Châu Âu và Châu Á đối đầu trên thị trường khí đốt
(PetroTimes) - Theo truyền thông phương Tây, các quốc gia châu Âu tăng cường mua khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sẽ biến châu Âu thành đối thủ của châu Á trên thị trường khí đốt. Hậu quả của cuộc đối đầu này sẽ ra sao?
Đường ống dẫn khí Đông - Tây dẫn khí đốt của Nga tới Trung Á |
Cạnh tranh khốc liệt
Báo Wall Street Journal dự báo trong những tháng tới, châu Âu sẽ phải cạnh tranh với châu Á để mua LNG của Nga. Theo đó, khi mùa đông đến gần, tình hình ở các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ xấu đi, chất lượng cuộc sống sụt giảm. Như vậy, EU sẽ hạn chế hỗ trợ Ukraine.
Bài báo viết: “Giá hydrocarbon cao đang ảnh hưởng đến nền kinh tế châu Âu và tạo bất ổn trong cộng đồng. Mọi người sẽ bắt đầu cầm cái ví rỗng để đi bỏ phiếu bầu. Có thể nói, một mặt trận thứ hai đã xuất hiện trong chiến dịch đổ bộ vào Ukraine - chiến tranh năng lượng ở châu Âu”. Các tác giả tin rằng, cả việc vận chuyển LNG từ Nga cũng có thể bị gián đoạn. Bài báo phân tích: “Châu Âu sẽ lấy cớ Trung Quốc phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19 hoặc năm nay châu Á có mùa đông lạnh giá, để cạnh tranh nhập khẩu LNG, dẫn đến việc tăng giá”.
Trên thực tế, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu không bắt đầu từ năm 2022 mà còn sớm hơn nhiều. Nguyên nhân là do sản lượng hydrocarbon sụt giảm trong thời kỳ bùng nổ đại dịch Covid-19, theo đó là kinh tế suy giảm. Tuy nhiên, các quốc gia châu Á, cụ thể là Trung Quốc, đã vực dậy nền kinh tế nhanh chóng hơn dự đoán, dẫn đến việc hydrocarbon bị rơi vào tình trạng chênh lệch cung cầu cao, khiến giá bị đẩy cao trên toàn châu Á. Sau đó, châu Âu cũng đối mặt với vấn đề tương tự.
Hiện nay, châu Á đầu tư vào LNG nhiều hơn khí đốt dẫn ống. Tuy nhiên, nếu châu Âu cạnh tranh làm tăng cao giá mua, châu Á sẽ chuyển hướng sang mua khí dẫn ống. Như vậy, tình hình thiếu hụt năng lượng ở châu Âu sẽ càng thêm trầm trọng vì châu Âu cũng đang phụ thuộc vào khí dẫn ống.
Với giá mua 1.000 USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt, nhiều ngành công nghiệp châu Âu không còn tạo được lợi nhuận. Hiện giá mua LNG trên toàn châu Âu đã tăng lên mức 2.000 USD cho mỗi 1.000m3 khí. Như vậy, vị thế của châu Âu trên thị trường thế giới sẽ bị lung lay. Thị trường nội địa cũng sẽ phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng.
Xây dựng đường ống khí đốt từ Nga đến Trung Quốc |
Châu Á chắc chắn sẽ không nhượng bộ vì lợi ích của châu Âu. Ví dụ, Nhật Bản nhất quyết không để bị gạt khỏi Dự án dầu và LNG Sahkalin 2 vì nó đem lại lợi ích lớn cho đất nước. Hiện Chính phủ Nga đang tiếp quản dự án này. Dự báo châu Âu sẽ không thể tăng nhập khẩu LNG. Hiện châu Âu đã mua tất cả LNG có sẵn.
Kể cả khi châu Âu hoàn thành được mục tiêu bù đắp 80-90% năng lượng cần thiết từ nay cho đến ngày 1-11-2022, “lục địa già” cũng chưa chắc sẽ vượt qua được mùa đông. Hiện nay, lượng dầu khí nhập khẩu từ Nga rất ít. Châu Âu chỉ nhập được rất ít lượng khí đốt của Nga mỗi ngày. Điều này sẽ buộc chính quyền địa phương phải cắt một số cá thể tiêu dùng khỏi mạng lưới điện. Tất nhiên, các công ty công nghiệp sẽ là đối tượng đầu tiên bị cắt điện để duy trì hệ thống sưởi và cung cấp điện cho người dân. Sau đó, giá năng lượng sẽ ảnh hưởng đến năng lực bán hàng của các doanh nghiệp công nghiệp, vì giá sản phẩm phải bao gồm cả chi phí sản xuất. Như vậy, châu Âu cũng sẽ không thể cạnh tranh với các sản phẩm của Mỹ và châu Á. Hai khu vực này có giá mua hydrocarbon thấp hơn, do đó sản phẩm sẽ có giá thành thấp hơn.
