Ukraine cảnh báo thành viên NATO phản đối trừng phạt Nga
Ukraine cảnh báo "điều gì đó sẽ xảy ra" với đường ống cấp dầu từ Nga đến Hungary, khi Hungary đến nay vẫn kiên quyết phản đối cấm vận năng lượng Nga.
Hungary phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung dầu mỏ từ Nga (Ảnh minh họa: Getty). |
Hãng tin RT dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Lana Zerkal ngày 26/5 rằng, Ukraine có "đòn bẩy gây áp lực hiệu quả" đối với Hungary thông qua đường ống dẫn dầu Druzhba. Druzhba là đường ống dẫn dầu dài gần 1.500km từ Nga, chạy qua Ukraine đến Hungary - một quốc gia thành viên của NATO và EU.
Tại Diễn đàn An ninh Kiev trực tuyến, Bộ trưởng Zerkal chỉ trích chính sách của chính phủ Hungary khi tiếp tục ngăn chặn gói trừng phạt thứ 6 của EU nhằm vào Nga, trong đó có lệnh cấm vận năng lượng của Nga.
Bà Zerkal cáo buộc Hungary đang lợi dụng chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine làm công cụ để đạt được mục tiêu của mình, để "có thể yêu cầu mọi thứ" từ EU. Bà cảnh báo, "điều gì đó có thể xảy ra" với phần đường ống cấp dầu của Nga cho Hungary.
Hungary hiện chưa bình luận về cảnh báo này.
Giống như nhiều quốc gia châu Âu khác, Hungary phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Nước này khai thác 65% lượng dầu tiêu thụ thông qua đường ống Druzhba từ Nga.
Chính phủ Hungary đã cực lực phản đối ý tưởng cấm vận dầu mỏ Nga. Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã gửi một lá thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, trong đó nhấn mạnh một lệnh cấm vận dầu mỏ Nga sẽ gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho kinh tế Hungary. Ông ví lệnh trừng phạt đó sẽ giống như "thả bom hạt nhân" vào nền kinh tế. Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết, Budapest có thể cân nhắc cấm nhập khẩu dầu Nga qua đường biển, nhưng không cấm nhập khẩu qua các đường ống.
Bất chấp sự phản đối của Hungary, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck tin rằng, EU có thể đạt được đột phá trong những ngày tới về việc cấm vận dầu mỏ Nga. Ukraine đã liên tục kêu gọi các nước EU ngừng mua năng lượng Nga để gây sức ép lên chiến dịch quân sự của Moscow ở nước này. Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo, một lệnh cấm vận như vậy của châu Âu không khác nào "tự sát về kinh tế".
Trước những diễn biến căng thẳng này, Thủ tướng Orban hôm 24/5 đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Tình trạng khẩn cấp sẽ trao quyền cho chính phủ của ông Orban phê duyệt các biện pháp bằng sắc lệnh mà không cần sự giám sát của quốc hội.
Ông nói rằng, chiến sự Nga - Ukraine đang đặt ra "mối đe dọa thường xuyên đối với Hungary", "khiến an ninh của chúng ta gặp rủi ro đồng thời đe dọa an ninh năng lượng và tài chính của nền kinh tế và gia đình của chúng ta". Nhà lãnh đạo Hungary nhấn mạnh: "Để bảo vệ các lợi ích an ninh quốc gia của Hungary, để đảm bảo chúng ta không xảy ra chiến sự và bảo vệ các gia đình Hungary, chính phủ cần có khả năng điều động và khả năng hành động ngay lập tức".
Theo Dân trí