Quốc gia EU thừa nhận các lệnh trừng phạt chống Nga "thất bại"
Hungary, quốc gia thành viên EU, cho rằng các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine đã "thất bại trong thực tế".
Thủ tướng Hungary Viktor Orban (Ảnh: EPA). |
Sputnik ngày 16/5 đưa tin, Thủ tướng Hungary Viktor Orban thừa nhận rằng, các lệnh trừng phạt chống lại Nga của phương Tây "trông có vẻ hiệu quả trên giấy, nhưng lại thất bại trong thực tế".
"Châu Âu tin rằng các biện pháp trừng phạt khác nhau có thể khiến Nga phải gục ngã. Điều này có thể xảy ra trên giấy và nhiều chính trị gia đã đưa ra một số bằng chứng mang tính lý thuyết, nhưng trên thực tế các lệnh trừng phạt đã thất bại", ông Orban nói.
Phát biểu của ông Orban được đưa ra trong bối cảnh Ngoại trưởng Lithuania Gabrielius Landsbergis cáo buộc Hungary "giữ EU làm con tin" vì Budapest chưa đồng thuận với các thành viên trong EU về lệnh trừng phạt của liên minh với dầu mỏ của Nga.
Quan điểm bất đồng của Hungary đã dẫn tới việc EU chưa thể tìm được tiếng nói chung trong biện pháp trừng phạt để chống lại Nga vì chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine hơn 2 tháng qua.
Nhà ngoại giao hàng đầu của EU, Josep Borrell, cho biết không có gì đảm bảo rằng vấn đề liên quan tới lệnh trừng phạt dầu của Nga sẽ được giải quyết tại cuộc họp của các ngoại trưởng EU. "Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết tình huống này", ông Borrell cho biết.
EU cần tất cả 27 quốc gia thành viên đồng ý với đề xuất cấm vận để có thể tiếp tục quy trình.
EU đã không thể tìm được tiếng nói chung liên quan tới việc cấm vận năng lượng Nga trong suốt thời gian qua, do một số quốc gia phụ thuộc mạnh mẽ vào nguồn cung từ Nga. Thủ tướng Orban từng so sánh việc cấm dầu của Nga sẽ như một "quả bom hạt nhân" đánh mạnh vào nền kinh tế Hungary.
Hungary cho biết họ cần 5 năm và ngân sách lớn để chuyển đổi nhà máy lọc dầu Százhalombatta gần Budapest, nơi chỉ có thể sử dụng dầu của Nga. Trước đó, Hungary đã được đề xuất lộ trình tới năm 2024 để loại bỏ hoàn toàn nhập khẩu dầu mỏ từ Moscow.
Vào cùng ngày, Ủy ban châu Âu (EC) thừa nhận, EU sẽ đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế nếu nguồn cung khí đốt Nga bị cắt hoàn toàn.
Tuần trước, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã công bố đề xuất của cơ quan này về gói trừng phạt thứ 6 nhằm vào Nga, trong đó có đề xuất cấm nhập khẩu hoàn toàn dầu mỏ Nga trong vòng 6 tháng. Kế hoạch này cho phép các thành viên gồm Hungary, Cộng hòa Séc và Slovakia tiếp tục mua dầu của Nga đến giữa hoặc cuối năm 2024.
Hungary không phải là quốc gia duy nhất phản đối các lệnh trừng phạt nhằm vào ngành năng lượng Nga. Hiện Slovakia, Áo, Romania và Séc là những nước đang phải phụ thuộc nhiều vào năng lượng của Nga cũng chưa sẵn sàng từ bỏ nhập khẩu dầu mỏ Nga. Các nước này đề nghị lùi thời gian áp dụng chung cho EU từ 2-3 năm.
Về phần mình, bà Leyen thừa nhận không dễ dàng có được sự đồng thuận của tất cả các thành viên trong khối về lệnh trừng phạt dầu mỏ Nga do nhiều nước vẫn phụ thuộc lớn vào nguồn cung năng lượng từ đây. Tuy vậy, bà vẫn tin tưởng EU sẽ đạt được thỏa thuận.
Theo Dân trí