Châu Á lo ngại an ninh năng lượng
Trước bối cảnh mùa đông cận kề, các nhà nhập khẩu khí đốt châu Á đang lo sợ giá sẽ tăng hơn nữa. Vì vậy, các quốc gia châu Á đang tìm cách bảo đảm nguồn cung, với nhiều quyết định thử nghiệm thị trường.
Ông Jeff Moore, Giám đốc LNG Analytics châu Á tại S&P Global Commodity Insights, cho biết: “Chúng tôi đã nghe nói về việc nhiều nhà nhập khẩu châu Á quyết định thử nghiệm thị trường trước mùa đông năm nay, trước bối cảnh giá sẽ ngày càng tăng cao, trong khi thị trường Đại Tây Dương càng lúc càng thu hẹp”.
Tàu chở LNG được kéo về một nhà máy nhiệt điện ở Futtsu, Nhật Bản |
Ngoài ra, theo ông, một số nhà nhập khẩu châu Á sẽ phải tìm nguồn khí đốt từ bên ngoài, dẫn đến việc tăng chi phí đáng kể.
Khi cạnh tranh LNG với các khách hàng châu Âu trở nên gay gắt, giá năng lượng sẽ tăng rất cao. Vì vậy, để chuẩn bị cho mùa đông, Hàn Quốc và Nhật Bản đang tranh nhau tìm thêm nguồn hàng bổ sung. Cả hai quốc gia đều muốn chuẩn bị cho một đợt rét có thể xảy ra. Còn Trung Quốc có vẻ khá bình tĩnh trên thị trường khí đốt châu Á. Trên thực tế, vào đầu năm 2022, Trung Quốc đã thực hiện nhiều thương vụ, giúp bảo đảm được nguồn cung cấp khí đốt toàn quốc.
Nhật Bản đang lo ngại tình trạng thiếu hụt năng lượng trong mùa đông này. Theo đó, Công ty năng lượng JERA cho biết đang tìm kiếm từ 10-20 chuyến hàng cho giai đoạn từ tháng 11-2022 đến tháng 3-2024. Nhật Bản cũng có kế hoạch vận hành 9 lò phản ứng hạt nhân để bù trừ 2% lượng LNG cần sử dụng.
Tại Hàn Quốc, Công ty Kogas đã mua được một vài lô hàng trong tháng này. Có khả năng Hàn Quốc cũng sẽ chuyển sang sử dụng năng lượng hạt nhân để bảo đảm an ninh năng lượng trong mùa đông.
Mặt khác, Ấn Độ đã phải phân bổ nguồn cung cấp LNG. Bangladesh và Pakistan thực hiện các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” do không đủ tài chính. Các quyết định này đều được triển khai nhằm mục đích giảm tiêu thụ năng lượng.
Tình hình đó làm nổi bật sự đa dạng các chiến lược của các quốc gia trước nguy cơ thiếu hụt năng lượng. Trên thực tế, việc thắt chặt nguồn cung LNG đang buộc các nhà nhập khẩu châu Á phải chuyển hướng sang các nguồn năng lượng khác.
Đó là lý do tại sao châu Âu đang giảm tiêu thụ khí đốt. Trên thực tế, các ngành công nghiệp châu Âu đang “chết” dần. Hiện vẫn chưa biết tình hình tiêu thụ năng lượng của châu Âu sẽ như thế nào vào mùa đông đang tới gần.
Với giá mua 1.000 USD cho mỗi 1.000m3 khí đốt, nhiều ngành công nghiệp châu Âu không còn tạo được lợi nhuận. Hiện giá mua LNG trên toàn châu Âu đã tăng lên mức 2.000 USD cho mỗi 1.000m3 khí. Như vậy, vị thế của châu Âu trên thị trường thế giới sẽ bị lung lay. Thị trường nội địa sẽ phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng. |
S.Phương