Trung Quốc hưởng lợi nhờ bán khí đốt tự nhiên sang châu Âu?
Trung Quốc được cho là đang được hưởng lợi khi nhập khí đốt tự nhiên của Nga với giá rẻ và cung cấp cho châu Âu với mức giá cao hơn.
Trung Quốc dư thừa LNG
Tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến một số công ty Trung Quốc dư thừa khí đốt tự nhiên (LNG) và họ đã xuất khẩu lượng khí đốt này sang châu Âu - nơi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng.
Tăng trưởng GDP của Trung Quốc (Ảnh: Trading Economics). |
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang gia tăng các nguồn cung năng lượng nội địa bằng các nhà máy điện than, khiến nhu cầu về khí đốt tự nhiên ở đất nước này giảm thêm.
Trong khi đó, châu Âu đang đứng trước một cuộc khủng hoảng năng lượng lớn sau khi Nga "khóa van" dòng khí đốt tự nhiên qua đường ống Nord Stream 1. Điều này đã khiến các nước châu Âu phải bước vào cuộc chạy đua để lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên của mình trước khi mùa đông khắc nghiệt tới.
Giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu đã tăng cao kỷ lục và cao hơn khoảng 200% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giá này cao hơn nhiều so với các thị trường lớn khác. Theo đánh giá của S&P, giá LNG đang được bán tại vùng Tây Bắc châu Âu với mức giá lên đến 47,3 USD/triệu BTU - tăng khoảng 65% so với trước khi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra.
Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, giá khí đốt giao sau trên sàn TTF đã tăng lên khoảng 6 lần. Giá năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao khiến nguy cơ bất ổn xã hội lan rộng trên khắp châu Âu. Điều này cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải tạm ngừng sản xuất.
Hưởng lợi nhờ bán sang châu Âu
Theo Bloomberg, Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu các lô hàng LNG từ Nga với giá rẻ. Nhà máy xuất khẩu LNG Sakhalin-2 ở phía Đông của Nga đã bán một số lô hàng cho Trung Quốc cho đến hết tháng 12 với mức giảm 50% so với giá giao ngay hiện tại.
(Nguồn: Bloomberg). |
Với nguồn cung LNG giá rẻ của Nga, các công ty tại Trung Quốc đang bán lại với mức giá cao. Cùng với lượng hàng hóa đã mua trước đó, doanh nghiệp tại Trung Quốc có thể thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc bán lại cho các nước khác. Và với mức giá giao dịch cao trên thị trường, Nga vẫn có thể tiếp tục thu được lợi nhuận từ việc bán hàng dù cho có bán với mức chiết khấu cao.
"Có vẻ như Trung Quốc được hưởng lợi rất lớn khi mua khí LNG của Nga với mức giá rẻ và bán lại trực tiếp cho châu Âu với mức giá cao hơn." - ông Saul Kavonic, nhà phân tích năng lượng của Credit Suisse, đã trả lời với Bloomberg.
Theo báo cáo phân tích từ S&P Global, trong tháng 8 lượng nhập khẩu LNG của Trung Quốc từ Nga đã đạt mức cao nhất khoảng 611.000 tấn - mức cao nhất trong 2 năm qua.
Trong khi đó, theo Nikkei, hơn 4 triệu tấn LNG của Trung Quốc có thể đã được bán lại cho châu Âu, chiếm khoảng 7% tổng lượng nhập khẩu của khu vực này trong nửa đầu năm nay. Ví như Sinopec - một tập đoàn năng lượng lớn tại Trung Quốc - đã bán 45 chuyến hàng khí đốt trên thị trường quốc tế.
Theo Dân trí