EU chia rẽ vì chính sách áp trần giá khí đốt
(PetroTimes) - Tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra vào 7/10, các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra đề xuất áp trần giá khí đốt nhập khẩu, nhằm hạn chế tình trạng giá tăng đột biến.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu |
Các quốc gia EU đang chia rẽ vì biện pháp này. Cụ thể, có 15 quốc gia thành viên EU - bao gồm Pháp, Bỉ, Ý và Tây Ban Nha đã tỏ lòng ủng hộ, trong khi những nước khác như Đức lại đang lưỡng lự. Trong quá trình đàm phán trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh tại Praha, 27 nước thành viên đã quyết định sẽ yêu cầu EC đưa ra “các đề xuất khả thi để giới hạn giá khí đốt”.
Theo bản dự thảo, đề xuất này là một phần của một loạt các biện pháp tạo thành “lộ trình cho những tháng tới”.
Hiện nay, nhằm đối phó với nguy cơ khủng hoảng xã hội và phá sản doanh nghiệp khi mùa đông đến gần, EU đang cố gắng khống chế tình trạng giá năng lượng bùng nổ bởi cuộc chiến Nga - Ukraine.
Vào hôm 30/9, các Bộ trưởng Năng lượng châu Âu đã thống nhất sử dụng một phần “siêu lợi nhuận” của các nhà sản xuất năng lượng để hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp. Tuy nhiên, Đức đang lưỡng lự trước chính sách giới hạn giá khí đốt toàn EU, vì lo ngại chính sách này sẽ đe dọa nguồn cung của châu Âu. Theo Đức, chính sách có thể sẽ ngăn cản “các đối tác đáng tin cậy” cung cấp khí đốt cho EU vì họ muốn tìm những điểm đến khác có lợi hơn.
Công bố tung gói viện trợ quốc gia khổng lồ trị giá 200 tỷ euro của Đức đã vấp phải sự chỉ trích từ một số nhà lãnh đạo. Theo đó, họ lo ngại sự cạnh tranh không lành mạnh và sự phân mảnh của thị trường chung châu Âu. Hơn nữa, không phải quốc gia nào cũng có thể chi ngân sách mạnh tay như Đức.
Ngọc Duyên