến 1/7) đến hết ngày 31/12/2023.
Xung quanh vấn đề này, TS Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp rất bế tắc về phương án kinh doanh khi chi phí sản xuất đắt đỏ, sức cầu thấp. Các giải pháp gia hạn nộp thuế không có nhiều ý nghĩa khi giá thành hàng hóa và dịch vụ vẫn cao khiến doanh nghiệp không bán được hàng. Do đó, từ năm ngoái, Hiệp hội đã có văn bản kiến nghị tiếp tục giảm thuế GTGT 2% trong năm 2023 để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp nhưng Bộ Tài chính và các cơ quan chức năng không trả lời.
“Rất đáng mừng là Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phải tính toán phương án giảm thuế GTGT. Theo tôi, nên giảm thuế GTGT đồng đều với tất cả các ngành có mức thuế 10% xuống 8% để dễ dàng và đơn giản trong thực hiện”, ông Mạc Quốc Anh chia sẻ.
Theo Diễn đàn doanh nghiệp
Nghịch lý doanh nghiệp cạn tiền, ngân hàng thừa vốn |
Giải pháp nào để doanh nghiệp phục hồi và phát triển? |
Chính sách thuế góp phần giúp doanh nghiệp phát triển và đẩy mạnh hội nhập |