Châu Phi:
Năng lượng tái tạo sẽ thay thế than đá vào năm 2025?
(PetroTimes) - Trong ấn bản “Báo cáo Thị trường điện năm 2023”, công bố ngày 12/2, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính: Vào năm 2025, năng lượng tái tạo sẽ thay thế than đá, để trở thành nguồn điện chính yếu thứ hai của châu Phi.
Thật vậy, vào năm 2025, tỷ trọng điện từ các nguồn tái tạo sẽ chiếm 30% tổng cơ cấu sản lượng điện của châu Phi, tăng lên từ 24% (ghi nhận năm 2021). Trong cùng giai đoạn, tỷ trọng điện nhiệt than dự kiến sẽ giảm từ 28% xuống còn 24%.
Cụ thể, trong giai đoạn năm 2023 - năm 2025, sản lượng điện tái tạo dự kiến sẽ tăng hơn 60 TWh.
Báo cáo cũng nhấn mạnh, khí đốt tự nhiên vẫn sẽ là nguồn điện chính ở châu Phi vào năm 2025. Sản lượng nhiệt điện khí sẽ tăng khoảng 30 TWh trong giai đoạn năm 2022 - năm 2025, đạt tổng cộng gần 400 TWh. Tuy nhiên, vào năm 2025, do sự mở rộng của năng lượng tái tạo, tỉ trọng khí đốt tự nhiên sẽ chỉ chiếm 41% trong cơ cấu điện, so với 42% của năm 2021.
Mặt khác, điện nhiệt than dự kiến sẽ duy trì ổn định trong mức 240 TWh, nhưng tỷ trọng vẫn sẽ giảm, từ 28% trong năm 2021, xuống còn 24% vào năm 2025.
Ngoài ra, IEA dự kiến mức tăng trưởng nhu cầu điện trên lục địa này sẽ đạt hơn 3% vào năm 2023, đặc biệt nhờ có sự cải thiện trong năng lực sản xuất ở Nam Phi. Tình hình kinh tế vĩ mô cũng sẽ cải thiện nhẹ, rồi đạt mức bình quân hàng năm là 4,5% vào năm 2024 và 2025.
Trong năm 2022, tăng trưởng nhu cầu điện ở châu Phi là 1,5%. Con số này thấp hơn so với dự báo ban đầu của IEA (4%). Nguyên nhân là do tăng trưởng kinh tế chậm lại, trong bối cảnh giá thành năng lượng và lạm phát tăng cao. Ngoài ra, mức tiêu thụ điện ở Nam Phi suy giảm, do sử dụng các nhà máy nhiệt điện than cũ và ít được bảo trì.
Nhu cầu thúc đẩy nhờ có các nền kinh tế mới nổi
Báo cáo cũng tiết lộ: Nhu cầu toàn cầu tiếp tục có xu hướng tăng. Trong năm 2022, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại một chút, bởi ảnh hưởng từ bối cảnh khủng hoảng năng lượng và kinh tế khó khăn. Dù vậy, lượng nhu cầu sẽ tăng tốc trở lại, và đạt mức bình quân hàng năm là 3% trong giai đoạn năm 2023-2025.
Các nền kinh tế mới nổi sẽ đóng vai trò thúc đẩy trong bối cảnh này: 70% nhu cầu bổ sung này sẽ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Đông Nam Á trong 3 năm tới.
Theo dự kiến của IEA, nhu cầu của các nền kinh tế phát triển cũng sẽ tăng. Đặc biệt là khi các quốc gia này đang chuyển sang sử dụng nhiều điện hơn thay vì nhiên liệu hóa thạch, nhất là trong lĩnh vực giao thông vận tải.
Tuy nhiên, từ nay cho đến năm 2025, năng lượng carbon thấp (năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân) sẽ đáp ứng hơn 90% nhu cầu bổ sung toàn cầu, còn sản lượng điện tái tạo sẽ tăng 9%/năm.
Năng lượng tái tạo có mức tăng trưởng cao hơn của tất cả các nguồn năng lượng khác cộng lại. Do đó, trên quy mô toàn cầu, tỷ trọng của loại năng lượng này sẽ tăng từ 29% vào năm 2022 lên 35% vào năm 2025.
Còn hoạt động sản xuất điện hạt nhân dự kiến sẽ tăng trưởng trung bình 3,6%/năm.
IEA dự đoán, Trung Quốc sẽ đóng góp hơn 45% vào mức tăng trưởng năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, theo sau là Liên minh châu Âu với 15%.
Hoạt động sản xuất nhiệt điện khí và than trên quy mô toàn cầu dự kiến sẽ duy trì ổn định trong 3 năm tới.
Ngọc Duyên