Giá xăng dầu hôm nay 4/12: Giá dầu thô có tuần tăng giá mạnh
(PetroTimes) - Sau 3 tuần giảm giá liên tiếp, giá dầu thô đã có tuần đã có tuần tăng giá mạnh nhờ kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu phục hồi và đồng USD mất giá.
Ảnh minh hoạ |
Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 28/11 với xu hướng giảm nhẹ, trượt về mức thấp nhất 10 tháng trong bối cảnh thị trường dấy lên nhiều lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu của Trung Quốc.
Theo các dữ liệu thống kê, Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới, đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày cao kỷ lục vào ngày 25/11. Diễn biến tiêu cực của dịch Covid-19 khiến nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp của Trung Quốc tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại và các biện pháp phòng chống dịch khác. Các biện pháp này bắt đầu tác động tiêu cực đến nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu tại quốc gia này và được dự báo sẽ tạo tác động trầm trọng hơn nếu như các biện pháp này kéo dài.
G7 được cho là sẽ xem xét áp giá trần với dầu thô Nga vận chuyển bằng đường biển trong khoảng 65-70 USD/thùng. Trong khi theo dữ liệu từ của Refinitiv, dầu thô Urals của Nga được giao đến Tây Bắc châu Âu đang có giá vào khoảng 62-63 USD/thùng, còn ở Địa Trung Hải vào khoảng 67-68 USD/thùng. Thông tin này đã gần như dẹp bỏ mọi lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung dầu thô từ Nga.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 28/11/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 75,96 USD/thùng; trong khi giá dầu Brent giao tháng 1/2023 đứng ở mức 83,46 USD/thùng.
Áp lực giảm giá đối với dầu thô tiếp tục duy trì trong phiên sau đó, bất chấp việc giá dầu thô tăng mạnh vào cuối phiên 28/11 nhờ thông tin OPEC+ cắt giảm sản lượng, khi thị trường ghi nhận dấu hiệu nguồn cung được cải thiện.
Sau thời gian dài bị cấm vận, dầu thô Venezuela được kỳ vọng sớm trở lại thị trường khi Mỹ tuyên bố sẽ nới lỏng lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Venezuela sau khi Venezuela và phe đối lập đạt được thỏa thuận bảo trợ xã hội.
Theo đó, trong một thông cáo báo chí, Bộ Tài chính Mỹ sẽ cho phép Chevron nối lại một phần hoạt động với công ty dầu khí nhà nước Venezuela là Petroleos de Venezuela (PDVSA). Cả hai doanh nghiệp sẽ tiếp tục hoạt động chung dưới hình thức liên doanh. Tuy nhiên, Chevron phải đảm bảo rằng “PDVSA sẽ không có phần trích doanh thu từ hoạt động bán dầu do Chevron thực hiện”.
Chevron cũng đã xác nhận thông tin trên. Doanh nghiệp này cũng đã cam kết sẽ tôn trọng “khuôn khổ pháp lý được đặt ra”.
Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch ngày 30/11, khi kỳ vọng nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc phục hồi và Nga phát đi cảnh báo về tình trạng thiếu hụt nguồn cung nếu như dầu thô của nước này bị áp trần giá, giá dầu thô đã quay đầu tăng mạnh.
Theo dữ liệu từ Viện Dầu khí Mỹ (API), dự trữ dầu thô Mỹ trong tuần kết thúc ngày 25/11 đã giảm tới 7,85 triệu thùng sau đã giảm 4,2 triệu thùng trong tuần trước đó. Đáng chú ý, mức giảm này lớn hơn rất nhiều mức dự báo giảm 2,487 triệu thùng.
Cũng theo API, tồn kho xăng của Mỹ tăng 2,85 triệu thùng và dự trữ sản phẩm chưng cất tăng 4,01 triệu thùng.
Ngày 29/11, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak đã đưa cảnh báo việc áp trần giá dầu sẽ không chỉ kéo theo tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu mà còn dẫn tới dòng vốn đầu tư thị trường năng lượng bị gián đoạn.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 30/11/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 78,62 USD/thùng, tăng 0,42 USD/thùng trong phiên. Và nếu so với cùng thời điểm ngày 29/11, giá dầu WTI giao tháng 29/11 đã tăng tới 1,94 USD/thùng.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 84,80 USD/thùng, tăng 0,55 USD/thùng trong phiên và đã tăng tới 1,55 USD so với cùng thời điểm ngày 29/11.
Đà tăng giá của dầu thô tiếp tục gia tăng trong các phiên giao dịch sau đó khi đồng USD mất giá mạnh sau khi Fed phát đi thông điệp giảm tốc tăng lãi suất.
Tại Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, nhu cầu tiêu thụ được kỳ vọng phục hồi sau khi nước này nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch ở 2 thành phố Quảng Châu và Trùng Khánh.
Tại Mỹ, theo dữ liệu thống kê vừa được công bố, tăng trưởng kinh tế quý III/2022 đã đạt 2,9%, vượt xa con số dự báo 2,6%. Điều này đã dấy lên nhiều kỳ vọng về đà tăng trưởng, phục hồi của nền kinh tế số 1 thế giới, đặc biệt khi Fed cho sẽ bắt đầu giảm tốc tăng lãi suất.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 2/12/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 đứng ở mức 81,32 USD/thùng, tăng 0,10 USD/thùng trong phiên. Nhưng nếu so với cùng thời điểm ngày 1/12, giá dầu WTI giao tháng 1/2023 đã tăng 0,72 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 86,89 USD/thùng, tăng 0,01 USD/thùng trong phiên và đã tăng 0,4 USD so với cùng thời điểm ngày 1/12.
Nhưng trong phiên giao dịch cuối tuần, khi thông tin về việc Ba Lan và EU đạt thống nhất về mức áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga và lo ngại suy thoái kinh tế được dấy lên, giá dầu đã quay đầu giảm mạnh.
Cụ thể, ngày 2/12, Đại sứ Ba Lan tại EU Andrzej Sados cho biết nước này đã nhất trí với thoả thuận của khối về việc áp trần giá dầu đối với dầu thô Nga vận chuyện bằng đường biển ở mức 60 USD. Điều này đã mở đường cho phép EU hướng tới mục tiêu thông qua việc áp dụng mức giá trần với dầu thô Nga vào cuối tuần này.
Đại sứ Andrzej Sados cũng thông tin cơ chế của thoả thuận sẽ giữ mức giá trần thấp hơn ít nhất 5% so với giá thị trường.
Nhiều chuyên gia cũng do lo ngại các đợt tăng lãi suất sắp tới của Fed có thể khiến kinh tế Mỹ rơi vào trạng thái suy thoái, bất chấp các dữ liệu kinh tế tích cực được ghi nhận từ nền kinh tế số 1 thế giới. Dấu hiệu tiêu cực được ghi nhận là một loạt các công ty lớn của Mỹ đã sa thải người lao động thời gian qua, trong đó có những tên tuổi như AMC Networks, DoorDash, Amazon, Twitter…. Chỉ số sản xuất của Viện Quản lý cung ứng (ISM) tháng 11/2022 của Mỹ chỉ đạt 49%, thấp hơn 1,2 điểm phần trăm so với tháng 10 và là mức thấp nhất trong 2 năm.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 1/2023 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 80,34 USD/thùng, giảm 0,88 USD/thùng trong phiên; Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 2/2023 đứng ở mức 86,01 USD/thùng, giảm 0,87 USD/thùng trong phiên.
Tại thị trường trong nước, ngày 1/12, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu.
Theo đó, tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định tăng trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92 ở mức 300 đồng/lít; xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít; dầu diesel ở mức 700 đồng/lít; dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít; dầu mazut ở mức 500 đồng/kg. Đồng thời không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu.
Sau khi thực hiện trích lập và không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 21.679 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 22.704 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 23.562 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 13.953 đồng/kg.
Hà Lê